Mùa Xuân về miền Trung hát hội bài chòi

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Được tổ chức vào mùa xuân, trong dịp tết Nguyên Đán, khác với những lễ hội mang tính chất cúng tế như hội làng, hội tộc, v.v… hội bài chòi mùa xuân chủ yếu nhằm mục đích vui chơi, giải trí. Đây là dịp để người dân quê cởi bỏ những nhọc nhằn sau một năm trời lam lũ làm ăn. Quan niệm “mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy” vẫn còn chi phối người dân trong ba ngày Tết. Bởi vậy, hội bài chòi thường được khai mạc vào sáng mùng hai.


Công việc chuẩn bị cho hội bắt đầu rộn ràng từ những ngày cuối năm. Sau khi họp bàn phân công “nhân sự”, người ta bắt tay ngay vào việc làm chòi. Chòi được làm bằng tre, lợp lá, gồm mười “chòi con” và một chòi to, cao gấp đôi gọi là “chòi làng”. Người ta còn chuẩn bị một số cờ nhỏ, tua hoa và 9 cây cờ đỏ. Bộ “bài trùng” 60 cây được dán lên 60 thẻ tre. Mỗi quân bài có những tên gọi khác nhau, kèm theo các từ chỉ thứ tự (nhì bí, ba gà, tứ gióng, năm rún, bảy liễu…).

Khi chơi, bộ bài được chia làm đôi. Chòi làng 30 cây, chòi con mỗi chòi 3 cây. Từ trên chòi làng, sau khi xáo bài, người hô bài rút một cây và hô lớn: “Hai bên hội chòi lẳng lặng mà nghe…” để thu hút sự chú ý của mọi người. Chòi nào có quân bài trùng với quân bài của chòi làng thì la lớn, người chạy cờ sẽ mang đến một cây cờ hoa và thu lại cây bài tới. Cứ tiếp tục như thế với những quân bài còn lại. Nếu chòi nào được 3 cây cờ hoa thì reo hò thật to để người chạy cờ mang đến một cây cờ đỏ và thư ký đem tiền thưởng đến tận tay “chủ chòi” may mắn. Mỗi lần có người được cờ, người xem vỗ tay hoan hô ầm ĩ, trống giục liên hồi, không khí thực sự vui như hội…

Hội bài chòi mùa xuân khép lại khi bóng chiều đã xế. Người ta không phá ngay những cái chòi ấy mà vẫn để qua mấy ngày xuân. Có thể nói, hội bài chòi hấp dẫn hay không là nhờ tài “ăn nói” của người hô bài chòi. Hầu hết, mỗi quân bài đều được hô với những cách riêng, vừa vui vừa có ý nghĩa sâu sắc. Những câu vần vè ấy cũng được xem là bộ phận văn học dân gian của vùng Nam Trung bộ. Lời hô vừa kéo dài sự hồi hộp, vừa gây hứng thú cho người chơi, có khi là lời nhắn gửi tâm tình đến tất cả mọi người. Chẳng hạn, dựa vào đặc điểm của quân bài, người ta có thể hô con “nhì bí” như sau:
Ngồi buồn xắt bí nấu canh
Chạy ra lấy củi thấy anh trèo giàn.
Hoặc hô cho con “ba gà”:
Chiều chiều én liệng diều bay
Giật mình cái đụi chạy ngay vô rào.

Có khi, lời hô nhằm vào những thói hư, tật xấu của người đời. Đây là chân dung của một cô gái lười biếng, luộm thuộm:
Làm thân con gái chẳng lo
Ngủ trưa đúng buổi dậy đo mặt trời
Quần áo thì rách tả tơi
Lấy rơm mà túm mỗi nơi một đùm
(Hô là con “ngủ trưa”)

Còn đây là lời ngờ vực đối với những kẻ thiếu đứng đắn:
Đi đâu mà chẳng thấy về
Hay là ăn cận, nằm kề với ai
(Con “chín gối”)

Đối với những gia đình không đoàn kết, thuận hòa, lời hô cho con “bánh ba” là tiếng cười chê, trách móc;
Cũng vì hai ướt, một khô
(Cho nên) nhà tan cửa nát, làng chê xóm cười.

Cũng có khi, đó là lời mỉa mai nhẹ nhàng nhưng sâu sắc:
Đầu quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi quăn hỡi còn quăn
(Con “tam quăng”)

Với những “cậu ấm” lười học, ham chơi thì bài chòi có lời trách nhẹ nhàng, cũng là lời nhắc nhở:
Đi đâu mang sách đi hoài
Cử nhân không thấy, tú tài cũng không
(Con “nhứt trò”)

Không ít những lời hô thể hiện sự xót xa khi phải chịu cảnh phân ly ngang trái của những người trong cuộc:
Biết rằng ai có mong ai
Sao trời lại nỡ rẽ hai thế này
Có (sao) Hôm mà chẳng có (sao) Mai
Hai đàng hai đứt, tình phai hoa tàn.
(Con “bánh hai”)

Hay lời than thở, oán trách:
Ai làm cho cá bống đi tu
Cá thu nó khóc, cá lóc nó rầu
Lệ rơi hột hột, cơ cầu lắm bớ em
(Hô là con “sáu hột”)…

Tóm lại, đằng sau những tiếng cười vui của lời hô là những vấn đề về tình cảm, về đạo đức, nhân sinh sâu sắc mà mỗi người đến với hội bài chòi cần phải suy nghĩ. Bởi vậy, ý nghĩa xã hội của bài chòi rất lớn.

Hình thức làm chòi cũng có ý nghĩa riêng của nó. Hiếm có trò chơi dân gian nào lại công phu đến thế. Người ta phải làm 11 cái chòi và lợp nó phải bằng thứ lá vừa dày, vừa xanh, vừa lâu héo (thường là lá đùng đình). Đó là khát vọng tạo lập và tươi xanh vĩnh cửu. Vì vậy, sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa nếu thay bài chòi bằng “bài ghế” (như một số địa phương vẫn làm).

Việc trao giải cũng thật hay. Giải thưởng vừa là tiền vừa là những cây cờ chiến thắng. Tìm đến hội bài chòi, người ta mong nhận được sự may mắn cho năm mới hơn là vì tiền bạc. “Cờ đến tay ai người nấy phất”, câu nói thật có ý nghĩa đối với người dân khi chơi bài chòi. Bởi vậy, để thử vận “đỏ” hay “đen” cho cả năm, trước hết, người ta chơi bài chòi…

Thời đại văn minh mang về cho con người nhiều trò chơi hiện đại, hấp dẫn. Nhưng nếu chỉ việc ngồi bấm nút điện tử, đến một lúc nào đó, con người cũng trở thành những cái máy. Làm sao có thể tìm thấy cái tình người chân chất, mộc mạc đáng quí trọng và những bài học về đạo đức nhân sinh sâu sắc trong những trò chơi như thế? Phát huy cái mới, cái hiện đại, thiết nghĩ cũng cần duy trì những trò chơi dân gian như hội bài chòi, để sau những lúc căng thẳng, con người được trở về hòa mình với niềm vui chung của cộng đồng, được thanh thản trong tình làng nghĩa xóm.

Tuy nhiên, nếu có một cơ cấu mới về tổ chức, kết hợp được cái “xưa” ấy trong cái “nay” (hệ thống máy móc, âm thanh hiện đại…) thì hội bài chòi chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn, thú vị hơn.

Tuệ Sương Trần Mai Nhân
[Tập san Pháp Luân - số 71, tr16, 2009]