Lời cầu chúc của Xá-lợi-phất

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Xuân lại về trên khắp đất trời quê hương, sắc xuân vẫn một màu thủy chung, mai vàng miền Nam, hoa đào xứ Bắc, đỏ thắm ngoài sân, rực rỡ trong nhà…


DẪN NHẬP

Tuy nhiên, lòng người đón xuân trước vẻ đẹp diễm tuyệt của thiên nhiên thật không giống nhau, cái đẹp có lúc làm rung cảm với người đang vui, nhưng lại gợi lên nỗi niềm sâu kín của người đang buồn. Đến thăm bạn, tôi sẽ chúc gì đây với một năm cũ mà bạn vừa trải qua quá nhiều dông bão, và những giọt mưa đau đớn mùa đông còn đọng trong lòng bạn. Chúc bạn “an khang thịnh vượng”, “vạn sự như ý”, v.v... Không! Tôi không chúc những câu sáo ngữ đó làm gì, tôi sẽ ngồi thật lâu với bạn. Tôi muốn cùng bạn vượt qua khó khăn, hiểu được bạn là lời chúc phúc đầu năm của tôi.

“Lời cầu chúc của Xá-lợi-phất” là câu chuyện chúng tôi muốn giới thiệu đến quí độc giả trong số xuân kỳ này. Nguyên văn là chuyện “Trưởng giả thỉnh Xá-lợi-phất và Ma-ha-la” (Trưởng giả thỉnh Xá-lợi-phất, Ma-ha-la duyên 長者請舍利弗摩訶羅緣) trong kinh Tạp bảo tạng quyển 6, trang 479c04, Tạng Đại chánh 4, số 203 (Cát-ca-dạ và Đàm-diệu dịch).

TOÁT YẾU NỘI DUNG CHUYỆN

Ngày xưa, ở thành Xá-vệ có một vị trưởng giả giàu có, tiền tài châu báu vô lượng. Ông thường thứ tự thỉnh các vị sa-môn đến nhà cúng dường.

Buổi sáng nọ, tới phiên tôn giả Xá-lợi-phất và Ma-ha-la được thỉnh đến nhà trưởng giả. Trong ngày hôm ấy, vị trưởng giả gặp được nhiều niềm vui đến cùng một lúc, là được hai vị tôn giả quang lâm, ông trưởng giả ra biển thu mua được nhiều châu báu trở về bình an, nhà vua phong tặng thôn ấp, vợ sinh hạ con trai...

Sau khi thọ dùng thức ăn xong, tôn giả Xá-lợi-phất chú nguyện cho ông: “Hôm nay, giờ tốt được quả báo tốt. Tài lợi, việc vui cùng đến, lòng hớn hở vui mừng, tín tâm tăng trưởng nhớ nghĩ thập lực. Về sau cũng giống như ngày hôm nay.”

Xá-lợi-phất chú nguyện xong, vị trưởng giả vui mừng liền lấy hai tấm lụa tốt cúng dường cho tôn giả, còn Ma-ha-la thì ông không cúng gì cả. Ma-ha-la trở về chùa, lòng buồn bã, nghĩ rằng: “Hôm nay, tôn giả Xá-lợi-phất được như vậy là nhờ lời chú nguyện thích hợp với ý của trưởng giả, nên mới được cúng dường như vậy. Ta phải xin học lời chú nguyện ấy.” Ma-ha-la theo nài nỉ Xá-lợi-phất dạy cho mình lời chú nguyện:

Xá-lợi-phất nói:
- Lời chú nguyện đó không phải lúc nào cũng dùng, có lúc dùng có lúc không dùng.
Nhưng Ma-ha-la ân cầu cầu thỉnh. Tôn giả Xá-lợi-phất miễn cưỡng dạy cho Ma-ha-la. Ma-ha-la học thuộc lòng và suy nghĩ: “Lúc nào đến phiên ta được làm thượng tọa, ta sẽ dùng chú này.” Một thời gian sau, ông được mời đến nhà trưởng giả ngồi ghế thượng tọa. Nhưng ngày ấy, vị trưởng giả vào biển mua bán thất bại, vợ bị quan bắt, con trai thì chết, mà Ma-ha-la cứ chú nguyện như Xá-lợi-phất dạy, cho đến câu “… về sau cũng như vậy”.
Vị trưởng giả nghe nói thế hết sức phẫn nộ, liền đánh Ma-ha-la và kéo Ma-ha-la ra khỏi cửa. Ma-ha-la bị đánh, đau buồn đi về, lại đi vào ruộng mè của vua, đạp nát những cây mè non, người giữ mè tức giận lấy roi đánh, Ma-ha-la la lớn hỏi:
- Tôi có lỗi gì mà đánh tôi dữ vậy?
Người giữ mè giải thích rồi chỉ đường cho Ma-ha-la đi. Đi chưa mấy dặm, gặp người ta cắt lúa mạch chất thành đống. Theo phong tục thời đó, nếu ai đi vòng bên phải đống lúa thì được mời ăn uống, vì cầu cho họ giàu có thịnh vượng. Còn nếu ai đi về phía bên trái là điều không lành. Ma-ha-la đi quanh phía bên trái đống lúa, người chủ tức giận lấy gậy phang. Ma-ha-la hỏi:
- Tôi có tội gì mà ông lấy gậy đánh tôi?

Người chủ nói:
- Ông đi quanh đống lúa, sao không đi phía phải để chú nguyện cho tôi được nhiều của cải, mà làm ngược lại nên tôi đánh.
Người chủ lúa lại chỉ đường cho ông đi. Trên đường đi, gặp người ta đang chôn cất, ông đi quanh mộ huyệt như đi quanh đống lúa, lại chú nguyện: “Tăng thêm! Tăng thêm”. Tang chủ nghe thế, giận quá bắt lại đánh đập, nói:
- Ngươi thấy người chết sao không xót thương? Phải cầu nguyện từ nay về sau đừng xảy ra như vậy, chứ tại sao nói “Tăng thêm! Tăng thêm.”

Ma-ha-la nói:
- Được, từ nay tôi sẽ nói như ông.

Rồi đi tiếp, thấy đám cưới, nghe lời người tống táng dạy, ông nói:
- Từ nay về sau đừng có như vậy nữa!
Người chủ đám cưới tức giận, lấy cây đánh cho đến vỡ đầu. Ông bị đánh hoảng sợ chạy như điên, lao đầu nhằm vào lưới của người bắt chim ưng, làm mấy con chim kinh sợ bay tán loạn. Người thợ săn tức giận, bắt lại đánh. Ma-ha-la trình bày:
- Từ lúc tôi ra đường đến giờ, luôn bị đánh, tinh thần hoảng loạn mới chạy tung vào lưới của ông. Xin ông khoan dung thả tôi ra.

Người thợ săn nói:
- Vì ông quá thô tháo, nóng nảy mới như vậy. Sao không thong thả bò dưới đất mà đi?!
Nghe lời người thợ săn, ông cứ bò mà đi, đến giữ đường gặp người thợ nhuộm, thấy Ma-ha-la đi bằng khuỷu tay, cho rằng muốn trộm y, liền rượt bắt, lấy gậy đánh. Ma-ha-la nguy khốn chạy về tinh xá Kỳ-hoàn, kể lại cho các Tỳ-kheo nghe; các Tỳ-kheo mới dẫn Ma-ha-la đến Phật, bạch lại đầy đủ nguyên do. Đức Phật bảo:
- Ma-ha-la này không phải chỉ có ngày hôm nay mới có chuyện như vậy. Vào thời quá khứ, có một nữ quốc vương bị bệnh nặng, quan Thái sử chiêm quẻ, bảo phải đến khu mộ địa để giải trừ tật bệnh. Nữ quốc vương dẫn theo tùy tùng vào khu mộ địa. Khi ấy có hai khách buôn, thấy nữ quốc vương có tùy tùng trang bị đầy đủ theo hầu, hai người hoảng sợ chạy vô mộ địa. Một người bị quân lính bắt, cắt tai cắt mũi; còn người kia thì quá sợ giả làm thây người chết. Nữ quốc vương chuẩn bị nghi thức giải trừ tật bệnh, chọn người mới chết, da thịt chưa thối rữa ngồi lên trên để tắm. Cô lấy bột cải xoa vào thân rồi ngồi lên trên tử thi tắm. Vì bột cải có mùi cay, khiến ông ta hắt hơi một cái thật lớn. Nữ quốc vương liền bắt khách buôn dẫn về thành, phụ thân của cô ta nói: “Thân thể người nữ không thể phơi bày hai lần.” Ông gả con gái cho khách buôn. Người khách buôn hạnh phúc vô cùng.

Phật dạy:
- Người khách buôn lấy nữ quốc vương lúc đó chính là Xá-lợi-phất. Còn người bị cắt tai, cắt mũi chính là Ma-ha-la. Chuyện ngày xưa đã vậy nên chuyện ngày nay cũng thế. Từ nay về sau, nếu các Tỳ-kheo muốn thuyết pháp chú nguyện phải biết thời nghi, và tu tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Khi buồn hay vui phải biết đúng thời, không nên nói không hợp căn cơ, không đúng thời điểm.

LỜI KẾT

Trong các tác phẩm kinh điển Đại thừa, mỗi tác phẩm đều có một nét riêng về giá trị tư tưởng của nó. Đặc biệt là những nhân vật xuất hiện trong kinh, họ thủ vai diễn xuất qua thâm ý của người chép kinh muốn đề cao giáo nghĩa của đức Thích Tôn, hay để người đọc phản biện lại dưới một nhãn quang khác.

Đọc suốt văn chuyện trên, chúng thấy vị tôn giả Ma-ha-la thật ngớ ngẩn, và khờ khạo. Trong luật Tăng-kỳ 3 (T22n1425), Thập tụng 26 (T23n1435), Căn bản 8 (T23n1442), v.v… cũng nói vị Tỳ-kheo này hay phạm sai lầm, và luôn bị Phật khiển trách. Nhưng ở đây, người biên chép kinh chỉ mượn hình ảnh vị tôn giả khờ khạo kia để nói lên phương thức hoằng pháp, truyền giáo với một thời điểm mà xã hội, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa thay đổi, hoặc dị biệt ở đất nước Ấn Độ, hay địa vức khác, sao cho thích hợp; Phật giáo gọi đó là tinh thần khế lý, khế cơ.

Khế lý là phù hợp với lời Phật dạy, khế cơ là phù hợp với căn cơ trình độ và tâm lý của người mình muốn giúp đỡ. Cuối câu chuyện đã nói lên điều đó “nếu các Tỳ-kheo muốn thuyết pháp chú nguyện phải biết thời nghi… Khi buồn hay vui phải biết đúng thời, không nên nói không hợp căn cơ, không đúng thời điểm”.

Phật pháp là bất định pháp, nghĩa là đến địa phương nào hóa độ phải tùy duyên, tùy cảnh, làm sao phù hợp với phong tục ở quốc thổ đó, miễn sao không chống trái với giáo lý là được. Trong luật Ngũ phần 22, Tạng Đại chánh 22, số 1421, trang 153a14, đức Phật cũng dạy rõ về vấn đề này: “Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo: Tuy là điều chính Ta chế cấm, mà nơi khác không cho đó là thanh tịnh, đều không nên dùng. Và tuy chẳng phải là điều chính Ta chế cấm, mà nơi khác thấy cần nên làm, thì không thể không làm.” (復告諸比丘.雖是我所制.而於餘方不以為清淨者.皆不應用.雖非我所制.而於餘方必應行者.皆不得不行). Cho nên tôn giả Ma-ha-la luôn bị người ta đánh là vì làm ngược lại với tinh thần trên. Rồi Ma-ha-la nghe ai bày gì cứ làm nấy, rước họa vào thân. Ở điểm này, tùy theo kiến giải của người đọc, có thể hiểu: Nếu người hoằng pháp không biết linh động theo phong tục tập quán ở nơi đó thì khó hòa nhập, khó tồn tại. Hoặc là người hành sai pháp Phật dễ gây hại cho mình như kinh A-lê-tra, trong Trung A-hàm 54 (tương đương Trung bộ kinh 22, Alagaddūpamasuttaṃ [kinh Xà dụ]), Tạng Đại chánh 01, số 26, trang 764a18 nói:

“Cũng như có người muốn bắt rắn… đi vào rừng hoang. Thấy con rắn lớn… dùng tay nắm lấy lưng con rắn, con rắn quay đầu lại mổ vào tay, chân… Nó làm công việc bắt rắn nhưng không đạt được mục đích, chỉ chuốc lấy cực khổ… Cũng vậy, có thể người ngu si ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn, nghĩa… chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc.

Cũng như có người muốn bắt rắn, người ấy tay cầm gậy sắt, đi trong rừng hoang, thấy con rắn lớn, người ấy liền lấy gậy sắt đè lên đầu con rắn, rồi lấy tay nắm đầu nó. Con rắn kia tuy ngoặt đuôi lại, hoặc quấn tay chân, hoặc các chi thể khác, nhưng không thể mổ được. Cũng vậy, hoặc có thiện gia nam tử ghi nhớ và hiểu biết nghĩa, văn không điên đảo… Người ấy không vì tranh luận mà biết nghĩa này, vì giải thoát mà biết nghĩa này… nên không chuốc lấy cực khổ luống công, không tự gây phiền nhọc.”

Nhìn lại đất nước Ấn Độ xa xưa, Phật giáo đã hưng thịnh suốt một chiều dài lịch sử 1500 năm, điều đó cho ta thấy có một phần đóng góp của những vị Thánh đệ tử đi truyền giáo biết khế lý, khế cơ. Mãi đến thế kỷ thứ XI, Phật giáo Ấn Độ bắt đầu suy vi, khi ấy đạo Phật đã lan truyền sang các nước khác và ở mỗi nước Phật giáo phát triển theo chiều hướng riêng, cũng chính là nhờ vào sự hoằng pháp thích hợp với tinh thần trên.

Trong thời mạt pháp hiện nay, truyền thống văn hóa đa dạng, lòng người mê mờ chưa sẵn sàng chánh thọ; những vị sứ giả Như Lai với hạnh nguyện hoằng pháp rất khó, như người ôm đá bơi qua sông, chưa hẳn chỉ biết linh động là đủ mà còn phải tu tập lục hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, mới có khả năng gánh vác trách nhiệm lớn lao kia.

ĐÍNH CHÍNH
Thưa quí Độc giả! Trong mục Giới thiệu kinh “Đại phương quảng thập luân”, số Pháp luân 66 trước, chúng tôi vi tính sai chính tả 2 chỗ, xin quí Độc giả hoan hỷ đính chính lại giúp:
1. Phần Toát yếu nội dung kinh, trang 34, “10. Phẩm Giáo lượng bố thí công đức duyên” – đính chính “Phẩm Giảo lượng…”.
1. Phần Lời kết, trang 37, câu “cỡi con linh thú Đế thích” – đính chính “… Đế thính”.
Thành thật cáo lỗi cùng quí độc giả.

Chú Thích:
1. Thập lực 十力: Skt. daśa balāni, chỉ cho mười trí lực của Như Lai.
2. Thái sử 太史: vị quan chuyên biên chép sách sử, quản lí điển tịch quốc gia và xem thiên văn lịch pháp…

Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 71, tr28, 2009]