Tôi phải xin thưa ngay một cách rất nghiêm túc là tựa đề bài viết không hề dám có ý đùa cợt khi nói về Bi Trí Dũng mà lại có liên quan gì đến con gà.
Thưa, gợi ý này là từ một vị giảng sư, trước khi thầy nói vào đề tài chính của bài giảng. Thầy gợi ý rằng khi gà mẹ nằm ấp nhiều ngày thì tình thương con đã nẩy nở dù khi đó vẫn mới chỉ là những cái trứng. Vì tình thương đã sẵn nên khi trứng nở ra gà con thì gà mẹ ôm lấy ngay, nhận ra ngay sự gắn bó với đàn con. Tình thương đó là Bi.
Sau đó, gà mẹ không hề rời đàn con. Nó rất thực tế, lập tức dẫn đàn con đi quan sát, đào bới những nơi đất mềm, ẩm thấp để tìm lương thực là giun, trùng, sâu bọ… Đó là nó đang dùng Trí mà dạy con và nuôi con.
Khi cảm thấy có gì hiểm nguy, gà mẹ không hề ngần ngại hay chậm trễ mà ngay tức khắc, dũng cảm xông tới đối tượng, giương cựa, xòe cánh, bảo vệ đàn con. Đó là Dũng.
Một con gà phát triển tự nhiên đều hội đủ ba điểm son Bi Trí Dũng như thế.
Ngay buổi giảng hôm đó, tôi biết mình đã không chú tâm hoàn toàn vào đề tài chính mà lại để tâm vướng mắc vào “dăm phút nói chuyện vui” mở đầu của thầy!
Tôi tự biện minh rằng, khai triển dăm phút này cũng là một bài học quan trọng lắm chứ! Ít nhất là quan trọng đối với tôi khi tôi tự vấn rằng nếu người không có đủ Bi Trí Dũng, e rằng người đã thua… con gà!
Tự vấn như thế, tôi có câu trả lời ngay cho mình. Tôi đã thua con gà. Vâng, tôi đã thua con gà. Tôi rất thành thật mà nhận như thế. Chỉ kiểm điểm đơn giản thôi, tôi đã thấy thế này:
Ăn chay giúp tôi giữ được tâm Bi vì không còn sát hại sinh vật để chiên xào nấu nướng, nhưng trong đời sống hàng ngày tôi vẫn vô tình dẫm đạp kiến, vô tình giết trùng khi trồng cây, nhổ cỏ, vẫn vô tình đánh muỗi khi bị đốt … Những sự vô tình này, nếu thực có tâm Bi, tôi có thể tránh được bằng cách cẩn trọng hơn. Giúp người hoạn nạn tôi cũng thường giúp nhưng dường như tôi chỉ giúp trong khả năng. Giúp như thế còn dễ dàng quá, nhẹ nhàng quá, chưa thể đủ là tâm Bi. Nhớ chuyện tiền thân, Đức Phật từng xả thân nuôi cọp đói, chư Bồ-Tát nguyện vào chốn nguy nan cứu người.
Về Trí, được làm con Như Lai, khoác áo Như Lai thì phải đi trên đường Như Lai. Muốn vững bước trên đường Như Lai thì phải vận dụng trí tuệ luôn học hỏi để quán triệt giáo pháp mới có thể ứng dụng vào căn cơ của mình. Tôi thú nhận vẫn còn nhiều lười biếng. Sự lười biếng này sẽ tác hại gấp bội nếu được hổ trợ thêm lòng tham lam. Tham đây không phải tham những thứ đời thường mà tham biết nhiều thứ cùng lúc. Như đang học Kinh Thắng Man, loay hoay mãi phần Như-Lai-Tạng, đối với tôi, không dễ thông qua, bèn “giải đãi nghỉ mệt” bằng cách mở cuốn Kinh Bốn Mươi Hai Chương, đã được diễn giải để mong đỡ phải vận dụng suy nghĩ. Nhưng mới mấy trang đầu đã gặp ngay đoạn:
“Xuất gia Sa-môn giả, đoạn dục khử ái, thức tự tâm nguyện. Đạt Phật thâm lý, ngộ vô vi pháp. Nội vô sở đắc, ngoại vô sở cầu. Tâm bất hệ đạo, diệc bất kiết nghiệp. Vô niệm vô tác, phi tu phi chứng. Bất lịch chư vị, nhi sự sùng tối. Danh chi vi đạo.”
Lời Phật dạy tỏ như ánh sáng mặt trời, mặt trăng nhưng cũng cứng rắn như ngọn roi của người nài, buộc lừa, ngựa phải ráng bước và bước cho đúng đường. Người đã tự nguyện cắt bỏ ái dục mà xuất gia làm sa-môn, phải biết được nguồn tâm của mình, phải thận trọng học hỏi kỹ càng mới đạt được nghĩa ý thâm sâu của pháp. Muốn thế, phải học bằng tâm khoáng đãng, trong không sở đắc, ngoài không mong cầu, không ràng buộc tâm vào đạo mà phải làm sao để đạo thấm vào tâm khiến không tạo nghiệp. Không cầu quả vị mà vẫn tự chứng nghiệm qua sự nhiệt tâm học hỏi. Đó gọi là đạo.
Đọc qua lời này và hiểu đơn giản như thế, tôi vội vàng gấp cuốn Kinh Bốn Mươi Hai Chương, trở lại Kinh Thắng Man, phần Như-Lai-Tạng để bình tĩnh đọc từng chữ, từng dòng chưa hiểu, ghi xuống, tra cứu và vỡ lẽ ra đoạn Thắng Man phu nhân bạch Phật:
“ … Như Lai Tạng với tự tánh thanh tịnh này, tuy bị ô nhiễm bởi phiền não khách trần và phiền não hiện khởi, nhưng vẫn là cảnh giới bất tư nghị của Như Lai. Vì sao? Thiện tâm sát-na không phải là bị ô nhiễm bởi phiền não. Bất thiện tâm sát-na cũng không phải là bị ô nhiễm bởi phiền não. Phiền não không xúc tâm; tâm không xúc phiền não, vậy đâu có thể pháp không xúc mà có thể nhiễm ô tâm được…” (*)
Đó, tôi thường có những lúc vô trí, để sự giải đãi và tham lam chi phối, khiến nhiều lúc sự học tập cứ dở dang này tiếp nối dở dang kia!
Về tâm Dũng thì tôi thường được dạy rằng, là người xuất gia, phải cang cường giữ giới luật, hành trì đúng pháp, đạt hạnh vô úy để nói ngay, nói thật những khi cần nói ngay, nói thật, mang lại an vui hạnh phúc lợi người, dù điều đó có tổn thương mình. Tâm Dũng cũng còn nhắc nhở người xuất gia phải thắng mọi cám dỗ của dục lạc vô thường thế gian.
Nhìn lại mình, tôi xin tự nhận là tôi chưa đủ Dũng. Thắng những cám dỗ thế gian, đối với tôi đã dễ, nhưng giữ giới luật và hành trì đúng pháp thì đôi khi vẫn phạm, vì lơ là, vì vô ý mới sanh ra thiếu nghiêm túc; trong khi nói ngay nói thật thì nhiều lúc lại “Ngay qúa! Thật qúa!” Cái Dũng này mà thiếu Trí thì có thể chỉ chuốc lấy phiền não cho mình và cho người!
Luẩn quẩn tự xét mình về Bi Trí Dũng như thế, tôi thấy tôi thua con gà! Nhận thua rồi, tôi bỗng nhớ một câu chuyện vui khác, cũng có con gà góp phần. Đó là chuyện một anh chàng bị bệnh tâm thần, cứ nghĩ mình là hạt bắp nên hễ thấy gà ở đâu là anh hốt hoảng, chạy chối chết vì sợ gà sẽ… mổ hạt bắp. Anh được một bác sỹ tận tâm chữa trị, kiên nhẫn ngồi với anh hàng giờ để giải thích và chứng minh cho anh biết, anh là người, chứ không phải hạt bắp. Nếu con gà thấy anh thì con gà phải sợ mà chạy, chứ không phải anh chạy.
Nhiều tháng liên tục, không phải uống thuốc thang gì, mà bác sỹ chỉ bắt anh nói có một câu “Tôi là người. Tôi không phải hạt bắp”. Bệnh nhân ngoan ngoãn tuân lời, chỉ trừ khi ngủ, lúc ăn, thì giờ còn lại, anh như người thành tâm, siêng năng tụng chú “Tôi là người. Tôi không phải hạt bắp” Giọng nói của anh mỗi ngày mỗi tự tin, hùng dũng, nên một hôm, bác sỹ muốn chứng nghiệm kết quả bèn cùng đi ra sân với anh sau khi đã thả vào sân một con gà.
Hỡi ơi, vừa thấy con gà, anh chàng run rẩy, mặt mũi xanh rờn và lại cắm cổ chạy. Bác sỹ giận quá, túm anh lại và quát:
- Anh là người! Anh không phải hạt bắp, sao thấy gà lại chạy?
Anh ta vừa run, vừa chắp tay lạy bác sỹ:
- Vâng, tôi biết tôi là người, tôi không phải hạt bắp. Nhưng con gà nó có biết vậy không, lỡ nó chỉ biết tôi là hạt bắp mà mổ, mà nuốt tôi thì sao?
Câu chuyện này, với những liên tưởng của tôi về con gà và Bi, Trí, Dũng, đã khởi chút hoài nghi về trí của gà. Nếu gà thực có trí và thừa sức đánh bại tôi, sao lại có những con gà nuốt giây thun mà mất mạng? Khi ấy, chắc gà đã nhìn lầm giây thun là sâu, là trùng chăng?
Những nghĩ lầm, thấy lầm, tác hại vô song, chẳng trừ là với người hay vật, nên trong Bát Chánh Đạo, chánh tư duy đứng ngay sau chánh kiến.
Tuy đứng sau, nhưng với tôi, cái suy nghĩ chủ động cái nhận thức. Suy nghĩ sai mới đưa tới nhận thức sai rồi hành động sai. Con gà sẽ không nuốt sợi giây thun nếu nó không nghĩ đó là con trùng và chấp nhận rằng đây là thực phẩm.
Nên điều căn bản trong Đạo Phật là Trí Tuệ. Chẳng thế mà hàng chữ “Duy Tuệ Thị Nghiệp” thường thấy ghi ở nơi trang trọng, trong hầu hết những tự viện già-lam.
Dăm phút lạm bàn, cảm thấy hổ thẹn, tôi tự nhủ, phải thắng con gà, ít nhất ở điểm Trí này. Nếu không, thà là hạt bắp, còn cho gà được một bữa no lòng!
(*) Thắng Man giảng luận – TT. Thích Tuệ Sỹ
Huệ Trân
[Tập san Pháp Luân - số 68, tr74, 2009]