Sinh thái nhiệm mầu

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Vài chục năm gần đây chúng ta mới được nghe những tiếng kêu báo động như “Hãy cứu lấy Mẹ Đất” hay “Hãy thương lấy Mẹ Biển” hay “Đừng chặt cây phá rừng”, v.v... những tiếng kêu SOS lên tiếng bảo vệ môi trường đang bao bọc chúng ta, nuôi sống chúng ta (con người) nhưng lại bị chính chúng ta róc rỉa, giết hại, tàn phá không thương tiếc, vì không ý thức được, hay nói đúng hơn là không đuợc giáo dục về môn sinh thái học (Ecology).

 

Kính thưa quý vị và các bạn,

Chữ “Ecology” có gốc do 2 từ Hy Lạp: Oikos (nhà) và Logos (môn học) là khoa học nghiên cứu sự liên hệ giữa cây cối và những sinh vật, giữa sinh vật với nhau và với môi trường chung quanh [scientific study of the relation of plants and living creatures to each others and to their surroudings]. Điều đó có nghĩa là từ rất lâu, người xưa đã ý thức được và đã có những suy gẫm về môi trường, đã xem các sinh vật và môi trường quanh ta: chim muông, thú rừng, cây cối, bầu trời, mặt trời, mây, trăng, sao, gió, biển, núi… đều là nhà và là những ngưòi thân của con người. Và như những người nhà với nhau, chúng ta phải thương yêu bảo vệ lo lắng cho nhau mới phải. Thế nhưng do những đòi hỏi của lòng tham không đáy, con người đã không chỉ khai thác những tài nguyên thiên nhiên mà còn vơ vét, làm cho thiên nhiên phải kiệt quệ, thú rừng phải tuyệt chủng, bầu không khí phải bị ô nhiễm trầm trọng... Thật vậy, đời sống con ngưòi càng văn minh, khoa học kỷ thuật càng tiến bộ, máy móc càng nhiều thì bầu khí quyển quanh trái đất của chúng ta càng bị ô nhiễm, các chất thải của những nhà máy làm không khí và nứơc trong các đại dương ấm lên, mực nứơc sông, biển dâng cao, v.v… gây nên những trận lũ lụt và bão tố có sức tàn phá kinh khủng, chưa từng thấy (năm 2008, trận lũ lụt ở Miến điện đã làm hàng chục ngàn người chết và phá hoại hoàn toàn một vùng trồng lúa và kéo theo nạn đói không thể tránh được !)

Người Huynh trưởng GĐPT thường trầm tư về điều luật “không sát sanh” của ngành Oanh và ngành Thiếu + Huynh trưởng:

Em thương người và loài vật (Ngành Oanh)

Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống (Thiếu + Huynh trưởng)

Không biết có nên thêm vào “…tôn trọng sự sống và bảo vệ môi trường” hay “em thương người, loài vật, và bảo vệ môi trường thiên nhiên” hay không! Chúng ta thấy rằng không chỉ Phật giáo mà cả Khổng giáo, Lão giáo… cũng đều quan tâm đến vấn đề môi trường mặc dù những thuật ngữ thời xa xưa có khác một chút so với những danh từ khoa học kỷ thuật hiện đại.

Kính thưa quý vị và các bạn,

Không ai là không trăn trở vì hiểm họa môi trường, vì tài nguyên thiên nhiên sẽ cạn đi, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ ra sao, sẽ thiếu thốn, khổ sở như thế nào, v.v… không chỉ vật chất mà còn về phương diện tinh thần nữa. Cho nên đây cũng là một đề tài suy gẫm của những Huynh trưởng GĐPT; xin kính mời quý vị và các bạn cùng theo dõi cuộc hội thọai bỏ túi giữa những Huynh trưỏng quen thuộc A, B, C… và xin chỉ giáo thêm.

A: Đề tài của chúng ta hôm nay là “tìm hiểu về bảo vệ môi trường” và chúng ta phải làm gì để bảo vệ môi trường, phải không?
B: Cũng gần như vậy, chúng ta xem thử vấn đề này có phải là quan trọng vô cùng hay không và tìm hiểu về môn “sinh thái học” nghĩa là môn học về môi trường.
C: Quan trọng thì nhất định là quan trọng rồi! Bởi vì bầu không khí chúng ta thở đang bị đe dọa trầm trọng vì những chất thải hóa học từ các nhà máy, nếu không tại sao từ năm 1997 nhiều nước đã họp tại Nhật (Kyoto) để ký kết một thỏa ước nhằm giảm lượng khí Carbonic (CO2) và các khí khác thải ra từ các nhà máy gây “hiệu ứng nhà kính” - mình chưa hiểu rõ mấy chữ này; các bạn có thể giải thích rõ hơn không?
A: Các khí độc như CO2 và các khí khác thải ra từ khói của các nhà máy, từ xe hơi, máy bay, v.v… trên bầu trời làm trái đất nóng lên. Các khí độc đó được gọi là “khí nhà kính” (green house gas) hay “khí lồng kính” vì khi các tia sáng mặt trời phản chiếu từ mặt đất càng ngày càng nóng tương tự như trong một nhà kính (green house) - dùng để trồng hoa, trồng rau vào mùa đông ở các xứ lạnh (nếu để ở ngoài trời thì hoa, rau sẽ chết vì không chịu nỗi).
B: Kết quả tai hại của các chất thải làm cho mực nước biển dâng cao, nước ở các biển nóng lên, gây ra ngập lụt và bão tố… cụ thể như ở các vùng châu thổ sông Hồng Hà (Bắc Việt Nam) và châu thổ sông Cửu Long (Nam VN); do vậy ngưòi ta gọi những hậu quả tai hại này là “hiệu ứng nhà kính”.
C: Hèn gì trong thỏa hiệp đó cũng đòi hỏi các nước bớt xử dụng than đá, khí đốt, xăng dầu mà hãy chuyển qua dùng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… người ta gọi đó là những năng lượng “sạch”.
A: Ngoài sự phá hoại bầu khí quyển trong lành của quả đất, con người văn minh của thời đại này còn phạm nhiều lỗi lầm khác ví dụ như phá rừng lấy gỗ, làm đất bị xói mòn, đất chuồi… cũng gây nên lũ lụt, săn bắn bất hợp pháp làm nhiều loại thú rừng bị diệt chủng!
B: Đúng vậy, rừng không chỉ có gỗ quý mà rừng còn là một kho thực phẩm, dược phẩm (thuốc), một kho “gen” vĩ đại , rất quý đối với ngành công nghệ sinh học (biotechnology) - giúp tạo ra những loại cây mới, chế tạo ra những loại thuốc mới, bảo vệ sức khỏe con người, chống lại bệnh tật, v.v…
C: Cho nên người ta còn dùng danh từ “vàng xanh” (green gold) để chỉ sự quý giá của rừng phải không các bạn?
A: Phải rồi! Vì vậy, tội lỗi của con ngưòi chúng ta rất nặng. Như chúng ta đã biết, rừng đóng vai trò rất quan trọng trong sự đa dạng sinh học, mà ngày nay, bảo vệ sự đa dạng sinh học là một trong những chủ đề hàng đầu trong sự bảo vệ môi trường, vậy mà con người (đặc biệt là ở Việt Nam) ngang nhiên phá rừng đến nỗi trong dân chúng có tên gọi là “lâm tặc”, chỉ biết làm giàu không kể gì đến mối nguy hại của cả địa cầu.
B: Từ sự hủy hoại môi trưòng sống như sa mạc hóa, mặn hóa, phá rừng, v.v… hậu quả tai hại đã đến với đời sống con người (lũ lụt, mất mùa, đói kém, v.v…).
C: Rừng, nói chung là thiên nhiên, còn giúp con nguời thư giãn, tìm sự yên tĩnh của tâm hồn. Vào rừng, ra biển, lên núi, v.v… hít thở không khí trong lành, nhìn sao trên bầu trời, nghe tiếng suối reo, tiếng sóng biển, nghe chim hót… ta cảm nhận đựơc sự an lạc từ thiên nhiên bao la thấm sâu vào lòng người.
A: Đúng vậy, cho nên trong văn học của bất cứ quốc gia nào cũng rất nhiếu những tác phẩm, những vần thơ, những bản nhạc… ca tụng thiên nhiên - món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân loại.
B: Và những nến văn hóa, triết học Đông hay Tây, cũng đều đã quan tâm đến vấn đề sinh thái.
C: Mình thấy trong tục ngữ Việt Nam cũng có câu nói răn đe về hai tội lỗi lớn trong vấn đề sinh thái: “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Nói nôm na là: tội phá rừng phá núi là nặng nhất và tội nặng kế tiếp là phá biển, phải không các bạn?
A: Phải rồi! chúng ta kể tội con người gây ra tổn hại môi trường mà quên kể luôn hậu quả tai hại để lại cho con em chúng ta - những thế hệ sau đó!
B: Sau này, do thế hệ chúng ta tham lam ích kỷ khai thác hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu hỏa, kim loại quý, lâm sản, hải sản… thì thế hệ sau sẽ lâm vào cảnh thiếu thốn nghèo đói, nguyên nhân của chiến tranh, loạn lạc, v.v… thật là tội lỗi đầy trời, kể sao cho hết!
C: Thế thì chúng ta phải làm gì đây để bảo vệ môi trương? Bởi vì việc phá hoại môi trường cũng do cá nhân thiếu ý thức thì bảo vệ môi trường cũng phải do từng con người góp sức vào mới được.
A: Đúng vậy! Con người phải sống hòa đồng với vũ trụ, thiên nhiên nuôi dưỡng chúng ta thì đáp lại, chúng ta phải tôn trọng thiên nhiên, không xâm phạm quá đáng vào bầu trời, vào lòng đất, lòng biển, v.v…
B: Điều đơn giản nhất, dễ làm nhất là con người phải bớt dục vọng thêm tình thương. Bớt dục vọng thì Phật Pháp đã có dạy, đó là thực hành hạnh ÍT MUỐN, BIẾT ĐỦ. Một người có một cái xe để đi, thì xăng tiêu thụ ít hơn là có 2, 3 chiếc… nhà ở cũng vậy, mọi thứ dư thừa đều tiêu phí nhiều năng lượng và gây nhiều chất thải độc hại cho bầu khí quyển.
C: Tương tự, con ngưòi phải biết yêu thương môi trường mình đang sống, bao gồm cây cối. Chim chóc, thú rừng, v.v… phá rừng thì chim muông và thú hoang đâu còn nơi trú ẩn? Cho nên đức Phật đã dạy, đừng đốt rừng, nều có đốt thì hãy đốt rừng dục vọng để đuổi hết lo sợ, phiền não và vọng tưởng ra khỏi Tâm (Pháp Cú, kệ 283):

Thiêu sạch rừng dục vọng
Lo sợ hết nơi nương
Tung cánh bướm thanh tịnh
Vượt thoát mê vọng trường

A: Khi tâm ta từ bi thì trời đất cũng từ bi với chúng ta, môi trường như là người bạn của ta, chúng ta sống êm đềm hài hòa với thiên nhiên trời đất. Khi tâm ta thiếu từ bi, phá rừng phá núi, vơ vét tất cả hải sản của biển, gây ra nhiều thiên tai như lũ, lụt, bão biển, bão rừng, bão cát (sa mạc) mà chúng ta xem như là những cơn thịnh nộ của trời đất nhắm vào con người!
B: Đúng vậy, mặc dù gió, bão, lũ lụt, v.v… chỉ là những hiện tượng trong thiên nhiên do sự nóng lên của quả đất, sự chênh lệch nhiệt độ và áp suất… nhưng “thủ phạm” gây ra những tai hại đó chính là con người nên con người cho rằng đó là những trừng phạt của trời đất cũng đúng thôi! ☺
C: Như vậy, các vấn nạn về môi trường hiện nay trên thế giới chỉ có thể giải quyết bằng cái Tâm con người; chính Tâm tham là nguyên nhân sâu xa của mọi tai nạn. Vì tài nguyên của Đất, Biển, Núi thì có hạn mà lòng Tham con người thì vô cùng tận.
A: Các bạn nghĩ thế nào? chúng ta có cần thêm vào điều luật thứ 3 của Oanh Vũ: Em thương người và loài vật (và bảo vệ môi trường thiên nhiên).
và điều luật thứ 2 của ngành Thiếu và Huynh trưởng :

Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống (và bảo vệ môi trường thiên nhiên) hay không?

B: Muốn sửa đổi đâu phải là dễ? phải có sự trình bày trước một đại hội Huynh trưởng toàn quốc. Nếu đại hội đồng ý, lúc đó mới được đưa ra thảo luận (lý do tại sao đổi và đổi như thế nào, v.v…). Tốt nhất là trong khi giảng về Luật Đoàn chúng ta nói rõ hơn cho các em nghe về tình thương, tình thương lan rộng ra loài vật, cây cối, suối rừng, v.v… rồi từ đó mới giảng sơ về Môi trưòng và Bảo vệ môi trường.
C: Phải rồi, chứ đòi hỏi tu chính nội qui hay san định toàn bộ tài liệu thì thật là không đơn giản! ☺
A: Chính thế, cái gì có thể làm được thì làm ngay. Mùa lũ lụt, bão tố đang xảy ra khắp nơi ở Việt Nam, việc lạc quyên cứu trở Miền Trung Việt Nam đang nở rộ tại Hoa Kỳ và hải ngoại... là cơ hội tốt để anh chị em chúng ta nhập đề cho bài nói chuyện về bảo vệ môi trường.
B: Như vậy buổi hội luận của chúng ta hôm nay tạm đủ; xin tạm biệt các bạn và xin hẹn gặp lại lần sau!
A & C: Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 68, tr68, 2009]