Vào mùa này, ở những miền lạnh đã có tuyết rơi, một thứ trò chơi vô cùng thú vị không chỉ đối với trẻ em mà người lớn cũng không ít người đã bỏ công ra hàng giờ ngoài trời giá tuyết để nắn một thứ hình nhân gọi là ông già tuyết chỉ để vui chơi.
Nhật Bản, nơi cái xứ sở hội đủ cả hai cực của thời tiết khắc nghiệt. Mùa Hè, đó là mùa mà cái nóng không chỉ như đốt da, mà là cái nóng làm người ta có cảm giác như mình đang bị nấu cách thủy, người Nhật gọi là musi, cái nóng của bốn bề nước biển hắt lên. Rồi mùa Đông, rất nhiều địa phương trên nước nhật có tuyết rơi, và ở đó, người dân từ trẻ con đến người lớn đều bắt đầu cái trò chơi đắp ông già tuyết, một trò chơi vô cùng thú vị với tên gọi rất riêng của người nhật bản “yukidaruma”, ông Đạt-ma tuyết, không phải là “ông già tuyết”, (snowman) cái tên gọi rất độc đáo, rất riêng của người Nhật Bản. Nếu được hỏi tại sao không phải là tên ông già tuyết, snowman, mà là ông Đạt-ma tuyết, yukidaruma, thì sẽ được trả lời rằng đó là là hình nhân được làm ra bởi người Nhật Bản, và tên gọi có được từ người Nhật Bản.
Mô tả hình dáng
Yukidaruma được làm ra từ hai quả tuyết vo tròn, với hai phần chính là phần đầu và phần thân, sau khi hoàn thành, phần đầu được trang trí thêm mắt mũi và miệng bằng những cục than hay hạt đỗ màu đen, về cơ bản chỉ như thế là đủ nhưng tùy theo cảm hứng, người làm có thể sáng tạo nhiều cách trang trí khác nhau, có người cho tác phẩm mình đội thêm cái nón nhà sư hay cái mũ của ông già, có người cho mang thêm cái đãy, đôi lúc còn bắt gặp một yukidaruma mang dáng dấp con vật cưng trong nhà, v.v… Nói chung, tùy sức tưởng tượng của người chơi và yukidaruma biến hóa ra đủ loại hình ngộ nghỉnh đầy thú vị. Tuy nhiên, dù nó được mang hình thái như thế nào thì tên gọi loại hình chơi này cũng vẫn là yukidaruma, ông Đạt-ma tuyết.
Giải thích tên gọi
Người dân Nhật có lẽ không ai không biết tên gọi Daruma là tên của một nhân vật thuộc Phật giáo. Daruma là phiên âm của tiếng Nhật từ chữ Sanskrit là Dharma, tên đầy đủ là Bodhi Dharma, một nhân vật có thật của lịch sử Phật giáo. Bodhi Dharma là vị tổ thứ 28 của thiền tông Ấn Độ và là vị tổ đầu tiên của thiền tông Trung Hoa theo sử sách. Tuy nhiên, người Nhật luôn tin rằng Daruma là nhân vật đã đến đất nước họ, hành trạng và tính cách của ngài được người Nhật coi như là một nhân cách tiêu biểu mà người Nhật cần phải noi theo. Nhắc đến Daruma người Nhật thường nghĩ ngay đến hình ảnh một nhà sư Phật giáo 9 năm ngồi quay mặt vào vách trong cái lạnh của vùng tuyết phủ đến tận chân. Một nhân cách tiêu biểu của tính kiên trì bền bỉ, nhất quyết không chịu đầu hàng thất bại khi đã quyết tâm nhắm vào một mục tiêu gì đó. Người Nhật có vẻ rất lấy làm tâm đắc chi tiết này của nhân vật Daruma và có lẽ vì vậy, trong các hình nhân cầu may của người nhật, Daruma là hình nhân được xem là khá được ưa chuộng, người muốn sở hữu hình nhân này, trong tâm thái không phải hoàn toàn phó thác mình cho vận mệnh mà với thái độ rằng, nhất quyết từ nay phải cố gắng hết mình, không chịu đầu hàng khi vấp ngã.
Có lẽ không có sự giải thích nào phù hợp để trả lời tên gọi hình nhân được nắn ra từ tuyết có tên là ông đạt ma tuyết mà không phải là snowman, ông già tuyết như ta từng nghe tên gọi quen thuộc từ các truyền thống văn hóa Tây phương. Một thứ hình nhân được tạo ra với hình dáng cực kì đơn giản gồm hai phần chính của cơ thể là đầu và thân, hầu như không có sự khác biệt nào ngoài sự khác biệt về tên gọi của hai truyền thống. cũng không thể đem gán ghép chi tiết chín năm ngồi thiền định nơi cái xứ lạnh đầy tuyết bởi ông Đạt-ma tuyết này không có hình dáng ngồi. Và như vậy tên gọi Daruma là sự hàm chứa nhiều cách giải thích.
Văn hóa Nhật Bản, đứng về mặt khách quan, có thể nói đó là một nền văn hóa chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Phật giáo Đại thừa, với đặc tính uyển chuyển nhiều phương tiện, Phật giáo Đại thừa đã được thể hiện rất đậm nét trong văn hóa Nhật Bản tạo nên một nét đẹp độc đáo đầy hấp dẫn cho đất nước này. Về nét đẹp cảnh quan của Nhật Bản, không thể không nghĩ đến những vườn Thiền tĩnh lặng, những mái chùa độc đáo được tạo nên đầy công phu yên ắng, ẩn mình trong vườn cây và đường dẫn đến đầy sỏi đá. Phật giáo Đại thừa đã tỏa sức ảnh hưởng của mình vào trong mọi ngõ ngách cả sắc thái cảnh quan và dấu vết văn hóa tinh thần của người Nhật. Và hình tượng Daruma, một vị tổ sư có cốt cách và hành trạng vô cùng đặc biệt của Phật giáo đã được người Nhật đón nhận một cách thiết thân như một người bạn, một nhân vật đời thường trong đời sống.
Dưới cái nhìn khách quan của một người ngoại quốc đến Nhật Bản, khi bắt gặp hình nhân yukidaruma, vì liên tưởng theo tên gọi sẽ nghĩ ngay đến một nhân vật Phật giáo mà hành trạng được ghi lại mang đầy tính huyền hoặc như có như không, mới nghe tin Ông đã thâu thần viên tịch ở vùng này đã có người nhìn thấy Ông quảy dép hướng về Tây. Phải chăng ông Đạt-ma tuyết phát xuất bởi ý này, mới có đó rồi biến mất đó, bởi tuyết ngưng đó như sẽ tan ngay đó. Tuy nhiên, người dân Nhật không ai nghĩ yukidaruma xuất phát từ tên gọi đó, cũng không ai nghĩ đến cái trò chơi mình đang làm nó mang ý nghĩ tôn giáo nào. Giản đơn, ông Đạt-ma tuyết là cái tên và chỉ là cái tên.
Từ khi Đại thừa Phật giáo được truyền vào Nhật Bản, giáo lý này như đã gặp đúng mảnh đất mầu mỡ để đơm hoa kết cành, các tông phái bắt đầu phát triển mạnh, xiển dương giáo nghĩa của mình, với nhiều màu sắc đầy đặc tính Đại thừa khai phương tiện, Phật giáo đã được đón nhận một cách nhiệt thành kể cả mọi tầng lớp từ vua quan đến thường dân. Thiền tông Phật giáo cũng trong cùng xu thế đó, bên cạnh những vết tích văn hóa như những ngôi chùa thiền, những vườn thiền độc đáo, nền võ thuật Nhật Bản không thể không kể đến sự góp mặt của Thiền tông, và có lẽ cũng bắt đầu từ xu hướng đó, lòng ái mộ của người Nhật về tông phái này đã là nguyên nhân để hình tượng vị tổ sư phái thiền này được phát hành. Theo sử sách và tài liệu để lại, hình tượng Đạt-ma lão tổ một thời được xem là được phát hành rộng rải và đã có rất nhiều người vô cùng mến mộ, với chỉ vài đường nét cơ bản nhưng hình tượng của nhân vật này đã có nhiều ảnh hưởng đến người dân. Một vài chi tiết hành trạng của ngài được người Nhật rất lấy làm tâm đắc và vì vậy, hình ảnh ngài trở nên một cách thiết thân gần gũi, đó là nguyên nhân mà hình tượng daruma hóa hiện khắp nơi, hóa hiện dưới đủ loại hình như ngày nay, và có phải chăng đó là lời giải thích cho tên gọi hình nhân Daruma tuyết đầy đặc trưng của nhân cách Nhật Bản.
Văn hóa, vốn dĩ là sự kết tinh ra từ nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều điều kiện cả con người và hoàn cảnh chính trị, vốn là cái tinh hoa còn lại trải qua nhiều thăng trầm và chọn lọc của lịch sử, dù được giải thích dưới góc độ nào vẫn là một điều mang đầy tính khiên cưỡng và bất toàn. Và vì vậy những gì về yukidaruma được nói đến ở đây cũng chỉ mới là một góc nhìn chưa đầy đủ về một phần văn hóa của một dân tộc.
Khải Tuệ
[Tập san Pháp Luân - số 68, tr64, 2009]