Trang 2 / 2
Tôi chờ đợi. Và cứ chờ đợi mãi xem thử có ai giải mã nó không. Hằng năm. Hằng chục năm như thế. Vẫn tăm bóng. Nghĩ mình vốn liếng chữ Hán bỏm bẻm có mấy chữ, và sự học Phật, nghiên cứu Thiền còn nhiều lỗ hổng kiến thức nên chưa dám đệ trình kiến giải chủ quan của mình ra trước thiên hạ. Sợ rằng kiến giải trình kiến giải, dụi mắt thì nó lại ra“quái” như Tuệ Trung thượng sĩ nhạo báng chư trí thức thời ấy và Trần Thánh Tông cũng hạ bút đồng tình! Nay vì có nguyên nhân, có duyên sự nên tôi phải mạo lạm kiến giải. Nhân duyên như sau:
Thầy Phước Thành, trụ trì chùa Châu Lâm, Huế, nhà thư pháp Hán nổi tiếng đất Thần Kinh - vốn là bạn thân mấy chục năm của tôi, trước khi thị tịch mấy tháng, cứ viết mãi cái bài kệ thơ này, cả mấy chục bức. Và đệ tử của thầy nói rằng, không biết tại sao, riêng những bài này, những giọt mực, những giọt mực lại chảy... đọng; lại chảy... đọng, kỳ lạ lắm!
Đêm đó, tôi thao thức không ngủ được. Một phần, nhớ người bạn thâm tình rất “đạm”, đã trở thành “đồ cổ” trên cuộc đời, xót xa là không còn nữa, không tìm lại được; một phần là những giọt mực, những giọt mực... cứ ám ảnh mãi! Chợt dưng, bài kệ thơ xưa kia nó hiện ra, cứ tuần tự, tuần tự chảy... đọng, chảy... đọng trước mắt tôi! Và lạy Phật, lạy cả thiền sư Vạn Hạnh, qua cảm tính chủ quan, tôi hiểu ra, thấy rõ toàn bộ bài thơ ấy, cả hiển ngữ và mật ngữ. Nay thì xin chia sẻ cái kiến giải trong mộng ấy của mình; mong rằng chư thức giả, trí giả trên thế gian, không cười chê là quý hóa lắm rồi!
- Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Bài kệ thơ này chẳng có chữ nào là khó hiểu, là mắc mỏ cả. Ai dịch cũng được! Chẳng có gì phải bàn nhiều! Đúng vậy! Dịch giả nào cũng nắm được cái khái quát!
Bây giờ ta hãy khảo sát từng câu một.
*Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô
Có một số vị đã dịch như sau:
- Thân như bóng chớp, có rồi không (Thanh Từ - Mạnh Thát - Ngô Tất Tố).
- Thân như sấm chớp, có rồi không (Nguyễn Lang).
- Thân như bóng chớp chiều tà (Mật Thể).
- Thân ta chớp nhoáng có rồi không (Nguyễn Đăng Thục).
Ta hãy xem! Chỉ có câu dịch, thêm khái niệm chiều tà là có chất thơ, và vì chú trọng chất thơ nên nó đã đi hơi xa nguyên bản, đánh mất chữ có, không rất quan trọng của câu thơ. Còn như điện ảnh thì chẳng có cụm từ nào chính xác hơn bóng chớp, ánh chớp. Rồi, chớp nhoáng cũng đúng. Còn sấm chớp cũng tạm được nhưng rõ ràng trong nguyên tác không có sấm - nổ, động. Tuy nhiên, đấy chưa phải là điều để cho chúng ta khảo sát. Cái mà tôi muốn nói đến nhất, chính là chữ thân! Thân như bóng chớp! Cái thân nào như bóng chớp? Bóng chớp có nghĩa là lóe lên rồi mất, chớp nháy một cái rồi tắt! Điện chớp tắt! Cái thân chúng ta đây, thân xác vật lý này, nó đâu có chớp nháy mất tiêu nhanh như vậy? Năm bảy chục năm mang vác trên cuộc đời cái thân nặng nề, bì cơm, đống thịt này rõ không phải là chớp nháy. Giả dụ vừa sinh ra liền chết ngay cũng không phải là chớp nháy! Vậy cái thân điện chớp mà Vạn Hạnh muốn nói là cái thân nào kìa?
Thân, kāya. Có lần, tôi nhờ vị sư huynh học giả của tôi lục tra Tam Tạng Pāli văn, xem thử chữ kāya ấy có tất thảy bao nhiêu nghĩa? Tôi hoảng hồn. Ổng gởi ra cho tôi suốt mấy trang giấy và giải thích khá rõ ràng 22 dụng nghĩa khác nhau của chữ kāya! Ví dụ, thân tâm, thân hơi thở, thân tâm sở, thân sắc, danh thân, thân tam uẩn tâm sở... Tuy nhiên, ở đây, ta sẽ không đi vào thế giới rắc rối ấy. Rõ ràng, Vạn Hạnh làm kệ thơ chứ không phải thuyết giảng những pháp cao siêu với chữ nghĩa thuần túy kinh điển. Vậy, cái thân đơn giản là cái thân này; cái thân phải mặc áo, ăn cơm; cái thân mà đức Phật dạy ta phải quán thân bất tịnh với đầy đủ 32 thể trược. Tuy nhiên, cái thân ấy cũng không phải chớp nháy. Nó luôn lù lù ra đấy. Nó có già lão bệnh tử... tức là cũng phải trải qua thời gian, tiến trình... Còn chớp nháy là tức khắc kia mà!
Khảo sát hướng khác.
Thân này là thân sắc theo kiểu phân chia của ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc chính là thân sắc này. Thọ, tưởng, hành, thức là phần tâm (gồm tâm và tâm sở). Còn nếu chia hai cho gọn thì bên thân, bên tâm. Cái thân, cái thân sắc này lại là tổng hợp sắc. Và nếu là tổng hợp sắc thì bắt đầu nhiêu khê rồi.
Theo tạng Abhidhamma của Theravāda thì có 28 sắc, gồm 12 sắc thô và 16 sắc tế. Theo Duy thức, chúng có 11. Nếu đúc kết, tóm gọn thì chỉ còn 3. Tất cả những sắc này tạo nên nhân thân và đời sống của chúng sanh. Và có một loại sắc chi phối tất cả sắc pháp chính là 4 tướng sắc, đấy là sinh khởi, an trú, lụi tàn (lão) và vô thường. Nếu sanh khởi (upaccaya) và an trú (santati - trụ) chỉ được xem là sanh (jāti); thì chúng chỉ là cách nói: Sanh, trụ, diệt (vô thường). Tuổi thọ của 01 sắc pháp hữu vi, thường là 17 sát-na: Sanh 1 sát-na; già, tàn lụi (jaratā) 15 sát-na; diệt, hủy hoại 01 sát-na. Trong 28 sắc pháp, có 23 sắc pháp có tuổi thọ 17 sát-na; còn 5 sắc pháp (02 thân ngữ biểu và 03 sanh, già, diệt) chỉ tồn tại 01 sát-na...
Đến đây, thân (sắc) như ánh chớp bắt đầu hiện ra. Thân sắc là tổng hợp của các sắc, mà đời sống của các sắc ấy chỉ được tính bằng những sát-na sanh diệt, không là ánh chớp, có rồi không là gì? Sát-na là đơn vị thời gian ngắn nhất, nhanh nhất; ở đâu đó có ví dụ rằng, một nháy mắt của chúng ta có 90 sát-na. Đã nhanh chưa? Chưa nhanh! Vì có một loại sắc, tượng hình đầu tiên khi thức tái sanh tìm gặp tinh cha, huyết mẹ thì được tính bằng tiểu sát-na. 01 sát-na có 03 tiểu sát-na. Tiểu sát-na đầu tiên là sắc do nghiệp sanh, tiểu sát-na thứ hai là sắc do thời tiết sanh (nóng, lạnh trong bụng mẹ)! Kinh khiếp thật!
Ồ, chẳng lẽ nào Vạn Hạnh cũng thấy được sắc này nên nói thân như điện ảnh hữu hoàn vô? Thấy chứ! Các vị tu thiền có nội quán thâm sâu đều thấy cả, từ cạn vào sâu, từ thô đến tế. Ví dụ người tu thiền quán Vipassanā thì lộ trình, tiến trình cái thấy ấy như sau:
- Trí phân biệt được đâu là danh pháp, đâu là sắc pháp
- Trí thấy được mỗi danh pháp sanh, mỗi sắc pháp sanh
- Trí thấy được mỗi danh pháp diệt, mỗi sắc pháp diệt
- Trí thấy rõ sự sanh diệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp
- Trí thấy rõ sự diệt mất liên tục của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.
- Vì thấy rõ sự diệt mất liên tục của danh pháp, sắc pháp - chúng rã tan, biến hoại rất nhanh nên hành giả cảm giác rất kinh khiếp, rất đáng sợ...
- Trí thấy rõ danh sắc là thống khổ, nguy hiểm... như rắn độc, như lửa, như tên sát nhân, như mũi tên độc...
- Trí nhàm chán, muốn ly thoát danh sắc; muốn thoát ly sự tham lam, đam mê, chấp thủ... nơi mỗi danh, mỗi sắc.... Và từ đây, vị ấy mới thật sự thấy rõ khổ đế để tu tập lộ trình tám thánh đạo.
Thời Lý, Trần - chúng ta không dám bàn các vị đã tu tập theo pháp môn nào, cái lộ trình ấy ra sao - nhưng chắc chắn một điều, các ngài đều có nội quán thâm sâu cả. Có định mới có tuệ, có định mới có thần thông. Vạn Hạnh, Không Lộ, Đạo Hạnh... đều có khả năng lạ lùng cả. Muốn có thần thông thì phải có định thâm sâu. Có định thâm sâu thì dễ dàng nội quán để thấy rõ sự sanh diệt của danh sắc. Có lẽ Vạn Hạnh có tu mật chú Đà-la-ni để có định, có nhiều khả năng, phép lạ (thần thông), đồng thời, không phải ông chỉ tụng Tâm kinh Bát-nhã mà còn hiện quán để thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là không, mới thấy rõ chúng, chấm dứt tất cả khổ (quán chiếu ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách).
Đến đây, ta có thể biết Vạn Hạnh đã thấy rõ sắc này, cái sắc chớp nháy này, có rồi không này - từ Bát-nhã tâm kinh do hiện quán thâm-bát-nhã mà thấy. Cái sắc này, chính là cái đơn vị vật chất nhỏ nhất được gọi là hư trần, là hạt bụi quá nhỏ đồng với hư không! Cái hạt bụi quá nhỏ đồng với hư không này còn chia 7 nữa, và 01/7 ấy là lân hư trần! Vậy lân hư trần là đơn vị vật chất nhỏ nhất, là cái sắc nhỏ nhất. Đồng với cái thấy biết này, thời cổ đại Hy Lạp, triết gia Démocrite gọi nó là nguyên tử, là cái đơn vị vật chất nhỏ nhất; và với sự thấy biết hồi đó thì vật chất nhỏ nhất ấy - nguyên tử - nó bất hoại, nó có thực thể!
Còn nữa, sự khảo sát, tìm kiếm của chúng ta vẫn chưa dừng lại. Trong chúng ta, chắc có khá nhiều người biết là khoa học vật lý hiện đại đã tìm ra hạt “hạ nguyên tử”. Hạt “hạ nguyên tử” là cái gì vậy? Tôi không biết gì về nó cho lắm. Nhưng đọc sách, thấy có một giáo sư ngành vật lý đã nói như sau: “Đặc trưng của vật lý thế kỷ 20 là ngày càng đi sâu vào trong thế giới của kính hiển vi, của nguyên tử, của hạt nhân và các hạt tạo thành nhân” Vậy, nguyên tử hóa ra không phải là đơn vị vật chất nhỏ nhất. “Nhờ kỹ thuật phức tạp mà nhà vật lý bước đầu tìm hiểu được cấu trúc của nguyên tử và nhận ra rằng, nó gồm có nhân và electron. Sau đó người ta ghi nhận nhân gồm có những hạt nucleon, đó là proton và neutron. Trong hai thập niên vừa qua, người ta đi thêm một bước nữa và bắt đầu tìm hiểu cấu trúc của nucleon, thành phần của nhân nguyên tử...” Như thế, là các nhà khoa học vật lý ngày càng đi sâu vào thế giới vi mô, và cái gọi là vật chất nhỏ nhất ấy, những hạt hạ nguyên tử ấy, thời gian sống vô cùng ngắn, ít hơn cả một phần triệu giây đồng hồ!
Đến đây, chúng ta cảm kích khoa học đã vất vả kiếm tìm mấy ngàn năm để giải mã giùm giáo pháp của đức Phật khi ngài nói, sắc tợ thủy bào (bọt nước)... Sắc không khác không, không không khác sắc, sắc là không, không là sắc. Chúng sinh diệt tương tục để tạo nên dòng sống. Là một tiến trình vận động như thể tính sóng của các hạt hạ nguyên tử. Khoa học cũng tìm ra sự vận động ấy là nội tại chứ không do tác nhân nào bên ngoài. Đến chỗ này thì Thượng Đế chết mất tiêu rồi, chẳng có chỗ nào mà ban ơn giáng phúc hoặc tác oai tác quái nhân loại nữa! Sự vận động nội tại, có thể là âm điện tử và dương điện tử. Lão Tử thì nói, Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Dịch thì nói, thái cực sinh lưỡng nghi (âm dương), lưỡng nghi sinh tứ tượng (thiếu âm, thái âm, thiếu dương, thái dương), bát quái... Hóa ra, Đông Tây đều giống nhau. Tây phương thì cần dụng cụ khoa học, đo lường, trắc nghiệm, kiểm chứng kỹ càng rồi mới có đáp án. Các ông hiền triết Đông phương thì bởi trực giác, bởi nội quán. Còn đức Phật thì sao? Ngài nói bằng tuệ giác thâm sâu. Ngài nói rằng, sự vận động nội tại ấy là Không Tính (suñnatā), là duyên khởi nên Không! Vì Không Tính nên vạn hữu hoạt động, vận hành, có rồi không, không rồi có, tương tục, miên tục; nhưng sát-na này không giống với sát-na kia; tự thân có sự biến đổi, chuyển hóa, thay đổi chất, thay đổi lực, cường độ... tốc độ... nhanh vô cùng là nhanh, nhanh đến độ sợ hãi, kinh hoàng, nhàm chán...
Các nhà khoa học vật lý đi sâu vào thế giới vi mô để tìm ra những hạt hạ nguyên tử để ứng dụng vào mọi lãnh vực của đời sống: Nhà máy điện hạt nhân, chíp điện tử, bom hạt nhân, gène sinh học... và còn nhiều nữa. Lợi có hại có. Còn đức Phật thấy rõ nó, không phải để triết lý, luận bàn... Nói sắc không khác không, không không khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc... là để mà làm gì đã chứ! Đâu phải nói vậy là để chứng tỏ Phật giáo không lạc hậu dù khoa học tiến bộ. Chúng ta sai rồi. Thấy sắc là không, mà thọ tưởng hành thức cũng phải được thấy không như thế để giải thoát tất thảy mọi khổ đau, phiền não... thì mới đúng với tinh yếu của tuệ quán Vipassanā, kinh Đại niệm xứ hoặc kinh Bát-nhã. Có lẽ có người sẽ nghi ngờ điều này vì dễ gì thấy được sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không? Ồ, ai tu tuệ quán thì thấy chúng không ngay tức khắc, giải thoát khổ đau, phiền não ngay tức khắc! Tất cả sắc - trong tổng hợp sắc - thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, sắc, thanh, hương, vị, địa, hỏa, phong, co tay, duỗi chân, nói, cười, đi, đứng... chúng đều là sắc cả. Sắc này không ở trong, không ở ngoài, mà chúng là duyên khởi (căn, trần, thức - thấy sắc) nên không, nên vô ngã tính, không có thực tính! Mà sắc này chúng đều là sóng hay hạt, là năng lượng, thoáng cái là mất tiêu trong chớp nháy. Một tiếng chửi thoáng qua (âm thanh - sắc), tan mất, thế mà chúng ta lại bực mình vì tiếng chửi ấy, rồi khổ! Như vậy, chúng ta khổ là vì không thấy đúng theo định luật tự nhiên của pháp: Nó đến rồi nó đi, nó sinh thì nó diệt! Do chấp thủ. Do mình nghĩ có nhưng bản lai nó là không! Không này là không tính, là duyên khởi nên nó có rồi không, không rồi có tương tục mà sinh ra dòng vận hóa. Và ví dụ, khi đã bực mình về tiếng chửi rồi, là thọ, thì thọ ấy cũng sinh diệt, là duyên khởi nên không. Người tu thiền Vipassanā chỉ cần trực thức, tỉnh táo niệm: Bực mình à! Bực mình à! Thế thôi, là nó đi, là chấm dứt khổ!
Chú Thích:
1 Tuệ Trung: Kiến giải trình kiến giải. Tự niết mục tác quái.
2. Là sư Hộ Pháp, ở Thiền viện Viên Không, xã Tóc Tiên, núi Dinh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
3. 12 sắc thô: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và 7 sắc đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, địa, hỏa, phong). 16 sắc tế: 02 bản tánh sắc (nam, nữ), 01 thủy sắc (kết dính), 01 ý căn sắc (cứ điểm cho tâm nương tựa), 01 mạng căn sắc, 01 thực sắc (ăn uống), 01 hư không sắc (khoảng không giữa các sắc), 02 thân, ngữ biểu sắc (cử động, nói năng), 03 biến hóa sắc (biến đổi của sắc - nhẹ nhàng, mềm mại, thích ứng), 04 tướng sắc (sinh khởi, an trú, lụi tàn, vô thường).
4. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
5. 01 hiển sắc (biểu lộ rõ ràng cho con mắt thấy), 01 hình sắc (hình thể, khối lượng), 01 biểu sắc (biểu lộ ra bên ngoài như co duỗi, nói năng, vui buồn...; chúng sinh diệt tương tục).
6. Ghi chú thêm: Một danh pháp - một niệm - phát sanh nhanh hơn sắc pháp 17 lần.
7. Có 18 sắc do nghiệp sanh, 15 sắc do tâm sanh, 13 sắc do thời tiết sanh, 12 sắc do vật thực.
8. Bia ký người ta tìm được tại Hoa Lư, nhà Đinh, đã có các kinh văn Đà-la-ni này.
9. Gambhīra-paññā (trí tuệ thâm sâu).
10. Trang 236 - Đạo của Vật lý - Fritjof Capra, Nguyễn Tường Bách biên dịch, NXB Trẻ, 2001.
11.Trang 237, Sđd.
12. Trang 243, Sđd.
13. Ví dụ cái biết của con mắt (nhãn thức). Theo Phật giáo, không có cái biết của con mắt nếu không có nhãn căn và trần (đối tượng). Căn trần cũng chưa đủ, phải có ánh sáng, tiếp xúc, hướng tâm, cảm thọ, tri giác, chủ ý... tức là cần nhiều yếu tố tác hợp, cả một vận hành duyên khởi.
Minh Đức Triều Tâm Ảnh (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 60, tr69, 2009]
Sắc và Hạt “Hạ Nguyên Tử” qua bài kệ của thiền sư Vạn Hạnh - Phần 1
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode