Theo số liệu trên báo Thanh Niên ngày 19/05/2008 thì “có tất cả 1900 làng thuộc 37 huyện thị với dân số 1.8 triệu người ở ba tỉnh cực Nam bị ảnh hưởng bởi bạo lực”.
1. Vấn đề đặt ra trước tiên là sự thờ ơ của các cơ quan truyền thông Phật giáo Việt Nam, cả trong nước lẫn ngoài nước, cả các phương tiện chính thức lẫn những cơ sở truyền thông nội bộ.
Trong khi đó, bạo lực kỳ thị tôn giáo nhắm vào cộng đồng Phật giáo tại miền Nam Thái Lan là một đề tài thường xuyên được các đài truyền hình, phát thanh, các tờ báo giấy, báo mạng trong và ngoài nước đề cập, bàn luận. Sự quan tâm không phải chỉ dừng lại ở phạm vi truyền thông, mà nó còn thu hút sự chú ý của các nhà chính trị, nghiên cứu khoa học xã hội và cả các nhà giáo. Gần đây, trong hội thảo được thể hiện qua kỷ yếu khoa học: An ninh châu Á Thái Bình Dương những năm đầu thế kỷ XXI, do Khoa quan hệ quốc tế trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức biên soạn, phát hành năm 2008, nhiều báo cáo đã lưu ý đến vấn đề bạo lực mang tính chất tôn giáo ở miền Nam Thái Lan. Báo Thanh Niên, trung tuần tháng 5/2008 đã có loạt bài nhiều kỳ Trong vùng cực Nam Thái Lan đề cập đến sự kiện nóng bỏng này.
Dù do nguyên nhân gì, việc thiếu quan tâm của cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước đối với sự kiện bi thảm có liên quan đến Phật giáo này cũng là điều đáng tiếc. Các số liệu dẫn theo bài viết về Cuộc khủng hoảng tôn giáo ở miền Nam Thái Lan – Một số nguyên nhân và tác động của tác giả Phạm Thị Thúy, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3, 2007, trang 25, cho thấy mức độ thảm kịch xung đột mà cộng đồng Phật giáo ở miền Nam Thái Lan gánh chịu chủ yếu là hết sức đáng lo ngại. Tính tới tháng 12/2004 tại ba tỉnh miền Nam Thái Lan đã diễn ra 325 vụ đốt phá, 77 vụ đặt chất nổ, 22 vụ tấn công vào cơ quan nhà nước, 477 vụ sát hại có vũ khí làm hơn 500 người chết và 397 người bị thương.
Theo số liệu trên báo Thanh Niên ngày 19/05/2008 thì “có tất cả 1900 làng thuộc 37 huyện thị với dân số 1.8 triệu người ở ba tỉnh cực Nam bị ảnh hưởng bởi bạo lực”. Cũng theo báo này, dẫn lời của quan chức Thái Lan, thì “theo các bằng chứng mà quân đội thu thập được và từ chính lời khai của những kẻ gây bất ổn, nhóm ly khai đằng sau các vụ bạo lực ở miền Nam được gọi là ‘nhóm phối hợp BNR’. Nhóm này âm mưu ly khai để lập lãnh thổ riêng. BNR cũng sử dụng Hồi giáo làm cơ sở cho chủ nghĩa ly khai và chia bè kết phái.”
Ở vùng Nam Thái Lan tiếp giáp với Malaysia, người Hồi giáo chiếm số đông, sống xen kẽ với người theo đạo Phật, trong khi Phật giáo là tôn giáo chính ở Thái Lan, được Hoàng gia và chính phủ ủng hộ. Phía ly khai Hồi giáo ở vào thế yếu nên bạo lực trở thành phương tiện chính. Mục đích của bạo lực là nhằm kích thích mâu thuẫn giữa cộng đồng Hồi giáo và chính phủ, nhằm tạo sự bất ổn để xua đuổi những người theo đạo Phật đi khỏi miền đất mà nhóm Hồi giáo cực đoan muốn tách rời ra khỏi Thái Lan, thành lập chính quyền riêng… Do vậy, tính chất của hoạt động bạo lực ở đây hết sức dã man, để tạo không khí kinh hoàng bao trùm lên cộng đồng những người theo đạo Phật.
Phản ứng của chính quyền đã đi theo hai xu hướng khác nhau:
Xu hướng cứng rắn của cựu thủ tướng Thaksin. Nhà lãnh đạo này chỉ đạo quân đội phản ứng mạnh mẽ trước lực lượng ly khai gây bạo lực. Một số tài liệu phê phán cách giải quyết này, như bài Philippines và Thái Lan. Nỗ lực chống lực lượng nội lực bất thành, tạp chí Nhà kinh tế Anh, Thông tấn xã Việt Nam dịch và đăng trên Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 17/04/2006, trang 8.
Xu hướng ôn hòa hơn của quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej và những nhà lãnh đạo sau ông Thaksin. Theo báo Thanh Niên, chủ trương của nhà vua là “hiểu biết, giang rộng vòng tay và phát triển”. Xu hướng này tất nhiên mang nhiều màu sắc Phật giáo hơn.
Kết quả giải quyết xung đột tuy đã có nhưng không chắc chắn. Có lúc bạo lực lại trỗi dậy, năm 2007, bom nổ đến tận thủ đô Bangkok, giáo sư Lương Ninh, trong báo cáo An Ninh Thái Lan Thái Bình Dương – hiện trạng và triển vọng, đăng trên kỷ yếu khoa học An Ninh Châu Á Thái Bình Dương những năm đầu thế kỷ XXI đưa ra con số 2000 người thiệt mạng tính đến tháng 4/2007 và ông trích tin của AP “Thái Lan có nguy cơ nổ ra chiến tranh tôn giáo ở miền Nam?”
2. Vấn đề đáng được quan tâm không chỉ vì sự chịu đựng bạo lực của Phật tử miền Nam Thái Lan, mà là vì nó là vấn đề an ninh cho không chỉ Phật giáo Thái Lan, mà với cả nước Thái Lan, với cả khu vực Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương và cả thế giới.
Trong kỷ yếu khoa học An Ninh Châu Á Thái Bình Dương những năm đầu thế kỷ XXI, các báo cáo đều thống nhất ở chỗ, sự kiện ở miền Nam Thái Lan thuộc lãnh vực an ninh phi truyền thống và có ý nghĩa đối với thế giới. An ninh phi truyền thống theo tài liệu dẫn trên phân biệt với an ninh truyền thống ở chỗ, an ninh truyền thống là an ninh và có chủ quyền quốc gia, còn an ninh phi truyền thống bao gồm cả các vấn đề như khủng bố, môi trường, kinh tế, tiền tệ, tôn giáo, văn hóa, v.v… xung đột chỉ giới hạn ở miền Nam Thái Lan nhưng vấn đề mà cuộc xung đột đặt ra có ý nghĩa toàn cầu. Những nhà nghiên cứu thấy ở đây tác động của sự trỗi dậy từ những lực lượng cực đoan Hồi giáo trên phạm vi toàn thế giới, trong đó gồm cả tác động của sự kiện 11/09 và chuỗi những sự kiện tiếp theo, quan hệ giữa Hồi giáo và những cộng đồng tôn giáo khác (mà sự quan tâm của chúng ta dành cho Phật giáo).
Dấu ấn tôn giáo cực đoan trong những cuộc xung đột cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI là rõ ràng. Cuộc chiến ở Nam Tư, Chechnya, xung đột ở miền Nam Philippines, Nam Thái Lan, v.v… đều mang dấu ấn ly khai tôn giáo mà Phật giáo không tránh khỏi là một nạn nhân.
3. Qua cuộc khủng hoảng tôn giáo ở miền Nam Thái Lan, có thể rút ra nhận định rằng hình thái những ốc đảo tôn giáo đặc biệt là ở vùng biên giới, là môi trường dễ phát sinh hoạt động ly khai và xung đột.
Nếu xu hướng Hồi giáo cực đoan bộc phát ở một vùng giữa nội địa Thái Lan thì nó không dễ dàng bén lửa ly khai. Vấn đề ở chỗ cuộc xung đột phát sinh ở vùng biên giới tách rời với trung tâm. Đây cũng là bối cảnh tương tự của xung đột ở miền Nam Philippines, mà hai tôn giáo khác biệt ở đây là Hồi giáo và Thiên chúa giáo (Hồi giáo chiếm tỷ lệ cao ở các địa phương miền Nam trong khi Thiên Chúa giáo La Mã là tôn giáo chính ở Philippines). Một hình thái tương tự cũng được ghi nhận ở Chechnya, với một phía là Hồi giáo địa phương so với sự khác biệt với Chính thống giáo ở nước Nga.
Điều lo ngại cần đặt ra ở đây là tại Việt Nam chúng ta, cục diện những ốc đảo tôn giáo ở vùng biên giới đã bắt đầu hình thành. Trong khi tôn giáo chủ yếu của cả nước vẫn là Phật giáo, thì tại một số tỉnh Tây Nguyên, Phật giáo đã trở thành tôn giáo thiểu số và chỉ có mặt ở tỉnh lỵ, huyện lỵ. Trong khi đó, đồng bào các dân tộc ít người ở vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới đã chịu sự chi phối của một tôn giáo khác, có hoạt động truyền đạo mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI tại Việt Nam. Những vùng địa lý tôn giáo nếu hình thành trong khu vực nội địa đã là điều đáng ngại. Trường hợp nó hình thành ở vùng biên giới hay các khu vực tách biệt, thì sự đáng ngại tăng lên gấp bội lần. Ở Thái Lan, sự khác biệt về tôn giáo dẫn đến hoạt động ly khai, bạo lực, nhằm mục tiêu chia cắt là do vấn đề địa lý tôn giáo đưa đến.
Bài học Thái Lan và nhiều nơi trên thế giới, nếu bản đồ địa lý tôn giáo nằm trong bản đồ quốc gia hình thành các vùng da beo, xôi đậu, thì khó dẫn đến những xung dột mang tính chất ly khai. Còn ngược lại, nếu bản đồ địa lý tôn giáo chia cắt quốc gia thành những vùng rõ ràng tách biệt, và nhất là những vùng biên giới (ở Thái Lan là trọn ba tỉnh miền Nam, giáp giới với Malaysia), thì nguy cơ xung đột ly khai tăng lên nhiều lần.
Ở Thái Lan, mục tiêu của phía gây ra bạo lực là hoàn thiện đường biên giới địa lý tôn giáo đó, Hồi giáo hóa hoàn toàn vùng người Hồi giáo chiếm đa số, tiến tới quốc gia hóa đường phân giới địa lý thành đường biên giới của một lãnh thổ với một nhà nước mới.
Với phân tích trên đây, chúng ta thấy rằng, vấn đề an ninh phi truyền thống đã trở thành vấn đề an ninh truyền thống. Sự toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan vẫn được giữ vững, nhưng những yếu tố đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ đó đã có.
Vấn đề, như đã nói, đường phân giới địa lý tôn giáo đã cắt rời một khu vực ở miền Nam Thái Lan.
Từ quan điểm Phật giáo, chúng ta ủng hộ chủ trương ôn hòa của quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Chủ trương này được báo Thanh Niên (số ngày 19/05/2008) đăng chi tiết như sau: “Hiểu biết giang rộng vòng tay và phát triển”. “Hiểu biết” ở đây là hiểu về lịch sử để xem nguyên nhân bất ổn nằm ở đâu, đã đạt được thành công nào và thất bại vì cái gì? “Giang rộng vòng tay” là các nỗ lực để chiếm được cảm tình của dân địa phương, biết họ nghĩ gì và cảm thấy gì. Còn “phát triển” ở đây là cách phát triển phù hợp để giải quyết bất ổn hiệu quả hơn.
Minh Hải
[Tập san Pháp Luân - số 60, tr64, 2009]