Sống ở đời, ta không có ai để tin là một thiệt hại lớn cho ta, nhưng ta có quá nhiều người để tin, thì trước sau gì niềm tin của ta cũng bị xói mòn và thất vọng.
Thất vọng là do ta, chứ không phải do người khác. Do ta không hiểu được tâm và cảnh của ta đang sống đều là vô thường. Ta không hiểu vô thường là chân lý của mọi sự hiện hữu là ta chưa hiểu gì cả, và ta không có khả năng tin rằng, mọi sự hiện hữu đều là vô thường, là ta chưa có niềm tin nào đáng để trân quý cả.
Ngày hôm qua người ấy nói với ta rất mực chân thực, nhưng ngày hôm nay cái rất mực chân thực ấy không còn. Vì sao? Vì không gian và thời gian đã chuyển dịch và đã đổi mới, nên ngôn ngữ cũng phải chuyển dịch và đổi mới theo.
Nếu ta thông minh, thì ta không nên tin vào lời nói của người, mà hãy tin vào sự vô thường ngay ở nơi lời nói ấy. Không có lời nói nào là không vô thường. Nếu không có vô thường, ta sẽ không bao giờ có ngôn ngữ và lời nói.
Tin vào lời nói của người khác mà không tin vào sự vô thường nơi lời nói của họ, là một sự tin tưởng không thông minh.
Thông thường ta bị thất vọng và khổ đau là do ta quá tin tưởng vào những lời nói đầy hứa hẹn của người khác, mà ta quên rằng, mọi ngôn ngữ của hứa hẹn, chúng vô thường một cách nhanh chóng còn hơn cả nước đổ xuống dốc, khi gặp những duyên mới.
Tin tưởng vào những lời nói thương và ghét của người khác đối với ta hay của ta đối với người khác, chúng đều có đầy đủ những chất liệu vô thường một cách linh hoạt và sống động, thì chắc chắn ta sẽ thoát khỏi những trách móc, thất vọng, hận thù và khổ đau.
Mọi thứ ngôn ngữ phát khởi từ nhận thức có giá trị giúp cho ta nghe để hiểu hơn là giúp cho ta nghe để tin. Nhưng mọi thứ mật ngữ được phát ra từ thiền định vô lượng nghĩa, thì có giá trị giúp cho ta tin hơn là hiểu. Tin là để hội nhập với sự hiểu biết toàn diện, với thực tại không hai mà mọi nhận thức của ta không thể dự phần để giúp ta hội chứng.
Ta hãy tin vào nơi một nghĩa có vô lượng nghĩa và tin ở nơi vô lượng nghĩa ấy có một nghĩa chân thực. Nghĩa ấy không do nhận thức tác thành, không do phân biệt vọng khởi, mà do hội nhập từ trải nghiệm tịch lặng các tưởng.
Và ta cũng có thể tin rằng, mọi ngôn ngữ được diễn tả từ “thực tại không hai” là ngôn ngữ thường tại.
Ngôn ngữ ấy không khởi hiện từ nhận thức ngã tính mà từ tự tính vô ngã viên thành. Ngôn ngữ khởi hiện từ tự tính vô ngã viên thành hay từ trí tuệ hoàn hảo là những ngôn ngữ không ngôn ngữ, và vì ngôn ngữ không ngôn ngữ, nên bất cứ cái gì cũng đều có thể trở thành ngôn ngữ để biểu diễn thực tại.
Ta hãy tin vào mọi ngôn ngữ diễn tả thực tại là ngôn ngữ không ngôn ngữ là ta có niềm tin chân thực đối với mọi người ngay ở trong cuộc sống nầy. Và ngay trong cuộc sống nầy hạnh phúc của ta tròn đầy. Ta không cần phải ra đi để kiếm tìm hạnh phúc hay trở về để có hạnh phúc, mà ở, đi hay về, hạnh phúc đều có mặt trong ta một cách tròn đầy trong những phong thái ấy. Chúng có mặt một cách tự nhiên như hư không có mặt đối với mọi sự hiện hữu. Và chúng tồn tại một cách như nhiên, như hư không bất hoại đối với mọi thời gian.
Hư không chưa từng đi, nhưng hư không có mặt cùng khắp đối với tất cả. Hư không chưa từng về, nhưng hư không không hề đánh mất bản nguyên của nó. Hư không chưa từng sinh, nhưng mọi sự sinh đều nương từ nơi nó mà biểu hiện. Hư không chưa từng diệt, nhưng mọi sự hủy diệt là hủy diệt để ẩn tàng nơi nó.
Cũng vậy, vọng thức hiện khởi từ vọng tâm thì có đến, có đi, có sinh, có diệt, chứ đại tâm chẳng có đến, chẳng có đi, chẳng có sinh, chẳng có diệt gì cả, chúng thường vắng lặng mà soi chiếu cùng khắp và soi chiếu cùng khắp, nhưng thường vắng lặng. Ai sống với tâm ấy, thì ở đâu và lúc nào cũng hạnh phúc và vĩ đại. Đời sống vĩ đại đến với con người không phải từ những công trình đồ sộ hay từ những quyền lực ngất trời, mà đến với họ từ nơi đại tâm của chính họ. Nếu con người không sống với đại tâm, thì nó chỉ là những loài sâu bọ của trái đất.
Ta hãy tin như vậy, ta hãy thực hành đúng như vậy là ta có hạnh phúc và vĩ đại đúng như vậy.
Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 60, tr60, 2009]