“Hận thù diệt hận thù đời này không thể có. Từ bi diệt hận thù là định luật nghìn thu”.
Dẫn nhập:
Dân tộc nào cũng có những lịch sử chiến tranh khốc hại và bất hạnh, quá khứ đã đi qua nhưng lật lại trang sử vẫn thấy thấm đẫm cảnh tang thương, mất mát; vì hiện tại đan dệt bằng quá khứ, lửa hận thù của ngày hôm nay là lửa hận của ngày xa xưa. Ôm mối hận lúc nhỏ mình bị dòng họ Thích mắng là “con kẻ nô tì”, sau khi lên ngôi, Tỳ-lưu-li đem quân đánh thành Ca-tỳ-la-vệ, tàn sát chín ngàn chín trăm chín mươi vạn người họ Thích, máu chảy thành sông, thây chết cao như núi… Đến nay, đâu đó nơi xa xôi của lịch sử như còn vang vọng tiếng kêu la của những oan hồn u uẩn. Kết cục, Tỳ-lưu-li cũng bị thủy triều sông sâu dìm chết trên đường trở về.
“Hận thù diệt hận thù đời này không thể có. Từ bi diệt hận thù là định luật nghìn thu”.
Xin giới thiệu chuyện “Tỳ-kheo Sa-la-na hóa giải lòng hận thù” (Chánh văn “Tỳ-kheo Sa-la-na bị vua Ác Sanh làm đau khổ - 娑羅那比丘為惡生王所苦惱緣”), trong kinh Tạp bảo tạng quyển 2, trang 459a21, tạng Đại Chánh 4, số hiệu 203.
Toát yếu nội dung chuyện:
Ngày xưa, con của vua Ưu-điền tên là Sa-la-na, tâm thích Phật pháp, xuất gia học đạo, hành hạnh đầu-đà, thường nhập định tọa thiền dưới gốc cây trong núi rừng.
Một hôm, vua Ác Sanh dẫn các cung nữ tuần hành du ngoạn, dạo chơi đến tận núi rừng. Khi xa giá dừng nghỉ thì nhà vua đã ngủ tự bao giờ, thấy vậy các cung nữ rủ nhau đi chơi, họ đến một gốc cây, thấy có vị Tỳ-kheo đang tọa thiền, bèn lại gần lễ kính hỏi thăm. Tỳ-kheo Sa-la-na mới thuyết pháp cho họ nghe. Sau khi vua tỉnh dậy, đi tìm các cung nữ, thấy có vị Tỳ-kheo ngồi dưới gốc cây, diện mạo đoan chánh, trẻ tuổi xinh đẹp, còn các cung nữ đang ngồi nghe pháp. Vua Ác Sanh đi đến hỏi: “Nhà ngươi đã chứng quả A-la-hán chưa?”
Sa-la-na đáp: “Chưa”.
- Vậy nhà ngươi chứng quả Bất hoàn, Nhất lai, hay Dự lưu chưa?
- Chưa.
- Ngươi đắc pháp quán bất tịnh chưa?
- Chưa.
Vua Ác Sanh vô cùng tức giận nói: “Ngươi chưa đắc cái gì cả, vậy là phàm phu sanh tử sao dám ngồi chung chỗ với các mỹ nữ?” Liền bắt Tỳ-kheo Sa-la-na đánh, thân thể Sa-la-na nát nhừ, thương tích khắp mình. Các cung nữ xót thương khóc thưa:
- Tâu bệ hạ! Vị Tỳ-kheo này không có lỗi gì cả.
Nhà vua càng tức giận, đánh tiếp. Tỳ-kheo Sa-la-ma suy nghĩ: “Chư Phật thời quá khứ nhờ nhẫn nhục mà được đạo vô thượng. Lại ở thời quá khứ có vị tiên nhân bị người khác cắt đứt tai, mũi, tay, chân… mà ngài vẫn nhẫn chịu được, huống chi ta ngày nay thân thể còn nguyên vẹn, sao không nhẫn được!?” Nghĩ vậy nên im lặng nhẫn chịu. Nhưng qua trận đòn, toàn thân ê ẩm đớn đau, không thể chịu nổi sự thống khổ ấy, Sa-la-na nghĩ lại: “Nếu ta ở đời là con của một quốc vương, sẽ lên ngôi vua, binh lính thế lực đâu thua gì ông vua kia. Nay ta xuất gia đơn độc, bị khinh khi đánh đập, quá ư khổ đau.” Nghĩ xong quyết hoàn tục quay về nhà, liền đến chỗ thầy mình là Tôn giả Ca-chiên-diên tạ từ, xin hoàn tục. Tôn giả bảo:
- Thân thể của ông mới bị đánh đập, còn đau đớn; thôi hãy tạm nghỉ ngơi, đợi đến sáng rồi đi.
Sa-la-na vâng lời nghỉ lại đêm. Vào lúc nửa đêm, Tôn giả Ca-chiên-diên dùng phương tiện biến ra giấc mộng, làm Sa-la-na tự thấy mình bỏ đạo về nhà, nhằm lúc vua cha băng hà, Sa-la-na liền lên kế vị, rồi tập hợp bốn thứ binh chủng, chinh phạt vua Ác Sanh. Nhưng khi giao chiến, Sa-la-na bại trận, bị vua Ác Sanh bắt, sai đao phủ xử trảm. Sa-la-na kinh sợ, khởi niệm mong gặp được thầy lần cuối dù chết cũng không ân hận. Tôn giả Ca-chiên-diên biết tâm niệm ấy, liền cầm tích trượng, ôm bát đi khất thực, hiện đến trước mặt Sa-la-na bảo:
- Ta đã nhiều lần thuyết pháp cho ông nghe, đấu tranh cầu thắng hoàn toàn không thể được. Ông đã không nghe lời ta dạy thì biết làm sao?
Sa-la-na khẩn cầu:
- Xin thầy cứu đệ tử lần này, đệ tử không dám làm sai lời thầy dạy nữa.
- Thôi được, đợi ta tâu với nhà vua xin tha mạng cho ông.
Nhưng lúc đó, tên đao phủ không chịu chờ cứ hạ đao chém, Sa-la-na hoảng kinh hét lên thì tỉnh giấc. Sa-la-na đem toàn bộ giấc mơ kể cho Tôn giả Ca-chiên-diên nghe, Tôn giả dạy:
- Sự chiến tranh sinh tử hoàn toàn không có chuyện thắng. Vì sao? Vì chiến tranh tàn hại người khác là gây thương đau cho muôn dân, con đường ấy sẽ đưa đến thọ khổ vô lượng ở tương lai và đọa vào địa ngục; tàn sát lẫn nhau thì oan gia ấy không bao giờ dứt, luân hồi lưu chuyển mãi mãi. Ông muốn xa lìa sanh tử, sợ hãi, đánh đập đớn đau thì phải quán thân mình để chấm dứt sự oán thù kia. Vì sao? Vì thân này là gốc của các khổ, bị đói khát, lạnh nóng, sanh già bệnh chết, bị muỗi mòng, thú độc làm tổn hại… Nhiều sự oán thù như vậy ông không thể báo thù hết được, vậy báo thù vua Ác Sanh để làm gì? Nếu muốn diệt trừ oán thù thì phải diệt trừ phiền não. Oán thù thế gian tuy nặng và khốc liệt nhưng chỉ hại có một thân hôi thối hữu lậu này thôi! Còn oán thù phiền não làm tổn hại cái thân thiện pháp. Do đó hãy quán xét gốc rễ oán thù nào làm dấy khởi phiền não. Nay ông không đánh giặc phiền não mà lại đánh vua Ác Sanh để làm gì?
Sau khi nghe thầy giảng dạy, Tỳ-kheo Sa-la-na tâm ý tỏ ngộ liền chứng quả Dự lưu, rồi tiếp tục tinh tấn hành trì, không bao lâu chứng A-la-hán.
Lời kết:
Lòng sân hận và tham vọng là nguyên nhân nhen nhúm cho ngọn lửa xung đột trong gia tộc, tranh giành quyền lực giữa dòng họ, thôn tính thiên hạ, tranh bá đồ vương của các vua chúa, cho đến xâm lược thực dân, chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai, v.v… Máu lửa, hận thù, chiến tranh đã in lại trên các vùng đất khác nhau, thì chiều kích khổ đau và sự đổ nát tinh thần cho mỗi con người, cho từng dân tộc cũng khác nhau.
Song, tất cả những gì xảy đến với ta đều phát xuất từ trong ta. Mầm mống nguy hại nó tiềm tàng sẵn có tận sâu kín nơi tâm hồn của mỗi người, một khi chưa gột sạch phiền não, nó sẽ bộc phát bất cứ lúc nào. Như Tỳ-kheo Sa-la-na (Sārana ) tuy đã xuất gia nhưng chưa chứng đắc thánh quả thì tâm thù oán và lòng hiếu chiến vẫn còn. Rồi tại sao Tôn giả Ca-chiên-diên không khuyên bảo trực tiếp mà lại dùng phương tiện biến ra giấc mộng để giáo hóa Tỳ-kheo Sa-la-na?
Vì từ thời xưa, người Ấn đã xem trọng những hiện tượng trong mộng, dựa vào đó có thể dự đoán việc xảy ra trong tương lai; do vậy mà những bài chú đoán mộng có rất sớm trong bộ A-thát-bà Phệ-đà (Atharva-veda, một trong những bộ sách Phệ-đà), đến thời Áo nghĩa thư (Upaniṣad) thì mộng hầu như dần dần được quan sát thêm về mặt tâm lý. Qua đến kinh điển Phật giáo cũng có một số dựa vào điềm mộng mà dự đoán tương lai, như kinh A-nan thất mộng, Quá khứ hiện tại nhân quả, v.v… Nhưng trong kinh điển Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa đều có quan điểm và cách giải thích khác nhau về mộng. Kinh điển Tiểu thừa phần nhiều xuyên qua điềm mộng mà ám thị những sự kiện và sự chuyển biến trọng đại, còn kinh điển Đại thừa phần nhiều giải thích, bàn về bản chất thực thể của mộng: có hay không, thiện hay ác… hoặc căn cứ vào tính chất hư vọng không thực của mộng để ví dụ các pháp hữu vi như huyễn, như ảnh ảo. Vậy, ý nghĩa Tôn giả Ca-chiên-diên hóa ra giấc mơ có thể là, vừa dự báo cho Sa-la-na biết số phận tương lai sẽ ra sao nếu hoàn tục, đem quân chinh phạt vua Ác Sanh, vừa muốn Sa-la-na thức tỉnh rằng, đời người như một giấc mơ: được mất, thắng thua, sống chết… đều không thật. Đồng thời lý tưởng của đạo Phật là “bất sát, vô hại”, luôn đề cao “chủ nghĩa hòa bình”, “tinh thần bất bạo động”, không làm hại ai thì không ai gây hại mình, không xâm hại quốc gia nào thì không quốc gia nào xâm hại quốc gia mình.
“Chiến thắng gây hận thù
Thất bại chuốc khổ đau
Từ bỏ mọi thắng bại
An tịnh liền theo sau.”
(PC. 201)
Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 60, tr39, 2009]