Ngày nhà giáo nghĩ về người giáo dục toàn thiện

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong bầu không khí tất cả học sinh khắp cả nước đang hân hoan mừng ngày nhà giáo, người viết xin chia sẻ niềm vui với các anh chị em, những Thầy Cô đang thực hành hạnh nguyện hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa, một lời chúc mừng và trân trọng những tình cảm mà các anh chị đã hy sinh cả cuộc đời của mình để dạy dỗ trao truyền kiến thức Phật học cho thế hệ đàn em trước cánh cửa vào đời.

Các anh chị là người anh người chị cả, từng được dìu dắt bởi các anh chị trong GĐPT trước đây, những người đã thầm lặng cống hiến cuộc đời vì thế hệ cho đàn em. Và vhính ngày nhà giáo thiêng liêng hôm nay, ngoài tiếng nói chung của lớp trẻ, chúng ta ôn lại những khoảnh khắc tu và học cùng nhau trong giáo pháp Phật-đà. Những giây phút ấy đã khắc sâu trong chúng ta hình bóng người Thầy vĩ đại, người Thầy của nhân loại, đã từ bỏ những vinh hoa phú quý thế tục đi tìm chân lý cứu khổ nhân sinh. Hôm nay ngày Nhà giáo, chúng ta ôn lại những lời dạy của Ngài đồng thời trao truyền cho nhau những suy nghĩ tâm tư tu học để tạo thêm sức mạnh cho nhau trên con đường thực hành giáo dục toàn thiện của Ngài. Chỉ khi nhìn đúng sự việc, đúng phương pháp, đúng con người và sự khế hợp trong mọi lãnh vực chúng ta mới dễ dàng đi đến xây dựng mô hình giáo dục thành công.

Cách đây trên 2500 năm, tại Ấn Độ hiện sinh một con người vĩ đại. Một con người ra đời không vì lợi ích cá nhân của mình mà vì hạnh nguyện mưu cầu hạnh phúc cho toàn nhân loại chúng sanh. Con người ấy tự thân khai sáng, khám phá và thể chứng chân lý cuộc đời bằng tự tánh duyên sinh, khẳng định đưa ra một con đường hạnh phúc cho đời sống nhân loại, một đời sống không có bóng dáng của nô lệ, khổ đau. Con người ấy được các nước trên thế giới tôn vinh là nhà giáo dục vĩ đại trong vô số nhà giáo dục. Ngài đã thiết lập nên một hệ thống giáo dục bằng chính tự thân thực nghiệm của mình. Hệ thống đó vạch ra một đời sống tu học và thiền định nhằm mục đích rèn luyện và chế ngự tâm, xem vô minh là nguồn gốc gây nên mọi sự khổ đau và thừa nhận nếu không biết phương cách tu tập chuyển hóa tâm thì đó chính là nguyên nhân chính yếu làm chướng ngại căn bản cho sự giải thoát. Bởi vậy, hệ thống giáo dục của Ngài được đặt trọng tâm vào tu tập tâm và thiết lập một mô hình giáo dục thích hợp với trình độ căn cơ của mỗi người, nhằm mục tiêu giải thoát.

Hệ thống giáo dục tuy đã hình thành từ rất xa xưa, từ khi con người nhận thức được ý thức cộng đồng, sống bảo vệ nhau, và đưa ra những quy luật, mà người Thầy giáo là một mẫu hình giáo dục căn bản. Trên phương diện đó, hệ thống giáo dục Phật giáo hoàn bị những yếu tố giúp cho nền giáo dục tương lai có một mô hình chính yếu cho việc xây dựng nền giáo dục hoàn thiện, hướng dẫn con người cải thiện đời sống tốt đẹp hơn.

Đức Phật là một nhà giáo dục hoàn thiện trong phương pháp giáo dục bình đẳng. Ngài tuyên bố với tất cả nhân loại rằng cánh cửa giải thoát sẽ mở rộng cho bất cứ kẻ nào hướng tâm tìm cầu giải thoát, bất kể kẻ đó là phàm phu tục tử, hay vương tộc quyền uy, là người đạo đức hay người gây nhiều lầm lỗi… Nếu ai biết cách chuyển hóa cải thiện đời sống nhiễm ô của mình thành trong sạch, giải thoát tức đồng quả vị như Ngài đã giác ngộ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại nói chung, trong hệ thống giai cấp phân tầng xã hội Ấn Độ nói riêng, đức Phật nâng giai cấp thấp hèn nhất trong xã hội đứng ngang địa vị của những người được xem là giai cấp thượng lưu thông qua đạo đức và trí tuệ, bởi chính hai yếu tính này không có sự phân biệt chủng tộc, giới tính, màu da… bất cứ ai quyết tâm tu học và ứng dụng giáo lý chân chánh thì chắc chắn sẽ được chứng quả ngang hàng với các vị Thánh giả đương thời.

Chính yếu tố này, giáo lý Ngài dạy không bắt buộc mọi người phải tuân theo hay phải quy phục như các tôn giáo đương thời. Những ai theo học giáo lý của Ngài phải nhận rõ ràng rằng đừng vì kính nể hay tôn trọng Ngài mà nhắm mắt tin theo. Hãy thực hành lời dạy ấy, chỉ khi nào mình tự tư duy, tự kiểm nghiệm và thể chứng lợi lạc trong tu tập, thì mới hiểu được ý nghĩa thâm sâu trong lời dạy. Trong kinh Kitagini, đức Phật dạy người học trò chơn chánh phải: “có lòng tin; đến gần; tỏ lòng tôn kính; lắng tai; nghe pháp; thọ trì pháp; suy tư ý nghĩa các pháp; chấp nhận các pháp; ước muốn sanh khởi; nỗ lực; cân nhắc và tinh cần.”

Qua đó chúng ta thấy, đức Phật vừa là một vị Thầy, vừa là một vị cha. Ngài vì lòng thương tưởng cho chư thiên và loài người. Trong đời sống tu tập, Ngài chỉ dạy từng li từng tí và chăm sóc tận tình những người học trò chưa hiểu Pháp, chưa hiểu đời sống tu tập của Tăng già. Có những lúc, Ngài phải tự thân chăm sóc người bịnh như Patigatta Tissa Thera, hóa độ cho kẻ cùng đường lạc lối được xã hội xem là kẻ sát nhân đáng sợ như Angulimala và hạng gái bán hoa như Ambapali. Mỗi buổi sáng thức dậy, sau khi đi kinh hành xong, Ngài quán chiếu hôm nay sẽ độ những ai, và chỉ dạy cho những người nào đi vào con đường của bậc Thánh đang đi. Ngài không chỉ độ cho các vị xuất gia mà đến cả các vương tôn quý tộc hay kẻ cùng đinh đều được hưởng phước đức trí tuệ của Ngài. Ngài thường sinh hoạt bên cạnh người học trò, theo dõi từng dòng tư tưởng của học trò, ví như người bác sĩ từng sống cùng bịnh nhân, nên hiểu từng căn bịnh của bịnh nhân mà cho thuốc. Thậm chí cho đến lúc lâm chung, đến hơi thở cuối cùng Ngài ngồi dậy độ cho Tu-bạt-đà-la thể nhập dòng thánh. Cả cuộc đời đức Phật là một vị Thầy mẫu mực, giáo lý Ngài dạy không độc đoán, những lời chỉ dạy truyền trao luôn mang đậm tính từ bi và thương yêu. Ngài không độc quyền hay độc tôn lãnh đạo.

Đức Phật là một vị Thầy giàu lòng bi mẫn. Ngài truyền trao cho chúng ta trí tuệ cao siêu, sự thoát ly đời sống ràng buộc, hãy sống đời gương mẫu, làm lợi lạc cho mình và người và cả hai và là chủ nhân ông trong hành động của mình. Phương pháp chỉ dạy đó đã đem lại kết quả rất to lớn trên con đường thực hành tâm linh và xây dựng một đời sống hạnh phúc. Con người vĩ đại đó, tấm lòng trí tuệ đó, phương pháp giáo dục siêu việt đó của Ngài đã khiến muôn nghìn trái tim phải phủ phục trước Ngài như một đạo sư siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại, như Sri Radhakrishnan nói: “Nơi Đức Phật Cồ-đàm ta nhận thấy một tinh hoa toàn thiện của phương Đông. Ảnh hưởng Ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công hi hữu, cho đến ngày nay không thua kém bất cứ vị giáo chủ nào trong lịch sử”.

Từ sự đối chiếu so sánh qua lăng kính giáo dục, chúng ta thấy, đức Phật là nhà giáo dục vĩ đại. Ngài không chỉ dạy trên lý thuyết mà chỉ dạy ngay bằng sự thực tập trong đời sống của mình. Ngôn hành hợp nhất, lý thuyết phải đi đôi với thực hành. Lý thuyết đó phải song hành ngay trong đời sống thực nghiệm tâm linh. Điều đó khẳng định phương pháp giáo dục của Ngài không chỉ khế cơ, khế lý mà còn khế thời, phù hợp và đáp ứng được những gì mà chúng sanh, hôm qua, hôm nay và ngày mai mong đợi. Ngài là người đem lại ánh sáng trí tuệ giác ngộ cho cuộc đời và hướng dẫn mọi người diệt trừ những nguyên nhân gây khổ đau cho cuộc đời. Đức Phật xuất hiện trên thế gian này không ngoài mục đích chính là chỉ bày cho tất cả chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình. Hay nói đúng hơn là “vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người.” Vì mục đích tối thượng đó, suốt bốn mươi chín năm, đức Thế Tôn phục vụ cho tất cả chúng sanh không ngừng nghỉ.

Hôm nay, khi nhìn lại thành quả của một nền giáo dục đương đại, chúng ta cảm thấy rất hãnh diện về mô hình giáo dục con người của Phật giáo chỉ dạy. Phương pháp ấy, không chỉ giáo dục đời sống trở thành một con người tốt, mà hướng dẫn cho con người xây dựng một đời sống hướng thượng giải thoát, một bậc Thánh. Đời sống ấy được xây dựng bằng những phẩm tính từ bi, trí tuệ và khả năng khai sáng Phật tính bồ đề tâm trong mỗi con người. Đó là sự thực hành đem lại hạnh phúc bằng con đường thực nghiệm Bát chánh đạo mà đức Phật đã chỉ dạy lại. Thực hành bằng giới đức xây dựng đời sống chuẩn mực cho đời sống của mình. Thực hành thiền định để làm chủ tâm của mình trong mọi hoàn cảnh. Và thực hành trí tuệ để khai mở những phạm trù trong sáng, thiết yếu, thiết lập cho tự thân con người khả tính có thể phát triển trí tuệ hữu sư và vô sư, một khả năng tiềm ẩn trong tự thân mình. Giới-Định-Tuệ có thể được xem là chuẩn mực nhất trong việc xây dựng mô hình giáo dục toàn thiện mà đức Phật muốn trao truyền, và con người trong thế kỷ 21 cần phải thực hiện.

Hạnh Khai
[Tập san Pháp Luân - số 57, tr.69, 2009]