Nói với ai !

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Giữa cuộc sống bộn bề với bao việc lo toan, phiền toái, đôi lúc chúng ta cũng muốn được yên tĩnh, thảnh thơi với giây phút hiện tại, không muốn tiếp xúc với bất cứ một ngoại cảnh nào. Những việc đó tưởng chừng đơn giản, vậy mà không giản đơn chút nào.

Bởi lẽ, trong tâm thức chúng ta đã huân chứa rất nhiều chủng tử, tập khí, nên khi mong muốn có giây phút được bình yên tự tại như vậy thì những tập khí tiềm tàng đó nó cứ hiện ra, khiến cho chúng ta không thể tự làm chủ mình mà trái lại dễ dàng gá duyên với hoàn cảnh xung quanh. Vì thế việc tự chủ là một vấn đề rất khó đối với đời sống thế tục cũng như các công việc mà chúng ta đang đối diện.

Hằng ngày chúng ta phải nói chuyện tiếp xúc với mọi đối tượng, nhưng tiếp xúc như thế nào để đem lại lợi ích cho mọi người, nói chuyện như thế nào để không đi ngược lại với đạo lý an tịnh, đó là vấn đề đặt ra cho mỗi chúng ta trong cuộc sống, trong lối tư duy và tìm ra một giải pháp thích hợp xây dựng hạnh phúc cho chính mình.

Có những người, khi tiếp xúc, chúng ta chỉ nói chuyện cho có lệ, hoặc nói cho qua chuyện, nhưng có những người mỗi khi nói chuyện ta sẽ chia sẻ hết tâm tư tình cảm của mình để cho đối tượng đó hiểu và không còn cảm thấy đơn độc khi đối diện với mình. Nhưng cuộc đời có được mấy tri âm tri kỷ để chia sẻ tất cả những niềm sâu kín của mình. Đa số, khi tiếp xúc, người ta chỉ mong sao cuộc trò chuyện đó đem lợi về cho mình.

Là người con Phật, chúng ta phải luôn ý thức hành động của mình. Ý thức ở đây là hiểu đúng về ba nghiệp, thân, khẩu và ý. Sự tác ý của con người sẽ dẫn con người hình thành nên nghiệp thiện hay ác. Nếu con người để cho tâm tư tự do theo thói quen suy nghĩ, tự do làm những điều mình muốn, tự do nói ra những điều thỏa mãn cho riêng mình, thì những tâm tư đó sẽ ghi lại một dấu ấn, có thể mang lại một kết quả tai hại hiện tại không chỉ cho bản thân mà còn cho cả hoàn cảnh xung quanh. Khi một con người đau khổ, sự ảnh hưởng của kẻ ấy cũng tác động lớn đến xã hội, đến con người xung quanh, làm cho ai cũng lo sợ, làm cho ai cũng phải cảnh giác, cảm thấy bất an trong từng giây, từng phút… Còn khi xã hội hiện tồn con người luôn sống đời an lạc, không những vị đó đem lại hạnh phúc cho mình mà còn đem lại hạnh phúc cho người, làm cho mọi người luôn cảm thấy an tâm khi tiếp xúc, khi nói chuyện hay tin tưởng vào con người ấy và sống tốt hơn. Vì vậy, người con Phật khi làm bất cứ một việc gì, trước phải xem bản chất của việc làm ấy có đem lại lợi lạc cho mình và cho tha nhân hay không, phải thấy hiểu đúng bản chất của sự việc, luôn sống trong chánh niệm tỉnh giác, thì sự hiện hữu mới thấy có giá trị. Phải biết mình đang tiếp cận với đối tượng nào và nên tránh những gì gây cho mình sự không như ý.

Ngay trên ý niệm như vậy, chúng ta sẽ tìm đến những bậc thiện tri thức để học hỏi và trau dồi phẩm hạnh đạo đức cho mình. Khi nói chuyện hay tiếp xúc với người hiền, chúng ta sẽ được tưới tẩm những hạt giống tốt, những hạt giống an vui và thánh thiện. Chúng ta sẽ được vị ấy chỉ dạy cho điều hay lẽ phải, dẫn dắt cho chúng ta biết rõ con đường nào cần đi, con đường nào cần tránh để không bị hầm hố nguy hiểm bẫy sập. Bằng ngược lại, nếu không được tiếp cận, hướng dẫn, học hỏi từ bậc thiện tri thức, chúng ta sẽ dễ dàng đi lạc vào con đường đầy ác thú, lầm lỗi. Tại sao vậy? Bởi vì chúng sanh, bản tính cố hữu tồn tại của mình là thường hay có tánh khen mình chê người, hay nói xấu chê bai kẻ khác, hay bàn chuyện thiên hạ, để rồi sanh ra sự ganh ghét, thù hiềm và trách cứ lẫn nhau, ít có ai nghĩ về mình và tự trách mình. Trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy: thắng hàng vạn quân địch ở ngoài xa trường chưa thể xem người chiến thắng đó là kẻ anh hùng hay là sự chiến thắng tối thượng. Chỉ khi nào, con người ấy chiến thắng được bản chất xấu xa của mình, chiến thắng những cám dỗ dục vọng tồn tại trong tự thân mình, làm chủ mình, làm chủ hoàn cảnh và không bị lệ thuộc bởi bất cứ một cái gì thì sự chiến thắng đó mới gọi là chiến thắng tối thượng. Qua điều này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về sự làm chủ bản thân mình, sự hiện hữu của mình và làm thế nào để đem lại cho mình có một đời sống an lạc thật sự, mà không phải là sự đối đáp hay là sự lừa lọc, gây tổn hại lẫn nhau, gây sự hiềm hận lẫn nhau từ đời này sang đời khác. Khi sống đời sống như vậy, mình sẽ chiến thắng, giặc ở đây không phải là giặc ngoại cảnh mà giặc là vốn hằng hữu trong tâm mình, đó là chiến thắng những ham muốn đòi hỏi theo ngã chấp của mình. Chiến thắng nó và làm chủ nó. Đó là chiến thắng tối thượng.

Cũng vậy, trong giáo pháp Phật-đà, bất cứ một ai khi học hỏi, điều cần thiết đầu tiên là phải ý thức về những hành động của mình đang làm, đang suy nghĩ và đang nói như thế nào? Nghĩa là chúng ta luôn sống trong những giây phút chánh niệm, tỉnh giác. Khi ta tiếp cận nói chuyện với ai, chúng ta ý thức rằng mình đang nói với ai và đang nói cái gì, đó mới là điều chính yếu.

Tại sao lại như vậy? Tại vì tận trong thâm tâm của mỗi con người đều ẩn chứa nhiều nỗi niềm khúc mắc chưa được chuyển hóa, có những việc cả đời không thể nói ra được, cho nên thế gian này có nhiều người rất đau khổ khi mình có đầy đủ các giác quan nhưng phải im lặng, như câm như điếc, và sống trong sự dày vò đau khổ. Có người lại quá vô tư trong suy nghĩ, đụng đâu nói đó, không nghĩ đến hậu quả của nó là thế nào và dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, khiến cho mình và cho người bất an, mất lòng tin tưởng.

Vậy, chúng ta phải sống như thế nào để được hài hòa và an lạc? Sống giữa cõi đời đôi lúc chúng ta không còn biết mình là ai nữa, nguyên lý nào có thể giúp chúng ta làm chủ được bản thân mình và đem lại những kết quả lợi lạc trong khi tiếp cận hay hành xử một công việc gì đó? Đức Phật dạy rằng, chúng ta không cần phải nương tựa vào ai cả, mà phải nương tựa vào hải đảo tự thân của mình, nương tựa vào chánh pháp. Chỉ khi mình biết rõ lộ trình nương tựa hòn đảo tự thân là thế nào? Và nương tựa vào chánh pháp ra sao thì chúng ta sẽ bước những bước đi an tịnh. Hòn đảo tự thân, đối với người thường thì quá ư là khó, vì họ phước mỏng, nghiệp dày, làm sao xây dựng được hòn đảo kiên cố để làm nơi nương tựa. Còn chánh pháp thì trở về nương tựa nhưng cần phải có người để chỉ dẫn phải đi như thế nào. Cần có Thầy dạy để giúp cho mình đi những bước đi chân chính. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật dạy: ‘gặp được bậc thiện tri thức là khó’, vì thế chúng ta cần phải tìm đến những nơi nào có bậc thiện tri thức để học hỏi và thỉnh cầu quý vị ấy hướng dẫn chỉ dạy cho mình. Thiện tri thức đó không ở đâu xa mà ở ngay cạnh chúng ta, những tấm gương cho chúng ta làm lành tránh dữ. Những tấm gương tốt hiện hữu trong cuộc đời giúp cho chúng ta thấy đó để noi gương theo sống cho tốt, còn những tấm gương bất hảo giúp cho chúng ta cần xa lánh không nên tái phạm. Đó là thiện tri thức ở cuộc đời, còn trong đạo Phật thì chúng ta phải tìm đến nương tựa những vị thầy có khả năng chuyển hóa những đau khổ cho đệ tử, có khả năng hướng dẫn đời sống tâm linh cho đệ tử ngày càng thăng hoa hơn trên con đường tu tập. Vị thầy không chỉ là tấm gương thân giáo và khẩu giáo, mà vị thầy còn là tấm gương đại diện cho hàng Tăng bảo thường trụ truyền trì mạng mạch ở thế gian, tìm đến được những bậc Thầy như vậy, chúng ta sẽ được nương tựa học hỏi rất nhiều.

Cuộc đời con người sống chỉ vỏn vẹn mấy mươi năm, ai dám chắc rằng cuộc sống đó là dài, ai dám hãnh diện rằng mình có thể có đời sống hạnh phúc miên viễn khi trong tâm tư vẫn còn tiềm ẩn những bộc phát của tham sân si, hay những kiết sử đem lại đau khổ. Vậy chỉ có khi nào chúng ta ý thức được cuộc sống hiện hữu chỉ như những con thiêu thân, chỉ như lằn chớp vừa lóe ra trong không trung rồi chợt tắt, hay nói đúng hơn, so với vô vàn tỉ tỉ năm thì kiếp sống ấy chợt hiện ra rồi chợt mất, chúng ta mới tỉnh mộng để trở về, để sống sao cho tốt với chính bản thân mình, cho mọi người xung quanh. Chúng ta không chỉ sống cho mình, mà còn sống cho người, sống không ích kỷ, sống sao đem lại lợi lạc cho tất cả nhân thiên.

Nói với ai, là một chủ đề mà tự bản thân người viết băn khoăn, trăn trở bấy lâu. Người viết được hạnh phúc tái ngộ trong dòng suối mát của đức Phật nhưng có những lúc nhìn lại, thấy thời gian trôi qua quá nhanh, những nội kết đau khổ, những điều bất an vẫn còn tồn đọng một vài giây phút nào đó làm cho mình cảm thấy sợ hãi. Nói với ai hay nói với mình là chủ đề giúp cho mỗi con người tự phản tỉnh và xây dựng một cuộc sống an vui ngay tại cuộc đời này, ngay tại kiếp sống này chứ không tìm ở đâu xa. Chỉ khi mình có một đời sống an lạc, thì ngay nơi đó mình định hình được một đời sống tương lai hạnh phúc, còn không thì chúng ta và tất cả nhân loại sẽ mãi đoanh vây trong kiếp sanh tử luân hồi đau khổ.

Bạch Cúc
[Tập san Pháp Luân - số 57, tr.80, 2009]