Theo bản tin, sự kỳ thị đối với Phật giáo chủ yếu đến từ giới cầm quyền theo đạo khác và lên đến cao điểm khi ông Lee Myung-bak, một người theo đạo Tin Lành lên nắm chức vụ Tổng thống. Hoạt động đẩy mạnh sự kỳ thị Phật giáo này đã dẫn đến việc phản đối ngày càng gia tăng từ giới Tăng Ni Phật tử.
Tập san Pháp Luân số 55 có bản tin do thầy Nguyên Lộc tổng hợp: Phật giáo Nam Hàn ngưng biểu tình phản đối sự kỳ thị tôn giáo.
Theo bản tin, sự kỳ thị đối với Phật giáo chủ yếu đến từ giới cầm quyền theo đạo khác và lên đến cao điểm khi ông Lee Myung-bak, một người theo đạo Tin Lành lên nắm chức vụ Tổng thống. Hoạt động đẩy mạnh sự kỳ thị Phật giáo này đã dẫn đến việc phản đối ngày càng gia tăng từ giới Tăng Ni Phật tử. Kết quả như bài tổng hợp của thầy Nguyên Lộc cho thấy: phía Phật giáo đồng thuận chấp nhận lời xin lỗi của Tổng thống Lee Myung-bak, chấm dứt các cuộc phản đối trong ôn hòa về vấn đề kỳ thị Phật giáo từ giới cầm quyền theo đạo Tin Lành.
Tuy nhiên, vấn đề chắc chắn là chưa kết thúc. Tuy rằng lời xin lỗi của Tổng thống Nam Hàn được loan báo rộng rãi (báo chí ở Việt Nam cũng đã đưa tin), nhưng, theo bản tin đã dẫn, lời xin lỗi và hối tiếc của ông Lee Myung-bak “chưa thật sự thành tâm và đủ thiện ý”, nó “chỉ nhằm làm xoa dịu sự phản đối ôn hòa đang lan ra toàn quốc của tín đồ Phật giáo”. Vấn đề chỉ dừng lại ở mức đối phó từ chính quyền theo đạo Tin Lành, chứ chưa hẳn là được giải quyết triệt để. Chắc chắn, mâu thuẫn càng tiếp diễn và có thể dự đoán sự bất lợi sẽ luôn thuộc về Phật giáo như đã xảy ra.
Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua toàn bộ quá trình sự việc để rút ra bài học kinh nghiệm, và đồng thời cũng thấy được vai trò của truyền thông trong việc truyền đạo Tin Lành, mà hiện nay đang đưa đến những hệ quả nặng nề cho Phật giáo Hàn Quốc.
Triều Tiên (gồm cả hai miền Nam Bắc) vốn là một quốc gia Phật giáo sau hơn 17 thế kỷ truyền bá. Phật giáo đã cắm sâu gốc rễ vào đất nước Triều Tiên. Rất nhiều ngôi chùa, tượng Phật xinh đẹp và lớn lao đã được xây dựng. Hệ thống kinh tạng tiếng Hàn đã rất phát triển và văn học cổ Triều Tiên cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng từ Phật giáo Triều Tiên.
Trong số các nhóm đạo Cơ Đốc, đạo Thiên Chúa La Mã được truyền đến Triều Tiên sớm hơn cả từ các quốc gia Châu Âu và cũng vào một thời điểm tương tự như đối với Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản…
Đạo Tin Lành đến Triều Tiên chậm hơn, chủ yếu từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên diễn ra vào giữa thế kỷ XX. Hoạt động truyền đạo Tin Lành đẩy mạnh cùng với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Miền Nam của bán đảo này, khi đó đã được gọi là Đại Hàn Dân Quốc.
Các tài liệu của cả hai phía Thiên Chúa La Mã và Tin Lành đều ghi nhận một cuộc chạy đua truyền đạo, mà họ gọi chung là “Loan báo tin mừng” ở xứ sở này, giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX. Đến cuối thế kỷ XX, cuộc chạy đua này đã được tổng kết với bên về nhất thuộc về Tin Lành, với việc sử dụng những phương tiện truyền thông hiện đại, so với phía Thiên Chúa La Mã sau này chỉ trông cậy vào sự phát triển tín đồ từ hôn phối và giáo dục.
Việc truyền bá đạo Tin Lành ở Hàn Quốc có phần giống với việc truyền bá đạo Tin Lành ở Miền Nam Việt Nam sau 1954, đặc biệt là sau 1965, khi sự có mặt của quân đội Mỹ được mở rộng. Tin Lành tỏ ra rất “thiện nghệ” với các phương tiện “mềm” (mà chúng tôi đã có lần đề cập đến trong một bài viết trước đây), là truyền thông, thuyết phục, ngược lại với phương tiện “cứng”, là bạo lực, cưỡng bức, dựa vào quyền thế, sức mạnh chính trị, có tính chất ép buộc.
Phương tiện “mềm”, tức phương tiện truyền thông mà các giáo phái Tin Lành xuất phát từ Mỹ dùng để truyền đạo ở Đại Hàn là thuyết giảng, báo chí, sách vở, phát thanh truyền hình thông qua các “chiến dịch” công tác các hoạt động xã hội. Họ tổ chức các hình thức tụ tập công chúng như bệnh viện miễn phí, hoạt động từ thiện… để tạo kênh truyền thông. Nói chung là đa dạng về mặt hình thức hơn nhiều so với Thiên Chúa giáo La Mã, chỉ tập trung vào lo việc giáo dục là chính (mở các trường đạo như ở ta).
Chính phía Thiên Chúa La Mã cũng coi hoạt động truyền đạo của Tin Lành bằng các phương tiện mềm phong phú, đa dạng là có hiệu quả. Số tín đồ đạo Tin Lành cao hơn đáng kể so với Thiên Chúa La Mã, trong điều kiện cả hai tôn giáo này đều tập trung vào đối tượng cư dân thành thị tầng lớp trí thức và giới trẻ sinh viên học sinh… tức là đối tượng có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện truyền thông hiện đại nhiều nhất.
Bằng các phương tiện truyền thông, những người truyền đạo Tin Lành cố gắng miêu tả Phật giáo truyền thống ở Đại Hàn như một tập tục, chứ không hẳn là một tôn giáo (xem nhiều phim Hàn Quốc hay chương trình truyền hình Hàn Quốc ta cũng thấy hiện tượng này). Chùa chiền là nơi dạo chơi, ngoạn cảnh, du hý, picnic, như xem bảo tàng, còn lễ cưới lễ tang thì đều tổ chức ở nhà thờ.
Đạo Tin Lành được giới thiệu với giới trí thức Đại Hàn qua các phương tiện truyền thông như là một bộ phận của “Văn minh Mỹ”. Và trên đường “Mỹ hóa” giới trí thức, việc theo đạo Tin Lành ở một bộ phận lớn trí thức Hàn Quốc là không thể tránh khỏi.
Trong giới trí thức Hàn Quốc được Tin Lành hóa đó, một bộ phận làm việc trong các ngành truyền thông, giáo dục, xã hội; một bộ phận đi theo con đường chính trị, trở thành quan chức nhà nước. Trong số đó, nhiều người lên làm Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng…
Trong khi đó, giáo lý Tin Lành coi việc cải đạo người khác là nhiệm vụ hàng đầu của tín đồ. Thế là điều đương nhiên đã xảy ra. Các tín đồ Tin Lành là Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, giám đốc, bệnh viện, hiệu trưởng các trường đại học, trung học… đó, có ảnh hưởng lớn đến quần chúng, đã sử dụng nhiều khi vô tư, nhiều khi cố ý vị thế của mình phục vụ cho việc truyền đạo Tin Lành, dù cho Hiến pháp có quy định gì gì đi nữa và điều họ làm là trái với pháp luật Hàn Quốc. Chính vì trái với pháp luật nên Tổng thống mới nhận sai lầm, thiếu sót và chính thức xin lỗi.
Chúng ta hết sức lưu ý một điều: khi mà việc truyền đạo Tin Lành diễn ra trong một bối cảnh trái với bộ luật cơ bản là hiến pháp như vậy, thì nó đã chuyển từ phương tiện “mềm” sang phía phương tiện “cứng”, mặc dù ở đây chưa có bạo lực, cưỡng ép theo đạo.
Nhưng việc truyền đạo đã dựa trên thế mạnh chính trị ưu thế trong hoạt động nhà nước, ở mức cao nhất là nguyên thủ quốc gia. Khi một nguyên thủ quốc gia đứng ra đi truyền đạo Tin Lành cho công dân (dù dưới hình thức nào đi nữa), thì đó là một hình thức cưỡng bức gián tiếp.
Sức mạnh mềm đã trở thành sức mạnh cứng, dưới một hình thức đặc biệt!
Một khi các vị Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng… Hàn Quốc còn là người đạo Tin Lành, thì theo nhiệm vụ của một tín đồ, họ phải đi cải đạo người khác. Như thầy Nguyên Lộc đã thông tin, cách làm của Tổng thống Hàn Quốc chỉ là “xoa dịu” chứ không phải là để giải quyết vấn đề. Ông tổng thống vẫn là một tín hữu Tin Lành!
Do đó, không thể chủ quan coi rằng, ngày nay, phương tiện cứng không còn có chỗ đứng trong hoạt động truyền đạo. Nó biến thái sang các hình thức khác. Và phương tiện mềm đến một lúc nào đó, sẽ chuyển hóa thành phương tiện cứng, tùy thuộc theo tôn giáo.
Vấn đề mà Phật giáo Hàn Quốc hôm nay gặp phải là kết quả tất yếu của một quá trình hoạt động tôn giáo thụ động, xem nhẹ các hoạt động truyền thông, xa rời đối tượng trí thức, thanh thiếu niên, chỉ chuyên lo cầu cúng hương khói, ma chay, bám chặt lấy những tập tục cổ truyền, xơ cứng trong hoạt động tôn giáo.
Một cách thức hành đạo như vậy tất yếu sẽ dẫn đến việc tín đồ ngày càng giảm xuống. Và điều đáng ngại hơn là khi số đông những nhà lãnh đạo quốc gia, tầng lớp tinh hoa trí thức khoa bảng… đã trở thành tín đồ của các tôn giáo đặt nặng vấn đề cải đạo, thì tương lai Phật giáo sẽ rất bi quan.
Triều Tiên, từ chỗ là một quốc gia Phật giáo Đại thừa, nay Phật giáo đã là một tôn giáo thiểu số, theo thống kê từ bản tin Phật giáo Nam Hàn ngưng biểu tình phản đối sự kỳ thị tôn giáo của thầy Nguyên Lộc.
Hiện nay, tại Việt Nam đã có hiện tượng chủ các công ty Hàn Quốc truyền đạo Tin Lành cho công nhân, nhân viên Việt Nam. Người có đạo Tin Lành sẽ được ưu đãi, thuận lợi hơn trong công ty có chủ theo đạo Tin Lành.
Du học sinh Hàn Quốc theo học các ngành khoa học xã hội tại Việt Nam cũng tích cực truyền đạo Tin Lành cho bạn bè, chủ nhà trọ, xe ôm đưa đón họ…
Tại các khu phố có đông người Hàn sinh sống ở Sài Gòn, những người Hàn Quốc đạo Tin Lành cũng tích cực truyền đạo cho hàng xóm. Những cửa hàng nào có người đi đạo Tin Lành sẽ được người cùng đạo ưu đãi trong việc mua hàng hay đặt dịch vụ.
Tại Sài Gòn đã có các giáo hội Tin Lành Hàn Quốc hoạt động và họ phối hợp chặt chẽ với tín đồ trong nước trong hoạt động cải đạo…
Phật giáo Việt Nam cần lưu ý đến hiện trạng trên để không phải rơi vào trường hợp mà Phật giáo Hàn Quốc hiện nay đang gặp phải.
Phước Cường
[Tập san Pháp Luân - số 57, tr.64, 2009]