Hình ảnh con người Đại Việt trong thời đại Lý Trần - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


“Trang sử Phật
Đồng thời là trang sử Việt
Trải bao độ hưng suy
Có nguy mà chẳng mất.”

Điều này nói lên rằng, đạo Phật liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của dòng sinh mệnh Việt Nam. Trong đó, Phật giáo thời Trần, với sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái mang đậm bản sắc của Phật giáo Việt Nam, của văn hóa dân tộc Việt Nam - là một điểm son trong lịch sử dân tộc. Đây là giai đoạn thống nhất tư tưởng của các thiền phái, xây dựng mẫu người Phật giáo lý tưởng, hình thành hệ tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, như là bản tuyên ngôn của con đường sống đạo.

Ở đây chúng tôi dựa vào tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông, Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông, Phật tâm ca của Tuệ Trung Thượng Sĩ để làm sáng tỏ hình ảnh con người Đại Việt trong xã hội Lý - Trần, mong sao có thể góp một phần nhỏ vào việc tìm hiểu về tinh thần thiền học Trúc Lâm, cũng như những đóng góp của dòng thiền này cho Phật giáo nói riêng và trong dòng chảy của lịch sử nước nhà nói chung.

Phật giáo Lý-Trần xây dựng Phật giáo nhất tông

Nhờ sự phát triển của mười thế kỉ trước nên khi đất nước độc lập, Phật giáo Việt Nam càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Phật giáo lúc này không chỉ ảnh hưởng to lớn trong đời sống tâm linh, đời sống văn hóa của dân tộc, mà còn chi phối đến chính trị, xã hội, v.v… Lúc này, các vương triều phong kiến cần tìm chỗ dựa vững chắc về ý thức hệ – một công cụ tinh thần để quản lí và xây dựng đất nước – mà Phật giáo lúc này có một thế lực mạnh và có một lực lượng quần chúng đáng kể; nhiều nhà sư am hiểu nhiều ngôn ngữ, thông suốt Tam tạng kinh điển, nhiều Tăng Ni, Phật tử đã tham gia vào việc giải phóng dân tộc, nên việc các vương triều Việt Nam bấy giờ chọn đạo Phật làm quốc giáo cũng là lẽ đương nhiên.

Phật giáo thời này không chỉ bó hẹp trong nhà chùa, lo truyền đạo, chăm sóc đời sống tâm linh cho con người, mà còn đóng góp nhiều công sức trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Lúc đầu các thiền sư đời Lý trực tiếp tham dự chính sự, tiếp sứ thần ngoại bang (như thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh thuộc thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, thiền sư Ngô Chân Lưu thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, v.v…). Về sau, vì các vua đời Lý so với các vua thời Đinh, Lê thì giỏi hơn rất nhiều về phương diện học thức, sự sùng Phật của họ có tính cách tâm linh và trí thức lớn, trong triều đã xuất hiện nhiều người có Nho học, trong số này có nhiều người do các thiền sư đào tạo, cho nên các thiền sư chỉ đóng góp về phương diện chỉ đạo tinh thần mà khỏi phải trực tiếp làm những việc tiếp sứ, thảo chiếu dụ và văn thư, v.v…

Việc vua Trần Thái Tông lên ngôi báu khai sáng ra triều đại nhà Trần là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đất nước lúc bấy giờ. Một là thâu giang sơn về một mối, thống nhất từ trong ý chí thể hiện qua hành động. Hai là trên dưới đồng lòng cùng nhau xây dựng phát triển đất nước thịnh vượng và bảo vệ vững chắc các thành quả đạt được. Ngoài việc thực hiện hai mục tiêu đề ra, Trần Thái Tông còn đặt ra cho mình một nhiệm vụ hết sức trọng đại: chủ trương đặt nền móng thống nhất các thiền phái hiện có như Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường tiến đến sát nhập và hình thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử duy nhất đời Trần. Sự kiện ra đời dòng thiền này có ý nghĩa rất lớn, nó đáp ứng nhu cầu lịch sử của dân tộc là xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập tự chủ, không chỉ được xác định trên cương thổ biên giới mà còn độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo. Thế nên, dù trong cương vị là Hoàng đế hay là Thái thượng hoàng, hay là Thiền sư, ngài luôn khát khao thiết lập dòng thiền mới mang tính cách Đại Việt và thật phù hợp với bối cảnh lịch sử dân tộc đã sang trang và tình hình phát triển đất nước lúc bấy giờ.

Thực tế, tư tưởng lập thiền phái mới này được manh nha từ khi Phật giáo có chủ trương mới, nhập thế, tùy tục, tùy duyên nhưng bất biến để đáp ứng nhu cầu lịch sử dân tộc đặt ra của một đất nước vừa độc lập và đang thực hiện thống nhất trên mọi phương diện. Là ông vua đầu tiên nhà Trần, dưới cái nhìn của một nhà chính trị, Trần Thái Tông càng cương quyết thực hiện ý tưởng đó, chấp nhận lời khuyên của Quốc sư Phù Vân như là quan điểm chính trị, phục vụ đạo pháp và dân tộc: “phàm làm đấng quân nhân thì phải lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”, thì ý tưởng thống nhất các thiền phái thành Phật giáo nhất tông là điều tiên quyết đối với sứ mệnh quốc gia và đạo pháp.

Dưới ảnh hưởng lớn lao của Trần Thái Tông, ba thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đã theo thời gian lịch sử dần dần sát nhập. Cũng chính hướng đi này, về sau, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông đã khai mở dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử phát triển, đi vào lòng dân tộc; một dòng thiền không chỉ tiếp thu tinh hoa quá khứ mà còn tổng hợp được những cống hiến của thời đại mình. Tại đây, chúng ta có thể nói, nội dung tư tưởng triết lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều dựa vào Khóa hư lục như là một nền tảng để các vị Tổ dòng thiền này lấy đó làm kim chỉ nam sáng lập và truyền thừa. Nếu Trần Thái Tông là người manh nha kết cấu, đặt nền tảng, thì Trần Nhân Tông là người đầu tiên làm cho Thiền phái Trúc Lâm thăng hoa, sống mãi với thời gian, không gian trên mảnh đất Việt Nam thân thương này.

Triều Lý trải qua tám đời vua, ngôi truyền hơn 200 năm. Với cái nhìn khách quan lịch sử trong tiến trình dựng nước và giữ nước lúc thịnh cũng như trên đà suy vong của triều đại nhà Lý, để rồi phải trao vận mệnh quốc gia cho nhà Trần, chúng ta thấy rằng ngoài sức mạnh toàn dân, thì vai trò của các ông vua đối với thần dân qua các triều đại là vô cùng quan trọng đối với xã hội phong kiến.

Hình ảnh con người Đại Việt trong xã hội Lý-Trần

Quan điểm Phật tại tâm

Tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Trúc Lâm là “cư trần lạc đạo”, “tức tâm tức Phật”. Quan điểm này đã có mặt từ thời vua Trần Thái Tông, khi nhà vua bỏ ngai vàng vào núi để tìm Đạo và được Quốc sư Viên Chứng thức tỉnh: “Trong núi vốn không có Phật. Phật chỉ có ở trong tâm. Tâm lặng mà biết thì đó đích thị là Phật”, và ít nhiều Trần Nhân Tông cũng đã kế thừa được từ Tuệ Trung Thượng Sĩ, một con người vĩ đại mà Trần Nhân Tông đã ca ngợi:
“Càng nhìn càng cao
Càng khoan càng bền
Thoạt nhìn thấy trước
Bỗng phía sau liền
Đó chính đạo Thiền
Của riêng Thượng sĩ”.

Đó là tiền đề để sau này khi dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ra đời đã có những đóng góp tích cực cho đất nước, đã giải quyết được những vấn đề thực tiễn của xã hội, giúp nhân dân Đại Việt lúc ấy sống vui vẻ trong đất nước mình, hăng say lao động và bảo vệ cuộc sống ấy.

Các thiền sư giai đoạn này đã có ý thức đi tìm một hướng đi mới cho Phật giáo. Kết quả, thiền phái Thảo Đường, Trúc Lâm ra đời, giới xuất gia không còn đóng khung hoạt động trong ngôi chùa, họ cũng kết hợp với Phật tử tham gia công tác xã hội. Cuộc sống của giới xuất gia từ đây nặng tính thế tục. Chủ trương tùy tục hình thành và đi vào đời sống thực tiễn. Tùy tục là sống theo với đời mà vẫn giác ngộ. Rõ ràng, Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội. Vấn đề cốt lõi đời sống Phật giáo, theo nếp sống thiền là cần phải xử lý tâm “biện tâm”: “mạc vấn đại ẩn tiểu ẩn, hưu biệt tại gia xuất gia, bất câu tăng tục, chỉ yếu biện tâm” (chẳng ở nơi thành thị, phố phường đông đúc, chẳng phải nơi khu rừng ẩn dật, không phân biệt tại gia xuất gia, chẳng nề tăng tục, chỉ cốt tỏ lòng). Đây chính là quan điểm mà Trần Thái Tông đã đề xuất trong Thiền tông chỉ nam. Con người có thể giác ngộ ngay trong đời sống thường nhật của mình:
“Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt
Đến cốc hay Bụt chỉn là ta”.
(Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo phú, hội thứ 5)

Hay là: “Tâm tức là Phật,… niệm tức là bụi trần, không vướng một mảy may, niệm trần vốn tịnh, nên nói như như bất động tức là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng.” (Trần Thái Tông, Niệm Phật luận)

Như vậy, giác ngộ hay không giác ngộ là tự mỗi bản thân con người, vì tự họ có khả năng giác ngộ. Chính trên cơ sở lý luận ấy mà tư tưởng “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mới có thể xuất hiện. Và cũng chính trên cơ sở lý luận ấy mà quan điểm chính trị lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình mới có khả năng triển khai, thực hiện.

Xuất phát từ một cơ sở lí luận như thế, vua Trần Thái Tông mới viết một loạt các tác phẩm lý luận nhắm đến cho tất cả mọi người chứ không chỉ dành riêng cho một thành phần ưu đãi nào của xã hội hay Phật giáo, đó là Phổ thuyết tứ sơn, Phổ thuyết sắc thân, Phổ khuyến phát bồ-đề tâm và Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ. Từ đó, chúng ta không ngạc nhiên gì khi Trần Nhân Tông xây dựng chủ thuyết cư trần lạc đạo, tư tưởng ở đời mà vui với đạo, càng làm sáng tỏ tinh thần tùy duyên để con người an trú với đạo:
“Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm”. (hội thứ nhất)

Ta có thể hiểu đời là thành thị, đạo là sơn lâm. Tuy vậy, cuộc sống thực tiễn cho thấy, một người dù ở thành thị gánh vác bao nhiêu việc đời, song họ biết xử lý công việc với lòng trong sạch chẳng khác gì ở núi rừng. Đây chính là quan điểm “chẳng phải đại ẩn, tiểu ẩn, không phân biệt tại gia xuất gia”. Người Phật tử Đại Việt thời Trần chỉ tùy duyên, tùy thuận vào mối liên hệ, phân công của xã hội theo khả năng của mình mà thể hiện đời sống đạo bằng cách:
“Dứt trừ nhân ngã
Thì ra thực tướng Kim-cương
Dừng hết tham sân
Mới làu lòng mầu Viên giác”. (hội thứ hai)
Như vậy, không có vấn đề phải tìm một nơi nào khác ngoài chỗ mình đang sống để tìm ra sự giác ngộ:

“Miễn được lòng rồi
Chẳng còn phép khác”. (hội thứ hai)
Thế đã rõ, đối với Trần Nhân Tông, Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách ly phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý. Mà chân lý thì không nằm trong Phật giáo, mà nằm chính ngay ở giữa lòng cuộc sống. Quan điểm ấy được gói gọn ở đoạn kết của bài phú Cư trần lạc đạo:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền”.

Từ đó, Trần Nhân Tông cho rằng không phải đến núi Cánh Diều của Yên Tử hay tại am Sạn của Đông sơn mà có sự giác ngộ:
“Áng tư tài tính sáng chẳng tham
Há vì ở Cánh Diều Yên Tử
Răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển
Lọ chi ngồi am Sạn non Đông”.
Những danh lam thắng cảnh ấy chỉ để cho ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của non sông mà tu tâm dưỡng tính, chứ sự giác ngộ hiện hữu ngay giữa đời. Đây cũng chính là chủ trương “hòa quang đồng trần” mà Tuệ Trung Thượng Sĩ đã đề ra, tức là phải nhập cuộc với đời sống trần tục và phải làm cho đời luôn tươi sáng. Con người không cần đi tìm Phật ở đâu xa, Phật hiện hữu ngay trong tâm thức mình, chỉ cần lặng lòng mà biết:
“Mày ngang mũi dọc cũng như nhau
Phật với chúng sanh không khác mặt”.
Cho nên, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã hát ca về Phật giữa trần thế, Phật với ta chẳng khác gì trong thực tại đời thường. Con người thật của chúng ta là Phật, còn con người mà chúng ta tưởng thật với cái tâm vọng động của tham, sân, si là con người giả. Mỗi người cần trở về với con người thật. Đó là giá trị nhân sinh cao ngất mà Tuệ Trung và các thiền sư Trúc Lâm nhìn nhận như là một lời giải đáp tại sao chúng ta hiện hữu trên đời này. Với quan điểm về Phật tại tâm như thế sẽ cung cấp cho con người một lý tưởng sống đẹp, cao quý, đủ để tạo một cảm hứng sáng tạo vươn lên, không những cho một đời mà nhiều đời, thậm chí cho đến khi mỗi con người đều trở thành một vị Phật. Sự thành Phật ở đây lại không khác gì là nhận chân con người thật của chính mình ngay chính cõi lòng. Rõ ràng, Tuệ Trung đã muốn tuyên thuyết thông điệp thiền:
“Phật Phật Phật bất khả kiến
Tâm tâm tâm bất khả thuyết”.
Phật Phật Phật không thể thấy được
Tâm tâm tâm không thể nói được. (Phật tâm ca)

Phật và tâm, phàm phu và bậc Thánh chỉ là khái niệm giả danh trên ngôn từ chữ nghĩa của tư duy hữu ngã phân biệt:
“Xưa không có tâm
Nay không có Phật
Phàm, thánh, người, trời nhanh như chớp giật
Tâm thể không phải cũng không trái
Phật tính không hư cũng không thực.” (Phật tâm ca)
Vén bức màn vô minh để trở về thực tại là tâm ý của Tuệ Trung muốn khai mở tâm thức người học thiền. Theo ông, suối nguồn hạnh phúc không phải được định chế trên cái sinh diệt thường tình, mà chúng ta chỉ thực sự an lạc khi biết hướng tâm vào thực tại:
“Tâm là Phật
Phật là tâm
Tính huyền diệu thì sáng, linh và thông suốt xưa nay
Mùa xuân tới, hoa xuân cười
Mùa thu về, không chỗ nào là nước thu không sâu”

Tâm Phật và tâm chúng sanh đâu có sai khác, bởi một điều đơn giản, ai cũng hiểu rằng Phật là người đã chứng ngộ nhờ công phu tự thân tu tập. Chúng sanh ai cũng thế thôi! An nhiên vui đạo mà sống, xuân về thì hoa nở, thu đến nước lại trong, có gì để bận tâm đâu. Đây là nếp sống bình thường tâm thị đạo mà Tuệ Trung khẳng khái hát ca về ông Phật của chính mình.

TN. Khánh Năng (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 55, tr.16, 2008]