Trong chương trình tu học, chúng tôi chỉ có Năm giới, Tám giới (Bát quan trai giới), Mười giới (Thập thiện) hay Bồ-tát giới,... là những giới cho cư sĩ tại gia chứ không được biết đến Giới của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, v.v…
Kính thưa quí vị và các bạn,
Đoàn sinh trong Gia đình Phật tử (GĐPT) ngay từ bậc nhỏ nhất của ngành Thiếu - bậc Hướng Thiện - đã được học Tam quy và Ngũ giới (ba phép quy y và năm giới) nhưng về sau cho dù lên đến các trại Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang, Vạn Hạnh, vẫn còn học về Giới, ý nghĩa của Giới, sự thọ trì Giới, ích lợi của Giới đối với người Phật tử nói riêng, và con người nói chung.
Thật vậy, trong những buổi mạn đàm giữa huynh trưởng với nhau, chúng tôi thường nói rằng, nếu tất cả chúng sanh đều biết giữ gìn năm giới thì nhất định thế giới sẽ hòa bình, chúng sanh sẽ an lạc, điều này là một khẳng định, không thể khác được!!!
Trong chương trình tu học, chúng tôi chỉ có Năm giới, Tám giới (Bát quan trai giới), Mười giới (Thập thiện) hay Bồ-tát giới,... là những giới cho cư sĩ tại gia chứ không được biết đến Giới của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, v.v… Thế nhưng chừng đó cũng đủ thấy “khó nuốt”, anh chị em chúng tôi “chạy theo” cũng thấy thấm mệt rồi; đó là chưa nói thỉnh thoảng các em đoàn sinh đi tham dự một ngày thọ bát quan trai hay một buổi tu học, trong đó quý Thầy giảng về Giới chẳng hạn, thế là một lô thắc mắc được các em đưa ra hỏi Anh/Chị trưởng của mình; đó là tại vì trong khuôn khổ một bài học về Năm giới, chúng tôi chỉ đưa một vài định nghĩa của Giới, cũng như ích lợi của Giới… chứ làm sao có thể trình bày đầy đủ bằng những lời giảng của quí Thầy; và đó cũng là lý do khiến anh chị em huynh trưởng thường xuyên chia sẻ, trao đổi những kiến thức Phật pháp với nhau để có thể trả lời, giải quyết những câu hỏi bất ngờ của các em mình.
Hôm nay xin mời quí vị và các Bạn theo dõi cuộc nói chuyện giữa ba huynh trưởng trẻ quen thuộc A,B,C về Giới và cụ thể là bài Năm giới.
A: Chào các bạn, đố các bạn biết bài học Phật pháp nào mà từ khi còn ở ngành Thiếu cho đến khi làm Trưởng lớn vẫn còn phải học?
B: Bát chánh Đạo?
C: Quy y Tam bảo?
A: Không phải, đó là bài Năm giới; sau này đến đỉnh cao là “Giới Định Tuệ” vẫn còn Giới.
B: Đúng vậy, vì Giới là nền tảng cho Định và Tuệ, là cơ sở để phát triển nhân tính, Thánh tính và Phật tánh.
C: Nói vậy, các bậc Thánh cũng phải giữ giới như người phàm chúng ta sao?
A: Đúng vậy, bạn không nhớ có ông thánh nào đó đã dùng phương pháp bỏ đậu đen và đậu trắng vào hai cái chai để tự kiểm điểm những hành vi của mình hay sao?
B: Phải rồi! Còn có một vị khác thì mỗi lần làm điều xấu lại đóng một cái đinh vào cây cột, khi làm được một việc tốt lại nhổ đinh ra; khi đã gần như hoàn thiện rồi, cột chỉ còn những lỗ đinh ông ta nhìn mà buồn vì những lỗ đinh ấy mãi mãi không thể xóa đi được!
C: Thật đúng là bậc Thánh, mình mà làm lỗi, e rằng giấu đi không cho ai biết nữa là khác, phải không các bạn?
A: Bởi vậy, mình đâu có tưởng mình là thánh bao giờ. Mà này, mình hãy trở lại Giới đi, các bạn thử định nghĩa Giới là gì? Mà không phải chỉ định nghĩa như mình dạy các em đâu nha! Phải mở rộng ra nữa.
B: Đồng ý! Giới có rất nhiều nghĩa, mình xin nói ba nghĩa đầu tiên: 1. Giới có nghĩa là ngăn chận (giới như bờ đê ngăn nước lũ làm hại mùa màng; những hành vi bất thiện cũng làm hại nhân phẩm như vậy) hay không nên vượt qua. 2. Giới có nghĩa là tránh xa, tránh xa hai cực đoan (ép xác và buông lung). 3. Giới có nghĩa là Thận trọng, vì giới có khả năng phòng hộ các hành vi bất thiện một cách chính chắn và cẩn thận; khiến cho tâm không bị nhiễm ô. Người trí thận trọng soi rọi từng lỗi nhỏ, tháo gỡ những gút mắc của mình; sự trói buộc bằng những sợi dây càng nhỏ thì tháo càng khó!
C: Thứ 4. Giới có nghĩa là hộ trì vì nó hộ trì cho các căn (mắt, tai mũi lưỡi, thân, ý) không bị các trần lôi kéo xa rời chánh niệm để buông lung chạy theo các dục. Thứ 5. Giới có nghĩa là thâu nhiếp, vì nhờ có giới, các căn luôn an trú trong định và tuệ. Thứ 6. Giới còn có nghĩa là gạn lọc, vì nó làm cho cái thấy, cái nghe, cách tư duy, cách tiếp xúc,… thuần túy chỉ là cái thấy, cái nghe, … không bị ô nhiễm bởi yêu ghét, lấy bỏ, thành kiến, tham đắm, ngã mạn.
A: Thứ 7. Giới có nghĩa là giải thoát, vì giới có năng lực khiến tâm xa lìa chấp ngã nên được giải thoát. Thật vậy, khi thọ giới không sát hại chẳng hạn, chúng ta đã có lập lời nguyện: “con nguyện từ nay cho đến trọn đời, không giết hại mà còn đem sự sống đến cho mọi loài” đây chính là “thương người như thể thương thân”, quí trọng mạng sống của mọi loài y như mạng sống của mình. Thứ 8. Giới có nghĩa là chế ngự. Sự chế ngự của giới có năm trường hợp: a. Do tùy thuận giới bổn mà chế ngự được các hành vi bất thiện; b. Do chánh niệm mà chế ngự được các tạp niệm; c. Do chánh kiến mà chế ngự được chấp thủ và khát ái; d. Do kham nhẫn mà chế ngự được sự đói khát, đam mê và bệnh hoạn; e. Do tinh tấn mà chế ngự được những hành vi bất thiện chưa phát sinh, nuôi dưỡng những điều thiện đã phát sinh và làm phát khởi những điều thiện chưa phát sinh.
B: Thứ 9. Giới có nghĩa là kết hợp, vì giới kết hợp với những thiện nghiệp của thân, miệng, ý. Thứ 10. Giới có nghĩa là đình chỉ, vì giới có khả năng đình chỉ những hành vi bất thiện của thân, miệng và Ý. Thứ 11. Giới có nghĩa là điểm hội tụ, vì giới chính là điểm xuất phát cũng là điểm đồng qui của các thiện pháp. Thứ 12. Giới có nghĩa là Tươi mát, vì như chúng ta đã biết, thế giới này là “nhà lửa” vì chúng sanh bị đốt cháy bởi tham vọng, tham sân,… Giới phòng hộ ba nghiệp, khiến Tâm thanh thản nhẹ nhàng, nên Giới còn được gọi là “ao thanh lương” gội sạch phiền não cho chúng sanh.
C: Thứ 13. Giới có nghĩa là thiện nghiệp vì giới hướng dẫn những hành vi của thân, miệng, ý đi về nẻo thiện. Thứ 14. Giới có nghĩa là luật nghi, vì giới bao trùm tất cả, người giữ giới nghiêm mật có đầy đủ oai nghi chánh hạnh, được mọi người yêu mến kính trọng,…
A: Mặc dù Giới có rất nhiều ý nghĩa (chúng ta còn có thể kể thêm nữa) nhưng tựu trung có hai ý nghĩa chính, đó là đình chỉ những hành vi bất thiện và thực hành những điều thiện lành.
B: Thực chất của Giới là lòng từ bi, nghĩa là xuất phát từ sự hiểu biết “ta và tha nhân là một”. Tất cả mọi chúng sanh đều tham sống sợ chết, tham vui sợ khổ, v.v... nên sự giữ giới của chúng ta nói ngắn gọn là để “đem vui, cứu khổ” mọi loài chúng sanh; vì vậy nếu không hiểu thực chất ấy mà cố chấp để làm sai tinh thần từ bi của đạo Phật thì sự giữ giới ấy trở thành sai lầm!
C: Tại sao lại như vậy? Bạn hãy nói rõ hơn đi, làm ơn!
A: Đúng vậy, bạn B muốn nói trường hợp “Giới cấm thủ”, đó là sự chấp chặt vào hình thức của giới mà bỏ quên thực chất của nó là lòng thương người, thương loài vật, v.v… Xin lấy một ví dụ rất đơn giản: có một giới của người xuất gia là “nam nữ thọ thọ bất thân” (nghĩa là nếu khác giới tính thì không đụng chạm vào thân thể của người kia) nhưng nếu gặp trường hợp người khác phái sắp chết đuối, còn ta biết bơi, nhưng vì sợ phạm giới mà làm ngơ bỏ đi không cứu người gặp nạn, đó chính là ta đã áp dụng mù quáng chứ không phải là giữ Giới !!!
B: Còn nữa, có nhiều người chấp thủ những điều răn vô lý, ví dụ sống theo nếp sống của con chó, con trâu, v.v... (gọi là theo hạnh chó, hạnh trâu) ngủ dưới đất, ăn phân, không tắm rửa,… cho rằng như vậy là phương pháp giải thoát thân tâm... đó là những hình thức của Giới cấm thủ.
C: Thật là hay và lạ đối với mình, cảm ơn hai bạn nhiều; mình còn một thắc mắc nữa về Giới thứ 5 (Giới không uống rượu), mình nghĩ cái quan trọng là không say rượu chứ đâu phải là không uống?
A: Thật ra suy nghĩ của bạn là chính xác nhưng làm sao biết uống có say hay không? Tùy theo “tửu lượng” của bạn, bạn uống một chai, tôi uống hai chai, còn bạn B uống một ly đã say rồi! Cho nên thực hành giới không uống rượu thì tốt hơn hết là chúng ta đừng uống mới bảo đảm không say rượu! Tuy nhiên, chúng ta còn say nhiều thứ nữa: say tiền, say tình, say cờ bạc,... và cả trẻ em cũng say... games, say internet nữa đó! !!
B: Đúng vậy, cái gì mà làm cho chúng ta “mê man tàn tật” không biết trời đất trăng sao gì cả, cứ đắm đuối vào trong đó mà bỏ bê công việc, bổn phận,… cái đó đều là “rượu” cả!
C: À, mình hiểu rồi! Thì ra giới thứ năm tuy thấy có vẻ “tầm thường” nhưng là giới chủ chốt trong Năm giới đó nha! Bởi vì chỉ cần mất chánh niệm vì rượu thì bốn giới trên đều lần lượt phạm hết!
A: Câu chuyện về giới thật là bất tận, hôm nay mình nói đến định nghĩa giới không thôi đã hết giờ! Chưa nói đến năng lực của giới, giới của người tại gia, người xuất gia, thế nào là Giới đàn, Giới tướng, Bồ-tát giới là những giới gì, v.v...
B: Mình thấy chỉ cần khai triển Năm giới của đoàn viên GĐPT cũng đã dài dòng và đầy đủ lắm rồi!
C: Mình thấy buổi mạn đàm hôm nay đem lại cho mình rất nhiều lợi ích, nhiều danh từ, thuật ngữ Phật giáo mà trước đây tự học mình không được hiểu tường tận như thế. Cảm ơn các bạn rất nhiều!
A: Trước khi chia tay, mình xin kể các bạn nghe câu chuyện này, sau khi nghe xong, các bạn nhớ cho mình “feedback” về cảm tưởng và suy nghĩ của các bạn nha!
Có hai thầy trò kia đi chơi ở ven rừng, gặp một đôi dép cũ bên đường, có lẽ là của một người nông dân đang làm rẫy trên kia. Người học trò nói với Thầy: chúng ta thử giấu đôi dép và núp lại đây coi thử anh nông dân kia khổ sở như thế nào? Người Thầy ngăn lại: không nên làm như thế mà nên bỏ vào trong mỗi chiếc dép một đồng tiền vàng rồi núp lại xem người nông dân sẽ bối rối như thế nào. Người nông phu trên rẫy về, xỏ chân vào dép thấy cộm một vật gì, ông ta đổ trong đôi dép ra thấy hai đồng tiền vàng, ông nhìn quanh quất không biết của ai đi ngang qua đánh rơi chăng... khi không thấy ai cả, tứ bề im vắng, ông quỳ xuống cảm tạ ông Trời đã thương đến tình cảnh khốn cùng của ông mà cho ông một số tiền to lớn như thế để cứu cả gia đình ông, đã mấy hôm nay không có gạo nấu… cùng với những giọt nước mắt biết ơn chân thành.
Câu chuyện chấm dứt ngang đây, xin chào các Bạn và xin hẹn lần sau - các bạn sẽ cho biết trong câu chuyện này ai là người CHO và ai là người NHẬN? Ai có giữ Giới, ai quên giữ Giới, v.v...!! Tạm biệt!
B và C: Câu chuyện hay quá, cảm ơn bạn, tạm biệt! Tạm biệt!
Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.70, 2008]