Khi các nền văn minh Hồi giáo và Cơ Đốc giáo được đưa đến gần bên nhau nhờ các phương tiện truyền thông, sự khác biệt của nó trở nên rõ ràng và sâu sắc, giống như khi người ta đưa một thánh đường thờ chúa Giê-su đến sát một ngôi đền thờ thánh Ala vậy. Hệ quả tất nhiên là gì? Sự đối chọi, va chạm, xung đột…
Việc gì đã xảy ra khi truyền thông biến thế giới thành một cái làng nhỏ? Trường hợp Hồi giáo và Cơ Đốc giáo
Phát thanh sóng ngắn (short wave-SW, có thể phát với cự ly hàng chục ngàn km), sau đó, truyền hình vệ tinh (phát toàn thế giới), và mới nhất, chứ không hẳn cuối cùng, là Internet! đã bóp nhỏ dần dần trái đất. Và đến bây giờ trái đất đã trở thành một ngôi làng, và hơn thế nữa, gần như không còn khoảng cách. Các chương trình truyền hình, các trang web có thể giúp cho những người cách xa nửa vòng trái đất chứng kiến gần như tức thì những sự kiện bán cầu ở phía bên kia. Người ta nghĩ rằng, truyền thông, một khi đem các nền văn hóa đến gần nhau, thì sẽ tăng cường hiểu biết, thân hữu, hòa bình… Ảo tưởng này có từ đầu thế kỷ XX, khi phát minh điện thoại, radio, bắt đầu được củng cố khi truyền hình vệ tinh bắt đầu phát triển đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX. Các nhà nghiên cứu về truyền thông nói đến hệ thống chương trình truyền hình chung của thế giới trên các vệ tinh. Đó là không gian, là môi trường của một thế giới đa văn hóa, sống chung, sát cánh bên nhau. Niềm tin tưởng này tăng cao với sự phát triển của Internet vào thập niên 90.
Nhưng không phải đến ngày 11/09/2001, ngày những người Hồi giáo cực đoan cướp máy bay đâm vào tòa Tháp Đôi và Bộ Quốc Phòng Mỹ, dự đoán trên mới trở thành ảo tưởng. Khi các nền văn minh Hồi giáo và Cơ Đốc giáo được đưa đến gần bên nhau nhờ các phương tiện truyền thông, sự khác biệt của nó trở nên rõ ràng và sâu sắc, giống như khi người ta đưa một thánh đường thờ chúa Giê-su đến sát một ngôi đền thờ thánh Ala vậy. Hệ quả tất nhiên là gì? Sự đối chọi, va chạm, xung đột…
Nữ học giả Hồi giáo, được coi là gần gũi phương Tây, bà Fatima Mernissi, đã viết trong quyển Hồi giáo và dân chủ: “Phương Tây một mình quyết định việc có sử dụng các vệ tinh của mình để giáo dục người A Rập hay ném bom xuống họ hay không… Phương Tây đè bẹp khả năng của chúng ta và xâm nhập vào khả năng của chúng ta bằng các sản phẩm nhập ngoại và các bộ phim truyền hình, các chương trình tràn ngập hệ thống phát thanh truyền hình của chúng ta”. Học giả Samuel Hungtington đã lưu ý: “Đây không phải là những quan điểm của một người đứng đầu Hồi giáo dòng Shite, Ayatollah để râu và đội mũ trùm đầu”. Đây chỉ mới là ý kiến của một học giả. Nếu từ cái đầu của một giáo chủ Ayatollah, cường độ của nó chắc chắn tăng lên nhiều lần.
Chính phủ một số nước Hồi giáo như Iran, Ả Rập Saudi cấm các anten parabol thu sóng các chương trình phương Tây. Malaysia thì lập hệ thống truyền hình vệ tinh riêng để kiểm duyệt các kênh truyền hình phương Tây.
Những kênh truyền hình Hồi giáo phát xuống phương Tây không thành các cuộc “dội bom” văn hóa dẫn đến sự xa cách, thù nghịch, nhưng thế giới Cơ Đốc giáo phương Tây trở nên xa cách hơn với thế giới Hồi giáo với làn sóng nhập cư mang theo dị biệt văn hóa, và một số cuộc tấn công khủng bố do các nhóm Hồi giáo cực đoan gây ra. Các kênh truyền hình các nước Cơ Đốc giáo và Hồi giáo đặt cạnh nhau trên vệ tinh ngày càng nhiều, nhưng khoảng cách giữa hai thế giới Cơ Đốc giáo và Hồi giáo càng cách ra xa. Và cũng như thế đối với các trang Web trên Internet.
Tại sao? Có ý kiến lý giải, cả hai tôn giáo đều là nhất thần giáo, với hai thượng đế khác nhau, Chúa Trời và Ala. Đây có lẽ là đầu mối trước hết của mâu thuẫn. Truyền thông hiện đại đã đưa hai thượng đế này đến gần nhau, và thế là có vấn đề.
Cả hai tôn giáo đều mang yếu tố “chinh phục”. Hồi giáo cũng vậy, Thiên Chúa giáo La Mã hay Tin Lành cũng vậy. Khi truyền hình vệ tinh và Internet đổ vào bên trong thế giới Hồi giáo các chương trình phương Tây, người Hồi giáo liền có cảm tưởng đang bị chinh phục về văn hóa. Các “kháng thể” tức thì xuất hiện. Trách nhiệm của các phương tiện truyền thông hiện đại đã quá rõ ràng ở trường hợp hai nền văn minh Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Mâu thuẫn gia tăng khi sự khác biệt đưa đến sát bên nhau.
Trường hợp văn minh Phật giáo và Cơ Đốc giáo
Ngược lại với trường hợp thế giới Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, Phật giáo và Cơ Đốc giáo lại trở nên gần gũi hơn nhờ phương tiện truyền thông hiện đại. Cơ Đốc giáo, từ việc truyền đạo sang phương Đông bằng tàu chiến, đại bác và tiền bạc dụ dỗ mua chuộc vào cuối thế kỷ XIX, đã dần dần chuyển sang truyền đạo bằng các phương tiện truyền thông hiện đại vào nửa sau thế kỷ XX, và đã đạt được một số kết quả, thí dụ trường hợp đạo Tin Lành ở Hàn Quốc.
Trong khi đó, đạo Phật truyền bá sang phương Tây phần lớn cũng bằng các phương tiện truyền thông, khởi đầu là sách báo, sau đó là phim ảnh, chương trình video, rồi các trang web. Không có “dội bom” bằng truyền hình vệ tinh (dù có đài truyền hình Phật giáo phát qua Âu Mỹ), nhưng có những đợt dòng chảy ngầm truyền thông, do cả các nhà sư người châu Á và châu Mỹ khai thông. Truyền hình và Internet đưa Phật với Chúa ngồi cạnh nhau ở châu Âu và châu Á trong hòa bình.
Tại sao? Vì Phật giáo không phải là tôn giáo chinh phục thế giới. Phật giáo không sinh ra những “kháng thể văn hóa” khi truyền thông đưa hai nền văn hóa đến gần nhau. Văn hóa Phật giáo có thể chấp nhận việc đặt bên cạnh và không xung khắc khi sự khác biệt với một tôn giáo khác được bộc lộ. Không thể nói là không hề có va chạm, nhưng nó vẫn không làm ý tưởng về việc làm thế giới trở nên gần gũi hơn của những nhà nghiên cứu về truyền thông vài chục năm trước đây trở nên sụp đổ. Còn tại phương Tây, những ngôi chùa nằm cạnh những nhà thờ Thiên chúa thành chuyện bình thường. Thế giới văn minh Phật giáo hiền hòa đã không tạo một sự xung đột với Cơ Đốc giáo khi Cơ Đốc giáo được đem vào bằng truyền thông. Còn ở lãnh địa của Cơ Đốc giáo, sự hiền hòa của đạo Phật cũng không tạo ra những “dị ứng”.
Truyền thông và văn hóa Phật giáo đóng góp cho sự gần gũi của thế giới
Một thiền sư người Việt thành công trong việc truyền bá đạo Phật ở châu Âu đã nhiều lần nhấn mạnh ý tưởng người phương Tây có thể tu theo đạo Phật mà không cần từ bỏ tín ngưỡng truyền thống của mình. Như vậy, đạo Phật đồng hành với truyền thông hiện đại trong việc xây dựng một ngôi làng thế giới, dung hòa nhau, chấp nhận nhau, tồn tại gần bên nhau. Đạo Phật chính là cái mà truyền thông hiện đại cần và truyền thông hiện đại: phát thanh truyền hình, Internet, cũng là cái mà đạo Phật cần. Chúng ta hãy chia sẻ với nhau điều này và tự hào về điều này. Hơn ai hết, người Phật tử chúng ta cần nhìn truyền thông hiện đại bằng con mắt hoan hỷ. Truyền thông hiện đại là lợi thế của Phật giáo và nó không có “chống chỉ định” hay “tác dụng phụ”. Những Tăng, Ni, Phật tử ở một số quốc gia lãnh thổ châu Á như Đài Loan, Singapore… cũng đã thử nghiệm việc đưa Phật giáo vào cộng đồng Hồi giáo bằng truyền thông hiện đại (thí dụ phát truyền hình BLTV (Phật Quang Sơn) ở Indonesia có phụ đề tiếng địa phương, phát hành các chương trình thuyết pháp từ Singapore qua Malaysia… ) nhưng không gặp phải vấn đề xung đột như giữa Hồi giáo và Cơ Đốc giáo.
Chú ý đến đặc điểm này chắc chắn sẽ giúp ích cho việc khai thác các công nghệ truyền thông hiện đại phục vụ hoằng pháp.
Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.66, 2008]