Mọi người đều cần luật (Vinaya) - Vài suy nghĩ về đời sống của người Phật tử

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Lời người dịch: Tỳ-kheo Santikaro người Hoa Kỳ, xuất gia và tu học theo truyền thống Phật giáo Theravada, hiện sống và làm việc tại Thái Lan. Ông đã có những đóng góp tích cực cho những hoạt động xã hội ở Thái, giảng dạy Phật pháp và hướng dẫn thiền tại trung tâm thiền dành cho người nước ngoài tại đó, và cũng là dịch giả của những tác phẩm tiếng Thái sang tiếng Anh.

Đối với đời sống xuất gia

Người xuất gia ngày hôm nay không còn thể hiện sự thực hành thâm sâu và thanh tịnh hơn những thế hệ trước. Đời sống thực tế của Tăng-già ở Thái Lan và những nơi khác đã chứng minh sự thật đáng buồn này và đang gióng lên tiếng kêu cứu về giáo dục và tu tập Luật – Pháp (Dhamma –Vinaya). Sự tôn kính mà các thế hệ Tăng sĩ tu hành tinh tấn trong quá khứ có được đã phần nào suy yếu trong hầu hết các xã hội Á châu và vẫn chưa hưng thịnh được ở những nền văn hóa Tây phương. Chúng ta chỉ có thể phục hồi lại phẩm chất truyền thống ấy dựa trên những phương cách mà đức Phật đã dạy. Những giải pháp được đưa ra trong bài viết này có thể bảo đảm rằng những cải cách như vậy là thích hợp và có tác dụng, không phải chủ nghĩa hình thức hay giả tạo.

Hơn nữa, việc đánh giá lại Luật có thể giúp giới Tăng sĩ kiểm nghiệm những giới luật mà họ cho là đang theo. Có phải họ chỉ theo những luật lệ và đánh mất đi tinh thần sâu sắc của giới luật hay không? Có phải họ đang vướng vào chủ nghĩa nghi thức không? Có phải họ đang chạy theo xã hội tiêu thụ hiện đại để rồi đánh mất hoàn toàn tinh thần giới luật, chỉ tuân giữ những luật lệ theo quy ước xã hội yêu cầu không? Làm sao họ có thể tìm ra một bộ Luật phù hợp với những nhu cầu tâm linh và hài hòa với thực tại xã hội họ đang sống? Họ có thể giảm bớt đi vị thế bề trên và đóng chức năng như những bạn đạo cùng với giới tại gia trong những xã hội dân chủ không?

Khi chúng ta nói về Tăng lữ hay Tăng-già nói chung, chúng ta thường bỏ quên tính đa dạng có mặt nơi những cá nhân, cộng đồng và tự viện. Vì thế khi đưa ra những điều luật chung cho mọi người, tôi cho rằng cần nên nhận thức và tính đến nhiều lối sống khác nhau mà các tăng, ni thật sự đang sống. Một vài điều trong đó là:
- Những Tăng ni sinh viên sống ở các thành phố.
- Những Tăng sĩ sống ở các làng xã, phần lớn bận rộn với các nghi lễ và ảnh hưởng phong tục tập quán địa phương.
- Những Tăng sĩ làm công việc hành chính.
- Những người giữ giới luật nghiêm mật.
- Những người không hiểu rõ giới luật.
- Những vị Ni lo việc bếp núc ở các tăng viện.
- Những vị Ni sống tách rời Tăng chúng.
- Những Tăng sĩ lo việc phát triển và bảo vệ sinh thái.
- Những Tăng sĩ sống trong rừng.
- Những Tỳ-kheo-ni ở Đài Loan, con số gấp bảy lần các Tỳ-kheo tăng.
- Những Tỳ-kheo-ni đang hoạt động chống phân biệt giới tính, phân biệt đối xử…

Những chiều hướng của Luật

Khi phác thảo ra những phương diện mà một bộ Luật hoàn hảo phải bao gồm, tôi không có ý quy định những luật lệ cho những người chọn lựa lối sống khác tôi. Mục đích của tôi là đưa ra một khuôn khổ để chúng ta suy ngẫm xem về lối sống của mình và làm sao có thể điều chỉnh bản thân để việc thực hành Pháp của chúng ta tốt hơn và nhận ra được hạnh phúc chân thật và mục đích cuộc sống. Là một tăng sĩ, tôi mong ước rằng lối sống của chúng ta có thể tạo hưng phấn và đem lại niềm tin cho người khác. Như vậy, sự nỗ lực này nhằm làm sáng tỏ hơn một vài nguyên tắc bên trong nó. Mặc dù những chiều hướng khác nhau này đan kết lẫn nhau, nhưng chúng ta có thể phân ra mười lĩnh vực.

1. Tính dục và giới tính

Nhận thức và quan tâm đến bản năng mạnh mẽ này, chúng ta đặt ra những ranh giới rõ ràng liên quan đến giới tính, tính dục và những mối liên hệ vật lý. Chúng ta thừa nhận bản năng tính dục nhưng không nuông chiều nó, chấp nhận rằng chúng ta là những con người có dục tính nhưng không sống theo dục tính. Hãy hỏi rằng chúng ta có thể chăm sóc những mối quan hệ lành mạnh trong những lãnh vực về thể xác, cảm xúc và tinh thần của đời sống chúng ta bằng cách nào? Về giới tính, chúng ta quan tâm đến nó để nó không trở thành cơ sở cho việc hiểu sai, thành kiến hay áp bức. Làm sao chúng ta có thể sử dụng giới tính của chúng ta thông minh và tử tế? Chúng ta cần biết những gì để không làm hại người khác về thân thể hay tình cảm? Sự thảo luận này không chỉ nói đến sự  “xung đột giới tính”, mà gồm cả những sở thích và biểu hiện tính dục mà chúng ta tiếp xúc ngày hôm nay. Nó cũng liên quan đến vô số những hình ảnh trên phương tiện truyền thông được dùng để kích thích và cám dỗ.

2. Quyền lực, địa vị và bạo lực

Dù chúng ta có hay không ở trong “những vị trí quyền lực”, hoặc thật sự đã từ bỏ những vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, giới tính… khi sống theo lý tưởng của tỳ-kheo, thì chúng ta vẫn chưa thể thoát khỏi quyền lực. Nhận thức rằng những thứ này làm điểm tựa cho những ảo tưởng của cái tôi về an ninh và sức mạnh như thế nào, và mặt khác ghi nhận sự bạo hành có mặt do sự chấp thủ này gây ra, chúng ta từ bỏ kiểm soát chính trị và xã hội lên người khác. Thành thật chấp nhận rằng hầu hết những tổ chức, gồm cả tôn giáo, đã tạo nên hệ thống cấp bậc đặc ân đặc quyền, chúng ta từ bỏ sự sai lạc ấy và chia sẻ bất cứ thứ quyền lực nào được trao cho chúng ta. Chúng ta cố gắng sống theo những nguyên tắc không bạo lực, không gây hại, không ngược đãi, tức là phải sống tử tế, từ bi và hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên chúng ta nhận ra rằng một vài sự phân cấp có thể xuất hiện một cách tự nhiên và không tạo ra khổ đau. Ví dụ, sự nghiên cứu và tu tập của chúng ta có thể trao cho chúng ta một vài quyền hạn nhất định trong những người cùng tu học, vì thế chúng ta phải cố gắng hết sức để việc sử dụng quyền hạn này đầy tôn trọng, công khai thẳng thắn và đúng Pháp (Dhamma). Cũng như vậy đối với bất cứ quyền lực đạo đức nào mà lối sống của chúng ta có được.

Mỗi người có những vị trí đa dạng khác nhau trong cuộc sống. Chúng ta cần học cách để sử dụng quyền hạn ở mỗi vị trí một cách khôn ngoan. Không phải rằng những người lãnh đạo thì có quyền lực còn những người thuộc cấp thì không. Những người lãnh đạo vẫn dựa vào thuộc cấp của họ và phần nào bị họ kiểm soát. Mọi người đều có một số quyền hạn nhất định; có những thứ quyền lực khác nhau được sở hữu bởi những nhóm khác nhau trong mỗi tình huống. Mục đích của chúng ta là sử dụng thứ quyền lực mà chúng ta có một cách tử tế và khôn ngoan. Chúng ta có thể phân biệt ở đây giữa “quyền lực” như là thứ dùng để kiểm soát hay chống lại người khác và “quyền hạn” như là điều mà người khác tự nguyện trao cho chúng ta. Cái trước là cưỡng bức và về cơ bản là bạo lực, trong khi cái sau thì không. Vì vậy chúng ta hãy hỏi xem quyền hạn của chúng ta có phải được dùng để kiểm soát và lợi dụng người khác hay không? Hay để hỗ trợ việc tu học và đem lại lợi ích cho người khác?

3. Những nhu cầu cơ bản của con người

Thừa nhận rằng tất cả chúng ta có những nhu cầu vật chất cơ bản, chúng ta thuận theo những nhu cầu ấy nhưng không biến mình thành những gánh nặng đáng sợ của xã hội. Chúng ta quán sát xem sự tích lũy của chúng ta có tước đoạt từ người khác hay không? Chúng ta cần thực tập chia sẻ tài sản để nuôi dưỡng tinh thần bố thí. Đặc biệt trong những xã hội xem tài sản cá nhân là vô cùng quan trọng, chúng ta nguyện chấp nhận rằng nó hoàn toàn thuộc về Pháp và chúng ta chỉ là người quản lý.

Các tăng sĩ sẽ tự làm hại mình nếu đắm chìm vào của bố thí, tức thọ nhận sự ban phát của người khác quá mức. Vậy nên họ cố gắng chia sẻ càng nhiều càng tốt những lợi lộc vật chất mà họ có. Mặc dù thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác có thể mua được bằng tiền mặt hay thẻ tín dụng, thì chúng đều do những nông dân và công nhân sản xuất ra, được những người khác đóng gói và vận chuyển, do các nhân viên của cửa hàng hay siêu thị bán. Không có thứ gì đến với chúng ta mà không có sự bố thí của người khác. Những tăng ni sinh trẻ nên ngẫm nghĩ điều này để sống sao cho xứng đáng.

4. Tài sản

Bên cạnh những nhu cầu cơ bản của con người, chúng ta còn tìm kiếm những thứ khác nhằm khẳng định vị trí của mình, để rồi sinh ra tiện nghi và sang trọng, tiêu khiển vô bổ khiến rối loạn tâm trí, che đậy sự cô đơn, và tìm cách làm vừa lòng những cảm xúc. Ngày hôm nay, chủ nghĩa tư bản tiêu thụ - động cơ toàn cầu hóa - được đặt trên những nhu cầu không cần thiết hoặc có hại. Chúng quy định ý nghĩa và mục đích đời sống của chúng ta, như xác định chúng ta là “ai”. Chúng ta cảm thấy rất khó sống nếu không có nhiều “đồ đạc” khi sống trong những xã hội giàu có. Những món đồ đi cùng với các ngày sinh nhật, lễ tết và các mối quan hệ cuộc sống khác ngày càng chi phối chúng ta. Ghi nhận những cuộc chiến diễn ra trên thế giới xuyên suốt lịch sử con người nhằm giành lấy những nguồn vật chất có hạn tàn khốc như thế nào, chúng ta nghĩ đến một cuộc sống đơn giản hơn, quay về một đời sống giảm bớt tiêu thụ hơn. Làm cách nào chúng ta không để vật chất cản trở đời sống và tâm thức chúng ta? Nên sử dụng tài sản vào những mục đích gì? Chúng ta quản lý tài sản vật chất bằng cách nào để không trở thành sở hữu hay bị sở hữu?

5. Tiền bạc và vốn liếng

Chúng ta nhận thấy rằng việc tích lũy tài sản, tiền bạc và sự giàu sang dường như đem lại sự an toàn mà bản ngã khao khát. Bên cạnh những điều được đề cập ở mục ba và bốn ở trên, chúng ta nên lưu tâm đến những loại tiền và thẻ tín dụng, cũng như những con số trên màn hình, biểu tượng của sự thành công, thanh thế, quyền lực, và tất cả những giá trị thế tục khác mà mọi người bình thường khao khát. Ngày hôm nay chúng ta thậm chí sử dụng nó để đo lường giá trị con người. Quyền lực hão huyền của tiền bạc dễ dàng nuôi dưỡng lòng kiêu ngạo, để rồi không nhận thấy được chúng ta tùy thuộc vào người khác như thế nào. Vậy thì tiền bạc nên được vận dụng như thế nào? Sự đầu tư đúng là gì? Sử dụng đồng tiền vào những việc gì thì đúng Pháp (dhamma) và vào những thứ nào thì không? Ý nghĩa chân thật của bố thí là gì? 

6. Ngôn ngữ, truyền thông và sự thật

Là con người, chúng ta sống trong thế giới của ngôn ngữ, biểu tượng và văn hóa. Không có chúng, chúng ta không thể suy nghĩ cũng không có mơ ước. Sự truyền thông gắn kết chúng ta với những thứ khác liên quan đến văn hóa, kinh tế, chính trị, tri thức và tâm linh. Dù ngôn ngữ có nhiệm vụ cao cả như vậy, nó lại thường đánh lừa chúng ta bằng chính bản chất của chúng. Cuộc đời này, ngôn ngữ không chỉ dùng để biểu lộ thương yêu, giúp đỡ, khuyên nhủ, dạy dỗ, an ủi, khuyến khích và tạo cảm hứng, mà còn bị dùng để đánh lừa, cám dỗ, lăng mạ, bôi nhọ và gây tổn thương. Trình bày những kinh nghiệm và kiến thức của chúng ta bằng ngôn ngữ, chúng ta dễ dàng rơi vào cái bẫy chấp thủ quan kiến, dù khi sự hiểu biết vốn hết sức chân thật. Với niềm tin và quan điểm, chúng ta tạo ra vô số tranh cãi. Có rất nhiều bài kinh đề cập đến vấn đề này. Chúng ta phải biết cách dùng ngôn ngữ, làm sao để việc truyền đạt thông tin của chúng ta gần với lời dạy của đức Phật nhất. Chúng ta cố gắng thực tập im lặng khi chúng ta không thể sử dụng lời nói trong việc hòa giải. Chúng ta cố gắng khai mở sự thật, cả ở trong ngữ và nghĩa. Và chúng ta cổ vũ những cộng đồng nói lời chánh ngữ quanh chúng ta.

7. Công nghệ

Chúng ta thường đo lường “sự phát triển” của chúng ta theo sự phát triển công nghệ. Chúng ta bị những đồ vật làm choáng ngợp và do đó đi đến tôn vinh những nhà khoa học, những kỹ sư tạo nên chúng. Với việc khai thác than đá và sức nước, dầu mỏ, vũ khí hạt nhân và điện, chúng ta đã trở nên hùng mạnh thật sự, nhưng cũng khiến những loài và hệ sinh thái nguyên thủy khác biến mất. Cuộc sống con người bị biến đổi lớn lao. Mất đi các mùa tự nhiên trong năm và chu trình hàng ngày của mặt trời thay đổi, chúng ta càng lúc càng ít thời gian tự do. Dù chúng ta ít căng thẳng so với quá khứ xa xưa trong một số vấn đề, thì chúng ta rõ ràng đã có những kiểu dạng căng thẳng mới mà hệ sinh học của chúng ta không được tiến triển để xử lý. Công nghệ đã hình thành nên những vấn đề liên quan đến quyền lực, tài sản, thông tin, và thậm chí cả tình dục. Làm cách nào chúng ta có thể sử dụng công nghệ mà không bị chúng sử dụng lại? Làm sao chúng ta có thể dùng chúng cho những nhu cầu tinh thần của chúng ta, thay vì chỉ mục đích chính trị và kinh tế?

8. Giải trí

Ajarn Buddhadasa (thầy của Santikaro) xem “giải trí tinh thần” như là nhu yếu phẩm thứ năm. Tại Trung tâm Suan Mokkha, chúng tôi cho xây dựng Nhà hát Giải Trí Tinh Thần nhằm đáp ứng nhu cầu quan trọng nhất này của con người, và khi làm như vậy chúng tôi muốn nói rằng tu tập không nhất thiết phải cứ bỏ hết niềm vui. Tuy nhiên, hầu như các xã hội ngày nay đều thiên về những trò giải trí thiếu ý nghĩa. Một tiếng cười lành mạnh ngay trong giờ phút hiện tại, sự vui vẻ, tính sáng tạo, có thể được sử dụng để hỗ trợ việc tu tập và nhận thức của chúng ta. Chúng ta làm gì khi chúng ta muốn được giải trí hay để giải trí? Chúng ta tùy thuộc bao nhiêu vào công nghệ cho vấn đề này? Chúng ta để nội dung giải trí nặn đẽo những giá trị và cách hành xử của chúng bao nhiêu? Qua việc tìm kiếm tiêu khiển nhằm “thư giãn”, chúng ta có trở nên căng thẳng hơn bởi việc tiếp thu những giá trị và lối hành xử tiêu cực hay không? Những gì giúp chúng ta thư giãn thực sự? Chúng ta có bỏ bê gia đình hay những người thân chung quanh vì quá say đắm vào tiêu khiển hay không?

9. Các mối liên hệ

Chúng ta cần để thời gian quán chiếu về tầm quan trọng của các mối liên hệ giữa chúng ta với người khác. Dù cha mẹ và gia đình có nuôi dưỡng chúng ta hay không, bạn bè có đồng hành cùng chúng ta, người thầy có dẫn dắt chúng ta hay không, đời sống sẽ trống rỗng nếu không có họ. Khi chúng ta sống trí tuệ và vị tha, chúng ta sẽ nhận được suối nguồn của lòng thương yêu, sự quan tâm và chia sẻ. Điều này có mặt khi chúng ta quan tâm đến những mối quan hệ, giải quyết những điều ngăn ngại một cách khôn khéo và không để chúng kéo dài. Chúng ta áp dụng cách hành xử này trong các mối quan hệ, cả tại nơi làm việc và trong những tình huống khác.

10. Sinh Thái học

Giải pháp trên bao gồm tất cả mọi hình thái sống, tức là tất cả chúng sanh. Việc gia tăng dân số nhanh chóng đã buộc chúng ta phải nhận thức xem chúng ta đã làm xáo trộn đời sống những loài sinh vật khác như thế nào, và những kỳ tích công nghệ có giúp chúng ta độc lập với phần còn lại của thế giới tự nhiên hay không. Dần dần chúng ta đang học lại – sau những thế kỷ kiêu căng khoa học – cách sống thích hợp hơn với những dạng sống khác bên trong hệ sinh thái khỏe mạnh. Người Phật tử không có gì ngạc nhiên khi nguyên tắc không gây hại áp dụng trực tiếp ở đây. Nếu đức Phật sống vào thời buổi này, dựa trên những than phiền của người thế tục có liên quan, Ngài sẽ thiết lập giới luật cho người xuất gia liên quan đến việc tái chế đồ phế liệu, giảm bớt tiêu thụ, dùng phương tiện giao thông công cộng, v.v..

(Tỳ-kheo Santikaro có dành hơn hai trang để bàn về công nghệ tin học, nhưng vì số trang dành cho một bài viết có hạn, người dịch xin tạm lược bỏ bớt phần này)

Luật là một phần của cộng đồng

Đối với tất cả chúng ta, dù là những tăng sĩ hay cư sĩ, Luật, lối sống và những chuẩn mực đạo đức, cần phải được thi hành ở trong cộng đồng, đặc biệt ở những cộng đồng nơi chúng ta sống, làm việc và tu học với nhau. Đối với tâm thức của mỗi cá nhân thời hiện đại, việc thực hiện những vấn đề nêu ra ở trên là cần thiết. Thời buổi hiện nay, người ta luôn nhấn mạnh đến những con người cá biệt và trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, dù là những con người riêng biệt thì chúng ta vẫn là những thành viên của một cộng đồng; chúng ta là những cá nhân được bao lấy bên trong những mối quan hệ và cộng đồng. Tôn giáo chấp nhận nhiều hạng người, và do đó nó là một tập thể đa dạng. Và để một tập thể hòa hợp và lớn mạnh thì mọi người phải tuân thủ theo những quy định chung nhất định. Và những quy định chung ở đây là những giới luật căn bản. Sự thật, đức Phật đã tính đến những lý do của lợi ích tập thể và xã hội khi Ngài lần đầu tiên giảng giải rõ ràng mục đính và lợi ích của giới luật:
- Vì sự tốt đẹp và thanh tịnh của Tăng đoàn.
- Vì lợi ích và đời sống hòa hợp trong Tăng đoàn.
- Vì để ngăn chặn việc gây chia rẽ do những tăng sĩ vô tàm vô quý gây ra.
- Vì để khuyến khích niềm tin nơi những người chưa có niềm tin và tăng trưởng thêm niềm tin nơi những người đã có.
- Vì sự tồn tại lâu dài của Chánh pháp.
- Vì để hỗ trợ Luật.

Hiển nhiên, lối sống của chúng ta gắn liền với những người khác. Do vậy, họ có quyền phê bình lối sống của chúng ta khi chúng ta sống không tốt. Quan trọng hơn, những Phật tử cùng chia sẻ giáo pháp, những giá trị, những nguyện vọng và tu tập như vậy đã chia sẻ những yếu tố thiết yếu của một lối sống chung. Chúng ta giúp cho tổ chức mạnh mẽ hơn khi chúng ta thực hành Giới luật cùng với nhau. Có một thuật ngữ Pali đề cập đến việc cùng thực hành giới luật, đó là silasamanyutta (Giới hòa đồng tu). Đây là pháp thứ năm trong Sáu pháp hòa hợp. Vào thời buổi tự do này, chúng ta nên xem xét tầm quan trọng của giới hòa đồng tu, vì nó vừa hỗ trợ việc tu học cá nhân vừa hỗ trợ và giám sát việc tu học của người khác. Sự tương tác lẫn nhau giữa những người có tu học sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho bản thân và cộng đồng, tu sĩ lẫn cư sĩ.

Kết luận

Mục đích của bài viết này là nêu lên một vài câu hỏi và đề xuất một vài giải pháp mà thông qua đó chúng ta có thể tìm thấy những câu trả lời liên quan, có hiệu quả đối với những câu hỏi này, dầu khi chúng vẫn còn tạm thời. Tôi không có ý muốn bảo những người khác nên sống thế nào. Đối với những người noi theo lời dạy và phương pháp sống của đức Phật, hẳn đã có những hiểu biết đáng kể về giới luật. Nhưng một thời gian dài giới luật đã được hiểu quá máy móc, và bây giờ khi đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, kinh tế và công nghệ, đã cho thấy có sự lúng túng và bất cập. Nhu cầu cho việc suy nghĩ lại là rất cần thiết. Tôi hy vọng bài viết này đóng góp một vài điều gì đó tích cực, giúp chúng ta và nhiều thế hệ tới tu học và phụng sự sáng tạo hơn.

Nguyên Hiệp dịch
[Tập san Pháp Luân - số 52, tr.55, 2008]