Dẫn nhập
Nếu trồng một ít hạt giống thiện vào ruộng phước thù thắng thì được cái vui cảnh giới trời, người, sau đắc Niết-bàn. Là người có trí tuệ phải hết lòng siêng năng tu tập thiện nghiệp. Nói phước điền tức là Phật vậy. Thân Phật sáng chói như ánh sáng vàng ròng hội tụ, Ngài trang nghiêm bằng công đức trí tuệ nên được thiên nhãn viên mãn, khéo quan sát các căn của chúng sanh; vì thế gian u ám mà làm đèn sáng, vì thế gian ngu si mà làm người thân thiện; các thiện đầy đủ, danh tiếng vang lừng. Mâu-ni Thế Tôn là chỗ nương tựa cho nhân loại và chư thiên. Nếu ai đem tâm chí thành tu phước đều được quả báo tốt.
Lời dẫn nhập trên là nguyên văn bài tựa trong bản kinh mà chúng tôi giới thiệu với quí Phật tử kỳ này.
Kinh Nhân duyên Đăng Chỉ (Đăng Chỉ nhân duyên kinh, 燈指因緣經, Dīpaṅkarāvadāna-sūtra) 1 quyển, do Tam tạng Cưu-ma-la-thập (‘Kumārajīva’ 344-413) người nước Qui Tư (Kucīna, nay gọi là Khố-xa ‘Kucha’) dịch thời Diêu Tần (A.D. 384-417), Đại Chánh 16, số hiệu 703, trang 808.
Toát yếu nội dung kinh
Thuở xưa, tại thành Vương Xá (Rājagaha) có vị trưởng giả giàu có, kho tàng đầy ắp như Tỳ-sa-môn, nhưng không có con nối dõi tông đường. Ông ta bèn làm lễ cầu đảo thần thánh để xin một mụn con. Không bao lâu vợ ông mang thai, tròn đầy mười tháng hạ sinh một nam nhi. Túc duyên đời trước đứa bé có phước, cho nên ngày mới sanh bàn tay của nó có một ngón phát ra ánh sáng chiếu xa mười dặm. Cha mẹ đứa bé vui mừng thiết bày đại hội bảy ngày bảy đêm, bố thí làm phước và đặt tên cho con là Đăng Chỉ (ngón tay sáng như đèn).
Tiếng đồn chuyện trưởng giả sinh phước tử lan khắp cả nước, thấu đến tai vua A-xà-thế. Nhà vua sắc lệnh ẵm đứa bé đến cho vua xem. Ánh sáng trên ngón tay đứa bé chiếu sáng khắp vương cung, nhà vua ngờ vực là ánh sáng mặt trời xen lẫn. Đợi đến nửa đêm, nhà vua cùng các quần thần đặt Đăng Chỉ lên lưng voi, dẫn vào ngự uyển. Ánh sáng ấy cũng chiếu sáng cả khu vườn không khác gì ban ngày. Nhà vua nói, Lục sư ngoại đạo không biết nhân quả, chắc chắn kiếp trước đứa bé này có tác phước mới được quả bảo lành như vậy!
Khi ấy, Kỳ-vực cũng nói, Đăng Chỉ có phước báo đó, chắc do bị khốn cùng khánh kiệt mà vẫn tu thiện nghiệp.
Vua A-xà-thế vui mừng ban cho Đăng Chỉ nhiều châu báu. Đăng Chỉ lớn khôn, lập gia đình, thừa hưởng gia nghiệp cha mẹ để lại nhưng chàng lại sống xa xỉ, giao du bạn xấu, dùng tiền vô độ, kho khố dự trữ, tích chứa hao tổn… Đến một ngày nọ, bị giặc cướp vào nhà lấy sạch tiền của, rơi vào cảnh khốn cùng, vợ con, tôi tớ, thân quyến đều khinh rẻ bỏ đi… Từ đó, Đăng Chỉ sống đời vô gia cư, thân thể tiều tụy, với vài mảnh vải che thân lượm từ đống rác, đi khắp các ngõ đường xin ăn như con quạ đói… có khi bị đánh đập, chửi mắng mới xin được miếng cơm. Đăng Chỉ suy nghĩ: “Ta quá nghèo ở đời không ai sánh bằng. Ta không thể tự sát để bỏ thân này, vậy phải có phương pháp gì để giúp đỡ sự sống còn?!” Nghĩ rồi Đăng Chỉ đi xin việc vác tử thi. Đăng Chỉ theo người hướng dẫn vác một xác chết đến nghĩa địa, đến nơi ném xuống, nhưng xác chết cứ ôm chặt Đăng Chỉ như em bé ôm cha mẹ. Đăng Chỉ hoảng kinh, vội vã chạy vào thôn Chiên-đà-la, hô hoán nhờ người gỡ giùm thây chết trên lưng. Có người chạy lại giúp, có người mắng chửi là thằng điên, xúm nhau lấy cây đánh, lượm đá ném. Đăng Chỉ đau đớn sợ hãi bỏ chạy… đi đến đâu người ta bỏ chạy đến đó vì trông thấy xác chết trên lưng anh ta. Về đến nhà, thây chết tự rớt xuống đất, Đăng Chỉ khiếp sợ ngất xỉu. Hồi lâu mới tỉnh lại, thấy xác chết biến thành vàng ròng, liền lấy dao chém thử thì đúng vàng thật. Như ông vua mất nước phục hồi ngôi vị, Đăng Chỉ giàu có trở lại, oai đức danh tiếng hơn xưa. Vua A-xà-thế nghe tin liền cho người đến thâu bảo vật đó.
Đăng Chỉ thấy vinh hoa phú quí như mây nổi, ngũ dục ở đời chẳng khác nọc trùng độc, sinh tâm nhàm chán, lấy của cải bố thí cho mọi người, rồi xuất gia cầu đạo, tinh tấn tu tập chứng A-la-hán. Tuy đắc đạo quả nhưng cái xác chết bằng vàng thường theo bên ngài. Một hôm, có một vị Tỳ-kheo hỏi Phật các nhân duyên.
Phật kể:
- Vào thời xa xưa, Tỳ-kheo Đăng Chỉ sinh tại nước Ba-la-nại (Vārānasī), lúc còn nhỏ ra ngoài dạo chơi về muộn, chờ mẹ ra mở cửa lâu, nó giận dữ mắng: “Cả nhà đi vác thây chết, hay là bọn cướp đến giết cả rồi mà chẳng có mạng nào ra mở cửa cho tôi?” Do nghiệp duyên đó nên Đăng Chỉ chết đọa địa ngục, khi sanh trở lại làm người, phải thọ lãnh cảnh nghèo khổ ấy.
Còn chuyện ánh sáng ngón tay và thây chết bằng vàng là thời quá khứ 91 kiếp có một vị Phật hiệu là Tỳ-bà-thi (Vipaśyin). Sau khi Phật Tỳ-bà-thi nhập Niết-bàn, pháp trụ mãi ở đời. Bấy giờ, Đăng Chỉ là một đại trưởng giả giàu có. Một hôm, Đăng Chỉ đi chùa tháp lễ bái, thấy một pho tượng bằng đất gãy rớt một ngón tay. Đăng Chỉ lượm ngón tay sửa lại và lấy vàng lá thếp lên pho tượng, và phát nguyện: “Nương theo công đức này con nguyện: Nếu sanh thiên hay làm người được ở chỗ tôn quí giàu có, rồi giúp con vào trong giáo pháp Như Lai xuất gia đắc đạo.” Vì Đăng Chỉ tu bổ ngón tay Phật nên được ngón tay có ánh hào quang và tử thi toàn vàng.
Khi đức Phật thuyết kinh về chuyện Đăng Chỉ, có chư thiên tấu nhạc trời, nhân dân tung rải các loại hoa cúng Phật. Chư thiên cúng dường xong trở về thiên cung.
Lời kết:
Đọc qua toàn bộ văn kinh, chúng ta thấy rõ đức Phật muốn dạy mọi người hãy qui hướng trở thành đệ tử của điều thiện, và thể nghiệm bản chất nhân quả. Đăng Chỉ là hiện thân của mỗi chúng sanh, khi ra đời luôn mang theo gia tài tiền kiếp của mình để lại, đó là nghiệp báo.
Cuộc đời Đăng Chỉ sinh ra có ngón tay phát sáng, lớn lên hưởng cảnh giàu sang, sống xa xỉ khánh kiệt tài sản, bị giặc cướp dẫn đến bần cùng, ngộ cảnh đời xuất gia chứng đạo, như một định nghiệp được diễn tiến, vận hành theo qui luật nhân quả tương xứng - nhân lành đem lại quả tốt, nhân ác đem lại quả xấu.
Tuy nhiên, luật nhân quả nơi con người không do bên ngoài sắp đặt mà do con người chủ động, và thuyết nghiệp báo của Phật giáo không chấp nhận một cuộc phán xử sau kiếp sống. Với ý chí mãnh liệt nơi tự thân, chúng ta có thể chuyển đổi phần nào nghiệp lực của mình theo ý muốn. Cho nên Đăng Chỉ bỏ ý nghĩ quyên sinh trước cảnh đói nghèo, đi xin việc vác xác chết, đó là một bước ngoặt chuyển nghiệp, từ giải thoát khổ đau để đi đến mục đích Thánh đạo. Lúc vác xác chết, xác chết cứ bám trên người, và khi chứng quả xác chết bằng vàng luôn theo bên Đăng Chỉ, đó là những hình ảnh ẩn dụ nói về Nghiệp ảnh luôn đeo theo con người như bóng với hình, và do Tiền nghiệp (Túc nghiệp) từ việc làm ở quá khứ. Như ngài Mục-kiền-liên (Moggallāna) thần thông đệ nhất bị ngoại đạo sát hại, là do quá khứ xa xôi nghe lời người vợ tàn ác, âm mưu sát hại cha mẹ. Hay tôn giả Ương-quật-ma-la (Angulimāla) dù chứng A-la-hán, thân tướng cướp ngày trước vẫn còn đó, nên đi khất thực không ai cho, bị dân chúng bức bách, v.v…
Cuối cùng chúng ta thấy được điều gì trong bản kinh này?
Ngày chào đời, Đăng Chỉ là kẻ thừa tự của nghiệp, nhưng đến lúc trực diện cuộc đời, nhận chân giá trị hạnh phúc hư ảo của kiếp người lại chính là người thừa tự gia tài Chánh pháp của Như Lai.
Làm người không nên cúi đầu trước số phận, muốn có hạnh phúc phải đi xuyên qua khổ đau, chuyển nghiệp là mục tiêu tối hậu của chúng ta.
Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 51, tr.47, 2007]