Vai trò Phật giáo trong việc xây dựng một nền kinh tế nhân bản Việt Nam

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Có khiên cưỡng không khi đặt ra vai trò Phật giáo ở đây khi những nhà lãnh đạo kinh tế chính trị của chúng ta hôm nay đang đề cao những thành tựu đạt được trong các năm vừa qua thể hiện một nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và đầy sức hấp dẫn?

Những vấn đề trong xây dựng nền kinh tế nhân bản Việt Nam:

Có cần thiết phải nghĩ đến Phật pháp như một triết lý vị nhân sinh hay chỉ là học thuyết của một tôn giáo dù là lớn nhất ở Việt Nam?

Hãy thử nhìn lại nền kinh tế ấy dưới một cái nhìn sâu sắc hơn ở những góc độ khác nhau, chúng ta sẽ thấy những bất cập nổi lên như những vấn đề cấp thiết phải giải quyết xét về khía cạnh nhân bản. Một trong những sách lược lâu dài là phải dựa trên nền tảng triết lý Việt Nam hay đạo làm người – nói cách khác là phải dựa trên “Chánh pháp” để đem lại lợi ích lâu dài và hạnh phúc cho muôn dân. Về tổng quan, nền kinh tế chúng ta đang có những đặc điểm chính và những vấn đề song hành như sau:

1/ Một nền kinh tế phát triển hài hòa và năng động: Về điểm này, chúng ta đồng ý rằng đã có những tăng trưởng rõ rệt khi hàng năm GDP đều tăng ở mức 8% trở lên. Các mặt của đời sống đang được cải thiện. Nhưng phát triển bền vững lại là một thách thức khi tỷ lệ lạm phát ba tháng đầu năm nay đã là 6.19% cùng với chỉ số CPI đã tăng 9.9%. Thất nghiệp cũng vẫn còn là một vấn nạn khi chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn mà lại dư lực lượng lao động giản đơn. “Theo Phật giáo, một xã hội không cung cấp cho tất cả mọi người công ăn việc làm để phát triển toàn diện con người mà chỉ chú trọng đến nhu cầu tiêu thụ, đó là một xã hội đứng ngược đầu.” (Kinh tế Phật Giáo – Quán Như)
2/ Phong trào nâng cao dân trí và xóa đói giảm nghèo được phát động và nhiều tổ chức tham gia. Thế nhưng, phải thẳng thắn nhìn nhận những nhược điểm còn tồn tại trong nền kinh tế chúng ta:
2.1/ Chỉ số phát triển con người (HDI-Human Development Index) ở mức thấp, đứng thứ 109,136 quốc gia được xếp hạng, (Thái Lan đứng thứ 79, Trung Quốc 81, Phillipines 84); trong đó những tiêu chuẩn xếp hạng như tỷ lệ biết chữ: 90.3% (?), tỷ lệ học sinh đến trường ở cả 3 cấp: 63%, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục chiếm 9.7% chi tiêu của chính phủ.
Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào giáo dục từ phía người dân lại thuộc hàng cao nhất thế giới với hơn 40% (Hoa Kỳ là 26%, Pháp 11.2%). Mức học phí ở Việt Nam thường bị các nhà quản lý giáo dục cho là thấp so với thế giới nhưng nếu so với thu nhập thì không hề thấp vì với tỷ lệ học phí đại học trung bình 200 USD/năm tức là gần 50% thu nhập đầu người trong khi ở các nước phát triển dù họ phải đóng đến 15.000 USD cũng chỉ là 20-30% thu nhập mà thôi. Cần lưu ý sinh viên bản xứ ở những nước như Đức hay Hoa Kỳ được hưởng những trợ cấp và học phí. Ngay tại những nước Đông Nam Á như Mã Lai, 5.7 triệu học sinh trung và tiểu học đều được miễn học phí. Chúng ta không khỏi quan ngại khi biết rằng trong những năm qua đã có hàng triệu học sinh bỏ học vì nhiều lý do, có thể kể đến là vì sinh kế hay vì nhận thức của cha mẹ và bản thân các em, ngoài ra còn do sự thiếu quan tâm đúng mức của những nhà lãnh đạo giáo dục địa phương. Còn về chủ trương “xã hội hóa” hay đúng hơn “hạch toán kinh tế” nền giáo dục, nghĩa đen là tăng học phí (!). Nếu làm không khéo nó sẽ là thảm họa cho tương lai dù hiện nay là cơ hội cho một số người.
2.2/ Phân hóa giàu nghèo rất lớn: 10% những người giàu nhất chiếm 29.9% tài sản cả nước và 20% những người giàu nhất chiếm 45.4% tài sản. (Ở Na Uy là 3.9% và 5.9% tương ứng, còn ở Nhật là 4.8% và 10.85%; thậm chí ở Hoa Kỳ chỉ là 1.9% và 5.4%)2.
2.3/ Khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị cần nhiều nỗ lực và thời gian: Đời sống nông dân còn vô vàn khó khăn và thiếu thốn những tiện nghi tối thiểu. Tình trạng đất đai phân bổ không vì nhu cầu bức thiết của người dân mà chạy theo những qui hoạch… xa vời do những quyết định đầy cảm tính và thiếu công minh của những người nắm giữ quyền lực. Theo Báo Tuổi Trẻ trong loạt bài Góc khuất dưới tán rừng “…trong khi nông dân ở rừng thiếu đất nông nghiệp thì việc thu hồi đất đã giao cho một số đơn vị cơ quan liên doanh liên kết vẫn diễn ra chậm chạp.” Đã có tình trạng ở nhiều nơi, hàng ngàn hecta đất bị chiếm dụng hoặc giao không đúng đối tượng, cụ thể là giao cho họ hàng hay gia đình các quan chức như đã diễn ra lâu nay tại Kiên Giang, Cà Mau, Huế,… là tình trạng người nông dân thiếu đất canh tác đang và sẽ là một vấn đề nhức nhối, nếu không giải quyết thỏa đáng, gây xói mòn lòng tin vào sự liêm chính của những người lãnh đạo chính quyền địa phương.
2.4/ Sinh hoạt văn hóa nghèo nàn trong đời sống nói chung và đời sống công nhân, nông dân nói riêng: Đã có nhiều phê bình góp ý về xây dựng lối sống lành mạnh, phong phú trong cán bộ công nhân viên chức, sinh viên và cả công nhân khi họ sống cuộc đời nếu không đơn điệu đến buồn tẻ thì cũng lao mình vào những thú vui tệ hại như rượu chè, cờ bạc và “...việc tập trung vào sản xuất và tiêu thụ vật chất này, thiếu các loại dinh duỡng khác mà chúng ta gọi là các loại thức ăn tinh thần cần thiết cho giá trị tối hậu của nhân loại, đã tạo nên tình trạng mất cân bằng giữa tăng trưởng cơ thể và tinh thần... Ngoại tình, hiếp dâm, buôn lậu, ma túy, bạo lực, vô số các bất ổn xã hội; tất cả triệu chứng của căn bịnh béo phì xã hội này thật ra là kết quả của tình trạng mất cân bằng trong sự phát triển kinh tế.” (Quan Điểm Phật Giáo về Kinh tế.)
2.5/ Tình trạng suy thoái đạo đức trong đời sống cũng được phản ánh qua thói nhũng nhiễu, quan liêu, thâm lạm của công, nếp sống xa hoa, thiếu cần kiệm của một bộ phận không nhỏ quan chức giàu lên nhờ những “đặc quyền kinh tế” khiến xã hội bất bình.
3/ Nền kinh tế nhân bản không cho phép hủy hoại môi trường và hệ sinh thái. Đây là một vấn nạn khi chúng ta đã và đang buông lỏng quản lý các nhà máy, xí nghiệp để họ mặc sức đổ chất thải xuống các dòng sông, kênh rạch, tiêu diệt lần mòn sức khỏe những cư dân sử dụng nguồn nước ấy, trong đó có cả chúng ta. Chúng ta đang phân vân khi những nhà máy giấy khổng lồ đang được đầu tư tại nhiều vùng nông nghiệp như nhà máy Lee & Man tại Hậu Giang hay một nhà máy giấy công suất 100.000 MT/năm khác sắp xây dựng ở Đồng Tháp sẽ đe dọa làm tổn hại nguồn tài nguyên thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long và cuối cùng là tổn hại đến chính con người phải dùng nước từ những dòng sông ấy

Như vậy tâm hồn vẫn cần những dưỡng chất mà nền kinh tế sản xuất không thể đem lại nếu chúng ta không xây dựng trên nền tảng con người. Không phải ngẫu nhiên mà ở Hoa Kỳ, người ta có cả một Viện Kinh tế Nhân bản (Institute of Human Economics) vì con người là chủ thể và cũng là đối tượng của nền kinh tế. Một nền kinh tế mang tính nhân bản phải có nền tảng đạo lý và giảm thiểu phân hóa.

Phật giáo có thể đóng góp gì cho tính nhân bản của nền kinh tế?

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, trong bài nói chuyện nhân ngày đăng quang, đã phát biểu: “Chúng ta sẽ cai trị đất nước bằng Phật pháp vì lợi ích và hạnh phúc thực sự của nhân dân Thái Lan.” Phải chăng khi Phật pháp hay đúng hơn những nguyên lý của đạo Phật ứng dụng vào đường lối lãnh đạo quốc gia sẽ đem lại lợi lạc và đem lại hạnh phúc chân thật cho toàn dân?

Thất bại hay thành công của các chính sách phải chăng không đơn thuần là vì tính phù hợp hay đúng đắn của chính sách ấy mà nguyên nhân chính là do con người thực thi những chính sách ấy. Nếu không xây dựng hay đào tạo được đội ngũ lãnh đạo gồm những Con Người Chân Chính, ngày xưa là bậc quân tử hay chính nhân, ngày nay là những thắng nhân (self-made man), chúng ta sẽ thất bại dù đường lối hay chính sách có hay đến thế nào chăng nữa.

Đất nước chúng ta chẳng phải đã chứng kiến hai triều đại rực rỡ trong lịch sử cũng là hai triều đại hưng thịnh nhất của Phật giáo: Lý, Trần. Ngày ấy, những bậc lãnh đạo đều mang trong tâm hồn mình những suy nghĩ lớn của thời đại, những tâm hồn Thiền sư dấn thân nhập thế cứu nước vực đời và ra đi sau khi thành công, lòng không mảy may rung động trước cám dỗ của vật chất phù hoa. Nghĩ một cách thiết thực, nếu từ quan chức đến nhân dân được giáo dục theo tinh thần giữ gìn ngũ giới, thập thiện (không tham lam, không giận dữ, không si mê, không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không nói thêm bớt, không nói lời thô ác, không đâm thọc). Nếu trong đời sống hàng ngày, ai cũng ý thức sâu sắc về bát chánh đạo và thực hiện chánh niệm trong từng phút giây của đời sống, thì những tội lỗi phát sinh sẽ giảm thiểu đi rất nhiều. Nói như một nhà phê bình thì: “Đời sống chúng ta đầy những tranh chấp và xung đột. Nếu chúng ta nhìn sâu vào tình trạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rõ rằng lý do mà những giá trị như nhân quyền và sự khoan dung tôn giáo đã trở thành rất quan trọng trong thời đại này là vì chúng ta đang sống trong một thời đại của sự tranh chấp và nếp suy tư của chúng ta thì quá chia rẽ, bè phái và cục bộ”.

Vậy thì giáo dục Phật giáo nên đưa vào chương trình huấn luyện cán bộ hay thanh thiếu niên dưới hình thức những câu chuyện “Học làm người”, trong những buổi sinh hoạt dưới cờ, có thể đọc những mẫu chuyện trong “Những tấm lòng cao cả” hay “những bài học về nhân quả hay nghiệp báo”. Không nhất thiết phải là những câu chuyện về đức Phật nếu như e ngại các tôn giáo khác phản đối. Ở Thái Lan, các viên chức cảnh sát nhận hối lộ sẽ phải gửi vào chùa để tu tập vì họ muốn nhổ tận rễ lòng tham, chứ nếu chỉ phạt hành chính như chúng ta làm bấy lâu xem ra không hiệu quả. Trong chừng mực nào đó, chúng ta phải sống một đời sống quân bình, không tham lam, và luôn giữ tâm hồn trong sáng. Vì thế cần phải thực hiện “chánh tư duy” và “chánh niệm”, không thể sống với hai khuôn mặt để rồi lời nói không đi đôi với việc làm như một số người bấy lâu đã mắc phải.

Về tình trạng phân hóa giàu - nghèo và thành thị với nông thôn thì sao?

Người ta đã nói đến năm loại chấp thủ vốn dĩ là nguyên nhân của tình trạng phân hóa, bất bình đẳng trong xã hội: chấp thủ tính địa phương và khu vực; chấp thủ về gia đình, dân tộc và tôn giáo; chấp thủ về sự giàu có vật chất; chấp thủ về giai cấp, bao gồm địa vị xã hội; chấp thủ về kiến thức, v.v..., tất cả đã đào hố sâu ngăn cách con người với con người. Nếu chúng ta phát triển kinh tế mà chỉ biết đến thành phần giai cấp và địa phương của mình, trong khi toàn dân không được hưởng thụ chung và đồng đều thành quả ấy, chúng ta đã thất bại về mặt nhân bản. Còn về dân trí hay phát huy giáo dục, chỉ số phát triển con người (HDI) không chỉ đơn thuần đo bằng số lượng học sinh đến lớp, số lượng tiến sĩ được đào tạo mà còn đo bằng nội dung những điều họ được học và sự cảm hóa mà nhà trường hay nền giáo dục mang lại, rồi đến sự đóng góp cho xã hội sau này. Nghĩ đến những câu chuyện thương tâm về việc sử dụng bạo lực học đường hôm nay, khi thầy dùng bạo lực với trò, học sinh thanh toán lẫn nhau, khiến ta không khỏi băn khoăn, trước khi đề cao “tự do”, dân chủ, hãy dành những giây phút linh thiêng và một góc khuất trong tâm hồn mình để tôn vinh tình yêu và lòng từ bi. Một khi xã hội thấm nhuần tứ vô lượng tâm – từ, bi, hỷ, xả - và hành động suy xét đến nguyên lý nhân quả, nghiệp báo chắc chắn con người ta sẽ ngần ngại và trở nên lành mạnh hơn nhiều.   

Những lợi ích của Phật pháp đã có người chỉ ra không chỉ cho đời sống hiện tại khi thực hiện chánh nghiệp, thu hoạch những lợi ích kinh tế mà còn cho cả tương lai – khi vào đời với tâm bình an tự tại, sống hữu ích và cống hiến cho lẽ phải trên tinh thần vị tha. Lợi ích không chỉ là đời sống vật chất mà còn là nếp nghĩ suy trong tinh thần bố thí, xả kỷ, để rồi gặt hái được những lợi ích xã hội khi biết tự kềm chế bản thân không rơi vào con đường sa đọa, suy đồi, hoang phí, dù có ở trong cương vị nào hay giàu sang đến mấy. Tinh thần Phật giáo luôn đề cao chánh kiến và chánh niệm để đạt được chánh tinh tấn hay lợi ích tối thượng là hướng đến một đời sống xây dựng trên tín tâm, không bị dao động trong vòng xoay của vật chất, vướng mắc vì những danh hiệu phù phiếm của thế gian, địa vị, bổng lộc huyễn hoặc mà đánh mất lương tri hay thiện căn trong đáy lòng mình.

Khi nền kinh tế biết dựa trên nền tảng vì con người, do con người mà hành động thì chúng ta tự tin có một xã hội hài hòa trên con đường Như Lai, có người gọi đó chính là con đường nhân bản, dựa trên một giáo lý hành động nhập thế với trí tuệ soi sáng. Giáo lý ấy đòi hỏi phải thực hiện Bây Giờ Và Nơi Đây. Có như thế chúng ta mới thấy yên lòng và mạnh dạn vượt qua trùng trùng những khó khăn và thách thức mà không hề e sợ khi quanh ta, cùng với ta có cả toàn dân trong vận hội này.

Nguyên Cẩn
[Tập san Pháp Luân - số 51, tr.38, 2007]