Đại Lễ Vesak Liên Hợp Quốc

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một trong những đại lễ lớn nhất trên thế giới nói chung và cộng đồng Phật giáo nói riêng là Đại lễ Phật đản, lễ hội Vesak, lễ hội tưởng niệm và tôn vinh ngày đản sanh của đức Từ phụ Thích-ca Mâu-ni.

Suốt một thời gian rất dài hàng ngàn năm, Đại lễ này chỉ được tổ chức giới hạn trong cộng đồng Phật giáo của những người con Phật trên từng quốc gia riêng biệt và chưa được công nhận là ngày lễ của quốc tế. Mãi đến năm 1999, ngày Đại lễ này mới được Hội Đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận là lễ hội văn hóa tôn giáo trên toàn thế giới. Kể từ năm đó đến nay, đại lễ Phật đản không chỉ dành riêng cho những người con Phật mà còn trở thành ngày Đại lễ chung của toàn thế giới và được gọi là Đại lễ Vesak Liên hợp quốc. Đại lễ này còn được gọi là Lễ Tam Hợp, nghĩa là lễ hội dùng để kỷ niệm và tôn vinh ba sự kiện trọng đại của đức Phật: Đản sanh, Thành đạo và Niết-bàn.

Lịch sử hình thành và phát triển: Vào tháng 11 năm 1998, Đại hội Phật giáo Quốc tế tổ chức tại Srilanka, đại biểu các quốc gia tham dự đã có thỉnh nguyện thư gởi đến Trụ sở Trung ương Liên Hợp Quốc, yêu cầu quốc tế công nhận ngày Vesak (ngày Phật đản, ngày rằm tháng tư âm lịch, khoảng tháng 05 dương lịch) là ngày đại lễ của thế giới. Đến ngày 15 tháng 12 năm 1999, tại phiên họp Đại Hội Đồng LHQ lần thứ 79, toàn thể thành viên của LHQ đã công nhận ngày Vesak là ngày lễ quốc tế: “Công nhận Ngày trăng tròn vào tháng 5 mỗi năm là ngày thiêng liêng nhất của Phật tử và sẽ được Phật tử cử hành Đại lễ để kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và Nhập niết-bàn của đức Phật. Xét rằng việc quốc tế công nhận ngày Đại lễ cử hành tại trụ sở Trung ương Liên hợp quốc và các Văn phòng Liên hiệp quốc khác là một cách bày tỏ lòng biết ơn về sự đóng góp của Phật giáo, một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, trong hai thiên niên kỷ rưỡi vừa qua và hiện vẫn tiếp tục đóng góp về phương diện tâm linh cho nhân loại” (nghị quyết số 54/115 của LHQ).

Suốt 5 năm liền sau đó (từ năm 2000 đến 2004), Đại lễ Phật Đản LHQ được Hội Đồng LHQ tổ chức long trọng tại Trụ sở Trung ương LHQ, thành phố New York, Hoa Kỳ, với sự tham gia đồng tổ chức của hơn 34 quốc gia thuộc các truyền thống Phật giáo khác nhau, Đại lễ được mang tên là: Đại lễ Vesak LHQ (The United Nations Day of Vesak).

Đạo Phật là tôn giáo của từ bi và trí tuệ. Khác với những tôn giáo khác, Phật giáo không bao giờ gây nên bạo động, thù oán và giết hại… Trái lại, giáo pháp của đức Phật chỉ dạy những thông điệp về hòa bình, mang lại tình thương và giải thoát cho toàn nhân loại. Điều ấy đã chứng minh một cách rõ ràng trong lịch sử hình thành và phát triển của đạo Phật suốt hơn 2500 năm qua. Chính vì những giá trị cao cả ấy, trong những thập niên qua, Phật giáo được toàn thể thế giới quan tâm và nghiên cứu; nhất là giai đoạn hiện nay, giai đoạn thế giới đầy biến động và bất an. Một trong những ý nghĩa cao đẹp của Đại lễ Phật đản LHQ là thế giới muốn tôn vinh và đề cao một tôn giáo từ bi, bất bạo động, đóng góp vào công cuộc hoà bình và bảo vệ môi trường trên thế giới. Trong tinh thần ấy, thông điệp Phật đản của vị Tổng thư kí LHQ, ông Kofi Annan, nhân dịp Đại lễ Vesak LHQ tổ chức tại Trụ sở Trung ương LHQ, thành phố New York, vào ngày 01 tháng 06 năm 2004 đã nhấn mạnh: “Mỗi năm, vào ngày này, chúng ta lại kỷ niệm ngày Đản sinh, Thành đạo và Nhập niết-bàn của đức Phật hơn 2500 năm trước đây, và để tỏ lòng biết ơn đến những cống hiến của Phật giáo trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình của thế giới. Năm nay, nhân lễ kỷ niệm này, tôi muốn đặc biệt biểu lộ mối quan tâm của tôi rằng những biến cố gần đây - kể cả cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, chiến tranh tại Iraq, và cuộc chiến bi thảm giữa Do Thái và dân tộc Palestine - đã làm cho tình trạng căng thẳng giữa các tín đồ của vài tôn giáo lớn trên thế giới trở nên trầm trọng hơn.”

Khoảng một tháng sau ngày Đại lễ Vesak LHQ, tháng 07 năm 2004, tại Hội thảo Quốc tế với chủ đề: Phật giáo Thượng tọa bộ và Đại thừa (Theravada and Mahayana Buddhism) tổ chức tại hội trường Buddhamonthon, Bangkok, Thái Lan, các quốc gia tham dự đã đồng thuận chấp nhận Thái Lan là nước đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ vào năm 2005. Hai năm tiếp theo đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và sự đồng tình của các quốc gia Phật giáo trên thế giới, Thái Lan tiếp tục được đăng cai tổ chức Đại Lễ Vesak LHQ. Như vậy quốc gia Thái Lan là nước đã đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ trong ba năm liền với thời gian và địa điểm như sau:

Năm 2005: Đại lễ diễn ra từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 05 dương lịch, PL. 2548
Năm 2006: Đại lễ diễn ra từ ngày 07 đến ngày 10 tháng 05 dương lịch, PL. 2549
Năm 2007: Đại lễ diễn ra từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 05 dương lịch, PL. 2550

Cả ba kỳ Đại lễ đều diễn ra tại đại hội trường Buddhamonthon, Nakhon Pathom và trung tâm hội thảo LHQ, Bangkok; với sự tham gia của hơn 60 quốc gia.

Trong dịp bế mạc Đại lễ Vesak LHQ tổ chức tại Thái Lan, vào ngày 29 tháng 05 năm 2007, PGVN đã có thỉnh nguyện thư xin được đăng cai tổ chức Đại Lễ Vesak LHQ vào năm kế tiếp, năm 2008. Sau khi xét duyệt thỉnh nguyện thư và các thư từ liên quan, toàn thể đại biểu Phật giáo của 62 quốc gia tham dự trong Đại lễ này đã đồng ý chấp nhận Việt Nam sẽ là nước đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ vào năm 2008 này. Thông tin từ ban tổ chức Đại lễ lần này cho biết sẽ lấy tên là Đại lễ Phật Đản LHQ, được diễn ra liên tục trong vòng 05 ngày từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 05 dương lịch (nhằm vào ngày mùng 09 đến 13 tháng tư âm lịch); tại trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với dự kiến khoảng 100 quốc gia tham dự trong kỳ Đại Lễ này.

Ngày xưa, những hoạt động của Phật giáo chỉ giới hạn trong khuôn khổ chùa viện và cũng giới hạn nơi những cộng đồng Phật giáo. Ngày nay Phật giáo đã được phổ biến toàn thể các quốc gia trên thế giới. Có thể nói rằng, Đại lễ Vesak LHQ là một trong những cơ hội tốt đẹp để giáo pháp của đức Phật được xiển dương, phổ cập và cống hiến đến toàn thể nhân loại trên thế giới. Phật giáo đã thật sự đi vào đời, giúp đời và cứu đời, đúng như danh từ hiện đại mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đặt ra: Engaged Buddhism (Phật giáo nhập thế hay còn gọi là đạo Phật đi vào cuộc đời).

Thích Quảng Phước
[Tập san Pháp Luân - số 49, tr.93, 2007]