Loạt bài “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử” đăng trên báo Thanh niên và dư luận.
Liên tiếp trong nhiều kỳ, báo Thanh Niên đã thu hút sự chú ý đặc biệt của bạn đọc với loạt bài “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử”. Tựa bài báo liên tục được giới thiệu với hình ảnh đi kèm trên trang nhất và các bài đăng nhiều kỳ đều chiếm diện tích gần trọn một trang báo. Đối với báo Thanh Niên nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung, đây là một hiện tượng hết sức hiếm thấy.
Tất nhiên, nội dung của bài báo chủ yếu là tường thuật lại những ý kiến của Thiền sư Lê Mạnh Thát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên nó mới được giới thiệu đến bạn đọc bằng hình thức biệt lệ như vậy, và bài báo, những ý kiến của Thiền sư Lê Mạnh Thát, đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt là trong giới trí thức, nhất là giới nghiên cứu khoa học lịch sử. Nhiều ý kiến cho rằng, ý kiến của Thiền sư Lê Mạnh Thát là “chấn động”, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chưa đến mức chấn động (?), nhưng trên báo chí TP.HCM đã liên tiếp xuất hiện nhiều bài bàn luận về loạt bài của báo Thanh Niên giới thiệu lại những ý kiến của Thiền sư Lê Mạnh Thát. Một số ý kiến chưa đồng tình với một số luận điểm khoa học của Thiền sư. Một số ý kiến thì nhất trí và đánh giá cao đóng góp của Thiền sư trong hoạt động nghiên cứu lịch sử dân tộc từ nguồn tư liệu kinh Phật và sách Phật học cổ. Có ý kiến đề xuất nên đưa vấn đề ra để thảo luận rộng rãi…
Ở đây, chúng tôi không bàn luận đến những luận điểm của Thiền sư Lê Mạnh Thát và những ý kiến khác xung quanh các luận điểm đó, mà tập trung tìm hiểu tại sao một số vấn đề được đặt ra đã lâu, nhưng đến bây giờ mới trở thành “chấn động”, gây xôn xao dư luận. Cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào và từ đó có thể rút ra những kinh nghiệm gì?
Trong số những ý kiến về loạt bài “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử”, đáng chú ý là ý kiến nêu qua bài “tôi hoan nghênh loạt bài của Thanh Niên đã hâm nóng một thời kỳ lịch sử…” nêu ý kiến của nhà văn Nguyễn Khoa Điềm, nguyên trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TW Việt Nam, được phóng viên Bùi Ngọc Long ghi lại. Dưới đây là một đoạn trích đáng chú ý từ bài báo trên:
“Tôi [tức nhà văn Nguyễn Khoa Điềm] tán thành ý kiến của tác giả Hà Văn Thịnh nêu trên Thanh Niên ngày 12.3.2008. Tôi hoan nghênh loạt bài viết của tác giả Hoàng Hải Vân, đã hâm nóng một thời kỳ lịch sử còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Thực ra, sách của Thiền sư Lê Mạnh Thát đã xuất bản từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề dường như đã bị chìm lắng. Loạt bài viết đã khơi dậy trong tất cả mọi người khao khát tìm hiểu và mong muốn làm sáng tỏ lịch sử của dân tộc.”
Qua đoạn trích trên, chúng ta có thể “khoanh tròn” một số từ và cụm tù như “hâm nóng”, “dường như đã bị chìm lắng”, “khơi dậy”. Quả thực đúng là như nhà văn Nguyễn Khoa Điềm nói.
Vai trò của Truyền thông
Nhưng tại sao “vấn đề dường như đã bị chìm lắng”, nay được “hâm nóng”, “khơi dậy”? Đó là do ở khâu truyền thông.
Các luận điểm khoa học của Thiền sư Lê Mạnh Thát được công bố thông qua những tác phẩm nghiên cứu lịch sử đồ sộ, mà nhà văn Nguyễn Khoa Điềm có nhắc ở đầu bài báo: “Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta của Thiền sư Lê Mạnh Thát”. Theo chúng tôi, như vậy, bản chất vấn đề là nóng nhưng trước đó nó chưa nóng. Vì lẽ, nội dung vấn đề đã không được truyền đạt đến với công chúng rộng rãi. Nay, nhờ loạt bài của báo Thanh Niên, với hình thức thể hiện đặc biệt gây chú ý, vấn đề đã được “hâm nóng”, “khơi dậy”, mà có ý kiến coi là “chấn động”.
Loạt sách công bố các luận điểm khoa học của Thiền sư Lê Mạnh Thát là sách nghiên cứu Lịch sử chuyển sâu, có tính chất “hàn lâm”, chỉ thích hợp cho đối tượng người đọc là các nhà nghiên cứu và giảng dạy sử học ở bậc đại học. Ngay cả sinh viên khoa sử các trường đại học, cử nhân khoa học lịch sử… vẫn còn thấy bộ sách là quá đồ sộ, chuyên sâu và không tránh khỏi tâm lý “ngại đọc”. Do vậy, phạm vi phổ biến của bộ sách đương nhiên là rất hẹp. Vấn đề “chấn động” đương nhiên là sẽ không chấn động hay chỉ chấn động trong phạm vi hẹp, cũng có nghĩa là không chấn động với toàn xã hội.
Thứ hai, các luận điểm khoa học của Thiền sư Lê Mạnh Thát chỉ được công bố bằng sách. Sách là một trong những phương tiện truyền thông đại chúng, bên cạnh báo giấy, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, sản phẩm audio, video… nhưng sách là phương tiện truyền thông đại chúng có diện phổ biến rất hẹp. Có thể so sánh các bản sách của Thiền sư Lê Mạnh Thát thường chỉ in 1000 bản hay hơn chút ít, trong khi báo Thanh Niên hàng ngày in hơn 300000 bản, chưa kể báo điện tử với hàng triệu loạt truy cập. Và cũng cần lưu ý rằng, một bản sách thường chỉ 1-2 người xem, trong khi một bản in nhật báo có thể có đến 5-6 người cùng xem. Như vậy, số người tiếp nhận các luận điểm khoa học của Thiền sư Lê Mạnh Thát có thể lên đến nhiều triệu người với đủ mọi thành phần, từ vị giáo sư tiến sĩ sử học đến anh đạp xích-lô…
Thiếu một kênh truyền thông hữu hiệu, một vấn đề nóng bỏng có thể bị nguội lạnh, một vấn đề đáng quan tâm có thể bị thờ ơ, quên lãng, một “kho báu” bị để cho phủ bụi vì không mấy người biết.
Một số nhà nghiên cứu về truyền thông xem truyền thông có hiệu quả sẽ tạo ra “thế” để thông tin tác động đến số đông. Thí dụ, một hòn đá nếu không có “thế” thì chỉ là vật bất động, nhưng nếu tạo “thế” cho nó thì nó có thể lăn xuống với vận tốc cao.
Đề xuất
Chúng tôi đề xuất các công trình nghiên cứu về Phật giáo, không chỉ riêng các công trình sử học của Thiền sư Lê Mạnh Thát, có thể nghiên cứu công bố các luận điểm khoa học theo bốn cấp độ, tương đương với bốn cấp học:
- Trên Đại học: (thí dụ các bộ sách của Thiền sư Lê Mạnh Thát) nhắm đến đối tượng các giáo sư, nhà nghiên cứu, những vị giảng dạy đại học.
- Đại học: nhắm đến đối tượng cử nhân sinh viên
- Trung học: nhắm đến đối tượng đã có bằng tú tài, học sinh.
- Tiểu học: đến đối tượng có văn hóa thấp.
Ứng với bốn cấp độ trên, có thể sử dụng nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau: sách, báo giấy, báo điện tử, tập chí giấy, phát thanh, truyền hình, sản phẩm audio, video…
Chẳng hạn, hiện nay, các luận điểm khoa học của Thiền sư Lê Mạnh Thát có thể công bố trên các tờ báo Phật giáo với đối tượng phát hành rộng rãi. Bài viết có thể do các học trò của thiền sư chấp bút trên cơ sở các công trình nghiên cứu của thiền sư, không nhất thiết Thiền sư phải viết lại.
Các luận điểm khoa học của Thiền sư Lê Mạnh Thát cũng có thể công bố bằng băng đĩa hình và tiếng ghi lại các buổi giảng trên lớp, thuyết pháp của Thiền sư, thích hợp với đối tượng thường nghe xem băng đĩa thuyết pháp.
Việc tổ chức thảo luận các luận điểm khoa học của Thiền sư Lê Mạnh Thát có thể tổ chức trên báo chí, truyền hình hay tổ chức hội thảo có ghi hình, ghi âm để phổ biến. Cũng có thể nghĩ đến việc Thiền sư lên truyền hình giải đáp các câu hỏi phản biện, bảo vệ các luận điểm khoa học, giải trình chi tiết và trưng bày trực quan các thư tịch cổ là cơ sở để xây dựng các luận điểm khoa học.
Truyền thông cũng bao gồm cả thông tin triển lãm. Đề xuất Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Thiền sư tổ chức triển lãm các thư tịch cổ mà Thiền sư đã sưu tầm được để từ đó xây dựng các luận điểm khoa học, thông báo rộng rãi trên báo, đài để những người quan tâm đến lịch sử dân tộc xem tận mắt, nghe thuyết trình, được giải đáp các câu hỏi nghi vấn.
Loạt bài “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử” đăng trên báo Thanh Niên đã tạo ra một tình huống hết sức thuận lợi, một “thời cơ vàng” để chúng ta quảng bá các thư tịch cổ của Phật giáo góp phần đặc biệt giá trị vào việc tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam, “Khơi dậy trong tất cả mọi người khát khao tìm hiểu và mong muốn làm sáng tỏ lịch sử của dân tộc” như nhà văn Nguyễn Khoa Điềm đã nhận xét. Quảng bá kiến thức về lịch sử dân tộc, trong trường hợp này, cũng là quảng bá kiến thức về lịch sử Phật giáo Việt Nam đến với công chúng rộng rãi toàn xã hội.
Hoạt động truyền thông là một hoạt động gắn liền với “thế”, với “tình huống”, với “thời cơ”. Loạt bài “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử” và những bài tiếp theo, kể cả những ý kiến phản biện trên báo chí đều là thời cơ, là “thế” là tình huống tốt để quảng bá những điều có lợi cho lịch sử dân tộc và cho lịch sử Phật giáo. Kính mong Thiền sư quan tâm đến cơ hội này, thông qua các đề xuất nêu trên, đặc biệt là khai thác khả năng của chính báo chí để giải đáp những chất vấn phản biện, kể cả lên sóng truyền hình trả lời trực tiếp câu hỏi khán giả gởi đến nếu có thể.
Nguyễn Duy Thanh
[Tập san Pháp Luân - số 49, tr.88, 2007]