Hình như không ai nói đến mục tiêu hay một tiến trình hợp nhất, hoặc thống nhất Phật giáo thế giới. Nhưng trên thực tế hợp nhất Phật giáo toàn thế giới là nguyện vọng chung của tất cả mọi người con Phật, từ tu sĩ xuất gia đến cư sĩ tại gia, từ Phật giáo Bắc tông cho đến Phật giáo Nguyên thủy…
Những người con Phật không hướng đến một tổ chức Phật giáo toàn cầu, nhưng luôn luôn hướng tới:
- Một tiếng nói chung của Phật giáo.
- Sự phát triển của Phật giáo nói chung trên toàn thế giới, không phân biệt tôn phái, quốc gia.
- Gia tăng sự gắn kết giữa các giáo hội, tổ chức, tông phái Phật giáo.
- Một hình ảnh chung về Phật giáo đối với các quốc gia, dân tộc và tôn giáo trên toàn thế giới.
- Thể hiện sự khác biệt giữa Phật giáo các tông phái, Phật giáo các quốc gia, dân tộc như là một ưu điểm của Phật giáo trong tiến trình phát triển ở các khu vực địa lý cụ thể, trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Sự khác biệt là cần thiết và biểu trưng cho tính đa dạng và phong phú.
Đại lễ Vesak quốc tế 2008 được tổ chức tại Việt Nam, một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo Bắc tông, là một cột mốc trong tiến trình hướng tới sự hợp nhất. Ở đây, chúng ta điểm lại tiến trình tiến tới cử hành “Đại lễ Vesak” tại Việt Nam, một tiến trình thể hiện xu hướng hợp nhất Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới, đã diễn ra một cách tự nhiên.
Nửa đầu thế kỷ XX, khái niệm “Vesak” (Đại lễ Tam Hợp: Đản sanh, Thành đạo, Niết-bàn của đức Phật theo truyền thống Phật giáo Nam tông) vẫn còn hết sức xa lạ với đại đa số Phật tử Việt Nam. Ngày lễ Phật đản lúc ấy là ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch. Khái niệm về lễ Phật đản vào ngày rằm tháng 4 âm lịch cũng chưa được biết đến nhiều. Các chùa tổ chức hoạt động chính của Lễ Phật đản là “lễ tắm Phật” (mộc dục) và kết thúc việc cử hành lễ Phật đản ở đó. Ngày rằm tháng 4 âm lịch đối với Phật giáo Việt Nam và xã hội Việt Nam lúc đó không phải là ngày rằm lớn. Người ta chỉ biết đến rằm tháng Giêng (thượng nguyên), rằm tháng Bảy (trung nguyên) và ngày rằm tháng Mười (hạ nguyên).
Tiến trình hội nhập Phật giáo Việt Nam vào với Phật giáo thế giới đã bắt đầu. Đến giữa thế kỷ XX, khái niệm Vesak đã xuất hiện trong sách vở của Phật giáo Nguyên thủy. Trong Phật giáo Bắc tông Việt Nam đã bắt đầu tiến trình chuyển dịch ngày kỷ niệm đức Phật đản sanh. Khởi đầu là việc tổ chức song song hai ngày lễ Phật đản trong các chùa lớn. Ngày mùng 8 tháng 4 được gọi là ngày lễ Phật đản “cổ truyền”, còn ngày rằm tháng 4 âm lịch được gọi là lễ Phật đản “theo Phật giáo thế giới”. Đây là bước đi đầu tiên.
Đến năm 1964, sau khi tiến hành hoạt động thống nhất Phật giáo ở miền Nam vào lúc đó, đã diễn bước chuyển dịch thứ hai đối với việc cử hành lễ Phật đản. Lễ Phật đản chính thức được cử hành vào ngày rằm tháng tư âm lịch, khóa lễ chính thức tập trung đông đảo Tăng Ni Phật tử với cả hai nghi thức được cử hành lần lượt: nghi thức Bắc tông và nghi thức Nam tông. Lúc này, ngày rằm tháng Tư đối với Phật giáo Việt Nam chỉ mới là ngày lễ Phật đản, nhưng việc cử hành nghi lễ Nam tông tại khóa lễ chính, lễ đài trung ương, cho thấy đã bắt đầu xuất hiện yếu tố Vesak. Vì trong lời kinh Nam tông, khóa lễ Phật đản cũng chính là lễ Thành đạo và lễ Niết-bàn của đức Phật.
Từ năm 1964, rằm tháng Tư ở miền Nam đã trở thành một ngày rằm lớn. Theo thời gian đối với người Phật tử, rằm tháng Tư trở thành ngày rằm lớn nhất trong năm. Còn đối với toàn xã hội Việt Nam, rằm tháng Tư đang chuyển dịch dần từ vị trí rằm lớn thứ hai (sau rằm tháng bảy) sang vị trí ngày rằm lớn thứ nhất tương đương với rằm tháng Bảy. Khái niệm lễ Phật đản cổ truyền dần dần ít được nhắc đến. Nhưng lễ tắm Phật sơ sinh vào ngày mùng tám tháng Tư âm lịch vẫn được các chùa cử hành trang trọng. Và đối với Phật giáo Việt Nam lúc đó, lễ Phật đản là một tuần lễ bắt đầu từ sáng mùng tám tháng Tư và kết thúc vào cuối ngày rằm tháng Tư.
Bước chuyển dịch thứ hai này là bước chuyển dịch quan trọng, nhưng vẫn hết sức hợp lý và tự nhiên. Tuy bắt đầu vào năm 1964, nhưng đó không phải là một sự chuyển dịch chủ quan, đột ngột, bất ngờ. Đó là kết quả của cả một tiến trình chuẩn bị trước đó hàng chục năm, và là kết quả của sự thống nhất hai hệ phái Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Bước chuyển dịch bắt đầu từ năm 1964 được toàn thể Phật tử và toàn thể xã hội ủng hộ.
Bước chuyển dịch thứ ba có thể nói bắt dầu từ sau năm1975, các chùa ở miền Bắc vẫn cử hành lễ Phật đản vào ngày mùng tám tháng Tư. Có lẽ, đến nay thì bước chuyển dịch thứ ba đã hoàn tất. Ngày rằm tháng Tư âm lịch đã là ngày lễ Phật đản trên toàn quốc, và đối với Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, rằm tháng Tư đã trở thành ngày rằm lớn nhất.
Bước chuyển dịch thứ tư là sự kiện đại lễ Vesak quốc tế được tổ chức tại Việt Nam năm 2008. Khái niệm lễ Vesak ngày rằm tháng tư đã được đề cập rộng rãi và được Tăng Ni Phật tử Việt Nam tích cực chuẩn bị. Từ thời điểm này, Vesak không còn chỉ là một yếu tố trong ngày lễ Phật đản rằm tháng tư qua việc cử hành nghi lễ Nam tông tại khóa lễ chính, hay chỉ giới hạn trong các chùa thuộc hệ phái Nguyên thủy và Phật giáo Nam tông Khmer, mà đã bước đầu trở thành ngày lễ chung của Phật giáo Việt Nam. Như vậy, phải chăng Phật giáo Việt Nam sẽ có hai ngày lễ Thành đạo và hai ngày lễ Niết-bàn? Điều này nếu có cũng rất tốt, rất hợp lý như giai đoạn giữa thế kỷ XX cách đây hơn 50 năm, Phật giáo Việt Nam có hai lễ Phật đản, một theo “thế giới” và một theo “cổ truyền”.
Sự hợp nhất trong đa dạng của Phật giáo thế giới đã thể hiện rõ nét qua lễ Vesak 2008 tại Việt Nam hôm nay và tiến trình chuyển dịch từ ngày lễ Phật đản cổ truyền sang lễ Phật đản theo thế giới của Phật giáo Việt Nam trước đây. Nhìn từ phía Phật giáo Việt Nam, đây là tiến trình hòa nhập với Phật giáo thế giới, đã dần dần hình thành một tiếng nói chung của Phật giáo toàn cầu qua một ngày lễ Vesak chung và được tổ chức tại một nước mà tín đồ Phật giáo phần lớn là Bắc tông. Chúng ta có thể so sánh điều này với việc Cơ Đốc giáo vẫn còn hai ngày lễ giáng sinh khác nhau, một của Giáo hội La-mã, các giáo hội Tin lành… và một của Cơ đốc giáo Chính thống Nga (gồm cả một số Quốc gia Đông Âu). Quả thực bước tiến mà Phật giáo thế giới đạt được là hết sức có ý nghĩa.
Trong nội bộ Phật giáo không hề có sự tranh biện đức Phật thực ra sinh vào ngày nào, thành đạo vào ngày nào và nhập niết–bàn vào ngày nào. Những điều đó là không quan trọng, trước đây có hai ngày lễ Phật đản và giờ đây có hai ngày lễ Thành đạo, hai ngày lễ Niết-bàn. Điều đó cũng rất tốt, vì nó thể hiện sự hợp nhất trong đa dạng, phong phú, giàu cá tính.
Sự khác biệt từ gần hai ngàn năm đã được Phật giáo Việt Nam giải quyết trong chỉ hơn nửa thế kỷ bằng một sự đồng thuận tự nhiên và tuyệt đẹp. Điều này khiến chúng ta lạc quan rằng, dưới ánh sáng của đạo pháp và với truyền thống của Phật giáo, không có sự khác biệt nào không giải quyết được.
Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 50, tr.10, 2007]