Thênh thang như bầu trời

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Có lần tôi hỏi một người quen: “Từ ngày anh tập thiền quán đến giờ, cuộc sống anh đã thay đổi như thế nào?” Không một chút do dự, anh đáp, trước khi tập thiền, những gì xảy ra trong tâm, anh có cảm tưởng như chúng diễn ra trong một rạp hát nhỏ hẹp, tối tăm, và chúng dường như rất là kiên cố và rất thực. Anh nói tiếp, và kể từ ngày thực tập thiền quán, anh thấy những gì đang xảy ra trong tâm mình cũng giống như một vở tuồng trình diễn trên một sân khấu rộng lớn ngoài trời vậy.

Phán Xét

Trong thời gian đầu tu tập, tôi có một ý tưởng là những thiền giả giỏi lúc nào họ cũng được bao phủ bởi một vùng ánh sáng trắng. Mặc dù không ai bảo tôi phải kinh nghiệm được vùng ánh sáng này, nhưng không hiểu sao tôi cứ tưởng tượng rằng nó là một dấu hiệu tiến bộ của sự tu tập. Và tôi cứ thầm nghĩ là đến khi nào tôi chứng nghiệm được vùng ánh sáng ấy, vị thầy sẽ nói cho tôi nghe hết sự thật, “Ta chờ mãi bây giờ cô mới được! Ta tưởng là hết hy vọng gì ở nơi cô rồi chứ!”

Nhưng tôi đã không kinh nghiệm được một vùng ánh sáng trắng nào cả. Chỉ có cái đau nơi đầu gối mà thôi. Sau một thời gian, khi sự thực tập của tôi bắt đầu thâm sâu, tôi có nhiều kinh nghiệm khác nhau nhưng không có cái nào về ánh sáng hết. Mà tôi chỉ muốn thấy ánh sáng thôi! Bất cứ điều gì tôi kinh nghiệm, tôi vẫn không thấy nó là tốt đẹp. “Ánh sáng đâu rồi? Tại sao nó vẫn chưa đến?” Tôi cứ thầm lặp đi lặp lại câu ấy trong đầu như một câu thần chú. Tôi cảm thấy khinh thường sự thực tập của chính mình và phán xét luôn, so sánh nó với những gì mà tôi nghĩ đáng lẽ phải xảy ra. Con tim tôi rất là khổ sở.

Trong sự thực tập, cũng như trong cuộc đời, chúng ta thường hay phán xét những kinh nghiệm khó khăn của mình - như là bất an, tiêu cực, đau đớn... - là không đúng, là không cần thiết hoặc vô ích. Và chúng ta thường cố gắng kéo dài những kinh nghiệm dễ chịu, như là chỉ có chúng mới thật sự xứng đáng mà thôi. Với sự kiên trì và tuệ giác, thiền tập có thể giúp ta vượt thoát ra khỏi những phản ứng hoàn toàn bị điều kiện này.

Trong thiền tập, chúng ta nhìn bất cứ một việc gì khởi lên với một thái độ chấp nhận và rộng lượng, với một tâm rộng mở và bao la. Mục đích của sự chấp nhận ấy không phải để ta trở nên thụ động, mà là giúp ta có thể đến gần với kinh nghiệm của mình hơn. Khi thoát ra những phản ứng bị điều kiện, cái nhìn của ta sẽ trở nên thân thiết và được gần gũi với sự thật. Mọi phạm trù của sự hiểu biết, của cảm thọ, của ham muốn, của sợ hãi... những gì thuộc về con người, đều có mặt đầy đủ trong mỗi chúng ta. Mỗi kinh nghiệm là một sự phô bày trọn vẹn của sự sống. Vì vậy bất cứ trong giờ phút này kinh nghiệm của ta là gì, ý thức được nó chính là con đường đi đến tuệ giác.

Có lần khi tu tập với ngài U Pandita, tôi để ý thấy hình như có một khuôn mẫu lặp đi lặp lại trong cách trình pháp của tôi với ngài. Mỗi khi tôi trình bày cho ông ấy nghe về một kinh nghiệm thiền tập nào đó mà tôi nghĩ rất kỳ diệu và đáng khen, câu trả lời của ông lúc nào cũng là: “Cô có ghi nhận nó không?” Trong truyền thống thực tập của ông thì “ghi nhận”, hay còn gọi là “niệm”, có nghĩa là ta thầm đặt tên cho mỗi kinh nghiệm, ví dụ như “suy nghĩ”, “đau”, “lo ra”, “buồn ngủ”,... để ta có thể ý thức được nó trực tiếp hơn. Nhưng tôi chỉ ngồi đó và thắc mắc, “Ông ấy hỏi vậy là có ý gì chứ ‘Có ghi nhận nó không?’ Nó kỳ diệu vô cùng. Làm sao mà mình có thể chỉ đơn giản ghi nhận nó như những việc tầm thường khác được?” Có những lần khác, tôi vào gặp ông và trình lại những kinh nghiệm khó khăn, đau đớn xảy ra trong giờ ngồi thiền. Ông chỉ nhìn tôi và hỏi “Cô có ghi nhận nó không?” Và tôi lại nghĩ, “Vậy là có ý gì ‘Có ghi nhận nó không?’ Nó đau đớn vô cùng. Bộ ông không hiểu sao chứ?” Nhưng sau một thời gian, tôi bắt đầu hiểu và biết ơn cái tính cách đơn giản và quan trọng trong phương pháp của ngài U Pandita. Câu hỏi của ông nhắc nhở tôi phải biết ý thức mọi kinh nghiệm của mình với một tâm thức rộng lớn và sáng tỏ. Ông ấy không nghĩ nội dung của những gì tôi kinh nghiệm là quan trọng, nhưng vấn đề thiết yếu là tôi có giữ chánh niệm hay không. Mục đích của sự tu tập là thấy được tự tánh của sự sống, và việc ấy không hề đòi hỏi một kinh nghiệm đặc biệt nào hết, ngoại trừ một ý thức rộng mở không từ bỏ một sự việc nào.

Thiền tập cũng giống như đi vào một căn gác cũ và mở đèn lên. Nó không phải là một thứ ánh sáng trắng kỳ diệu như tôi thường mơ tưởng, mà là một ánh sáng bình thường, trung bình và tự do của chánh niệm. Dưới ánh sáng ấy, ta có thể nhìn thấy được hết tất cả mọi vật. Ta khám phá ra những ngọc ngà, châu báu, và chúng đem lại cho ta một sự bàng hoàng và vui sướng. Ta cũng nhìn thấy những góc xén dơ bẩn, bụi bặm, khiến ta muốn chùi dọn cho sạch. Và ta cũng khám phá lại những vết tích đau thương của quá khứ vẫn còn đó sau bao nhiêu năm, mà ta cứ tưởng mình đã loại bỏ được chúng từ lâu. Ta nhìn tất cả bằng một con mắt tình thương rộng mở và trọn vẹn.

Tính chất thân thiết và bao dung của chánh niệm phản ảnh được tự tánh của tình thương. Chúng ta nhận thấy là chánh niệm có thể có mặt ở mọi nơi, và ta có thể có tình thương trong bất cứ một hoàn cảnh nào. Sự khám phá này sẽ là một nguồn suối yêu thương và hạnh phúc mà thiền tập có thể mang lại cho cuộc đời chúng ta. Chánh niệm và tình thương có tàng chứa một sức mạnh mà tâm phán xét không thể nào có được.

Chân lý có mặt ở khắp mọi nơi, trong tất cả mọi kinh nghiệm của chúng ta. Ta đâu cần phải vất vả cố gắng để có được một kinh nghiệm thăng hoa, huyền bí để làm gì! Nhiều khi trong sự cố gắng đó, ta lại vô tình khinh miệt những chân lý đang hiện hữu trước mắt. Chúng ta đâu cần phải tranh đấu để tìm sự thật. Mỗi giây phút chính là một hiện thân của chân lý của cuộc đời. Chỉ cần ta biết mở mắt ra để nhìn mà thôi. Như thánh Augustine nói, “Nếu bạn đi tìm kiếm một điều gì mà nó có mặt ở khắp mọi nơi, bạn đâu cần phải đi đâu xa làm gì, cái mà bạn cần chính là một tình thương”.

Trái quýt cuối cùng

Một trong những lời hướng dẫn thiền tập đầu tiên mà ngài Munindra dạy tôi là phải có mặt với mỗi hơi thở, như nó là hơi thở đầu tiên của tôi và là hơi thở cuối cùng của tôi. Tôi phải thực tập y như vậy đối với mỗi bước chân, mỗi âm thanh, mỗi mùi vị. Phương pháp này đã giúp tôi có được một sự chú tâm trọn vẹn và trực tiếp với mỗi giây phút của sự thực tập. Những khía cạnh nhỏ, những mảnh vỡ của con người tôi được gom góp lại. Tôi không còn muốn so sánh giờ phút hiện tại này với những gì đã xảy ra trong quá khứ, vì quá khứ nằm ở đâu khi hơi thở này của tôi là hơi thở đầu tiên? Và nếu đây là hơi thở cuối cùng, chắc chắn tôi sẽ không chần chờ gì mà không chú tâm hết vào nó, vì đâu có gì nữa ở tương lai? Tôi cũng không dám phán xét kinh nghiệm trong hiện tại, vì không còn một quá khứ hoặc tương lai nào để so sánh. Đó là một phương pháp thực tập rất mầu nhiệm, và cũng là một đường lối kỳ diệu để sống và chết nữa.

Nếu chúng ta không biết sống trong chánh niệm, ta sẽ đi tìm kiếm những sự thỏa mãn từ bên ngoài, nắm bắt những kinh nghiệm nhất thời. Ta sẽ dễ bị rơi vào hố sâu của những sự kích thích qua sắc dục. Chúng có thể đem lại cho ta một cảm giác trọn vẹn, nhưng đó là một sự trọn vẹn giả dối, được xây dựng bởi những hiện tượng thoáng qua và ngoại tại.

Bạn hãy thử tưởng tượng mình đang làm một việc gì đó thật đơn giản. Một việc mà bạn đã làm qua rất nhiều lần, và nó không đem lại một thích thú gì mới. Ví dụ như ăn một trái quýt chẳng hạn. Nếu bạn ăn một trái quýt mà không chú tâm gì nhiều đến hình dáng của nó, mùi vị của nó, thì có lẽ kinh nghiệm ăn quýt chẳng có gì là đặc biệt hết. Vì không có gì là đặc biệt nên bạn có thể nghĩ rằng chắc có điều gì sai lệch với trái quýt của mình, hoặc cho rằng mình cũng đâu thích ăn quýt bao giờ đâu! Rồi bạn lại nghĩ, “Phải chi mình được ăn một trái chuối thì thích biết mấy.” Nhưng dầu nếu bạn có ăn chuối đi nữa, mà không có chánh niệm, bạn cũng sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Rồi thay vì ý thức được nguyên nhân là vì ta không biết tiếp xúc với kinh nghiệm của mình, ta lại có thể nghĩ, “Cuộc sống của tôi nó tầm phào và chán chường lắm. Làm sao mà quýt hay chuối có thể đem lại hạnh phúc được! Tôi cần một cái gì mới lạ kìa. Tôi phải đi tìm một thứ gì khác thường như trái hồng đào chẳng hạn.” Rồi bạn bỏ công sức đi tìm kiếm và có được một trái hồng đào. Nhưng khi bạn ăn xong trái hồng đào lạ hiếm ấy, cũng như những trái quýt, trái chuối tầm thường kia, cũng chỉ để lại cho bạn một cảm giác trống vắng, bất mãn.

Chúng ta ít khi nào nghĩ rằng, phẩm chất của chánh niệm lại đóng một vai trò quan trọng trong cái cảm giác bất mãn ấy của mình. Nhưng thật vậy, chỉ khi nào ta có một ý thức sáng tỏ, chánh niệm, ta mới có thể tìm thấy sự thỏa mãn trong cuộc sống. Chánh niệm là chiếc chìa khóa mở cửa bước vào sự sống. Khi ta tiếp xúc được sâu sắc với kinh nghiệm của mình, chúng ta sẽ thấy rằng thế giới ý niệm của ta thật ra tràn đầy những cảm xúc kỳ diệu. Như là ta mới kinh nghiệm được mỗi sự vật lần đầu tiên trong cuộc đời mình vậy.

Có chánh niệm về một cảm thọ vui thích không có nghĩa là ta để bị dính mắc vào nó. Sự dính mắc không bao giờ làm một cảm thọ vui thú được vui thú hơn. Ngược lại, nó còn khiến niềm vui bị suy giảm đi, vì chúng ta cứ phải lo sợ nó thay đổi hoặc mất đi. Nếu ta có chánh niệm về hạnh phúc mình đang có, ta sẽ không cần phải đi tìm giây phút kế tiếp làm gì. Và ta cũng không bỏ lỡ hạnh phúc này để chờ đợi một cái gì hay ho hơn, thích thú hơn, nghĩ rằng, “Cái này cũng chưa phải là tốt lắm, phải chi nó là...” Chánh niệm cho phép ta tiếp xúc được với bất cứ một hạnh phúc nào đang có mặt.

Thật ra, ta cũng không biết chắc rằng hơi thở này có phải là hơi thở cuối không, hoặc là ta đang ăn trái quýt cuối cùng của đời mình, hay là nghe tiếng chim hót một lần chót. Với một ý thức sáng tỏ - xem mỗi kinh nghiệm của ta như là một kinh nghiệm cuối - ta sẽ thức dậy từ một thế giới nửa mê nửa tỉnh, bước vào một hạnh phúc vô tận và vững bền, mà chính nó cũng là hoa trái của chánh niệm.

Giây phút giải thoát

Ngài U Pandita có lần hỏi tôi, “Cô có tin lời đức Phật dạy là mỗi giây phút tỉnh thức là một giây phút giải thoát không?” Tôi đáp, “Dạ có, con thật sự tin việc đó.” Rồi ông nói, “Cô có nghĩ là chứng nghiệm được điều ấy, hay hơn là chỉ tin suông thôi không?”

Tôi đáp, “Dạ, chắc chắn là như vậy!”

Câu hỏi của ngài U Pandita, thật ra, đã phá tan đi nỗi nghi ngờ của tôi về khả năng giải thoát của mình. Nó giúp tôi đối diện thẳng với giáo lý đầy dũng lực của đức Phật: với chánh niệm, ta có thể kinh nghiệm được sự giải thoát trong bất cứ một giây phút nào. Khi ý thức được việc ấy, ta sẽ hiểu rằng bất cứ một kinh nghiệm nào mình đang có, cho dù đau đớn hay dễ chịu, cũng đáng để ta chú tâm đến, vì nó cũng là một cơ hội giải thoát. Điều mà đem lại cho ta sự giải thoát là năng lực của chánh niệm, chứ không phải đối tượng của nó. Chánh niệm là một lưỡi gươm có thể chặt đứt bất cứ một xiềng xích nào đang trói buộc ta trong giờ phút này.

Một trong những điều mâu thuẫn lớn của cuộc sống là: khổ đau và giải thoát, cả hai đều có thể có mặt ngay bây giờ và ở đây, ngay trong thân này và tâm này. Có hai cụm từ Pāli dùng để diễn tả việc ấy: Klesa bhumi và panna bhumi. Chữ bhumi có nghĩa là địa, vùng đất, nơi chốn phát khởi. Klesa có nghĩa là phiền não, những tính chất nào làm cho ta khổ đau, bất mãn. Và panna có nghĩa là trí tuệ. Bhumi lúc nào cũng có mặt qua hình thức của thân và tâm. Cái mà phân cách giữa klesa và panna chính là chánh niệm. Với chánh niệm, thân và tâm trở thành một cứ địa của giải thoát và tự do. Thiếu chánh niệm, cũng cùng một thân tâm ấy, sẽ trở thành một vùng đất khổ đau. Đức Phật dạy rằng, bất cứ một người nào dù tầm thường đến đâu cũng có thể giải thoát được, vì chánh niệm, nguyên liệu căn bản của giải thoát, bao giờ cũng có sẵn trong mỗi chúng ta. Tùy ở sự chọn lựa của chúng ta mà thôi, ta muốn phiền não - klesa - hay tuệ giác - panna.

Trong kinh có cho ví dụ về một chiếc thùng rác làm bằng đồng. Vì nó là thùng rác dơ bẩn nên chúng ta không dám đụng chạm tới và có ý ghê tởm. Và chúng ta hãy tưởng tượng, cũng cùng với một thứ đồng ấy, người ta đem nấu chảy ra và làm thành những đồ nữ trang thật đẹp. Bây giờ, chúng ta nhìn cũng một thứ đồng ấy với sự trìu mến và ưa thích. Rồi bây giờ ta hãy đem chất đồng ấy đúc thành những hình tượng thần thánh, và chúng sẽ tự nhiên trở thành những đồ vật thiêng liêng, cao quý. Cũng cùng một thứ nguyên liệu, nhưng khi ta sử dụng vào những mục đích khác nhau, phản ứng của chúng ta cũng sẽ thay đổi theo. Và cũng thế, thay vì xem thường những kinh nghiệm thân tâm, chúng ta có thể coi chúng như là nguyên liệu cho sự giải thoát của mình.

Trên con đường tu tập giải thoát, ta làm lớn mạnh khả năng sống an lạc và tĩnh lặng. Chúng ta sẵn sàng phơi bày những khổ đau của mình và học chấp nhận, thương yêu. Chúng ta tập định tâm để thấy được tự tánh chân thật của mình. Tất cả chỉ quy tụ về một điểm duy nhất là giải thoát, niết bàn, và đó không phải là một mục tiêu viễn vông, xa vời. Mỗi giây phút ta kinh nghiệm mà không bị dính mắc, sân hận và si mê là một giây phút của Niết-bàn. Và giây phút ấy có thể là ngay bây giờ đây.

Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
(Like the Presence of the Sky)
[Tập san Pháp Luân - số 50, tr.77, 2007