Các kinh điển thuộc văn hệ A-hàm và Nikàya là những kinh điển được các Thánh đệ tử kết tập bằng trùng tụng và bằng văn bản sớm nhất
Các kinh điển thuộc văn hệ A-hàm và Nikàya là những kinh điển được các Thánh đệ tử kết tập bằng trùng tụng và bằng văn bản sớm nhất, sau khi đức Phật Niết-bàn so với các kinh điển thuộc văn hệ Phương đẳng, Bát nhã, Hoa nghiêm, Pháp hoa và Niết-bàn. Ở trong các kinh điển thuộc văn hệ A-hàm và Nikàya ấy, ta có giáo lý nói về Tứ Thánh hướng và Tứ Thánh quả của các hàng đệ tử đức Phật chứng ngộ.
Trong giáo lý ấy nói rằng, Thánh quả A-la-hán là Thánh quả giải thoát cao nhất. Khi một vị tu tập Tứ Thánh đế hiện quán một cách sâu sắc, vị ấy có khả năng chiến thắng và diệt trừ sạch hết thảy các phiền não, vượt ra khỏi khổ đau sinh tử, chứng nghiệm đời sống Niết-bàn ngay trong từng giây phút hiện tại của sự sống; họ đã đặt gánh nặng sinh tử xuống ở phía sau lưng, họ có hạnh phúc và an lạc ngay trong đời sống hiện tại và tự tuyên bố:
“Sự tái sinh đã diệt tận,
Sự thanh tịnh đã hình thành,
Điều đáng làm đã làm xong,
Vĩnh viễn không còn sinh tử”
Ngay trong đời sống hiện tại, vị ấy thành tựu Chánh hạnh, Tịnh hạnh, Chơn hạnh, đã đi đến đời sống của Chánh trí và Chánh giải thoát, nên Thánh giả A-la-hán là xứng đáng được cung kính, đảnh lễ và cúng dường bởi thế giới của chư thiên và loài người.
Vị chứng Thánh quả Bất lai hay còn gọi là A-na-hàm, họ thành tựu Thánh quả này là do tu tập Tứ Thánh đế hiện quán, vĩnh viễn đoạn trừ Thân kiến thủ, nghĩa là vĩnh viễn đoạn trừ những vướng mắc sai lầm đối với những nhận thức về sự hiện hữu hay không hiện hữu đối với tự ngã; vĩnh viễn đoạn trừ những nghi ngờ đối với Phật, Pháp và Tăng; vĩnh viễn đoạn trừ giới cấm thủ, nghĩa là vĩnh viễn không còn có tâm mê tín, tin và tuân thủ vào những giáo điều và tín điều sai lạc, cũng như những tín ngưỡng sai lầm; vĩnh viễn đoạn trừ tham dục và sân hận thuộc Dục giới, họ hoàn toàn thoát ly sự sống chết ở nơi cõi tham dục, đi từng bước vững chãi về hướng của A-la-hán và sẽ thoát ly sinh tử.
Vị chứng Thánh quả Nhất lai hay còn gọi là Tư-đà-hàm, là do tu tập Tứ Thánh đế hiện quán, vĩnh viễn đoạn trừ Thân kiến thủ, Nghi, Giới cấm thủ, giảm trừ tham dục và sân hận, phải còn trải qua một lần sống chết ở trong thế giới tham dục và sẽ từng bước vững chãi đi về hướng Thánh quả A-na-hàm và hướng tới đời sống giải thoát, giác ngộ.
Vị chứng Thánh quả Thất lai hay còn gọi là Tu-đà-hoàn là do tu tập Tứ Thánh đế hiện quán, vĩnh viễn đoạn trừ Thân kiến thủ, Nghi và Giới cấm thủ, tuy họ dự vào được dòng dõi của bậc Thánh, hoàn toàn không đọa vào thế giới của địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, nhưng còn phải trải qua bảy lần sống chết ở trong thế giới của tham dục nữa để tu tập và thực nghiệm giáo lý Tứ Thánh đế, từng bước vững chãi đoạn trừ các lậu hoặc, hướng đến các thánh quả giải thoát cao hơn.
Như vậy, ta thấy Tứ Thánh quả mà kinh điển A-hàm và Nikàya đề cập, trong đó chỉ có Thánh quả A-la-hán là hoàn toàn dứt sạch các phiền não, còn từ Thánh quả A-na-hàm trở xuống thì các phiền não vẫn còn. Điều ấy cho chúng ta biết rằng, ta có thể mang phiền não hay nghiệp mà đi vào cõi Thánh và ngay nơi cõi Thánh, ta tiếp tục tu tập để chuyển hóa và thăng tiến để đạt tới đời sống giải thoát hoàn toàn. Và tinh thần của giáo lý này lại rất gần gũi và tương ưng với giáo lý “Đới nghiệp vãng sanh” của Tịnh độ.
Trong Tịnh độ, ta có giáo lý “Đới nghiệp vãng sanh”, nghĩa là người đã vãng sanh về cõi Tịnh độ mà còn mang nghiệp đi theo. Đây là giáo lý rất đặc biệt và rất khoáng đạt của Tịnh độ. Giáo lý ấy đã chuyển tải chất liệu đại bi và đại trí của Phật giáo Đại thừa. Và chính giáo lý ấy đã khẳng định rằng, Tịnh độ là quê hương của tất cả mọi người, và là giáo lý đáp ứng nhu cầu tu tập cũng như sống đời giải thoát cho mọi thành phần xã hội.
Sự tu tập Tịnh độ của ta hằng ngày chưa đủ năng lực để chuyển hóa những tạp niệm, hoặc chưa đủ năng lực để chuyển hóa những tập khí phiền não lâu đời của ta thành chất liệu Tịnh độ ở trong tâm ta; chỉ đến khi lâm chung do đức tin Tịnh độ của ta phát khởi một cách mãnh liệt và dẫn đạo tương ứng với tâm, nguyện và cảnh Tịnh độ của đức Phật A-di-đà, nên ngay trong giây phút ấy, dù ta đang còn nghiệp, nhưng vẫn có thể tái sanh lên cảnh giới Tịnh độ của Ngài một cách dễ dàng.
Nhưng, khi ta sinh về đó, môi trường sinh hoạt không còn có điều kiện nào để cho những tập khí cũ hay nghiệp cũ của ta phát sinh, nên chúng từ từ bị hủy diệt và vô thời hiệu. Cũng giống như một người ghiền thuốc lá, họ đem cái chất liệu ghiền thuốc lá của họ đi đến một xứ sở khác, mà ở xứ đó không có một người nào hút thuốc lá, không có ai bán thuốc lá, không có nguyên liệu và nhà máy chế tạo thuốc lá và cũng chẳng có ai nhắc nhở gì đến thuốc lá cả, thì cho dù người kia mang nghiệp ghiền thuốc lá đến xứ kia, nghiệp ấy vẫn không có điều kiện để biểu hiện, và lâu ngày nghiệp ghiền thuốc lá của người ấy mất hẳn thời hiệu và tự tiêu.
Nên, để đi về thế giới Tịnh độ của đức Phật A-di-đà thực tế có rất nhiều cách, ta có thể đi về Tịnh độ bằng chính tự tâm thanh tịnh ở nơi ta, hay bằng sự thực tập quán chiếu A-di-đà là bản thể không sinh diệt ở nơi linh tánh của ta, và ta cũng có thể quán chiếu để nhận ra tự tánh A-di-đà nơi bản tâm ta có vô lượng ánh sáng, có vô biên ánh sáng, có ánh sáng vô ngại, có ánh sáng mà không có bất cứ một loại ánh sáng nào có thể đối lập, ánh sáng ấy là vua của hết thảy các loại ánh sáng, có ánh sáng thanh tịnh, có ánh sáng hoan hỷ, có ánh sáng trí tuệ, có ánh sáng không thể nghĩ bàn, có ánh sáng liên tục, có ánh sáng tuyệt vời không thể ca ngợi hết, có ánh sáng siêu việt cả ánh sáng mặt trời và mặt trăng,… Tự tánh ấy không bị lệ thuộc bởi bất cứ không gian và thời gian nào, tự tánh ấy không bị hạn chế bởi không gian và không bị hủy diệt bởi bất cứ thời gian nào, nên ta có thể về Tịnh độ trong từng giây phút của sự quán chiếu tự tánh A-di-đà nơi bản tâm ta; hoặc ta đi về Tịnh độ bằng sự nhất tâm chấp trì danh hiệu của Ngài, nhưng dù ta có đi về bằng cách nào đi nữa, thì trước hết ta phải có đức tin Tịnh độ, ta tin rằng tâm ta là Tịnh độ, tâm ta có Phật tính và có khả năng tạo thành thế giới Tịnh độ của chư Phật. Ta cũng tin rằng, ngoài đức Phật Thích-ca còn có vô số đức Phật quá khứ, có vô số đức Phật trong hiện tại và ta sẽ có vô số đức Phật thị hiện ở trong tương lai nữa; và ta không phải chỉ có một cõi Ta bà mà ta có rất nhiều cõi Ta bà đã có mặt trong quá khứ, đang có mặt trong hiện tại và sẽ tiếp tục có mặt trong tương lai nữa. Không những vậy, mà ta còn tin rằng có vô số thế giới Tịnh độ của chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại và chư Phật trong tương lai ở khắp mười phương. Và ta cũng tin rằng, A-di-đà là tự tánh vốn sẵn ở tự tâm của mỗi chúng ta, ta có thể tiếp xúc với tính ấy mỗi ngày và mỗi ngày làm cho tự tính ấy hiển lộ trong đời sống của chúng ta.
Mỗi thế giới Tịnh độ đều có mỗi nét đặc thù, do công hạnh tu tập cũng như bản nguyện của các Ngài và những người cùng hạnh nguyện tạo nên.
Và cũng vậy, thế giới Ta bà được hình thành không do bản nguyện mà do cộng đồng nghiệp lực ô nhiễm của những chúng sanh có nhân duyên với cõi này tạo thành.
Ta sinh ra trong cõi Ta bà, nhằm thời đại kiếp trược, nghĩa là thời đại mà sự hủy diệt càng lúc càng tăng, đời sống dơ bẩn càng lúc càng nặng nề, con người càng lúc càng sa đọa vào đời sống vật chất, sự thanh cao giảm thiểu, mạng sống ngắn lại. Những nhận thức của ta thì lại quá thô thiển, cạn cợt và nhiều sai lầm; thời đại sa đọa, chúng dẫn ta đi theo những sự sa đọa về nhận thức và tâm hồn. Tâm hồn của ta đầy dẫy những tham dục, những hận thù, những si mê cố chấp, những kiêu mạn và nghi ngờ, khiến cho ta không còn thanh cao trong sự đối xử với nhau và đời sống của ta lại được nuôi dưỡng bằng chính những xảo trá và lừa đảo, chính những chất liệu ấy đã tạo nên thế giới của ta và chính ác nghiệp của ta đã tạo ra thế giới ấy. Cái gì được tạo nên bởi nghiệp, cái ấy hoàn toàn không có tự do.
Nên, ta muốn có tự do ở trong cõi Ta bà thì trước hết ta phải tu tập để chuyển hóa nghiệp lực thành nguyện lực. Ta phải chuyển hóa những hạt giống Ta bà ở trong tâm thức ta thành hạt giống Tịnh độ. Ta phải tịnh hóa những ước muốn của ta thành những bản nguyện Tịnh độ. Ta phải tịnh hóa mọi hoạt động của ta thành những hoạt động Tịnh độ và quan trọng hơn hết là ta phải biết chuyển hóa tâm thức ta thành linh tâm Tịnh độ Một khi chúng ta đã chuyển hóa, tịnh hóa được những điều đó thì Tịnh độ Tây phương của đức Phật A-di-đà, dù xa cách thế giới Ta bà của chúng ta trải qua khoảng mười vạn ức cõi Phật, cũng đều có mặt trong đôi mắt và tâm hồn của ta.
Thế giới Tịnh độ là thế giới của nguyện lực, nên ta muốn sanh về thế giới Tịnh độ của đức Phật A-di-đà, ta không phải chỉ có đức tin, mà còn phải có nguyện lực và còn phải có sự thực tập đời sống Tịnh độ một cách cụ thể để bảo chứng cho niềm tin và nguyện lực của chúng ta.
Ta thực tập đời sống Tịnh độ với niềm tin, với hạnh và nguyện như vậy, dù ta đang sống ở cõi Ta bà, nhưng ta đã dự phần vào thế giới Tịnh độ, ta đã và sẽ có niềm tin không thối chuyển đối với địa vị giác ngộ cao tột của chư Phật và thế giới Tịnh độ của các Ngài.
Nên, thân ta tuy ở Ta bà mà niềm tin, hạnh và nguyện của ta đã thực sự có mặt ở Tịnh độ. Niềm tin, hạnh và nguyện của ta đã và đang mang nghiệp của ta đi vào Tịnh độ, đang và sẽ tạo thành thế giới Tịnh độ cho ta trong hiện tiền và trong cả tương lai.
Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 24, tr.19, 2006]