Mộng và thực

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong chiêm bao mà chợt thấy chiêm bao lại càng thêm chìm đắm/ Chính cái thân ngoài chiêm bao mới là thân thiệt.

 

“Mộng trung ngộ mộng trùng mê mộng
Thân ngoại phi thân khắp thị thân.”

Tạm dịch:
Trong chiêm bao mà chợt thấy chiêm bao lại càng thêm chìm đắm,
Chính cái thân ngoài chiêm bao mới là thân thiệt.

Hai câu thơ trên đây của Thái Hư Đại sư (1889-1947), Ngài xuất gia hồi 16 tuổi, pháp danh Duy Tâm, thọ giới với Hòa thượng Ký Thiền tức Kính An (1851-1912). Sau đó, Ngài đóng cửa thất duyệt tạng 3 năm, bừng ngộ tâm trí khi đọc kinh Bát-nhã. Năm 1951, Ngài bắt đầu vận động đổi mới Phật giáo Trung Quốc cùng mấy vị cư sĩ nổi danh là Dương Nhân Sơn và Âu Dương Tiệm. Ngài chủ trương cách mạng giáo lý, giáo chế, giáo sản; từ đó lập hội Phật giáo, xuất bản tạp chí Phật học. Năm 1922, Ngài lập Phật học viện Võ Xương dạy theo lối Tây phương đầu tiên (trước giờ học theo lối nghe giảng bộ kinh). Ở đây học cả triết Đông, triết Tây theo thời khóa biểu hằng tuần. Ngài từng du khảo Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp quốc và là người sáng lập Hội Phật giáo Pháp. Trong nước, lập Trùng Khánh Phật học viện, Hoằng thệ Phật học viện và nhiều Phật học viện ở các tỉnh để đào tạo Tăng tài, ngoài ra còn lập Hán tạng giáo lý viện. Cả đời Ngài như một chiến sĩ tả xông hữu đột không ngừng hoạt động để làm mới lại sinh hoạt Phật giáo Trung Hoa bị tiêu trầm một thời gian khá lâu theo vận nước hồi ấy. Ngài giảng giải kinh điển, sau này đệ tử Ngài biên tập thành Thái Hư toàn thư 65 quyển. Trong đó có nhiều bài thơ, ký, điếu, văn bia.

Nội dung hai câu thơ nhằm chỉ ra khi ngủ, ta chiêm bao đủ thứ. Có khi trong chiêm bao, ta lại thấy có những thứ khác nữa, tức chiêm bao chồng lên chiêm bao đương có. Cũng ngộ, trong khi cứ lẩn quẩn trong hoạt động của chiêm bao trôi theo thức tâm đó thì càng đi xa như kẻ lạc vào rừng rậm, thì trong khi ấy cái Thân nhiệt (không phải thân hoạt động nói cười trong chiêm bao) chính là cái thân đang nằm ngủ bên ngoài chiêm bao. Nhưng nếu không có thân thiệt này thì làm sao có thân chiêm bao?

Ý sâu hai câu nầy muốn chỉ ra rằng cái thân cao cả chân như mới là thân thiệt, còn thân ta đang sống đây là thân chiêm bao. Đó là thí dụ cho ta sống đây là sống với ỨC TƯỞNG, tức sống bằng kho kỷ niệm thói quen từ nhiều đời, bao gồm tham ái, giận dữ cố chấp với nguyên cả hệ thống tình cảm lý trí, nhưng lý trí thì kẹt vào tà chấp, vào tha cầu ỷ lại thần linh cứu mình, còn mắc vào biết bao quan điểm sai lầm. Tất cả đều như người chiêm bao, sống hoạt động với chiêm bao đó, chỉ khi thức giấc mới biết vừa rồi là chiêm bao. Khi ta thức giấc, tinh thần tức ngộ Pháp duyên sanh chẳng hạn ấy là ta tỉnh thức, hết chạy theo ngoại trần. Sống phóng dật theo đối tượng kích động của giác quan là sống chiêm bao. Tổ Lâm Tế nói, sống như hồn ma bóng quế nương đầu cây ngọn cỏ.

Những hoạt động trong chiêm bao, ta sống vào nó là sống thật với nó, khi đau buồn khóc vẫn chảy nước mắt, thấy ăn trộm cũng la oai oái, thấy con cọp chụp cũng chạy bay tóc trán v.v…, chỉ khi thức tỉnh thì mới biết rằng đó là chiêm bao, qua mau, không có thật vĩnh viễn.

Đời sống hiện thực nơi mặt trời đây là có thực đối với ta, nhưng kinh điển bảo là Mê, là Mộng, cùng mê chấp. Mê nghĩa đen là lạc đường, chợt biết lạc đường là giác, thay đổi lối cũ là giác, là đi đúng đường tới nơi. Chiêm bao là cứ loay hoay trong đó mãi là mê, là sống với tri giác sai lầm, tình cảm khuôn bó bởi ngã và ngã sở ái. Thí dụ, khi thân nhân qua đời, ta khóc thương tỉ tê; trong khi nghe đại chiến thế giới chết 20 triệu người ta nghe như làn khói thoảng qua trí tưởng, không hề có chút xúc động; hay nghe trận động đất chết mấy chục ngàn người, ta cũng dửng dưng như không, vì sao? Vì ta chỉ sống với tình cảm nhỏ hẹp, ngã sở. Đó gọi là mê. Bọn băng nhóm đánh cướp tiệm vàng, chúng làm chuyện đó hết sức kế hoạch tỉnh táo, nhưng đó là mê, là vô minh, vì sao? Vì không thấy rõ hậu quả. Như vậy mọi việc làm từ bản ngã, từ tham đắm, từ thiếu hiểu biết chánh lý nhân quả đều là mê lầm. Giác là tỉnh thức, là biết rành luật nhân quả, biết hậu quả đau khổ tử hình bỏ mạng, không làm. Tương giao nổi giận gây gỗ là xung động tình cảm quyền lợi bị đụng chạm, đưa tới hậu qủa có khi mất mạng. Đó là mê, nhưng khi trả thù ấy thì mình thấy sướng lắm, chửi mắng tha hồ, hành động vun vút hả hê, nào biết hậu quả, đó là mê lầm không biết lý nhân quả cực sáng ngay trước mặt.

Tiến lên từng nữa thì người giác ngộ thấy ai nấy lặn lội tử sinh khổ hận trùng trùng vô tận là mê, khi thức giác là hết khổ não, chấm dứt khổ hận sanh tử. Do đó khổ hận sanh tử là do ta chấp, bám dính vào mọi hành tác, như dầu mỡ đổ vào bánh xe luân hồi. Nay thức tỉnh giác ngộ, chấm dứt hành tác cũ là ra khỏi cơn mê, thảnh thơi ngay đây. Kinh điển dùng hình ảnh chiêm bao, mộng nhằm nói qua mau, không vĩnh viễn. Kinh Nguyên thủy đưa ra 7 thí dụ, trong đó có thí dụ rằng ham mê năm dục như giấc mộng đêm xuân, có nghĩa không tồn tại lâu mãi. Về ham mê ngũ dục còn ví như người mắc bệnh ghẻ ngứa hơ mình trên hố than hừng mới đã ngứa. Trị lành ghẻ ngứa rồi thì có ai đó bắt người này hơ lên than hồng thì anh quyết chống cự chạy thoát.

Cái mê tỉnh trong đời sống này chỉ ngắn hạn, cái tỉnh giác ngộ vĩnh viễn mới hoàn toàn ra khỏi mê lầm tai hại. Bao người tham vọng quá mức không lấp đầy được, đi mãi cuối đời bỗng la lên đời là ảo mộng, nhứt là nhà văn nói ảo mộng như tiếng nói từ Thánh triết, chứ không thực tập chỉ rõ ảo mộng là gì, vì ngay đời ảo mộng này ta giỏi thực tập mà có tỉnh biết hết khổ, đâu phải kêu ảo mộng để rên la than thở nằm đó mãi.

Đạo Phật nói khổ là sự thật liền chỉ ngay nguyên nhân cho ta đốn trừ, đạt hạnh phúc bất diệt. Nhiều người nghe nói khổ, nói mộng liền rũ rượi nằm ỳ, đó là cái bậy nhứt, cho rằng đạo Phật tiêu biểu cho văn minh già cỗi, đó là sai lầm quá lắm.

Trí Không
[Tập san Pháp Luân - số 24, tr.61, 2006]