Hằng ngày, con thuờng tụng Bát-nhã Tâm kinh sau mỗi thời kinh.
HỎI: Hằng ngày, con thuờng tụng Bát-nhã Tâm kinh sau mỗi thời kinh. Trong kinh có câu “…hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách…” Nếu đúng như thế thì chúng ta ngày nay phải quán chiếu “ngũ uẩn giai không” như thế nào để có thể đồng hành với Bồ-tát Quán Tự Tại?
(PT Túy Phượng-243 Lý Tự Trọng Q.I, TP. HCM)
ĐÁP:
Mỗi con người là một hợp thể năm uẩn. Khái niệm về hai phần vật chất và tinh thần có từ sự phân tích qua năm uẩn này. Tuy nhiên, dưới nhận thức giữa bậc Thánh và phàm phu chúng sanh về năm uẩn đều có sự khác nhau. Bồ-tát thì nhận thức được bản chất, tức tánh thể của nó, nên lòng thong dong vô ngại không còn chấp thủ. Đối với phàm phu chúng sanh chỉ nhận thức năm uẩn trên ảnh tượng, ảo giác, do đó vướng chấp khổ đau.
Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến quan điểm “ngũ uẩn giai không” trong kinh Bát-nhã để có nhận thức đúng trong quá trình quán chiếu tu tập.
Thật ra, danh từ ngũ uẩn là một thuật ngữ Phật học, được viết theo dạng Hán cổ. Ngũ uẩn (Pañcaskandha) tức còn gọi là năm thủ uẩn (Pañca upādāna skandha). Năm thủ uẩn gồm có: Sắc uẩn (rūpaskandha)-yếu tố sinh vật lý; Thọ uẩn (vedanāskandha) – yếu tố cảm giác; Tưởng uẩn (saṃjñāskandha) - yếu tố tri giác; hành uẩn (saṃskāraskandha) -yếu tố tâm lý hoạt động; Thức uẩn (vijñānaskandha) – yếu tố nhận thức phân biệt.
Dưới lăng kính kinh Bát-nhã, năm thủ uẩn đều là “không”, vì chúng do duyên sanh, giả hợp mà có. Sắc tức chỉ cho bốn đại (chất rắn, chất lỏng, chất khí, chất nhiệt) cấu tạo phần cơ thể sinh, vật lý. Riêng bốn yếu tố (cảm giác, tri giác, tâm lý hoạt động và nhận thức) còn lại cấu tạo về phần tâm lý. Khi năm uẩn này đủ duyên hợp lại tức hình thành một con người bình thường như mọi chúng ta.
Hơn nữa, theo khảo sát của các nhà Phật học, bốn đại hiện hữu từ sự giả hợp, còn thọ, tưởng, hành, thức đều do vọng niệm sanh ra. Đã do vọng niệm giả hợp, tức tồn tại như huyễn hóa, tất cả đều là duyên sanh vốn không có tánh chơn thật. Vì cái thể của nó là không, nên kinh Bát-nhã cho rằng ngũ uẩn giai không.
Đặc biệt, đối với hàng Bồ-tát vì nhận thức được “Đương thể của năm uẩn tức không”, nên đời sống của các Ngài không còn trú chấp về tự ngã (cái tôi). Thế nên kinh Bát-nhã dạy rằng: “Bồ-tát Quán Tự Tại khi hành sâu pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa thấy năm uẩn là không, liền vượt qua mọi khổ ách”.
Trong khi đó, chúng sanh phàm phu do vô minh che mờ nên thấy năm thủ uẩn có tự tánh, có chủ thể tồn tại, nên trú chấp và bám víu bằng mọi cách. Còn trú chấp tức phải bị cảm thọ khổ đau và nghiệp chi phối.
Dĩ nhiên, khi con người còn chấp thủ quá sâu nặng, do đó, họ có thể vì cái tôi mà bảo vệ đến cùng. Họ luôn hành động theo nghiệp ác thì làm sao tránh khỏi những sự thọ báo khổ đau đời này và đời sau. Từ đó, người học Phật thấy rằng, muốn giải thoát khổ đau, một mặt phải tu tập quán chiếu, tăng cường phát huy tuệ giác Bát-nhã để thấy năm thủ uẩn đúng với sự thật; mặt khác phải phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo để tâm bao la vô lượng như các vị Bồ-tát và các đức Phật. Vì giá trị tu tập của Phật giáo chính là sự thực tập, sự thể nghiệm và đạt được đời sống hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại.
Vì vậy, “Ngũ uẩn giai không” dù tự thân nó là một mệnh đề nhưng chẳng phải là một mệnh đề triết lý suông mà chính là sự tuyên bố từ sự chứng nghiệm của Bồ-tát Quán Tự Tại. Đó là con đường tu tập, nhận thấy năm thủ uẩn không có chủ thể, tự tánh độc lập để vượt lên mọi chấp thủ phàm tình. Người nào thấy được thân năm uẩn là duyên sanh, là giả hợp, là tự tánh không, tức thấy đúng sự thật. Nhân tu đã chơn thật tức sẽ thành tựu sự giác ngộ và giải thoát tuyệt đối.
Ngày nay, cuộc sống xô bồ, phức tạp, con người càng cố chấp, định kiến, ích kỷ, khủng hoảng. Gần như tất cả những nhu cầu, những đòi hỏi để thỏa mãn tính dục vọng đều phục vụ cho ý thức về sự chấp thủ thân ngũ uẩn tức cái tôi. Và kết quả lúc nào cũng thấy thân tâm lo âu, phiền muộn bức bách chi phối.
Là người con Phật, để vượt qua những nỗi khổ này, không cách nào khác là chúng ta phải quán chiếu tu tập, phải có được nhận thức như Bồ-tát Quán Tự Tại khi thấy về sự thật của năm uẩn là không. Điều này phải quán chiếu lâu dài để từng bước tẩy sạch những chủng tử mê lầm, điên đảo của nhiều đời mà chúng ta đã huân tập. Trong ý hướng mong cầu giải thoát ngay hiện tại, chắc chắn hành giả sẽ đạt được tuệ giác Bát-nhã và quán chiếu thông suốt về “ngũ uẩn giai không” ngay trên lộ trình tu tập.
Thích Thông Trí
[Tập san Pháp Luân - số 22, tr.90, 2006]