Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mỗi con người là một vị Phật nhưng vì chơn tâm bị vô minh che lấp nên việc thành Phật, tác Tổ không thể chứng nhập; vì vậy chúng ta có thể biết rằng lục phàm tứ Thánh không ngoài cái tâm.(PL)

 

Sau bốn mươi chín ngày tham thiền nhập định dưới cội tất-bát-la, đức Thế Tôn chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bừng khai tuệ nhãn, thấy rõ chúng sanh hiện hữu khắp trong tứ sanh lục đạo đều có chung một thể tánh viên minh, thanh tịnh vắng lặng mà bất cứ một ai nếu hồi tâm phản chiếu, thực tâm tu tập đều có thể thành tựu thánh quả an lạc giải thoát. Qua đó chứng tỏ: đạo không ở đâu xa mà đạo ở trong tự thân của mỗi người. Mỗi con người là một vị Phật nhưng vì chơn tâm bị vô minh che lấp nên việc thành Phật, tác Tổ không thể chứng nhập; vì vậy chúng ta có thể biết rằng lục phàm tứ Thánh không ngoài cái tâm. Điều đó đã được chứng minh rất rõ ràng trong tam tạng thánh điển mà cụ thể là trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy rằng: “Ta ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Tri kiến Phật ở đây khi ở chúng sanh chính là Phật tánh còn khi ở loài vô tình gọi là pháp tánh. Rõ ràng hơn nữa,  qua một số trích dẫn sau, chúng ta sẽ thấy rõ người xưa hiểu Phật tánh là thế nào ở loài hữu tình hay vô tình.

Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, vào thời Đông Tấn ở Trung Quốc, có vị Cao Tăng hiệu là Đạo Sanh (người ta thường gọi là Sanh Công), người ở Cư Lộc, là một học giả kinh Niết-bàn. Thuở nhỏ, Ngài thông minh trí tuệ hơn người. Ngài cùng với Tăng Duệ, Đạo Dung, Tăng Triệu là những vị đệ tử tài ba xuất chúng trong hàng đệ tử của ngài La Thập, bốn vị này được gọi là Quan Nội Tứ Thánh. Ngài là người tinh thông học thuyết của các vị Long Thọ, Đề-bà, cảm thương cho các học giả đương thời bị trệ nơi kinh văn, hiểu cạn cợt nghĩa lý viên dung của Phật đà nên Ngài nghiên cứu sâu lý Hữu, Không, Nhân, Quả, sáng lập thuyết: “Thiện bất thọ báo và đốn ngộ thành Phật”, giải thích cho mọi người liễu tri. Nhân khi xem kinh Niết-bàn, Ngài cho rằng: Nhất-xiển-đề đều được thành Phật, khiến cho đại chúng tăng sĩ bấy giờ hoang mang. Do lúc ấy, kinh Niết-bàn chưa truyền đến Trung Hoa nên người nghe khó tin, vì thế đả phá tẩn xuất Ngài ra khỏi chùa. Về sau, khi kinh Đại Bát-niết-bàn do ngài Đàm Vô Sấm dịch truyền đến phương Nam thì lời Ngài nói trước đây mới ứng thực và mọi người mới khen thực lời Ngài có kiến thức cao vời. Theo truyền thuyết, một hôm, nhân cuộc đàm đạo giữa hội chúng, ngài Đạo Sanh nói rằng: “Ai bảo đá không có Phật tánh là người ấy phản lại lời dạy của đức Thế Tôn”. Trong hội chúng ngạc nhiên và yêu cầu Ngài chứng minh lời nói của mình để cho họ hiểu. Thế là Ngài đến núi Hổ Khâu ở Giang Tô để tịnh tu. Ngài gom đá sắp thành hàng làm đồ chúng. Lúc bấy giờ, Ngài đứng trước những viên đá kia nghiêm trang dõng dạc thuyết một thời pháp. Khi Ngài thuyết đến đoạn: “Hôm nay, ta y theo kim khẩu của đức Thế Tôn mà tuyên thuyết lại rằng: tất cả xiển đề đều có Phật tánh. Nếu lời ấy sai thì các ngươi vẫn nằm tự nhiên, bằng nếu các ngươi nhận đúng lời ta nói là y như lời Phật dạy thì các ngươi hãy gục đầu nhận lãnh.” Câu nói của Ngài vừa dứt thì tất cả những viên đá kia gục đầu và lăn xuống triền núi. Những vị Tăng sĩ chứng kiến cảnh tượng kia liền quỳ xuống đảnh lễ và xin Ngài truyền trao tâm pháp. Sau này, ngài Đại sư Thái Hư đi viếng núi Hổ Khâu đã làm bài thơ tán thán. Có câu liên quan đến việc đá nghe pháp gật đầu như sau:

“Tiên nữ rưới hoa hà xứ xứ
Sanh Công điểm thạch vị gian đài”.

Vậy nên: “Trăng sao có thể rơi, núi đá có thể lở, biển đại dương có thể cạn nhưng những lời đức Thế Tôn dạy vẫn không bao giờ sai trật”.

Để minh chứng thêm những lời đức Phật dạy là chân thật ngữ, trong chuyện thiền có kể đến câu chuyện khế hợp với căn cơ của hội chúng mà chỉ bày pháp thoại khác nhau: Có người đến hỏi ngài Triệu Châu Tùng Thẩm: Con chó có Phật tánh không? Ngài đáp: Không. Người kia thắc mắc: Sao trong kinh Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh?” Ngài giải thích: vì bị nghiệp thức che đậy nên con chó không thấy, không biết, nên có cũng như không.

Một lần khác có người đến hỏi Ngài: Con chó có Phật tánh không? Ngài đáp: Có. Người kia gạn hỏi: Đã có Phật tánh vì sao lại chui vô đãy da nhơ nhớp lông lá lùi xùi như vậy? Ngài giải thích: Vì biết mà cố phạm. Biết là tánh sáng suốt, là Phật tánh nhưng không tránh khỏi nên phải chui vào đãy da nhơ nhớp.

Chúng ta cũng vậy, bấy lâu nay lang thang trong bể khổ trầm luân sanh tử, cũng bởi vì si mê lầm chấp, bỏ giác hiệp trần, không nhận chân ra được bộ mặt thật của chính ta, không thấy chủ nhân ông của chính ta trong từng sát na nên cứ chạy theo ảo giác vọng tưởng bên ngoài, rồi xa dần tánh giác. Tưởng giả là thật, thấy thật tưởng giả, thấy chơn tưởng vọng, tưởng vọng là chơn, cứ xoay vòng đảo điên như vậy nên không tìm cho mình được lối ra. Thật, giả khó phân thì đạo pháp làm sao khế hợp. Cho nên, đức Phật mới đưa ra nhiều pháp môn, trong đó bốn phương pháp mầu nhiệm đánh mạnh vào cái mê tham chấp của chúng sanh, chỉ cho chúng sanh thấy rõ cuộc đời là một biển khổ, có khổ thì có nguyên nhân đưa đến đau khổ, mà nguyên nhân đó lại chính là vô minh, tham ái, chấp thủ của chúng ta. Sau khi thấy khổ thì chúng ta mới liễu ngộ được có khổ thì sẽ có không khổ và cố gắng tu tập để đạt được hạnh phúc. Chính do vì chúng ta vẫn thấy rõ tập đế là nguyên nhân dẫn dắt chúng sanh loanh quanh trong lục đạo, là sai trái và đem lại đau khổ, dù thấy thì thấy, biết thì biết, học thì học nhưng đâu có ai thực hành, dứt bỏ cho nên chúng ta không thể tự thân tác chứng. Thấy là một lẽ, học là một lẽ, vẫn biết vẫn quán nhưng hành là một việc khác, đến khi gặp sự việc thì tất cả sự thấy biết với cái tâm chấp ngã của mình thì càng rõ ràng hơn, mới thấy rằng bản ngã của con người rất lớn. Vậy nguyên nhân chính của sự đau khổ là do đâu? Có phải là do cái tâm vô minh chấp ngã đã hằng hữu lâu đời lâu kiếp của chúng ta không? Hay là cái tâm chấp thủ sanh khởi trong hiện tại? Nên biết rằng, cái tâm của hôm nay là cái tâm của tất cả sự huân tập những sự vật thật hay giả trong quá khứ tạo thành. Cái tâm đó song hành với chúng sanh từ khởi nguyên cho đến lúc thành Chánh giác. Khi còn chúng sanh thì nó hiện hữu, còn khi thành Phật thì nó liền chuyển mê thành ngộ, chuyển thức thành trí, và lúc này cái tâm ấy không còn hiện hữu mà là một thể thanh tịnh hoàn toàn. Trong cuộc sống chúng ta cũng vậy, bị đoanh vây bởi lưới nghiệp phiền não vô minh nên không lúc nào nhận chân ra được sự thật của vạn pháp để phản quang tự kỷ, dẫu có biết điều đó là sai trái nhưng  chúng ta vẫn cứ làm một cách thản nhiên mà không suy nghĩ hậu quả của nó sẽ như thế nào.

Câu nói của ngài Triệu Châu như một lằn roi đánh thật đau vào tâm thức của tất cả chúng ta. Khiến chúng ta phải giật mình tỉnh mộng rằng, mình đang là người học Phật tu Phật, vậy mình đang sống như thế nào? Sống có thực sự làm trong sáng được cái tâm mình chưa, làm cho Phật tánh ngày càng sanh khởi chưa? Hay là đang còn trong trạng thái mê mờ cố chấp? Nhờ câu nói đó mà chúng ta mới thấy mình có tuệ giác, có khả năng thành Phật mà không lãng quên đi thệ nguyện của mình. Trong kinh, đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Điều đó một lần nữa khẳng định, mỗi chúng ta đều có một viên minh châu giấu sẵn trong chéo áo nhưng vì mãi u mê làm tên cùng tử lang thang khắp nẻo đường lục đạo không thấy rõ mà thôi. Nếu được ai chỉ bày hay hướng dẫn và chúng ta thực tâm tu học thì viên minh châu đó sẽ được trả về cho chủ nhân của nó. Cũng bởi vì “biết mà cố phạm”, biết tham dục, biết sân giận, biết si mê là gốc của khổ đau luân hồi nhưng mà mấy ai chịu chấm dứt được. Thậm chí chúng ta biết rằng, rượu là giới cấm, người tu tập không được uống, nhưng khi đi chung với nhóm bạn bốn người, ba người kia rủ ngồi xuống uống rượu, chúng ta, vì thói thường của thế sự, vì sợ quê, vì tự ái, vì bản ngã mà đã mặc nhiên đi ngược lại lời  nguyện của mình đã tuyên thệ trước Phật tổ. Điều này rõ ràng biết mà vẫn cố phạm. Ngoài ra, có những lãnh vực cũng khó phân biệt được trong phạm vi này, tùy theo từng cấp độ mà thẩm định giá trị có tư cách cá nhân hay phẩm hạnh tròn đầy hay không mà thôi. Đứng ở phương diện thực sự độ sanh của các vị Bồ-tát, tùy phương tiện muốn độ một ai đó hay vì lợi ích chung mà quý Ngài đã ứng hiện phạm giới, còn chúng ta không nên bắt chước quý Ngài trong khi công hạnh của mình chưa đầy đủ, hay nói đúng hơn chưa thể nhập được một phần thể tánh viên minh, tự tại vô ngại.

Chúng ta hôm nay may mắn được có được thân người, có đủ trí tuệ, gặp được cơ duyên học hỏi Phật pháp, kết thiện duyên với đạo giải thoát đúng là một điều thật sự khó khăn. Vì thế, chúng ta cần phải nỗ lực tiến tu, đừng để một khi mất thân người nầy rồi thì muôn kiếp không thể gặp lại. Trong bài phục nguyện hồi hướng buổi chiều, các Tổ chế ra bài cảnh tỉnh rằng: “Ngày nay đã qua, mạng cũng theo đó mà giảm dần, như cá bị rút nước nào có gì là an vui, vì thế các ngươi hãy siêng năng tinh tấn như cứu lửa cháy đầu, hãy luôn nhớ nghĩ đến cảnh vô thường, cẩn thận không nên buông lung”. Lời cảnh tỉnh chứa đựng một lời răn thống thiết khuyên dạy hàng đệ tử, cảnh tỉnh mọi người đang sống hiện hữu ở đời hãy cố gắng sống sao cho lợi ích, đừng luống qua thời gian rồi không biết mình sống chết ra sao? Một hơi thở ra  mà không thở vào là sang một đời sống khác. Thế nên phải luôn siêng năng tinh tấn không nên biếng trễ, bởi thân người khó gặp, Phật pháp khó nghe nên phải cảnh tỉnh trong từng giây từng phút. Đừng để khi tấm thân này mất đi, hối tiếc nào có lợi ích gì? Chúng ta hãy suy gẫm lời Phật tổ dạy, gần gũi bậc thiện tri thức cùng sách tấn để dìu dắt nhau tiến lên bờ giải thoát.

Giải thoát không dành cho những con người biếng nhác, giải đãi, do đó trong từng sát na tâm niệm, trong từng giây phút hiện tại, chúng ta hãy luôn trân trọng những giây phút sống sao cho tâm được an tịnh, trong sáng, huân tập và sống với chánh tâm chánh niệm, có như vậy thì chúng ta sẽ không xa con đường thể nhập Thánh trí. Còn nếu không thì chúng ta mãi làm kẻ lữ hành lạc loài trên sa mạc không biết đâu là ngõ để quay về. Đức Phật chỉ là bậc Đạo sư làm người hướng dẫn cho chúng ta đi qua sa mạc, đã có người dẫn đường chỉ cần trong mỗi chúng ta hãy nỗ lực để đi hay không mà thôi. Nếu chúng ta cứ chấp chặt và không tin vào lời Đạo sư hướng dẫn thì mãi mãi chúng ta sẽ loanh quanh và chết gầy chết mòn trên sa mạc, còn nghe lời thì chúng ta sẽ vượt thoát ra khỏi sa mạc và đến được nơi an ổn. Vì thế, trong tu tập có những pháp hay, chúng ta hãy chia sẻ cùng dẫn dắt tu tập để cùng nhau vượt qua những chặng đường cam go thử thách, phía trước chắc còn nhiều chông gai đang chờ đợi, mỗi bước đi của chúng ta là mỗi bước đi lượm lặt những chông gai để biến con đường đi của chúng ta trở thành một con đường bằng phẳng trong sạch. Làm được như vậy thì đó chính là lợi ích chung của một vị hành giả đang dần tiến đến Phật đạo. Cảm hóa hữu tình hay vô tình, con đường đó chính là con đường để đi vào đạo lộ Phật tánh của mỗi chúng sanh. Chỉ khi chúng ta thể nhập được Phật tánh thì lúc đó tâm tánh của chúng sanh và ta hoàn toàn không khác, tất cả muôn vật cây, cỏ, đá, hoa… cho đến con người không cái gì không là pháp, là Phật. Vì thế mới gọi là: “Phật pháp bất ly thế gian giác” có nghĩa là Phật pháp không ngoài các pháp thế gian mà giác ngộ. Cũng như ngài Huệ Năng khi nghe pháp ngộ đạo, Ngài thốt lời than rằng: “ai dè tánh mình vốn sẵn thanh tịnh, ai dè tánh mình vốn chẳng sanh diệt, ai dè tánh mình vốn sẳn có đủ, ai dè tánh mình không lay động”; để một lần nữa cho biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật tánh ấy chính là tự tánh thanh tịnh tâm của mình.

Bụt là vầng trăng sáng
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặn
Trăng hiện bóng trong ngần.

TN. Phước Liên
[Tập san Pháp Luân - số 21, tr.36, 2006]