Trang 2 / 2
THẾ NÀO LÀ ĐẠI Ý CỦA PHẬT PHÁP?
Con đường đưa về giải thoát theo những lời đức Phật dạy thì có muôn lối, vì tùy thuộc vào căn cơ, nên có muôn ngàn pháp môn, nhưng mục đích chung để hướng dẫn con người thể ngộ được giá trị an lạc của đạo Phật thì chỉ có một, đó là giải thoát. Cũng như nước trăm sông chảy về biển cả, khi hòa nhập vào biển cả chỉ có một dòng nước và chung một vị là vị mặn, con người dù màu da chủng tộc khác nhau nhưng cùng chung một dòng máu, dòng máu đó chung một màu đỏ. Trong mối tương giao đó, giáo pháp cũng cùng chung một vị là vị giải thoát, dù được trình bày dưới khía cạnh nào, phương pháp hay bộ phái nào, giáo pháp của đức Phật không ra ngoài mục đích là ly khổ đắc lạc, Niết bàn giải thoát.
Thật vậy, khi luận bàn tới vấn đề giải thoát trong đạo Phật, có nhiều người cho rằng, giải thoát là bỏ đi tất cả những vọng tưởng, những phiền não bấy lâu tồn đọng trong tâm. Cũng có người cho rằng giải thoát là cởi bỏ những trói buộc của danh lợi tiền tài, sắc đẹp của thế thường tìm nơi yên tĩnh để tu tâm dưỡng tánh; cũng có người cho rằng giải thoát là tự do, tự tại, là không ràng buộc bất cứ một khía cạnh nào, không nô lệ một người nào, kể cả không nô lệ ngay cả bản năng sinh tồn của mình. Nói tới giải thoát là nói tới một đề tài rất rộng, rất bao quát sâu xa. Thật ra, đề tài này đã được các nhà học giả hay hành giả Phật giáo bàn giải rất nhiều, nhưng vấn đề để có được giải thoát thực sự xảy ra đối với mỗi người đang tu tập hay không còn tùy thuộc vào câu trả lời của mỗi cá nhân có thực hành hay không mới là vấn đề quan trọng. Để thấu triệt vấn đề này một cách chính xác, không phải dễ dàng chút nào mà chúng ta cần phải trải qua một quá trình thể nghiệm tâm linh, nỗ lực chuyển hóa, tu tập và hạ thủ công phu trong từng giờ, từng phút. Có tu tập, có chuyển hóa, chúng ta mới thấy giá trị của những lời dạy của đức Phật một cách rõ ràng, còn không mà chỉ dựa trên những định nghĩa mang tính sách vở, mang tính lý thuyết để tìm hiểu không thôi thì không có lợi ích gì cho sự tu tập để đạt được sự giải thoát trong Phật giáo. Vì khi chúng ta kinh qua sách vở để tìm hiểu thì đó cũng chỉ là phần giải thích của người ta chứ đâu phải là của mình, chỉ là lý thuyết chứ đâu phải là thực tế. Cho nên nói tới vấn đề giải thoát, là mục đích của hành giả theo đạo Phật cần hướng tới là lẽ đương nhiên, nhưng trên căn để trước hết hành giả phải biết rõ ràng và chính xác trên mặt lý thuyết theo những lời dạy của đức Phật, sau đó đem ra thực hành những điều mà chúng ta đã hiểu biết về con đường giải thoát đó trong thực hành. Ở đây vấn đề tri và hành hợp nhất phải được coi trọng và được đặt lên hàng đầu trên bước đường thực hiện giải thoát.
Trong các kinh tạng Nikaya và Agama, đức Phật thường chỉ bày cho chúng ta thấy sự ra đời của Ngài không ngoài mục đích chính là chỉ bày cho chúng sanh thấy rõ thực tại hiện tiền về hiện trạng của khổ đau và con đường thoát ly khỏi những khổ đau ấy, con đường thoát ly những khổ đau ấy thì nhiều nhưng không ra ngoài ba tụ tịnh giới, định, tuệ, mà Phật giáo gọi là tam vô lậu học. Tam vô lậu học nghĩa là tu tập để tăng thượng giới học, tu tập để tăng thượng định học và tu tập để tăng thượng tuệ học. Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu một vài khía cạnh của nó trên một định nghĩa căn bản mà ba đời chư Phật đều y cứ, các vị tổ sau học theo, hay cụ thể nhất là câu chuyện về ngài Ô sào thiền sư và Bạch Cư Dị, một nhà thơ nổi tiếng đã từng có một huyền thoại về sự đối đáp giữa hai nhân vật lừng danh này.
Như chúng ta biết, vào thời đại nhà Đường có thiền sư Đạo Lâm, xuất gia tu học tại Vọng Sơn Hàn Châu. Tuổi ấu thơ và tráng niên, Ngài sống bình thản trong bóng mát của tàng cây cổ thụ ở sân chùa. Sư đã tự làm cái tổ trên cội cây cổ thụ để ngồi thiền, dân trong làng rất thích Sư và hàng ngày đem cơm nước đến dâng cúng và nhờ sư chỉ bày thêm giáo lý để tu học. Tương truyền, lúc mẹ Ngài sanh Ngài ra đời không biết vì lý do gì mẹ Ngài đã bỏ Ngài ở trên gốc cây cổ thụ trước sân chùa rồi bỏ đi. Từ đó Ngài nương bóng mát ở chùa xuất gia, rồi tu thiền ở trên tàng cây nên người đời thường gọi ngài là “Ô Sào thiền sư”. Chỗ Sư tọa thiền cũng là nơi thường có chim chóc kéo đến làm tổ rất nhiều, cho nên có lúc gọi Ngài là “Điểu Sào thiền sư”. Ngoài ra, lúc Ngài đang tu tập tại cây cổ thụ do nơi đó có nhiều cây tùng, các loài chim Thước kéo đến chung sống làm tổ và sống rất thuần thục, vì thế người đời còn đặt biệt danh của Ngài là “Hòa thượng Thước Sào”. Cùng thời điểm ấy, có một văn hào thi nhân nổi tiếng trên thi đàn Trung Quốc (772-846) tên là Bạch Cư Dị. Bạch Cư Dị còn là người học Phật, ít nhiều cũng biết chút ít vấn đề Phật pháp. Trong khi được triều đình phái đến Hàng Châu để nhậm chức Thái Thú; sau khi ông đến nơi, do tính hiếu kỳ muốn tận mắt thấy hành động và muốn tìm hiểu về vị Cao tăng kỳ dị này, nên ông đã đến chỗ ở của Thiền sư, ông liền nói: “Chỗ ở của Thiền sư thật là nguy hiểm!” Ô Sào Thiền sư liền nói: “Thái thú, cảnh ngộ của Ông còn nguy hiểm hơn tôi!” Nghe câu nói này ông ta giật mình. Thật vậy, đây là lời cảnh tỉnh của vị Thiền sư đối với quan Thái thú mới nhậm chức, trên quan trường bao sự tranh giành đoạt lợi, được mất, hơn thua, gian thần nịnh hót, cổ kề gươm không biết lúc nào rơi, cảnh ngộ bị giáng chức, đỗ hỏng, cách chức, bị hãm hại, làm ma thế mạng v.v... lúc nào cũng đoanh vây đầy dẫy những loại nguy hiểm xung quanh mình. Bạch Cư Dị vì bị giáng chức nên mới được điều từ kinh thành đến Hàng Châu. Còn Thiền sư tuy sống trên cây nhưng lúc nào cũng an nhàn tự tại, làm bạn với cỏ cây chim chóc, sống tự do tự tại không bị ràng buộc hay lệ thuộc vào một thứ gì, không lo lắng thế đời mà sống tùy duyên theo đạo, “đói đến thì ăn mệt ngủ liền”. Nghe xong, Thi nhân giật mình, tính kiêu mạn của ông ta hạ xuống và thầm nói:
“Ông này! Thật lợi hại!”. Sau khi nghe xong câu nói của Thiền sư, Bạch Cư Dị đã chuyển câu chuyện sang một phương diện khác, lúc này ông ta hỏi về Phật pháp.
Thái thú hỏi: “Thế nào là đại ý của Phật pháp?”
Thiền sư: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”. Nghĩa, các điều ác chớ làm, các việc thiện nên làm, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời dạy của chư Phật.
Thái thú nói: “Việc đó con nít ba tuổi cũng biết”.
Thiền sư: “Con nít ba tuổi biết, nhưng ông già 80 tuổi chưa chắc đã làm được”. Vấn đáp kết thúc, Bạch Cư Dị im lặng.
Qua đoạn đối đáp này, ta thấy sự chuyển hướng trong tâm thức của Bạch Cư Dị một cách đột ngột và rõ ràng, sau khi hỏi về vấn đề nguy hiểm, Bạch Cư Dị thấy lổ hổng của mình, thấy sự nguy hiểm về câu hỏi của mình đã bị thua nên chuyển hướng sang hỏi Phật giáo, vì Bạch Cư Dị muốn biết vị thiền sư này sự liễu ngộ đã đạt đến đâu. Thi nhân có ý trắc nghiệm vị thiền sư xem thế nào, trình độ hiểu biết ra sao?. Đây cũng là vấn đề thông thường mà giới Phật học vừa biết chút ít về giáo lý đạo Phật hiện tại thường đem hỏi quý Thầy, trắc nghiệm quý Thầy để xem các vị thầy có sở học và sở tu, sở chứng đến đâu, vô tình nhiều lúc làm cho tính tự kiêu, tự phụ của chúng ta càng ngày càng tăng trưởng mà không biết. Vì thế khi đọc đoạn văn đối đáp này, chúng ta thấy rất rõ sự nguy hiểm ở chỗ, học lý thuyết không phải là mục đích để đưa đến chỗ tột cùng rốt ráo như đức Phật đã từng giảng dạy là giải thoát. Nó chỉ là phương tiện giúp cho hành giả biết con đường đưa đến giác ngộ mà hành giả cần phải đạt đến để giải thoát. Chứ nó không phải là tự thân của giải thoát. Qua bài kệ này, hành giả muốn giải thoát khổ đau thật sự thì theo đức Phật phải trải qua ba giai đoạn: một tránh làm việc ác, hai thường làm các việc lành và ba muốn có sự giải thoát rốt ráo thì hành giả phải vượt lên trên cả hai việc lánh ác làm lành, là thanh tịnh tâm ý mình. Đó chính là con đường giải thoát thật sự của hành giả. Ở đây, đối với những người không học, không hiểu, không biết, vô minh mê mờ thì ta không nói; nhưng đối với những hành giả muốn bước lên trên con đường giác ngộ giải thoát thì trước hết phải học để biết (tri) đúng, chính xác, sau đó mới áp dụng cái biết vào trong thực hành. Nếu mình học mà hiểu sai, không hiểu đúng rồi đem thực hành thì mình sẽ rơi vào con đường tà kiến, rơi vào cực đoan, vô tình mình làm tăng thêm bản tính tự kiêu, ngã mạn của mình và chúng có cơ hội nổi dậy. Tính kiêu căng ngã mạn một khi sanh khởi lại là tiền tố chướng đạo, lúc ấy việc học đạo càng trở nên bế tắc, vì dưới con mắt của những người ấy không có ai hơn nữa nên chí đạo khó thành. Do đó, khi Bạch Cư Dị hỏi: “Đại ý của Phật giáo là thế nào?” Đây là một câu hỏi tuy thấy tầm thường nhưng mang một tâm ý thách thức đối chứng, nghĩa là nhà thơ cật vấn để xem Thiền sư tu học, liễu ngộ và thể nhập thế nào, không ngờ Thiền sư đã trả lời: “Chư ác mạc tác chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý thị chư Phật giáo”. Đến đây, Bạch Cư dị giật mình, đại ý Phật pháp dễ dàng thế ư? Câu nói này ai cũng có thể nói được hiểu được, đến cả con nít ba tuổi nếu chuyên tâm học thì chúng cũng có thể thuộc. Ý nhà thơ ngầm bảo nếu sớm biết như thế thì đâu cần thiết phải lặn lội từ xa đến để hỏi nó làm gì. Nhưng cũng nhờ câu phản vấn như vậy, giống như một nhát búa đánh mạnh vào tâm thức của Bạch Cư Dị, làm cho Bạch Cư Dị phản tỉnh trở lại. Câu nói muốn nhắc nhở và khuyên răn Bạch Cư Dị rằng tất cả mọi kiến thức về cuộc sống mà ông ta có được đều không có bất cứ một giá trị nào nếu chỉ biết trên mặt kiến thức lý thuyết suông mà bỏ qua thực hành; hãy bỏ cái tâm cống cao ngã mạn ấy đi, chúng chỉ là vọng tưởng, đem lại cho mình phiền toái mà thôi, đừng có chạy theo ngoại duyên mà hãy bỏ ngoại duyên xuống, hãy bỏ cái tính lý thuyết xuống thì may ra Ông mới hiểu được lẽ đạo. Một câu nói tuy đơn sơ, con nít ba tuổi có thể học thuộc nhưng không dễ dàng gì ông già 80 tuổi có thể làm được. Thực vậy, một bài kệ tuy tóm gọn trong bốn câu, nhưng chứa đựng toàn bộ triết lý của Phật giáo. Nói về làm lành lánh dữ không ai không biết, thậm chí người làm việc xấu cũng biết nữa là khác, nhưng rồi họ vẫn cứ dính vào và tiếp tục làm huống chi người sống tốt không biết việc ác hay sao. Để tránh một việc ác không phải ai cũng có thể thực hành được, việc thiện cần làm chưa chắc ta hiểu một cách rốt ráo và làm theo. Nhưng vấn đề then chốt của Phật giáo không nằm ở ngay thiện và ác mà nằm ngay việc một hành giả phải giữ tâm ý trong hàng giờ, hàng phút cho trong sạch, an tịnh đó mới là thâm ý Phật giáo. Nghĩa là phải giữ trạng thái không nghĩ thiện không nghĩ ác đó chính là nền tảng căn bản như Tổ sư Huệ Năng đã từng dạy cho Huệ Minh thiền sư. Chính vì yếu tố này, chúng ta mới thấy rõ, Thiền hay bất cứ một đạo lý nào khác cũng đều dạy con người bỏ ác làm lành, sống cuộc sống thánh thiện, sống không có đem lại đau khổ cho mình và người. Chỉ một việc làm với ý nghĩ đơn sơ như thế nhưng suốt cả cuộc đời chưa chắc một hành giả hay bất cứ một người nào có thể thực thi một cách hoàn thiện.
Qua đó, chúng ta có thể hiểu một cách tóm gọn, đại ý về giáo lý của đạo Phật được đúc kết bằng bốn câu kệ “các điều ác chớ làm, các điều thiện nên làm, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời dạy chư Phật”. Qua bốn câu kệ này, càng soi sáng rõ hơn cho chúng ta thấy, đạo Phật chủ yếu chú trọng vào việc chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện và thanh lọc thân tâm trở nên thanh tịnh. Việc chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện, đạo nào cũng dạy, nhưng mức độ chỉ dạy có nhiều phương diện khác nhau.
Thanh Tâm (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 18, tr.66, 2005]
Thế nào là đại ý của Phật pháp? - Phần 1
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode