Vị Bồ-tát bảo vệ trẻ em trong truyền thống Phật giáo Nhật Bản

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Bồ-tát Địa Tạng - Vị Bồ-tát bảo vệ trẻ em trong truyền thống Phật giáo Nhật Bản.(*)

(Vị Bồ-tát Bảo vệ trẻ em trong Truyền Thống Phật Giáo Nhật Bản - tiếp theo và hết)

3. Bồ-tát Ðịa Tạng:

Vì hạnh phúc của trẻ thơ!

Tháng Bảy là tháng của Bồ-tát Ðịa Tạng. Truyền thống Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam đã chọn ngày Rằm tháng Bảy là ngày lễ Vu Lan và theo niềm tin tưởng của Phật tử Á Ðông, đây cũng là ngày “Xá Tội Vong Nhân” tức là ngày các vua Diêm vương mở cửa ngục cho các hồn ma được thong thả rong chơi, hoặc những hồn ma đói khát có cơ hội được đi kiếm ăn sau một năm trời bị dày vò thiêu đốt bởi đói khát trong địa ngục. Trong khi đó, Phật giáo Nhật Bản chọn ngày 24 tháng Bảy Âm lịch là ngày vía của Bồ-tát Ðịa Tạng và cũng là ngày lễ hội truyền thống của trẻ thơ. Ðây là ngày hội dành cho trẻ em dưới mười ba tuổi cùng với những người lớn cùng tham dự để bày tỏ lòng biết ơn đến Bồ-tát Ðịa Tạng, cũng như nhắc nhở đến sứ mệnh thiêng liêng của Ngài là bảo vệ trẻ thơ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đời người.

Theo thông lệ, sáng ngày 24, một cái rạp được dựng lên trước đền thờ hay bức tượng của Bồ-tát Ðịa Tạng. Nếu là một nơi dân cư đông đúc, ngôi nhà gần nhất cạnh đó sẽ được tăng cường thêm để có đủ chỗ cho lễ hội. Trong những ngày này, bàn thờ và tôn tượng của Bồ-tát được lau chùi sạch sẽ, sau đó người ta quấn những lá cờ hai màu đỏ trắng chung quanh tôn tượng của Ngài. Trước mỗi nhà, người ta treo những lồng đèn màu đỏ trên đó ghi giòng họ của mỗi gia đình. Những lồng đèn này sẽ được thắp sáng vào buổi tối tạo nên một màu hồng lung linh huyền ảo trong suốt các ngả đường trong đêm lễ hội.

Từ sáng sớm tinh mơ, dân chúng địa phương mang hoa quả, trà bánh, và nhang đèn đến để cúng lễ Bồ-tát Ðịa Tạng. Sau đó trẻ con tụ hội và vui chơi ăn uống suốt ngày. Tối đến, người ta tham dự những cuộc đốt pháo và ăn dưa hấu. Cha mẹ và trẻ con trong những bộ y phục kimono sặc sỡ cổ truyền cùng tham dự vui chơi và đây cũng là dịp giao tế làm nẩy nở tình thân giữa bà con xóm giềng ở trong vùng. Lễ hội “Jizo (Ðịa Tạng) bon” này cũng là dịp mà con trẻ tận hưởng những ngày hè tươi đẹp cuối cùng vì sau đó chúng bắt đầu trở lại trường học.

Tuy là một ngày hội dành cho thiếu nhi vui chơi nhưng Phật tử Nhật Bản đã biến dịp này thành một ngày lễ hội thấm đượm ý nghĩa tích cực của tôn giáo. Ðây là một tập tục rất hay mà người Phật tử Việt Nam không thể không học tập. Ta đã có sẵn ngày Tết Nhi Ðồng-vào dịp lễ Trung Thu-nhưng từ trước đến nay, ngày này chỉ là ngày để cho trẻ con vui chơi thuần túy. Nhưng đâu có phải bất cứ trẻ thơ nào trên cõi đời này cũng có những diễm phúc được vui chơi như thế? Trong xã hội chúng ta, và trên thế giới này vẫn còn rất nhiều những trẻ thơ thiếu ăn thiếu mặc, sống lăn lóc ở đầu đường xó chợ, suốt đời không hề được diễm phúc cắp sách đến trường. Có không biết bao nhiêu những trẻ thơ bị hành hạ, sách nhiễu (child abuse) đến thương tật hay mất mạng. Có những bé gái bất hạnh bị cha mẹ bán tiết trinh hay xô đẩy vào chốn lầu xanh để kiếm chút tiền nhỏ sống qua ngày. Và còn biết bao nhiêu thân phận của trẻ thơ bị vùi dập trong những cuộc chiến tang thương. Thế nên, ngày Tết Trung Thu đối với người Phật tử Việt Nam, đặc biệt đối với những tổ chức thanh thiếu niên Phật tử, cũng chính là ngày giáo dục cho trẻ thơ tinh thần Ðịa Tạng, nghĩa là dạy cho trẻ con tinh thần vị tha, biết yêu thương, đùm bọc và chia sẻ, nhờ vậy khi lớn lên, hiểu được ý nghĩa của yêu thương, chúng sẽ không thể nào trở thành những người gieo rắc tai ương cho xã hội.

Chăm lo cho hạnh phúc của trẻ thơ chưa đủ, người Phật tử mang tinh thần Ðịa Tạng, mang sứ mệnh Ðịa Tạng còn phải biết cách chăm lo cho những linh hồn, những trẻ thơ bất hạnh đã lìa đời ngay lúc còn thơ ấu, hoặc vì lý do nào đó đã chết khi đang còn là một bào thai ở trong bụng mẹ. Một trong những cách chăm lo tích cực nhất là ngăn ngừa tình trạng phá thai vì phá thai cũng là một tệ nạn xã hội. Ðể ngăn ngừa tình trạng nhân mãn, trên thế giới-đặc biệt là tại Trung Quốc và Việt Nam-hàng năm đã có đến hàng triệu sinh mạng đã bị bóp chết ngay từ khi còn là một cái bào thai. Thế nhưng, đạo đức Phật giáo quan niệm như thế nào về vấn đề này?

Trong dịp viếng thăm Âu Châu hồi gần đây của đức Ðạt-lai-lạt-ma, khi tiếp xúc với những nhà trí thức phương Tây, một số nhà khoa học Pháp đã nêu lên câu hỏi: “Thưa Ðức Ðạt-lai-lạt-ma, Ngài tin rằng vào thời điểm nào trong quá trình thụ thai của sinh vật bắt đầu hàm chứa những hạt mầm tinh thần hay dấu hiệu thiêng liêng của sự sống?”

Ðức Ðạt-lai-lạt-ma đã trả lời rằng:

“Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người và dĩ nhiên đây không phải là một việc làm chánh đáng.” (8)

Quan niệm này đã được Ngài khẳng định lại một lần nữa khi người ta nêu lên câu hỏi về vấn đề kiểm soát dân số:

Thưa Ngài, quan niệm của Ngài như thế nào về việc kiểm soát sinh sản và Ngài có ý kiến gì về việc phá thai?

Ngài đã trả lời như sau: “Ðể trả lời cho câu hỏi này, tôi thường giải thích theo quan điểm của người Phật tử vốn quan niệm rằng, đời sống của tất cả mọi loài chúng sanh, kể cả côn trùng sâu bọ và đặc biệt là con người, đều rất quý giá. Nếu nhìn vấn đề như thế thì tất cả mọi hình thức kiểm soát sinh sản đều cần phải được ngăn cấm. Tuy nhiên, những sinh mạng quý giá đó nay đã đạt đến một số lượng đáng kể, thế nên chúng ta không thể không khẩn thiết kêu gọi mọi người phải quan tâm đến vấn đề hạn chế sinh sản một cách nghiêm túc, vì đó là phương cách duy nhất để hạn chế tình trạng gia tăng dân số. Như tôi đã từng đề cập, khi mà tài nguyên của trái đất đang khô kiệt dần, tôi chấp nhận chuyện hạn chế sinh sản một cách bất bạo động. Còn phá thai là một chuyện khác, đó là một hành động sát nhân. Truyền thống Giới Luật Phật giáo chỉ rõ rằng ta không được giết hại con người, cho dù đó là một bào thai.” (9)

Trong tinh thần đó, cái chết của một bào thai vẫn được xem như là cái chết của một con người và cần có những nghi lễ xứng đáng. Ðối với những người đã chết, Phật giáo chúng ta có nghi thức cầu siêu, nhưng nghi thức cầu siêu chưa nói lên hết ý nghĩa đặc biệt của những người chết trẻ, là đối tượng đặc biệt quan tâm của Bồ-tát Ðịa Tạng theo truyền thống Phật giáo Nhật Bản. Ðể tưởng niệm những trẻ thơ chết khi còn ở trong bụng mẹ (sẩy thai, phá thai,...) hoặc chỉ trải qua một vài năm ngắn ngủi của đời người, Phật giáo Nhật Bản có nghi lễ tôn thờ Ðịa Tạng Mizuko (Ấu Thủy) - mà hình tượng là một nhà sư bồng một đứa trẻ ở trên tay và một hoặc hai đứa trẻ đang quấn quít dưới chân Ngài - vốn rất phổ thông trong đại chúng. Theo niềm tin tưởng từ lâu đời, người Nhật cho rằng mọi sinh vật đều được sinh ra từ lòng biển cả, kể cả đảo quốc và cư dân của đất Phù Tang, Ấu Thủy (Mizuko) vì thế được dùng để diễn tả phôi bào của những sinh vật đang trôi nổi bình bồng trong một thế giới đầy nước, chờ đợi được sinh ra đời. Trước thế kỷ thứ 20, tỉ lệ tử của trẻ con ở Nhật Bản ở một mức độ rất cao, có không đến 50% trẻ em sống sót đến 5 - 7 tuổi. Tuy nhiên đây không phải là lý do chính để người Nhật tạo ra biểu tượng Ðịa Tạng Mizuko mà truyền thống nghi lễ này chỉ mới hình thành trong khoảng thập niên 1960, khi dân Nhật trãi qua một thời kỳ khó khăn về kinh tế, hậu quả của Ðệ Nhị Thế Chiến. Trong điều kiện này, chính phủ Nhật Bản khuyến khích mỗi gia đình lý tưởng chỉ nên có hai con và phá thai vì thế là một trong những biện pháp được sử dụng hợp pháp để đạt đến chỉ tiêu này.

Nghi lễ tưởng niệm trẻ thơ phối hợp với tín ngưỡng tôn thờ Bồ-tát Ðịa Tạng của truyền thống Phật giáo Nhật Bản đã được Ni sư Jan Chozen Bays Roshi (10) du nhập vào Hoa Kỳ, canh cải theo một mô thức thích hợp với con người, thời đại và quốc độ rất đáng được cho chúng ta lưu ý. Là một Bác sĩ Nhi Khoa, thọ Tỳ-kheo giới năm 1979 theo một dòng Thiền Nhật Bản, Ni sư Chozen là một nữ Tăng sĩ tiên phong người Hoa Kỳ mang tinh thần Ðịa Tạng thể nhập vào cuộc sống đời thường, áp dụng vào lãnh vực bảo vệ và chăm sóc các trẻ em bị sách nhiễu (child abuse) tại Portland, bang Oregon (HK) trong suốt hai mươi lăm năm qua, đồng thời với tư cách là một Tu viện trưởng một Trung tâm Thiền học, Bà đã tổ chức những buổi lễ tưởng niệm cho thân nhân những người mất mát con em của họ theo một nghi thức mà những người ngoài Phật giáo cũng có thể tham dự được, theo một kiểu mẫu và trình tự như sau:

Ðịa điểm

Ðịa điểm hành lễ là những khuôn viên có thờ tôn tượng của Bồ-tát Ðịa Tạng, nơi mà hình tượng của Ngài cũng như các vật tưởng niệm được bảo quản không bị hư hại bởi bất cứ thời tiết nào và là nơi mà sau này thân nhân có thể dễ dàng đến thăm viếng và tỉnh tọa để tưởng nhớ đến con em mình.

Những người tham dự

Nghi lễ chỉ dành cho thân quyến và những Phật tử tham dự buổi lễ. Không chấp nhận phóng viên ngoại trừ họ là Phật tử và tham dự buổi lễ từ đầu chí cuối. Tính cách tế nhị, riêng tư của người tham dự được tuyệt đối tôn trọng và do đó không cho phép chụp hình.

Chủ trì buổi lễ

Vì đây là lễ tang hay là lễ tưởng niệm theo truyền thống Phật giáo, ít nhất phải có một Tăng sĩ Phật giáo tốt nhất là có hai vị chủ trì buổi lễ. Vị Tăng sĩ chủ trì này nên là người có kinh nghiệm và được huấn luyện để có thể thích nghi với những buổi lễ đông đảo tang quyến của nhiều gia đình khác nhau cùng tham dự.

Chuẩn bị cho buổi lễ

Nên có một phòng riêng để cho tang quyến chuẩn bị những gì cần thiết trước cho buổi lễ, nơi mà thân nhân có thể an ủi lẫn nhau cũng như hoàn tất những phẩm vật tưởng niệm. Ðây cũng là nơi mà người tham dự có thể nghỉ ngơi, dùng trà, cà phê... sau buổi lễ.

Giới thiệu nghi lễ

Người trách nhiệm tổ chức cũng nên thông báo một vài chi tiết ngắn gọn về những gì sẽ xảy ra trong buổi lễ, kể cả những yêu cầu chung mà những người tham dự nên chấp hành. Tốt hơn hết là chương trình về buổi lễ nên được in sẵn và phát ra cho tất cả những người tham dự. Sự tích của Bồ-tát Ðịa Tạng và ý nghĩa của buổi lễ cũng nên được giới thiệu trong chương trình nghi lễ này.

NGHI THỨC TIẾN HÀNH TƯỞNG NIỆM

Vị Chủ Lễ:

Luật nhân quả không ngừng diễn tiến
Thực tại xuất hiện dưới mọi dạng thể hình
Nếu như bất cứ ai hiểu rõ định luật này
Sẽ tự giải phóng mình ra khỏi mọi khổ đau.
Tất cả chúng sanh xuất hiện trên thế gian này, vốn từ Nhất Thể
Rồi sẽ đi qua cõi đời này trong một vài giây phút hay tháng năm ngắn ngủi
Ðể trở về lại Bản Thể Uyên Nguyên từ lúc chưa sinh
Cuộc đời chúng ta chỉ là những đợt sóng cồn
Trong đại dương của Bản Thể Chân Như
Vốn không sanh và không diệt
Hôm nay chúng ta tụ hội cùng nhau ở đây để tưởng niệm đến những con em của chúng ta vừa mới qua đời cũng như để bày tỏ và chia xẻ niềm yêu thương và hỗ trợ đến cha mẹ, thân quyến và bằng hữu của tất cả tang quyến.

Tất Cả Cùng Ðọc:

- Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh (1 lần);
- Kinh Từ Bi (1 lần);
- Chú Ðịa Tạng: OM. HA-HA-HA-VIS-MA-YE. SVA-HA (9 lần)

Vị Chủ Lễ:

Bản Thể Chân Như bàng bạc khắp tận cùng Vũ trụ
Ðang hiện hữu cùng chúng ta tại đây, ngay tại phút giây này.

Bằng cách tụng đọc Tâm Kinh, Từ Bi Kinh và Ðịa Tạng Thần Chú, chúng ta dâng lời nguyện cầu đến:

(Tên và pháp danh những trẻ em vừa qua đời)

Cùng tất cả pháp giới chúng sanh trong lục đạo luân hồi,
Cầu cho ánh sáng của đạo mầu xuyên qua bóng tối của vô minh.
Cầu cho mọi nghiệp lực bị xóa tan để đóa tâm hoa bừng nở trong mùa Xuân vĩnh cửu.
Cầu cho tất cả chúng ta cùng nhau tu tập, đạo quả viên thành.

Tất cả cùng đọc:

Nam mô Thập phương thường trú Tam bảo.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Đại nguyện Địa Tạng vương Bồ-tát ma ha tát.
Nam mô Thanh tịnh Đại hải Chúng Bồ-tát ma ha tát.

Chấm dứt buổi lễ.

OM. Ha-Ha-Ha-Vis-Ma-Ye. Sva-Ha.

Tâm Hà. (Hết)

Chú thích;
(8) Beyond Dogma, HH the Dalai Lama. Rupa & Co., 1996. P. 11.
(9) Beyond Dogma, HH the Dalai Lama .Rupa & Co., 1996. P. 43.
(10) Ni sư Jan Chozen Bays Roshi tốt nghiệp Ðại học Y Khoa San Diego, CA, 1972, hiện là Tu viện trưởng Larch Mountain Zen Center, Portland, Oregon.

[Tập san Pháp Luân - số 10]