Thân Trung Ấm - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

I. Dẫn nhập

Một đời người có thể là một trăm năm, hoặc có thể là ngắn hơn. Khi còn sống ta biết chắc chắn một ngày nào đó ta phải chết. Phải chăng một kiếp người gói gọn hai chữ Sống và Chết?
“Thông minh tài trí anh hùng,
Ngu si dại dột cũng chung một gò”.

Chúng ta biết rõ điều đó nhưng chúng ta vẫn dành phần lớn thời gian, tâm trí, tài năng để tranh đua hơn thua, phải trái...  Trong kiếp sống mong manh ngắn ngủi của một đời người, có mấy ai chịu dừng lại một phút trầm tư suy nghĩ về quá khứ và tương lai, đặt cho mình một câu hỏi:

Chúng ta từ đâu đến và chết sẽ đi về đâu? Thật ra đạo Phật không chỉ chú trọng trong khi sắp chết, nhưng vì muốn khi sắp chết cũng như khi sống, đều được an vui. Đã là vật hữu tình tất nhiên đều có sanh và diệt, có thành có bại; đó là một định luật bất di bất dịch của cuộc đời, là công lệ của muôn pháp. Sự hiện hữu muôn vật từ ngàn xưa mãi đến ngàn sau tựa như bóng trăng trong nước, hoa trong kính, vừa không trường tồn, không thật, chỉ trong chớp nhoáng mong manh như mây khói bay ngang trước mặt, như giấc mộng, như bọt bèo trôi. Tất cả biến động không ngừng trong từng sát-na sanh sanh diệt diệt.

Chết là một định luật tất yếu của hết thảy những gì có sự sống. Chết không phải là nơi yên nghỉ cuối cùng mà là kết thúc kiếp sống trước và chuẩn bị một cuộc sống mới.

Sự băn khoăn trăn trở đã bao lần thúc giục tôi mạnh dạn cầm bút, xin viết, xin nói đến người đọc một trạng thái lạ lùng của con người trong khi sắp chết, hay đã chết. Đó là những gì tôi góp nhặt được trong các kinh luận của đạo Phật, và đôi khi tận mắt trông thấy những người thân bạn hữu trong giờ phút ra đi bên lời Kinh tiếng kệ của các vị Thầy. Bởi lẽ ấy, tôi xin kính giới thiệu những mục nhỏ trong bài viết này, rất mong sự đón nhận của người đọc, người chết cũng như người sống hưởng được nhiều phần lợi ích.

II. Hơi thở đã tắt nhưng thần thức chưa rời khỏi xác

Có người bảo rằng chết giống như ngọn đèn tắt thế là hết, nhưng sự thật không hẳn như vậy, một cái bóng đã cháy đã hư nếu ta thay lại bóng mới, bóng tốt thì đèn lại tiếp tục sáng, người chết tượng trưng cho đèn tắt, bóng hư, ta thay bóng mới. Trong tượng trưng ấy biểu thị cho sự giải thoát, đọa lạc hay luân hồi, đèn hư bóng cháy không có nghĩa là nguồn điện đã mất mà nó còn tiềm ẩn ở bên trong.

Đối với một con người sau khi hơi thở đã tắt, thần thức vẫn chưa rời khỏi xác, mọi sự cảm thụ còn giống như chúng ta, chỉ khác ở chỗ chúng ta biết đau, biết nhận biết, biết phản kháng. Còn thần thức thì ngược lại... bây giờ chỉ còn thức A-lại-da có tên gọi thức thứ tám, là thức cuối cùng lìa khỏi thân xác kết thúc một kiếp sống, một sinh mạng. Nhưng thức ấy lại là thức đầu tiên đi vào bụng mẹ để hình thành một sinh linh mới, một cuộc sống mới. Vì thế nên nói A-lại-da là chủ nhân của sinh mạng trong dòng sinh tử luân hồi. Để dễ hiểu người viết xin mượn câu:
“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai.”

Trong ái dục lửa tình khi đôi nam nữ yêu nhau đến cực độ, thể xác lẫn tâm hồn lúc này họ đã hòa chung là một không còn ranh giới giữa nam và nữ, giữa mình với ta, giữa ta với mình, dục vọng yêu thương đôi bên chan hòa hợp lại thành một khối keo sơn, nghiệp đó cất chứa do A-lại-da thức đợi đến giai đọan đó, nó chớm nở trưởng thành, tạo nghiệp kết tạo một đời sống sinh linh mới. Và cứ thế tiếp tục diễn mãi trên con đường sinh tử luân hồi.

Do vậy, con người tắt hơi, mạch ngưng, tim ngừng đập, nhưng phần tâm linh vẫn chưa thực sự rời khỏi xác, nó vẫn còn trong trạng thái tri giác đầy đủ. Sự cảm thụ của tâm thức ấy giống như con rùa bị người ta lột khỏi mai, tách khỏi vỏ, họ đau đớn, nhưng không nói được, thần thức cảm thấy bơ vơ chới với đau thương, mọi cử chỉ hành động của người thân còn sống nó đều biết được, nhưng không thể nói giải thích với người thân bằng lời nói, hành động, hình dạng như đang còn sống nữa, để rồi họ cảm thấy buồn tủi cô đơn.

Trong thời gian đó thần thức chưa thoát ly ra khỏi xác, người thân chúng ta chú ý nên chăm sóc tắm rửa nhẹ nhàng, đặc biệt chúng ta không nên kêu gào khóc lóc, tại vì lúc này thần thức chưa biết mình chết thật sự. Họ thấy chúng ta khóc, họ không hiểu không biết vì sao chúng ta lại kêu khóc, như vậy càng đè nặng lên tâm linh của kẻ mất.

Ở giai đoạn này, tâm linh người chết cảm nhận sự trống vắng bơ vơ vì lúc đó họ đã tách rời cuộc sống cũ. Ta mất đi người thân ta cảm nhận đau thương, thần thức xa lìa khỏi xác họ cũng cảm nhận buồn tẻ, sợ sệt chới với với thế giới khác, thế giới không có người thân, hiểu được điều này ta phải cảm thông với người xấu số. Chúng ta luân phiên nhau niệm Phật hòa chung lời kinh tiếng kệ để trợ dẫn thần thức đi trong thanh thoát, nhẹ nhàng.

III. Giai đoạn thần thức lìa khỏi xác

Sau khi tắt hơi thở, thần thức rời khỏi thân, nếu chưa được giải thoát thì phải trải qua một trạng thái tối tăm mờ mịt từ ba ngày trở lên. Vì nó còn phụ thuộc vào phước đức của người đó khi còn sống, sau đó mới bắt đầu vào cảnh trung ấm. Để dễ hiểu chúng ta phân chia thành ba loại.

A- Đối với những người khi còn sống tu thập thiện.

1/Không sát sanh: Từ bi không sát hại
2/Không trộm cắp: Ngay thẳng, không lấy của người.
3/Không tà dâm: Trong sạch không quan hệ bất chính.
4/Không nói dối: Chân thật không dối gạt.
5/Không thêu dệt: Trung thực không xảo ngôn
6/Không đâm thọc: hòa hợp không nói lời ly gián
7/Không nói thô ác: Hòa nhã không cay nghiệt không thô tục.
8/Không xan tham: Rộng rãi bố thí.
9/Không sân hận: Từ hòa nhẫn nại
10/Không si mê: Sáng suốt tỉnh giác.

Đồng thời qui y Tam bảo, giữ năm giới sống trọn nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Khi hơi thở đã tắt, người ấy chết, lập tức thần thức sẽ thọ sanh về cõi trời, cõi người không phải chờ đợi.

B- Những người chuyên tu thiền định hoăc niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn, khi thần thức lìa khỏi xác, họ lập tức được sanh về cõi trời.

C- Đối với những người gian ác nham hiểm, khi vừa tắt thở thần thức sẽ bị đọa vào ba đường ác (địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh).

Lại nữa, thông thường người chết khi thân xác lạnh dần, nhưng trong người còn lại một chỗ nóng cuối cùng sau đó mới lạnh luôn, ấy là chỗ ra đi của thần thức, để chuẩn bị giả biệt xác thân này.

Theo kinh nghiệm của các bậc cổ đức chỉ dạy, người chết thân xác lạnh, hẳn duy chỉ ở hai mắt hoặc trên trán còn một điểm nóng chúng ta đoán được người chết sẽ thoát vòng luân hồi sinh tử và thọ sinh về cõi thánh. Nếu ở trên đầu còn lại điểm nóng sẽ được sanh về cõi trời (đảnh sanh thiên). Nếu ở ngực còn lại điểm nóng sẽ được sanh vào loài người (nhân tâm) nếu ở bụng còn lại điểm nóng đọa vào cảnh giới ngạ quỉ. Nếu toàn thân lạnh ngắt nhưng đầu gối còn điểm nóng sẽ sanh vào cõi bàn sanh. Và cuối cùng nếu toàn thân lạnh hết mà lòng bàn chân nóng, chúng ta đoán biết họ sẽ bị xuống địa ngục (địa ngục tại tâm túc). Đó là kinh nghiệm đúc kết chính xác của các bậc tiền bối, nhưng đôi khi trên thực tế ta đối diện với xác chết, nhận thấy đa số là nóng ở điểm ngực, còn nơi khác thì ít diễn ra. Chúng ta chỉ cần nhìn những gì mình làm, mình sống trong hiện tại cũng tự mình đoán biết được thân thế kiếp sau mình đầu thai vào nơi nào (dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị).

IV. Thần thức đi về đâu sau khi lìa khỏi xác

Đức Phật đã từng nói: “Chúng sanh sở dĩ trôi lăn trong ba cõi sáu đường tùy theo nghiệp lành, nghiệp dữ mà chiêu cảm”. Sau khi chết, thần thức (trung ấm thân) của họ đi đầu thai là tùy thuộc vào nghiệp nhân đã tạo trong lúc sống, tức là họ phải lên xuống trong sáu đường. Cứ thế, sống chết, chết sống, lên xuống, xuống lên, thay hình đổi dạng, chìm nổi trôi lăn trượt dài trong vòng của bánh xe sinh tử. Duy chỉ những ai tu nhân tích đức, hướng thiện, làm thiện, niệm Phật thì sau khi họ chết, lập tức thần thức của người ấy mới được sanh về Tây phương Cực Lạc. Họ không còn sự chi phối định nghiệp thọ thân báo về sau trong tam giới luân hồi lục đạo.

Trung ấm thân đi đầu thai, chuyển sang một kiếp sống mới là do thiện nghiệp và ác nghiệp họ phải chiêu cảm lấy. Song, cận tử nghiệp (nghiệp gây ra trong tích tắc phút giây lìa đời) nó cũng rất quan trọng quyết định cho việc thọ báo thân về sau. Đó là một điều tối ưu mà chúng ta không thể bỏ qua được. Một số người khi còn sống không biết tạo điều thiện, trau dồi phước đức, không tụng kinh, ăn chay, niệm Phật. Lúc trẻ, họ dồn hết sức mạnh vào việc tranh đua, làm mất nhân tính, cướp bóc chém giết, tranh giành phần thắng, phần lợi cho mình. Đến khi sắp chết, chỉ trong tích tắc, cận tử nghiệp đến, họ thức tỉnh cảm thấy ăn năn hối cải, hồi quy hướng thiện với một tâm tha thiết sám hối tội lỗi của mình làm, quay đầu hướng thiện nghĩ đến Phật và Bồ-tát. Lập tức cận tử nghiệp trong phút giây ấy được hóa giải, họ có thể được giải thoát không bị rơi vào con đường ác đạo. Vì vậy, một niệm sau cùng khi ta nhắm mắt lìa đời là nguồn động lực trong vấn đề siêu thăng hay đọa lạc. Nếu một niệm nhớ nghĩ là thiện sẽ sanh về thiện đạo, nếu một niệm ấy là ác sẽ thác sanh vào ác đạo, nếu niệm ấy nhớ nghĩ là Phật sẽ được vãng sanh Tịnh độ. Cận tử nghiệp nó có đặc thù diệu dụng, có tính cách quyết định cho cả một kiếp sống con người trong tương lai lâu dài.

V. Người thân làm gì đã cứu độ thân trung ấm

Sự đọa lạc luân hồi hay giải thoát của vong linh là do chính đương sự gây tạo trong lúc sống, nhưng gia quyến cũng có một phần trách nhiệm trong vấn đề này. Trải qua trong vòng 49 ngày là điểm mốc quan trọng để thân trung ấm đi đầu thai tùy theo nghiệp lực tạo lúc còn sống. Dù lúc sống chưa bao giờ tạo thiện duyên, học Phật, tin Phật, ăn chay, niệm Phật, bố thí, tạo phước, nhưng khi họ mất, trong khoảng 49 ngày thân trung ấm tồn tại trong tình trạng lênh đênh mịt mờ và cô khổ họ từng giây, từng phút mong mỏi sự cứu độ của người thân. Bởi vậy, sự siêu thăng hay đọa lạc của vong linh còn tùy thuộc ở người thân, ở những người còn sống. Chúng ta nên phát tâm dũng mạnh để cứu độ vong linh ra khỏi bờ vực thẳm. Như ấn tống kinh điển, bố thí, phóng sanh, cúng thất trai tuần, thành tâm cầu nguyện hồi hướng cho vong linh quay về ý thiện. Trong vòng 49 ngày người thân chúng ta nên ăn chay, dùng thức ăn chay để cúng và cấm tuyệt đối không được sát sanh. Được vậy không những người mất được lợi ích, mà người sống được phước vì họ không tạo nghiệp sát. Như trong kinh Địa Tạng có ghi: “Làm những việc sát hại, cho đến bái tế quỷ thần, đã không có một mảy may phước đức, có thể lợi cho kẻ chết, mà còn kết thêm tội lỗi càng sâu nặng. Dù cho kẻ chết về đời sau của họ, hoặc trong đời nầy có thể chứng được thánh quả hoặc sinh lên cõi trời, nhưng khi lâm chung bị bà con làm ác nhân ấy (tức là nhân sát hại) cũng làm cho họ phải liên lụy nhiều bề, chậm sanh về chỗ lành. Huống chi kẻ chết đó khi sống còn chưa từng làm một chút thiện, một việc lành, chỉ nương theo gốc nghiệp mà tạo tác, lẽ ra phải chịu ác thú, nỡ nào bà con lại gây thêm nghiệp cho họ”.

Do vậy những công đức làm việc phước, tạo phước của người thân, dù người chết có đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng được nhiều phần lợi ích, nghiệp nặng trở thành nghiệp nhẹ và được công đức phước lợi thù thắng.

Khi người chết để lại một di sản, muốn cứu độ tạo phước cho người mất, người còn sống nên phát tâm bố thí cho người nghèo bằng vật chất, in ấn kinh sách, tranh tượng, hoặc làm việc gì giúp ích cho xã hội. Nhưng chúng ta nên lưu ý một điều làm những việc đó, cần phải đối trước vong linh mà khai thị cho họ biết, để tránh sự nhầm lẫn sinh lòng giận hờn luyến tiếc tài sản của mình. Nhân đó vong linh liền khởi lên tà niệm sân hận, bực tức liền bị đọa, nghiệp lực dắt họ đi vào ác đạo. Tốt nhất ta nên phân chia tài sản qua 49 ngày, đợi Thân Trung Ấm đi đầu thai, còn ở giai đoạn 49 ngày Thân Trung Ấm vẫn còn tham đắm tài sản của mình, ai đụng vào họ liền khởi tâm sân hận, tức khắc sẽ bị đọa. Trong kinh có nói: “Trong khi lấy di sản của kẻ chết mà làm việc phước đức để cứu độ cho họ, trước hết phải xét rõ người ấy lúc còn sống, bỏn sẻn hay không, nếu lúc còn sống tính họ hay bỏn sẻn, thì khi thấy được bà con đem di sản của mình mà làm Phật sự hay bố thí. Tất họ thấy vật dụng của họ bây giờ thành sở hữu của kẻ khác, liền sanh lòng giận hờn tiếc nuối. Nhân đó mà khởi lên tà niệm, liền bị nghiệp lực dắt vào ác đạo. Cho nên thiện tri thức là gia quyến của họ phải biết khai thị: “Nay ta vì người mà đem di sản của người làm Phật sự, hay làm việc phước đức, làm như thế, tức là đem của cải hữu lậu làm việc vô lậu, nhờ ở công đức này sẽ được siêu sinh Tịnh Độ. Ngươi phải chăm lòng thành kính niệm Phật A-di-đà, cầu Ngài đến cứu độ. Đối với di sản cần phải rời bỏ chớ nên bận lòng, phải hoàn toàn không luyến tiếc tham đắm nữa. Vì những tài sản của thế gian người cũng không thể thọ dụng được nữa, đối với ngươi nó đã thành vô dụng”.

Hồng Hà (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 61, tr46, 2009]