Trang 1 / 2“Thông minh tài trí anh hùng,
Ngu si dại dột cũng chung một gò”.
Thân trung ấm đi đầu thai theo nghiệp lực
Sự chi phối của biệt nghiệp mà mỗi thân trung ấm cảm thọ khác nhau, trước khi nó thọ báo, lúc bấy giờ thần thức đã rời thân nhưng nó còn mê muội trong cảnh mờ mờ mịt mịt, không phân biệt được mình còn sống hay đã chết, chưa biết mình sẽ đi về đâu, nó vẫn thấy, vẫn biết người sống đang làm gì, mỗi mỗi hiện ra trước mắt, nhưng nó chỉ biết không trả lời bằng âm thanh tiếng nói để người thân, người còn sống nghe được, hiểu được và biết được.
Đôi lúc nó nhìn thấy người thân của mình gào khóc thảm thiết bên xác cũng buồn cười và đôi khi cũng gào khóc cố nói để giải thích cho người thân đừng khóc, vì cứ nghĩ mình đang còn sống. Nhưng chúng ta hoàn toàn không biết được vì âm dương là hai ngã cách biệt. Người thân chúng ta thấu hiểu được điều này, nên cố gắng không khóc lóc kêu to, thay vào đó chú tâm niệm Phật A-di-đà cầu mong ngài độ trì tiếp dẫn cho vong linh mau nhẹ nhàng siêu thoát, hoặc cung thỉnh mời các bậc cao tăng trong chùa cùng các bậc thiên tri thức đồng thanh hộ niệm, trước thi thể của người chết, hay đối trước linh sàng của người chết mà khai thị, thời gian đó là giây phút tối quan trọng, thăng, trầm, vui, khổ, giải thoát, đọa lạc đều được quyết định dứt khoát trong giờ khắc mà thần thức lìa khỏi xác, thân tứ đại ly tán. Người thân chúng ta nên lưu ý một điều, sau khi người mất trút hơi thở cuối cùng ta nên để yên không động đậy hay di chuyển thể xác trong vòng 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Lúc bấy giờ giữa thần thức và thể xác tách rời khỏi nhau, họ giống như một con rùa bị tách khỏi mai và bóc ra khỏi vỏ, nên chúng ta đụng đến cảm giác đau đớn nhân đôi, người mất đau la kêu thảm thiết nhưng chúng ta hoàn toàn không biết được, do đó đã tạo cho người bất hạnh một nỗi khổ muôn đời, chính điều đó mà người thân chúng ta cần lưu ý.
Sự giải thoát ngay ở hiện tại là sự giải thoát gần, sự giải thoát trong tương lai là giải thoát xa. Nhưng muốn giải thoát trong tương lai phải gây nhân giải thoát ở hiện tại, theo quan niệm Phật giáo sự đọa lạc luân hồi hay giải thoát đều trải qua sáu cảnh phàm và bốn quả vị thánh.
Sáu cảnh phàm: địa ngục, bàng sinh, ngạ quỉ, atula, người và trời.
Bốn quả vị thánh: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và Phật.
I/. Sáu cảnh phàm
1. Đọa lạc vào địa ngục
Ngay trong kiếp này nếu chúng ta được làm người, nhưng lại không tu nhân tích đức, gây ra bao điều cực ác, đến giờ phút lâm chung nhiều cảnh tượng hãi hùng hiện ra và bao vây lấy, sự sợ hãi đã khiến thần thức tìm phương hướng bỏ chạy để cầu mong thoát thân. Nhưng ác nghiệp đến chạy đâu cho thoát.
Càng cố chạy họ không tìm ra phương hướng, chỉ biết ẩn núp để tránh sự sợ hãi kiếp sợ, thì lúc đó bỗng dưng họ nghe những khúc nhạc bi ai buồn bã xoa dịu nỗi sợ đang vây lấy mình, bắt đầu họ đi tìm theo tiếng nhạc ấy, bất thình lình thân của họ bị xua đuổi dồn nén vào cảnh mịt mù tối tăm, nhà cửa, lâu đài có lúc trắng, lúc đen, hang hố sâu thẳm, đường sá mịt mù, bàn chân bước đi dưới đất toàn là lửa nóng, đôi khi bị giá lạnh ngâm thân, tê buốt chịu nhiều sự thống khổ, rồi lúc đó những ngọn lửa bốc lên họ lầm tưởng đó là sự sưởi ấm nên vội vàng bước đến đó, bất chợt một luồng gió nóng nung không thể nào thoát thân ra được, cầu sống không được, muốn chết không xong. Người thân của chúng ta vì người chết mà khai thị, trợ duyên niệm Phật. Mặc dù trợ duyên đó chưa đủ sức để cứu họ nhưng cũng có thể cải tạo được ác tâm dần dần, họ bớt đi sự thống khổ.
2. Đọa lạc vào bàng sanh
Nghiệp cảm của kẻ chết đi nếu đầu thai vào loài bàng sanh thì phân chia ra làm bốn loài: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh.
a/. Thấp sanh và hóa sanh
Là nơi chỗ sinh ra ẩm ướt nó cảm thấy hợp nơi hương vị mùi hôi bùn nhầy nhơ nhớp, lấy cái đó làm chỗ nương gá tạm, sinh lòng ưu đắm, liền đến nơi đó mà thọ sanh, tùy theo nghiệp lực cảm mến chiêu cảm, nó đến để gần gũi mà thác sanh vào đó. Trong đó không có tinh huyết của cha mẹ hòa hiệp. Trong thời gian đó sự vận chuyển lưu hành, nó có thể biến hóa từ giai đoạn này qua giai đoạn khác như con nhái biến thành con ếch, con nhộng hóa thành con tằm nhả tơ.
b/. Noãn sanh và thai sanh
Thân trung ấm thác sanh vào loài này nếu lòng tật đố nặng nề, sân hận, hận thù, sẽ đầu thai vào các loài chó sói, cọp beo, thú dữ, rắn rết và bò cạp. Và lại nữa, người nào khi sống lòng dâm dục dẫy đầy, nặng nề, phân chia ly tán người khác, khi chết sẽ đọa làm chim uyên ương, bồ câu, chim tước. Cho đến người nào lúc sống chơi bời lung lạc, sa đọa, khi thác sanh sẽ đọa làm loài vượn, loài khỉ... Luật luân hồi sanh tử không bao giờ chạy sao cho thoát, khi sống gieo nhân gì, tạo quả gì thì lúc chết đều phải trả quả.
c/. Đọa lạc vào ngạ quỷ
Nghiệp cảm của kẻ chết sẽ thác sanh vào ngạ quỷ, lúc đó thấy nhiều quỷ dữ hình hài thật đáng sợ tay cầm rất nhiều binh khí, răng nanh sáng lóe, gầm hét dẫm đạp đua nhau đến mà lôi kéo, cướp giết tánh mạng, nhảy nhót lung tung rượt theo mình có lúc những trận cuồng phong dữ dội, sấm chớp, mưa sương, lúc lửa nóng bao vây lấy thân trung ấm, lúc gió lạnh thổi vào thấu xương tủy làm cho thân trung ấm khiếp sợ muốn té xỉu cố chạy để lẩn trốn, chạy đến đâu trước mặt là hố sâu vực thẳm, chết sống đứng ngồi không yên.
Đọa lạc vào ngạ quỷ được phân chia ra nhiều loài. Ngạ quỷ có oai lực và ngạ quỷ không oai lực.
Ngạ quỷ có oai lực: Loại ngạ quỷ này có thần lực biến hóa, không bị đói khát khổ sở. Như trong kinh có nói quỷ Dạ-xoa, quỷ Cưu-bàn-trà. Quỷ có oai lực lúc sống cũng làm việc bố thí, khi chết cũng được đón rước long trọng nhưng họ có một điều xấu, chính điều đó bị thác sanh vào ngạ quỷ. Khi còn sống làm quan chức lớn nhưng lại lấn áp dân, trị dân không đúng cách, nhiều khi xét oan, giết oan người dân thường vô tội, khi chết đọa làm quỷ Bàn-trà.
Ngạ quỷ không có oai lực: Là loài quỷ đói khát, co lạnh, thân thể hôi thối, loét lở, mình đầy vi vẩy, ăn uống khó khăn, lúc nào cũng mong cầu để thọ hưởng. Lại có loại quỷ cổ như cây kim, bụng trương to như cái trống, miệng hôi thối chỉ được ăn những gì có nước lỏng, như cháo, chủng loại quỷ trong kinh nói nhiều không thể kể xiết.
Hồng Hà(còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 62, tr51, 2009]