Tàng Thức và Giáo Lý Tứ Đế

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thức năng biến thứ nhất này có ba tên chia theo ba tướng: tự tướng, nhân tướng và quả tướng.

Thứ nhất là A-lại-da (ālaya, 阿賴耶), tên gọi chỉ tự tướng, tức tướng “tàng” của nó. Có ba nghĩa: 1. Năng tàng (能藏): Khả năng dung chứa những chủng tử; 2. Sở tàng (所藏): Chỗ chứa đựng, cất giấu hạt giống các pháp; 3. Ngã ái chấp tàng (我愛執藏): là nghĩa mà tướng năng biến thứ hai, tức thức Mạt-na thứ bảy vin chặt làm tự ngã, chấp chặt ngã tướng sâu đậm không cho mất.



Thứ hai là tên Nhất thiết chủng (一切種), để chỉ về nhân tướng; tức tướng nhân của nó nhóm các hạt giống sinh ra vạn pháp, tướng nắm giữ hạt giống các pháp chẳng chung với các thức khác.

Thứ ba là tên Dị thục (異熟), để chỉ tướng quả báo của thức này. Vì nó làm chủ động đi lãnh thọ nhân quả báo. Thức này dẫn sinh các cõi tùy nghiệp thiện ác.

Thể của thức năng biến thứ nhất không phân biệt thiện hay ác và không bị phiền não ngăn che, nên tánh nó thuộc về vô phú vô kí. Và năng lực chuyển biến của A-lại-da mạnh như thác nước đổ dốc. Từ vô thỉ đến giờ niệm niệm sinh diệt không hề gián đoạn, mà hằng chuyển; nghĩa là luôn luôn phát triển và tồn tại. Nó vừa làm nền cho các thức khác vận hành và bản thân nó cũng hằng chuyển. Trong ý nghĩa này cũng nói lên được ý niệm về Hành khổ của Khổ đế.

Nhưng sức vận hành chuyển biến ấy như thế nào?

Trước hết, cảnh sở duyên của nó là chấp thọ và xứ. Vì chấp thọ chỉ cho chủng tử và thân căn. Thức này có công năng giữ gìn chủng tử của các pháp và duy trì thân hữu căn để sinh ra giác thọ. Còn xứ là khí thế gian, là toàn thế giới và chúng sinh đều do đệ bát thức biến ra và giữ gìn mãi không cho mất.

Như vậy, A-lại-da hay Tàng thức bảo trì chủng tử ảnh tượng sinh mệnh hữu tình và thế giới vật lý. Đối tượng của A-lại-da là danh sắc (nāma-rūpa, 名色). Vì A-lại-da gồm có trong tự thân nó chủ thể (năng tàng) và đối trị (sở tàng) luôn luôn biến chuyển. Dù trong trạng thái tiềm ẩn của chủng tử, các pháp cũng chuyển biến (nghĩa hành) mọi phân biệt đều phát xuất do sự triển chuyển của “như thị, như thị” biến từ Tàng thức chứa nhóm các chủng tử mà có. Chủng tử sinh hiện hành, hiện hành lại sinh kiến phần, tức năng phân biệt và tướng phần sở phân biệt. Từ đó phân biệt lưu liên sinh khởi không ngừng nghỉ. Từ lúc sinh khởi đến chín muồi, chủng tử trải qua nhiều lần biến đổi phức tạp. Như nhãn thức nhờ có chủng tử nên khi gặp các duyên căn (indriya, 根), cảnh (viṣaya, 境), tác ý (manaskāra, 作意) mà khởi ra kiến phần (見分) và tướng phần (相分) để nhìn nhận mọi vật. Kết quả nhìn nhận mọi vật ấy là từ nơi chủng tử được trợ duyên sinh ra. Kiến phần, tướng phần lần lượt nhiều tầng đến thành thục, gọi là như thị biến của giai đoạn một nhiều tầng:
“Do nhất thiết chủng thức,
Như thị như thị biến,
Dĩ triển chuyển lực cố,
Bỉ bỉ phân biệt sinh”.
(Luận Tam thập tụng, kệ 18)

Khi ấy, nếu chủng tử yêu thích thì tác ý theo Nhãn thức tâm vương (cakṣur-vijñāna) mà khởi hiện hành ưa thích. Nếu chủng tử không ưa thích thì khởi hiện hành ghét bỏ. Đó là mầm mống tạo nghiệp (ái).

Từ chủng tử ra hiện hành, đó là quá trình do khả năng phát hiện của A-lại-da, tức tính năng trì (能持) và năng biến (變). Sự phát hiện ấy tuân theo nguyên tắc nhân duyên và nghiệp báo. Tất cả những nghiệp nhân đã tạo điều kiện hiện hữu trong A-lại-da ở thế tiềm tàng, nhưng tất cả vẫn tiếp tục sinh hoạt dưới định luật nghiệp báo. A-lại-da là tổng thể của những thứ đó. Đến đây, A-lại-da được nhận định là bản thân của nghiệp. Tất cả nghiệp nhân đều ở trong A-lại-da và ngầm chuyển động trong đó. Khi nghiệp nhân chín muồi thì một giai đoạn mới phát hiện. Lúc này A-lại-da có tên gọi là dị thục thức (vipāka-vijñāna) – thức của sự chín muồi các nghiệp nhân trong quá trình chuyển biến.

Chính tập khí là chủng tử các nghiệp và chủng tử là tập khí của hai thủ: năng thủ (grāhaka, 能取, là kiến thủ, hay phiền não chướng, ngã chấp) và sở thủ (grāhya, 所取, tướng thủ, tức sở tri chướng, là pháp chấp). Hai thủ ấy chung nhau làm duyên nên báo thân dị thục đời này vừa hết thì lại tiếp tục sinh ra các báo thân dị thục đời sau và mãi mãi vô cùng tận:
“Do chư nghiệp tập khí,
Nhị thủ tập khí câu,
Tiền dị thục ký tận,
Phục sinh dư dị thục”.
(Luận Tam thập tụng, kệ 19)

Vì tập khí (vāsanā, 習氣) là khí sắc ấn tượng sinh lưu triển chuyển của các chủng tử câu sinh từ vô thỉ kiếp trở lại, nên mang tính bền bỉ khó biết, khó thấy ở nơi tạo tác các nghiệp: phước nghiệp (puṇya-karma, 福業), phi phước nghiệp (a-puṇya-karma, 非福業) và bất động nghiệp (不動業); và do bởi nhị thủ: kiến thủ (năng thủ), tướng thủ (sở thủ) hoặc danh sắc (tâm và vật) cũng là tâm vương, tâm sở cấu kết với sắc tướng thành một năng lực chuyển động không ngừng, trùng trùng điệp điệp hằng sa biến hiện trong ba đường sáu nẻo. Đấy là chìa khoá của hành trình sinh tử luân hồi kiến lập từ nội thức (Tàng thức) phóng ra hoạt cảnh là tướng trạng thế gian.

Trong mười hai nhân duyên, ý niệm dùng để giải thích nghiệp báo và luân hồi khi phần thức được hiểu là thức căn bản, tức là tàng thức này. Vì A-lại-da là nguồn gốc của danh sắc hoặc năm uẩn (pañca-skandha, 五蘊). Khi dùng danh từ A-lại-da, ta nói tới chân như trong trạng thái nhiễm (tương đồng nghĩa Như Lai tại triền của Khởi tín). Chân như, theo quan niệm Phật giáo về thực tánh mầu nhiệm của hiện hữu, tự thân của thế giới hiện tượng, như nước biển là bản chất của sóng biển. Đứng trên phương diện bản thể thanh tịnh, nó được gọi là chân như; đứng trên phương diện trạng thái nhiễm, nó được gọi là A-lại-da thức. Cho nên, chữ Thức (vijñāna, 識) trong mười hai nhân duyên được hiểu là A-lại-da, chứ không được hiểu là các thức khác. Bởi nhiều lý do, trong đó có lý do A-lại-da là thức căn bản của mọi thức khác. Cái sức mạnh đó khiến cho nước chân như nổi thành sóng A-lại-da, được gọi là Hành (saṃskāra, 行), tức là những tác động vô thức của ý chí sinh tồn (tương đồng nghĩa Tư niệm thực) theo hướng Vô minh. Mà chính vì sự thiếu giải thoát, thiếu trí tuệ nên có những vô thức đó; nghĩa là vì Vô minh nên mới có Hành. Từ đây cho thấy, tại sao Phật giáo chủ trương “Duy tuệ thị nghiệp” và Duy thức học gọi là quá trình chuyển Thức thành Trí (jñāna, 智). Chỉ có trí tuệ mới chấm dứt được khổ đau của mê lầm. Vì thế, Niết-bàn theo Duy thức học, đó là sự chuyển y (āśraya-parivṛtti, 轉依), tức chuyển phiền não chướng (kleśāvaraṇa, 煩惱障) hay ngã chấp (ātma-grāha, 我執) thành đại giải thoát Niết-bàn; chuyển sở tri chướng (jñeyāvaraṇa, 所知障) hay pháp chấp (dharma-grāha, 法執) thành đại Bồ-đề thanh tịnh. Gọi là chuyển y, thì y ở đây tức là ý nghĩa Sở tri y của nhiễm lẫn tịnh trong A-lại-da. Vì rằng, trong Tàng thức dung chứa các hạt nhân nhiễm và tịnh. Mục tiêu của phương pháp Duy thức là làm cho các hạt giống ô nhiễm, bất thiện trong Tàng thức tan biến, diệt tận, trả lại bản tính thanh tịnh, vô nhiễm cho Tàng thức mà thuật ngữ gọi là Bạch tịnh thức hay Vô cấu thức. Đây là ý nghĩa lìa sinh tử không có Niết-bàn. Vì Niết-bàn và sinh tử không hai không khác. Nghĩa này tương đồng hai loại vô trụ xứ niết-bàn (apratiṣṭhita-nirvāṇa, 無住處涅槃) và bổn lai tự tánh thanh tịnh niết-bàn (來自性清淨涅槃). Quá trình này được ví dụ bằng hình ảnh: một khi lá cây, hoa cỏ rơi rụng (tiền ngũ thức gục), cành lá gãy nát (ý thức tiêu), thân cây mục nát rã rời (Mạt-na biến), gốc rễ tàn lụi (A-lại-da băng). Thế là dáng vóc hoạt cảnh không còn. Nhưng tất cả tro bụi của cây dồn vào đất biến thành đất màu (thể của A-lại-da), vì chuyển A-lại-da thức nên thể vẫn còn mãi để tiếp dẫn cao trào đăng quang ngôi vị giải thoát; tức mặt bằng từ vọng đến chơn, vì vọng chuyển xả thì chơn hiển bày – tuệ giác sinh. Có tuệ giác để nhận ra thực tại niết-bàn, chứ niết-bàn không được sinh; không phải là kết quả do công phu xả trừ hai thủ năng, sở mà sinh. Do thế, tuệ giác ấy gọi là xuất thế gian trí, là vô đắc Niết-bàn:
“Nhược thời ư sở duyên,
Trí đô vô sở đắc,
Nhĩ thời trụ Duy thức,
Ly nhị thủ tướng cố.
Vô đắc bất tư nghì,
Thị xuất thế gian trí,
Xả nhị thô trọng cố,
Tiện chứng đắc chuyển y”.
(Sđd, kệ 28-29)

Như vậy, qua sự trình bày Tàng thức và hiện tượng biểu trưng của nó là chủng tử (bīja, 種子), tự nó đã có thể lý giải khổ đau. Chủng tử là khổ đau. Chủng tử là Tập. Và tu tập để giải thoát chính là để nhận ra chủng tử, chuyển hóa và làm rơi rụng chủng tử đến hồi bạch tịnh.

Nếu trong Duy thức học, Tàng thức là trung tâm điểm, từ đó thuyết minh phương pháp khảo sát, thì chủng tử là nội dung chính của sự khảo sát đó. Chủng tử là khách trần (akasmāt-kleśa, 客塵), là kết quả của sự huân tập và hiện hành từ vô thỉ, không phải là bản thể (svabhāva, 自性, tự tánh). Chủng tử chỉ là hiện tượng, hiện tượng rất sâu nhiệm trong tận cùng tâm lý mà phàm phu khó nhận biết, nếu không nhờ sự diễn bày của các bậc Tổ sư chứng ngộ.

Và vấn đề ngã và vô ngã được nhận rõ ngang qua sự vận hành của Chủng tử. Sự chuyển biến miên tục của chủng tử thức “như một dòng thác” đã nói lên một thực tại không có ngã, không có thực thể bất biến. Cá nhân của giai đoạn sinh mệnh hiện tại không hẳn là một cá nhân của sinh mệnh quá khứ, cũng không hẳn là khác. Dầu cho trong cùng một giai đoạn sinh mệnh cũng đã không có một cái ngã đồng nhất bất biến, không thể có cái tôi đồng nhất trong hai sát-na nối tiếp nhau “không phải cái ấy, cũng không phải cái khác”. Đó là tính cách phi nhất, phi dị của mọi hiện hữu. Vì thế chỉ có dòng sinh diệt liên tục mà không có ngã. Đó là tinh yếu của lý thuyết vô ngã trong Duy thức học.

Sự thật khổ đau của chúng sinh bắt nguồn từ quan kiến sai lầm: sai lầm về một tự ngã thật hữu, trong khi thực tại là duyên sinh vô ngã tính, hay y tha khởi tính của Duy thức. Nhưng sự thật mà không thật gì cả. Do tánh biến kế vọng tưởng phân biệt rồi nhận y tha một cách sai lầm, hoàn toàn không thật có. Đó chỉ là con rắn của người sợ hãi lầm nhận sợi dây trong đêm tối, để rồi khiếp đảm chạy bán sống bán chết. Lực thấy, lực sinh, lực khiếp là tánh của biến kế. Ngày nào tính bản hữu cố chấp ấy còn, ngày ấy không gian tướng vô tận và thời gian sinh tử vô cùng, trôi nổi lặn hụp không bao giờ ngừng nghỉ.

Một khi ánh sáng đủ để nhận thấy sợi dây là sợi dây, thì mọi tác năng xung quanh hình ảnh con rắn và chính nó biến mất. Từ sợi dây sinh sợ hãi và cũng từ nó hết sợ hãi. Thực tại là thực tại, khác chăng chỉ là tâm lý của người giác ngộ và chưa giác ngộ đối với thực tại mà thôi. Và ta thấy, dường như áng sáng và sợi dây cùng là một của thực tướng. Nhưng rõ ràng, sợi dây chẳng phải được sinh ra từ ánh sáng, mà chỉ được thấy rõ để rồi hết sợ nhờ ánh sáng đó. Đạo Phật với tất cả giáo nghĩa được thuyết minh là nội dung và tác dụng của ánh sáng đó mà ở đề tài này là Tàng thức và giáo lý Tứ đế.

Ở đó, chân lý đã được triển khai trọn vẹn. Con người chính mình phải làm chủ mình cả nghiệp quả luân hồi lẫn giá trị giải thoát xuất thế gian. Đó là sự thật chẳng có ai nhúng tay vào. Hãy tự mình khởi hành như một ý nghĩa về pháp Phật: Ehi passiko! – Đến để mà thấy – Hãy đến đây (thực hành) là tự bạn sẽ nhận thấy. Hạnh phúc chân thật đang đợi bạn bên ấy!

Định Thông
[Tập san Pháp Luân số - 44, tr.34, 2007]