Như = như lý + xứng lý; như lý thì vô ngôn, xứng lý thì vô tượng. Chữ “Như” đơn thuần chưa đủ năng lực xuyên thấu
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư.
Đến nay tính lại đà quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như.
(HT. Phước Hậu)
[Như = như lý + xứng lý; như lý thì vô ngôn, xứng lý thì vô tượng. Chữ “Như” đơn thuần chưa đủ năng lực xuyên thấu]
NHƯ – CHẤT LIỆU CỦA CÁI THẤY VÀ CÁI BIẾT CỦA PHẬT
Thực nghĩa của “Như ” xét trên một cấp độ, là một thực tại vừa vô ngôn vừa vô tượng, vì hiện thực của nó được kết liên hỗ tương giữa NHƯ LÝ và XỨNG LÝ, không tơ hào hư dối, siêu vượt các tính hư vọng, mê lầm hiện khởi từ tập khí vô minh. Nhưng, nếu chỉ nhìn ở một mặt, nó vẫn còn thuộc trường tác động của thức. Kỳ thực, nó phải được nâng cấp, vì “Như” vốn là một năng lực thuộc tâm linh trên cơ sở trực chứng tự nội, phải được thể hội đúng như nó là. Trong ý nghĩa nầy, nó đồng nghĩa với “Chân”. Nghĩa là sự thành tựu của nó, theo Bồ-tát Long Thọ, phải bằng thực chứng rốt ráo ngay trên tục đế. Ngài Long Thọ nói, nếu không thông đạt tục đế, người ta không thể liễu triệt chân đế. Cứ vào chỗ nầy thì thực nghĩa của “Như”, theo cách xác định của ngài Long Thọ được hiểu như là Tự tính không hay thực tính của vạn pháp, và phải thông qua một quá trình Duyên khởi để thấy như thực về Tánh không nơi các pháp mà không có con đường ngược lại. Tại sao? Bởi “vì Duyên khởi nên các pháp không tánh”. Nhưng “tánh không không phải là Duyên khởi”, mà là cơ sở cho Duyên khởi hay tự tính không. Tại đây, giác ngộ trên vô thường phải là chất liệu nền tảng dẫn tới sự biểu hiện về “thực tính” đó. Thực ra, cái gì còn thuộc phạm trù của “như” ở cấp độ nầy, thì khi nói “Như Lý” (tức vô ngôn) cũng vẫn còn vướng vấp với thức, nên vẫn cần phải quét sạch sành sanh bằng năng lực của Bát-nhã để hiện thực khả năng “Xứng Lý” (tức vô tượng). Nghĩa là chặng đường viên dung bất nhị nầy không phải bằng thức để hiểu mà là một sự thể hội được soi sáng bằng tuệ giác. Về mặt thô, thực tại của “như” vẫn còn ở trong tình trạng triển hạn, sẵn sàng viễn ly các đối đãi, qua năng lực chặt đứt mọi giềng mối kết liên vi tế còn sót lại của trường tác động tương đối của sinh diệt trên các pháp, mà hiệu năng của nó ở trên cấp độ đang quán sát, phải là một tiến trình nội tại thẩm thấu ngay bên trong và chiếu soi bằng TRÍ, bằng TUỆ đi tới chỗ thể nghiệm thực tại NHƯ nầy ở trên thực tính của vạn pháp. Đây là sự viên dung của cả hai yếu lý: Như lý và Xứng lý. Chính chỗ nầy, người ta có thể thấy được vì sao các pháp, trên nhãn quan của Bồ-tát, là đương thể tức không. Sở dĩ nói thế, thứ nhất là bởi tự tính không, nơi hết thảy các pháp, hoàn toàn vượt ngoài đối đãi nhị nguyên (sinh tử - Niết-bàn, uế - tịnh, tăng - giảm, giác ngộ - vô minh, hợp - ly, thường - đoạn, v.v...) ra ngoài khuôn khổ tương hợp của không gian và thời gian, ra khỏi tứ cú, nghĩa là ra khỏi hý luận, siêu việt khỏi trường tác động của sinh diệt và là một thực tại tính của vạn hữu. Thứ hai, cụm từ “Tức không” phải là chất liệu sản sinh từ thực chứng, là năng lực của tuệ giác soi vào thực tính các pháp và được tri nhận như thực, như nó là.
Nếu xét về mặt “Như lý” thì như lý định hướng cho con đường giác ngộ bằng năng lực của vô ngôn kết hợp mật thiết với “Xứng lý”, tức năng lực ly tướng ở trên một xu hướng chung có tính hỗ tương, nhưng không ngoài phạm trù của Không Trí, Không Tuệ, dẫn đến kiến lập Như Trí để thành tựu NHƯ LÝ.
Nếu bàn đến “Như Trí”, như là hệ quả của một chuỗi tri nhận, thì chắc chắn cũng không ở ngoài cơ sở nêu trên. Nói rõ hơn, cơ sở đó chính là chất liệu hưng khởi từ Bát-nhã, khám phá từ chuỗi vận hành trùng trùng vô tận của Duyên khởi. Tại đây, tương quan giữa Duyên khởi và tự tính Không phải được tri nhận sáng tỏ rằng, tự tính Không không phải là Duyên khởi mà là nền tảng để cho các pháp nhân duyên sinh khởi và thành tựu không ngoài Bát-nhã. Như vậy, Như Trí phải là năng lực thiết yếu để nhìn thấu vào thực tính của vạn pháp. Đây là một công phá về mặt tướng dẫn xuất từ “Không Trí” viên dung vào một nhất thể, bất hư: đó là Chân Như.
Nếu bàn về Như Tuệ, như là hệ quả của một chuỗi trực nhận từ thực chứng, chắc chắn cũng không ngoài phạm trù nêu trên. Nhưng nó phải là chất liệu bất khả tư nghì được tăng thắng từ năng lực công phá của Như Trí vào lãnh vực của tướng để đi tới chỗ thành tựu viên mãn cái biết của Phật, cái thấy của Phật dẫn xuất từ “Không Tuệ”.
Ngang đây, thử gợi ra hai nạn đề: Thứ nhất, tại sao nói kinh điển lưu truyền tám vạn tư, học đến rốt ráo không thiếu cũng không dư? Nói theo kiểu nhà Phật gọi là viên học, rốt cùng phế bỏ tất cả những gì không phải là “NHƯ”, biến chữ Như nầy thành một thứ tinh chất (essence), vô hình trung, đây là sự biểu hiện thiện xảo của giáo lý “Vô Tác”. Nếu dừng lại ở đây, thì tinh chất nầy cũng còn có cái gì dính vấp với Tướng. Nó chưa đủ công năng để đột phá. Còn một tơ hào về tướng vẫn chưa có đủ năng lực để “trực thướng Cô Phong Lĩnh”, chừng nào vẫn còn một mảy may về tướng chừng đó vẫn chưa đủ năng lực để phát lên “nhất khiếu trường thanh”. Một tiếng kêu dài làm “hàn thái hư”, lạnh toát cả bầu hư không, theo kiểu hoát nhiên trực ngộ của Không Lộ Thiền sư. Thứ hai, nếu dừng lại ngang đây, ngay trên lĩnh vực của Tịnh Độ, thì có thể, chúng ta khó hiểu vì sao trong kinh Vô lượng thọ cũng như kinh Vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác, Phật nói: “Ở trong đời sau, kinh đạo tận diệt, ta vì tấm lòng từ bi thương xót, đặc biệt lưu lại chỉ một kinh nầy (tức kinh Vô lượng thọ), trụ thế trăm năm, sau đó chỉ còn, sáu chữ hồng danh A-di-đà Phật, cuối cùng đến lượt đức Phật Di-lặc, thị hiện ở đời”. Hỏi rằng tại sao phải là kinh Vô lượng thọ còn lại sau cùng mà không là kinh nào khác? (trong chỗ khác có nói, khi đó, kinh Lăng nghiêm mất đi đầu tiên). Tại sao chỉ lưu lại kinh nầy 100 năm? Tại sao kinh đạo lại tận diệt, trong khi giáo lý Phật-đà là một chân lý bất di dịch? Tại sao kinh Lăng nghiêm mất đi đầu tiên? Tại sao chỉ còn lại sáu chữ hồng danh A-di-đà Phật? Tại sao cuối cùng, đức Phật Di Lặc ra đời? Giải thuyết nạn đề nầy, có thể, chúng ta vô cùng lúng túng về một tràng câu hỏi như thế. Có thể vì nạn đề đang ở trên vòng tác động cục bộ của ngôn ngữ. Có thể, cũng có khuynh hướng cho rằng làm gì chúng ta phải mất thì giờ cho một việc làm như thế nầy? Thực ra đây là bước nhằm soi sáng pháp môn Tịnh Độ trên nền tảng của Hoa Nghiêm.
Nếu không y trên cơ sở của NHƯ đã gợi ra ở đoạn trước, thật khó có thể thuyết phục được mình nếu quan niệm của mình quá nặng về tri kiến. Nhưng một khi người ta thực sự buông xuống, thì cánh cửa ngôn ngữ tất sẽ mở ra. Chừng nào hết thảy mọi tri kiến đều đóng ập lại, chừng đó người ta mới thực sự có năng lực để tiếp nhận vấn đề một cách sâu sắc.
Sau khi giác ngộ, đức Thích-ca Mâu-ni lưu lại 21 ngày dưới cội cây Bồ-đề, nhập vào Hải Ấn Tam Muội giảng kinh Hoa Nghiêm cho các vị Bồ-tát. Nội dung kinh nầy là mục đích chính yếu, cũng là tâm yếu của sự thị hiện giáng trần của chư Phật để cứu độ chúng sinh. Đây cũng là mẫu số chung cho ba đời mười phương chư Phật, bao gồm cả 995 vị Phật trong hiền kiếp nầy cùng với bát tướng lâm phàm thị hiện. Bởi lý do là căn cơ của chúng sinh không đủ để tiếp thu nổi sự chỉ bày nầy nên đức Thích Tôn mở bày phương tiện tuyên nói giáo pháp 45 năm ròng rã, trong đó mất 22 năm dành cho Bát-nhã. Khía cạnh nầy đủ cho ta thấy tầm quan trọng của Bát-nhã trong toàn bộ giáo lý mà đức Thế tôn đã tuyên nói từ Tứ Đế cho đến Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Niết-bàn. Từ đó, một bản đồ tu đạo được huy hoạch thiện xảo ngay trong kinh Hoa Nghiêm mà Pháp Hoa là tụ điểm, chỉ đường hướng về Bảo sở. Đồng thời khai thị cặn kẽ mặt “Như Thị” (trong phẩm Phương Tiện) được hỗ trợ bởi Lăng Nghiêm manh nha một cách sâu sắc về Tánh Phật trên hai bình diện Tướng và Thể một cách đa dạng qua vấn đề “hư vọng, Như Lai tạng diệu chân như tính, căn bản Bồ-đề, căn bản sanh tử... đồng thời làm nổi bật hai lĩnh vực Bổn môn và Tích môn nhằm minh giải cho hai mặt của cùng một thực tại”. Nghĩa là tại đó, thực tại nền tảng của giác ngộ cũng được giải thuyết cặn kẽ trên hai mặt Như lý và Xứng lý, trong khi mở bày cho chúng sinh thấy, tiếp cận, bước vào (khai thị, ngộ, nhập) sống thực với cái biết và cái thấy như Phật. Kinh Hoa Nghiêm cũng chỉ rõ, từ trên căn bản trí qua hình ảnh của Bồ-tát Văn Thù biểu trưng cho TRI và hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền biểu trưng cho HÀNH làm định hướng chính yếu cho cuộc hành hương tâm linh của Thiện Tài Đồng Tử, trải suốt 50 năm, kinh qua trăm thành tham vấn 53 thiện tri thức. Điểm nổi bật của nội dung Hoa Nghiêm là sự đề cao pháp môn Tịnh Độ bất khả tư nghì qua hình ảnh của Bồ-tát Phổ Hiền do Bồ-tát Văn Thù chỉ đạo và đặc biệt vị Thiện tri thức đầu tiên mà Thiện Tài được chỉ dẫn đến gặp và tham vấn là Tỳ-kheo Đức Vân. Tại đây Thiện Tài học được Pháp môn Tịnh Độ. Và vị Thiện Tri thức thứ 53 mà Thiện Tài đến tham vấn sau cùng là Bồ-tát Phổ Hiền. Bồ-tát khuyên Thiện Tài nên niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc (Điểm nầy Pháp sư Tịnh Không đã nhiều lần nhấn mạnh trong các buổi thuyết giảng của Ngài về Pháp môn Tịnh độ). Sự kiện nầy cho thấy sự đề cao của Hoa Nghiêm đối với Pháp môn Tịnh Độ trước sau đều nhất quán. Dọc tiến trình vân du hành cầu đạo Bồ-tát, Thiện Tài tiếp thu vô số chất liệu giác ngộ từ trong cuộc sống. Đây chính là chỗ kinh nói “đạt tục” để làm tư lương cho bước “chiếu chơn” (Như kinh Vô Lượng Thọ đã vạch ra) trước khi bước vào lầu các của Bồ-tát Di-lặc, khai mở tạng tâm viên mãn chặng đường Hậu Đắc Trí.
Tâm Tịnh (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân số - 42, tr.36, 2007]