Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Phật giáo là tôn giáo lâu đời và lớn nhất ở nước ta, đồng thời Phật giáo cũng có ảnh hưởng sâu rộng, bao quát nhất ở các địa phương so với các tôn giáo khác. Vì tôn chỉ của Phật giáo luôn thích hợp với mọi thời đại, như là mang đến tình thương, lòng từ bi, an lạc, hạnh phúc và hòa bình đến cho nhân sinh và toàn thể chúng sinh.

Với lịch sử phát triển trải hơn 2000 năm, Phật giáo từ tôn giáo ngoại lai đã trở thành tôn giáo tâm linh bản địa. Sau khi con người Việt Nam tiếp nhận Phật giáo như một chỗ dựa, một niềm tin về tinh thần thì họ cũng đã trở thành những chủ thể sáng tạo ra biết bao công trình Phật giáo, mang đậm tính dân tộc và ý nghĩa Phật giáo như hệ thống chùa, tháp, tượng Phật... Những sản phẩm đó là sự chắt lọc sức sáng tạo của con người, đồng thời nói lên vị thế và tầm quan trọng của Phật giáo trong lịch sử, cũng như khẳng định ý nghĩa to lớn của tôn giáo này trong thời đại ngày nay-được xem là một phần quan trọng trong hệ thống những Di sản văn hóa vật thể của dân tộc.

Giai đoạn đầu khi Phật giáo được truyền vào nước ta (từ đầu Công nguyên đến thế kỷ IV), Phật giáo chỉ là những am miếu thờ Phật, tương đối gần gũi với những điện thờ tổ tiên theo tín ngưỡng nguyên thủy mà người Việt rất mực coi trọng. Hệ thống các ngôi chùa Tứ Pháp mà ta còn thấy hiện nay, là những ngôi chùa khởi thủy cho việc Phật giáo từ Ấn Ðộ được trực tiếp du nhập vào Việt Nam. Cho đến thế kỷ V-VI, thư tịch cho biết trên đất Giao Châu có đến 20 chùa tháp. Ðến cuối thế kỷ VI cho đến hết thời kỳ Bắc thuộc, những ngôi chùa cũng không để lại dấu vết gì ngoài ghi chép vắn tắt của thư tịch. Dưới những thời kỳ tự chủ của nhà Tiền Lý, nhà Ngô, nhà Ðinh, Tiền Lê (thế kỷ X), tuy Phật giáo thịnh nhưng do thời gian tồn tại của các triều đại không dài nên không dựng chùa xây tháp nhiều, chỉ còn biết đến qua những di vật như cột đá khắc những câu kệ và chú thời Đinh, và tên chùa Khai Quốc được khởi dựng thời tiền Lý.

Các triều đại như Đinh, Lê, Lý, Trần... nối tiếp nhau và được hưng thịnh một phần nhờ dựa vào giáo lý từ bi, trí tuệ, bình đẳng, giải thoát và tự chủ của Phật giáo. Xã hội biến động dẫn đến những thay đổi nhất định trong bộ mặt kiến trúc dân tộc. Ðối với kiến trúc chùa cũng không nằm ngoài quy luật đó, nghệ thuật trang trí, tạo hình nâng cao, phong cách kiến trúc từng thời kỳ có nhiều biến đổi, mỗi thời kỳ lại mang dáng dấp và thể hiện một cách rõ ràng dấu ấn của xã hội đương thời.

Do đó, nghiên cứu tổng quan về kiến trúc chùa Việt Nam trong tiến trình phát triển Phật giáo cũng như quá trình thích ứng của nó ở xã hội Việt Nam góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị cần gìn giữ của chùa truyền thống và áp dụng những giá trị đó trong các công trình Phật giáo trong tương lai.

Các công trình kiến trúc Phật giáo khởi dựng từ thời Lý hiện còn tồn tại đến ngày nay, qua các di tích và di vật sẽ là đối tượng nghiên cứu chính của bài viết. Danh mục các công trình được liệt kê trong các di tích tiêu biểu của từng thời kỳ, gồm những công trình nổi tiếng được khởi dựng trong thời kỳ đó. Các nhà nghiên cứu thường chia công trình theo đặc trưng mỹ thuật từng thời trên các trang trí cấu kiện. Do đó, phần nghiên cứu kiến trúc các công trình Phật giáo cho từng thời chủ yếu nghiên cứu các công trình mang phong cách mỹ thuật đặc trưng theo niên đại xây dựng và trùng tu toàn phần mới nhất. Đó là những ngôi chùa hiện còn tồn tại với những phong cách kiến trúc và mỹ thuật đặc trưng nhất của từng thời kỳ thể hiện qua khu trung tâm. Phân loại theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật đi trước thì có phong cách mỹ thuật thời Lý, phong cách mỹ thuật thời Trần, phong cách mỹ thuật thời Lê Sơ, phong cách mỹ thuật thời Mạc, phong cách mỹ thuật thời Nguyễn... gắn liền với nó là những công trình mang dáng dấp và hình thức khác nhau. Ví dụ một ngôi chùa như chùa Láng khởi dựng từ thời Lý thì được liệt kê trong các công trình kiến trúc khởi dựng vào thời Lý. Nhưng kiến trúc khu trung tâm chùa Láng hiện nay chủ yếu được làm mới dưới thời Nguyễn, do đó bài viết xếp chùa Láng vào các ngôi chùa mang phong cách Nguyễn và không nghiên cứu trong kiến trúc Phật giáo thời Lý.

Phần 1- Kiến trúc Phật giáo thời Lý (1010-1225)

- Tình hình phát triển Phật giáo thời Lý

Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư về Đại La, lập nên nhà Lý. Nhà Lý tồn tại hơn 200 năm với tám đời vua (Lý Bát đế) không kể Lý Chiêu Hoàng (1225). Tám đời vua gồm:

Lý Thái Tổ (1010-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1127), Lý Thần Tông (1127-1138), Lý Anh Tông (1138-1175),

Lý Cao Tông (1176-1210),

Lý Huệ Tông (1211-1224).

Thời Lý, đất nước độc lập và thống nhất, những tư tưởng tích cực của đạo Phật như từ bi, vô ngã đã có được một chỗ đứng vững chắc nhất trong lịch sử. Các thiền sư Lý Khánh Vân và Lý Vạn Hạnh góp phần đưa sự tổng hòa giữa văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa thành văn hóa Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo, thế kỷ XI, Phật giáo trở thành quốc giáo, nhà sư Thảo Đường được vua Lý Thánh Tông chọn làm quốc sư và đã lập ra thiền phái thứ 3 tại Việt Nam.

Phật giáo được trọng vọng, được truyền bá rộng rãi trong quần chúng, chùa chiền được khởi dựng rất nhiều, song các di tích và di vật hiện còn rất ít. Như trong đời vua Lý Thái Tổ, ngài đã cho xây dựng hơn 300 ngôi chùa và sửa chữa các ngôi chùa đã hư nát. Riêng năm 1031, triều đình đã phát tiền kho làm chùa quán ở 950 nơi. Ỷ Lan hoàng hậu cũng xây dựng hơn 100 ngôi chùa… Không những vua, vương hầu khanh tướng xây dựng và tu bổ hàng loạt công trình khắp nơi mà nhân dân cũng một lòng góp công, góp của vào việc xây dựng chùa tháp.

- Những công trình Phật giáo tiêu biểu trong thời Lý

Các di tích Phật giáo thời Lý chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nhiều nhất là ở Thăng Long, Bắc Ninh và Nam Định.

+ Chùa Diên Hựu hay gọi là chùa Một Cột (Hà Nội), khởi dựng năm 1049 dưới đời vua Lý Thái Tông tại Thăng Long. Chùa nhỏ nhắn, thanh thoát nhẹ nhàng, mang hình dáng một bông hoa sen. Chùa ngày nay được xây dựng lại năm 1955.

+ Chùa Phật Tích - Vạn Phúc tự (Bắc Ninh), khởi dựng năm 1057. Di vật hiện còn là tượng A Di Đà bằng đá, một hệ thống tượng đá gồm 10 con giống như voi, lân, trâu, ngựa…, ba lớp nền bằng đá, những di vật mang họa tiết trang trí lá đề, hoa sen, rồng, phượng… Đầu tượng đá Kim Cương, chim thần đánh trống cơm.

+ Chùa Dạm - Thần Quang tự (Bắc Ninh), ngoài cột đá chạm rồng vờn sóng nước chùa Dạm, hiện chỉ còn bốn cấp nền xẻ vào sườn núi bó đá với bực thềm giữa dài 16 mét, đầu tượng Kim Cương bằng đá.

+ Chùa Long Đọi - Diên Linh tự (Nam Định) khởi dựng từ năm 1054 dưới đời vua Lý Thánh Tông. Tháp Sùng Thiện Diên Linh (1118 – 1121) xây dưới đời Lý Nhân Tông. Chùa bị phá hủy hoàn toàn từ thế kỷ XV, sau đó được dựng lại vào thời Mạc, kiến trúc hiện nay là thời Nguyễn, hiện đang trong giai đoạn trùng tu lại. Các di vật còn lại là bia Sùng Thiện Diên Linh, tượng Kim Cương, nền tháp Sùng Thiện Diên Linh.

+ Chùa Chương Sơn (Nam Định), các di vật hiện còn như nền tháp bằng đá, lan can đá tạc hình vũ nữ thiên thần, những thớt tròn đá chạm rồng có hoa dây, rồng và hoa sen, tượng đầu người mình chim Kinnaras và tượng Phật bằng đá.

+ Chùa Bà Tấm - Sùng Phước tự (Hà Nội), hiện còn hai đầu sư tử đội tòa sen bằng đá, thành bậc đá có tượng con sấu và chạm hoa dây chim phượng.

+ Chùa Láng – Chiêu Thiên tự (Hà Nội) chùa được xây thời Lý Thần Tông, toàn bộ chùa ngày nay được xây lại vào thời Hậu Lê. Chùa đã được trùng tu lại nhiều lần, kiến trúc khu trung tâm hiện còn là kiến trúc thời Nguyễn, chùa mới được trùng tu năm 1989.

- Đặc điểm kiến trúc

+ Vị trí, thế đất

Nét đẹp sơn thủy hữu tình hài hòa với kiến trúc Phật giáo làm tôn giá trị kiến trúc lên và gắn bó với kiến trúc lâu dài đã được sử dụng triệt để trong thời Lý. Như lời nhà sư Pháp Bảo được khắc trong văn bia chùa Linh Xứng “Hễ có cảnh đẹp núi non thì không nơi nào là không xây dựng chùa chiền” .

Địa thế chùa Long Đọi được Phạm Công Bật ghi trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh như sau “Mặt chùa trông ra sông Kinh, gió lặng, mặt sông như lụa biếc trải ra, lưng chùa quay về núi Điệp, mưa tan dáng núi như gấm xanh thêm sáng. Bên hữu khống chế bình nguyên trông tới lũy xưa Càn Hưng. Bên tả men theo sông, quanh Hán Thủy để ra khơi…” .

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được nhà sư Pháp Bảo mô tả “Phong cảnh vẫn nguyên, hai cửa khuyết khống chế phía trước, ba dòng sông ủng hộ phía sau. Thanh tĩnh, tĩnh mịch, thực là nơi trụ trì của nhà Phật, nơi gửi gắm tâm tư của Bồ-tát…” (Sùng Nghiêm Diên Thánh bi ký).

Chùa Linh Xứng cũng được nhà sư này viết về phong cảnh địa thế như sau “Chân núi quanh co bên bờ nước, đâu phải núi đồi Dĩ, Hổ, lại không vách đứng tường cao bóng lam ngùn ngụt, sắc thủy đậm đà, quanh quất làng xa…” (Linh Xứng bi ký).

Từ các văn bia để lại và từ dấu tích, từ thực địa, ta thấy đặc điểm xuyên suốt cho các đại và trung danh lam thời Lý là chọn địa hình cao. Các chùa tháp thường được xây trên các triền núi nơi có phong cảnh đẹp, lấy núi làm chỗ dựa, xung quanh là đồng bằng. Ví dụ chùa Dạm trên núi Dạm (Bắc Ninh), chùa Phật Tích trên núi Lạn Kha (Bắc Ninh)… Các lớp nền chùa Dạm, Phật Tích cho thấy, các cấp nền dựa vào thế núi, được người xưa bạt thành những tầng bậc bằng phẳng và rộng rãi để xây chùa và dựng tháp. Với những núi thấp thì chùa, tháp chính thường được xây dựng trên đỉnh núi như chùa Long Đọi và tháp Diên Linh trên núi Đọi (Nam Định), tháp Chương Sơn trên núi Ngô Xá (Nam Định)… Nếu không có núi người xưa cũng tìm nơi đất cao để xây dựng chùa tháp như chùa Bà Tấm (Hà Nội), chùa Hương Lãng (Hưng Yên)…

Núi đồi cao, cây cối, phong cảnh chung quanh tạo nên không gian thanh bình, tịch mịch và tăng thêm phần trang nghiêm, thoát tục cho công trình. Nhưng những người kiến tạo chùa cũng chọn những địa điểm cao giữa một vùng đồng bằng rộng xung quanh, khiến công trình Phật giáo mang một giá trị thực tiễn là chinh phục người dân trên một diện rộng, để đạo không tách biệt mà có những gắn bó và ảnh hưởng nhất định với đời.

Một đặc điểm nữa dễ nhận thấy là các chùa tháp đều gắn bó với sông nước ao hồ nhất là sông tạo nên những phong cảnh “sơn thủy hữu tình”. Những công trình ở địa thế xa sông cũng thường thấy được xây dựng những con ngòi nối với sông. Đặc điểm này cũng mang một giá trị thực tiễn lớn vì ven sông thường là nơi tập trung dân cư và sông là hệ thống giao thông thuận tiện thời bấy giờ giúp cho việc đi lại và chuyên chở vật liệu xây dựng công trình.

+ Tổ hợp không gian

Các nhà nghiên cứu đi trước đã dựa vào thực địa và thư tịch có thể chia chùa thời Lý làm 4 loại khác nhau, loại thứ nhất là kiểu chùa dựng trên 1 cây cột (chùa Một Cột) phát triển đến kiến trúc tháp. Chùa loại hai là chùa có quy mô lớn kiêm hành cung để vua nghỉ ngơi khi du ngoạn. Loại chùa thứ ba không có tháp, không phải hành cung nhưng cũng rất lớn, phát triển theo chiều sâu theo trục thần đạo và nâng cao dần, khu điện thờ bố cục gần giống mặt bằng của tháp. Cuối cùng là các chùa nhỏ nằm trong thôn xóm cơ bản chỉ là cái am cho nhà sư tu dưỡng, và sau đó được mở mang trong khuôn khổ gọn nhỏ.

Khuôn viên của các công trình Phật giáo thời kỳ này thường có những bố cục cân xứng, hài hòa với môi trường xung quanh, đưa kiến trúc và cảnh quan thành một thể thống nhất. Sắp xếp bố cục nhà cửa, tháp, hành lang được nhắc đến trong văn bia chùa Linh Xứng là một ví dụ điển hình “Chùa ở phía Nam núi. Trai phòng ở hai bên…Phía sau xây ngôi tháp báu gọi là tháp Chiêu Ân.” (Linh Xứng bi ký)

Dưới thời Lý, chùa tháp dạng Ðại hoặc Trung Danh lam được kiến tạo rất nhiều và tương đối đồ sộ so với các thời kỳ sau. Rất nhiều tháp được xây dựng như tháp Tường Long, Chương Sơn, Long Ðọi, Linh Xứng... Dạng kiến trúc này có thể dựa theo việc bố trí tháp mà phân thành hai loại:

+ Loại tháp là trung tâm, những cây tháp thời kỳ này là kiến trúc chính của toàn cảnh chùa và chính thức là điện thờ Phật, trong lòng tháp có đặt tượng Phật, tháp thường xây trên lưng chừng hoặc giữa đỉnh núi, lấy núi làm nền để tôn thêm vẻ bề thế của mình. Các kiến trúc phụ làm Tăng phòng được bố trí xung quanh cây tháp. Kiến trúc của các ngôi chùa thời Lý là các ngôi tháp. Tháp chính là chùa, đồ sộ, và chiếm giữ một tầm nhìn rộng lớn.

+ Dạng bố cục kiến trúc nữa có thể kể đến nhờ vào tư liệu khảo cổ học là chùa có các công trình dựa vào thế núi, sắp xếp theo lớp trước sau đi sâu vào trong và lên cao dần. Ví dụ chùa Tiên Du Phật Tích tại Bắc Ninh, lớp nền thứ nhất bày tượng các con giống, lớp thứ hai đặt các Tăng phòng, lớp thứ ba xây tháp thờ Phật.

Tổ hợp không gian thay đổi tùy theo địa hình, nhưng chủ yếu công trình vẫn cân xứng, đăng đối quy tụ về một tâm điểm là cây tháp thờ Phật hoặc đăng đối theo một trục dài.

Các công trình kiến trúc thời này đều có hướng quay về hướng Nam, hướng phù hợp với khí hậu bản địa.

Trần Lan Chi (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 10]