Trang 2 / 5(Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ - tiếp theo TSPL.12)
Phần 3: Kiến trúc Phật Giáo thời Lê Sơ và thời Mạc
Theo dòng chảy lịch sử, thời Hậu Lê cho đến thời Tây Sơn mang trong mình các phong cách kiến trúc và mỹ thuật của nhiều giai đoạn. Sơ bộ, ta phân ra phong cách mỹ thuật các thời kỳ Lê Sơ, thời Mạc, thời Lê Trung Hưng (vua Lê chúa Trịnh), thời Lê Mạt (Trịnh Nguyễn phân tranh), cuối cùng là thời Tây Sơn. Trong phạm vi bài viết này, nội dung nghiên cứu đi sâu vào kiến trúc Phật giáo thời Lê Sơ và thời Mạc.
- Tình hình phát triển Phật giáo
a. Thời Lê Sơ: (1428 - 1527) Sau cuộc chiến ròng rã 10 năm, cuộc kháng chiến chống quân Minh đã đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 15/4 năm Mậu Thân, Lê Lợi chính thức lên ngôi hoàng đế mở ra triều đại nhà Lê. Nhà Lê trị vì đất nước 99 năm và trải 10 đời vua gồm
- Lê Thái Tổ (1428-1433);
- Lê Thái Tông (1434-1442);
- Lê Nhân Tông (1443-71459);
- Lê Thánh Tông (1460-1497);
- Lê Hiến Tông (1497-1504);
- Lê Túc Tông (1504);
- Lê Uy Mục (1505-1509);
- Lê Tương Dực (1510-1516);
- Lê Chiêu Tông (1516-1522);
- Lê Cung Hoàng (1522-1527).Nhà nước phong kiến Lê Sơ được thành lập trong bối cảnh nền văn hóa bị hủy hoại nghiêm trọng, xã hội đầy rẫy những khó khăn. Hai mươi năm giặc Minh đô hộ, những công trình Phật giáo nổi tiếng một thời như chùa Long Đọi, tháp Chương Sơn… đều bị phá hủy. Trong bối cảnh hệ tư tưởng thống trị của triều đình thời Lê Sơ là Nho giáo, Phật giáo cùng các tôn giáo khác lâm vào cảnh tưởng chừng như suy tàn.
Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống và là nền tảng để xây dựng mọi thể chế chính trị và xã hội. Thời kỳ đầu, nhà nước ngăn cấm việc dựng chùa, đúc chuông, tạc tượng mà đẩy mạnh xây dựng cung điện đền đài, lăng mộ, văn miếu... mang nặng tư tưởng Nho giáo. Do đó thời gian này kiến trúc Phật giáo không phát triển. Kiến trúc được xây dựng phổ biến là kiến trúc cung đình, đình làng (ra đời và phát triển rầm rộ theo thiết chế Khổng giáo) và kiến trúc lăng mộ… Dưới thời Lê Thánh Tông, năm 1461 ban hành sắc lệnh “chùa quán nào không có ngạch cũ thì không được tự tiện làm mới”. Thời Lê Sơ, muốn làm tăng nhân, nhà sư phải thi nhiều cuộc thi tuyển chọn lựa, phải làu thông kinh sử và tuổi tác trên 50. Những cấm đoán của nhà nước như ban hành các đạo luật hạn chế Phật giáo, hạn chế xây dựng chùa chiền và phát triển tăng lữ khiến các ngôi chùa lớn khó có điều kiện ra đời. Tuy nhiên, đạo Phật với sức sống mãnh liệt vẫn được quần chúng và một bộ phận tầng lớp trên tin theo. Các nhà vua như Lê Thánh Tông vẫn vịnh cảnh chùa với các bài thơ tuyệt bút vịnh chùa Trấn Quốc, chùa Pháp Vân… Các lễ hội tâm linh như rước Tứ Pháp vẫn được tổ chức. Chùa chiền vẫn là nơi sinh hoạt của tín ngưỡng dân gian, đạo Phật đã hòa chung vào dòng chảy văn hóa dân tộc không thể tách rời.
b. Thời Mạc: (1527 - 1592) Sau một thế kỷ tồn tại, nhà nước Lê Sơ với hệ tư tưởng Nho giáo đã suy yếu hoàn toàn. Mạc Đăng Dung, một cận thần có thế lực lên ngôi vua, lập ra triều đình nhà Mạc, một giai đoạn mới đầy biến động được mở ra trong lịch sử. Nhà Mạc trải năm đời vua kéo dài 65 năm, năm 1592 rút lên Cao Bằng và suy tàn hẳn vào năm 1677. Năm đời vua gồm Mạc Đăng Dung (1527-1529), Mạc Đăng Doanh (1530-1540), Mạc Phúc Hải (1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1546-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1592).
Từ thời Mạc, Nho giáo không còn giữ vị trí độc tôn nữa, nhà Mạc tuy vẫn lấy hệ tư tưởng Nho giáo làm chính thống nhưng không hạn chế những tư tưởng phi Nho khác. Kiến trúc Phật giáo bắt đầu có những dấu hiệu hồi sinh sau trăm năm bị hạn chế dưới nhà nước Lê Sơ. Sự lớn mạnh của Thiền tông và các tông phái khác được du nhập rầm rộ trong thời kỳ này đã khiến kiến trúc có nhiều thay đổi đáng kể. Hàng trăm công trình chùa tháp được tu sửa và làm mới thời kỳ này (theo số liệu thống kê của Viện Mỹ thuật là 142 chùa) nhưng con số thực tế còn lớn hơn nhiều.
Các công trình tôn giáo tín ngưỡng bị cấm đoán dưới thời Lê Sơ được khởi sắc trở lại. Đạo Phật trong giai đoạn này phát triển rộng khắp, chủ yếu trong quần chúng nhân dân. Phật giáo mang tư tưởng bác ái, làm điều lành, tránh điều dữ và có những hòa đồng nhất định với các tôn giáo khác đã thỏa mãn được nhu cầu và phù hợp với tư tưởng của nhân dân. Càng về cuối thời Mạc, trong bối cảnh nội chiến liên miên, số lượng chùa chiền được tu sửa càng nhiều, điều này cho thấy nhu cầu thờ cúng Phật giáo là một sinh hoạt tinh thần vô cùng quan trọng và cần thiết ở nông thôn Việt Nam thời bấy giờ. Một số quý tộc thời Mạc đã đóng góp tiền của tu sửa chùa chiền như tu sửa chùa Phổ Minh (Nam Định), làm chùa Nhân Trai (Hải Phòng), Trà Phương (Hải Phòng), Bối Am… Nhiều ngôi chùa làng được xây dựng và trùng tu như chùa Thượng Trưng, chùa Hạ (Vĩnh Phúc), chùa Nành (Hà Nội), chùa Ða Tốn (Gia Lâm), chùa Bối Khê (Hà Tây), chùa Hương Trai (Hà Tây)…
- Những công trình Phật giáo tiêu biểu
a. Thời Lê Sơ: Chùa chiền trong thời Lê Sơ không được dựng mới nhiều nhưng vẫn được trùng tu tôn tạo. Năm 1434, triều đình cho làm lại chùa Báo Thiên, đại thần Lê Sát tổ chức xây chùa Thanh Đàm và Chiêu Đô (rộng hơn 90 gian). Đời Hồng Đức (1470-1479), vua Lê Thánh Tông mở mang chùa Minh Độ (Hưng Yên). Năm 1499 tu sửa chùa Thầy (Hà Tây) và để lại bệ tượng vua Lý Thần Tông với các hình chạm sóng nước, rồng mây xen kẽ hình con tiện ảnh hưởng phương Bắc… Theo văn bia để lại, chùa làng thời kỳ này cũng được nhân dân quyên góp tu sửa như chùa Kim Liên (Hà Nội) năm 1445, chùa Đại Bi (Bắc Ninh) năm 1490, chùa Vô Vi (Hà Tây) năm 1515, chùa Bối Khê (Hà Tây) năm 1515… Dấu tích mỹ thuật thời Lê Sơ còn lại trên các chùa rất ít ỏi, có nơi lưu giữ được bia (như chùa Kim Liên, Bối Khê), có nơi thì những thành phần kiến trúc tu sửa của thời kỳ sau đã thay thế hầu hết. Những di vật đáng giá về kiến trúc Phật giáo hiện còn là tháp đá Huệ Quang, vốn có từ thời Trần được đại trùng tu thời Lê Sơ, bệ tượng bằng gỗ chùa Thầy…
b. Thời Mạc: Các ngôi chùa khởi dựng trong thời kỳ này hầu hết là những ngôi chùa được dựng nên ở các làng xóm nông thôn, ít có công trình lớn do nhà nước đứng ra xây dựng. Tuy nhiên, cũng hiếm các công trình xây mới hoàn toàn mà thường là trùng tu hoặc làm lại. Những di tích, công trình khởi dựng hoàn toàn còn dấu tích của thời Mạc đến nay còn rất ít, cho nên bài viết có đề cập thêm một số di tích có niên đại xây dựng sớm hơn còn lưu giữ được di vật từ lần trùng tu trong thời Mạc.
+ Chùa Cập Nhất (Hưng Yên) niên đại trùng tu thời Mạc năm 1530 và 1536. Còn lưu giữ được một số mảng chạm trang trí đề tài rồng, mây lửa tại Thượng Điện, pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng gỗ cao 80cm.
+ Chùa Cói (Vĩnh Phúc) công trình bị phá hủy trong chiến tranh nhưng chúng ta còn lưu giữ được tư liệu ảnh và đạc họa năm 1939 của Trường Viễn Đông Bác Cổ, giúp hình dung toàn bộ kiến trúc ngôi chùa thời kỳ này.
+ Chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc) lưu giữ được tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Đây được coi là pho tượng đẹp tiêu biểu cho nghệ thuật thời Mạc.
+ Chùa Đông Ninh (Hải Phòng) kiến trúc hiện nay mới hoàn toàn, di vật thời Mạc còn thành bậc đá trước nhà Tiền Đường với trang trí hai hình sấu, hai thành bậc hai bên chạm mây và sóng nước.
+ Chùa Hòa Liễu (Hải Phòng) còn thành bậc chạm rồng, ba pho tam thế, hai pho Ngọc Hoàng, một pho Quan Âm và Tổ bằng đá. Ngoài ra, động bên phải chùa có một pho tượng bằng đá cũng từ thời Mạc.
+ Chùa Ngo (Hà Tây) được trùng tu lớn thời Mạc còn tòa Thượng Điện 1 gian hai chái, dấu vết còn lại ở 3 đầu dư và 2 đầu bẩy. Chùa có một số tượng đất sét đã hư hỏng, và tấm bia dựng năm 1589.
+ Chùa Nhân Trai (Hải Phòng) niên đại năm 1590, còn lưu giữ các di vật sau: 2 thành bậc đá hình rồng và 4 thành bậc mây xoắn, tượng Ngọc Hoàng và bia đá.
+ Chùa Trà Phương niên đại năm 1562 (Hải Phòng) còn lưu giữ phù điêu đá tương truyền là bà Nguyễn Thị Ngọc Toàn, vợ vua Mạc Đăng Dung, tượng đá vua Mạc Đăng Dung, 5 bệ tượng Phật, một bia đá lập năm 1562 và hai đôi sấu đá đặt ở nhà bia.
+ Chùa Thượng (Hà Tây) cuối thế kỷ 16, còn một số vì kèo tại Tiền Đường với những mảng chạm đánh vật, mây xoắn và hươu, hai thành bậc đá chạm hình lân.
Một số chùa thực chất là quán đạo như chùa Mui (Hà Tây), lưu giữ được tòa Thượng Điện với các trang trí mang dấu ấn thời Mạc, là công trình có bộ mái duy nhất từ thời Mạc đến nay. Chùa Sổ (Hà Tây) lưu giữ được nhiều gạch trang trí hoa văn, một số điêu khắc đầu dư chạm rồng, tượng Ngọc Hoàng và bia đá dựng năm 1590.
Nhiều chùa thời Lý Trần lưu giữ được một số di vật qua lần trùng tu thời Mạc nhưng không còn nhiều như chùa Chúc Thánh (Hà Tây), còn lưu được các viên gạch trang trí thời Mạc, tượng Quan Âm và bia. Chùa Dâu còn bộ tượng Tam thế, chùa Bối Khê (Hà Tây) còn tượng quan âm, tượng hậu Phật và vài mảng chạm gỗ kiến trúc. Chùa Dương Liễu (Hà Tây) còn 3 vì kèo gỗ ở tòa Thiêu Hương. Chùa Đậu (Hà Tây) có từ thời Lý Trần và được trùng tu lớn vào thời Mạc, di vật hiện còn một số thành phần kiến trúc tại tòa Tiền Đường và ván bưng tầng 2 gác chuông, một số gạch trang trí hình con thú, lá cây. Chùa Phổ Minh còn cây tháp đất nung sau chùa, tượng bà chúa Mạc. Chùa Tổng (Hà Tây) còn ba bộ tam thế gỗ, bia đá ghi rõ đợt đại trùng tu năm 1579. Chùa Thầy (Hà Tây) còn lưu được một vài bộ phận chạm khắc ở vì kèo tòa Thiêu Hương, khám thờ Từ Đạo Hạnh, ba pho Tam thế (được coi là điển hình cho tượng Tam thế thời Mạc) và bia đá năm 1538. Chùa Trăm Gian (Hà Tây) còn bệ tượng Tam thế đất nung lớn trang trí cánh sen, chim thần garuda, trang trí các đề tài rồng, lân, hổ, voi và hoa lá… Chùa Vĩnh Phệ (Hà Tây) còn một số mảng chạm trên đầu dư, ván rốn nhện và trụ giá chiêng, hai bệ tượng Phật bằng gỗ và hai bia đá lập năm 1578 và 1589.
- Đặc điểm kiến trúc
Mặc dù có một phong cách mỹ thuật Lê Sơ với những đặc trưng so với các thời kỳ khác, nhưng do biến động xã hội và chính sách nhà nước đã khiến cho kiến trúc Phật giáo không có tiếng nói mỹ thuật và kiến trúc thời kỳ này. Như vậy, về mặt kiến trúc Phật giáo, các công trình thời Lê thực chất là không có nhiều và không đủ tư liệu để xác định được những nét đặc trưng kiến trúc. Do đó phần này, bài viết tập trung nghiên cứu về kiến trúc và đặc điểm kiến trúc Phật giáo thời Mạc.
Trong các ngôi chùa thời Mạc còn lại đến ngày nay thì kiến trúc bị chắp vá nhiều, thời gian và chiến tranh làm cho các công trình có giá trị đã bị hủy hoại. Chỉ dựa vào văn bia, khám thờ, tượng tròn mà các nhà nghiên cứu xác định được niên đại thời Mạc cho phần nhiều di tích. Một vài di tích còn giữ được một số mảng chạm khắc như chùa Giám (Hưng Yên), chùa Nhân Trai (Hải Phòng). Những ngôi chùa còn dấu tích kiến trúc nhiều nhất là một gian Thượng Điện như chùa Ngo (Hà Tây), chùa Bà Tấm (Hà Nội), chùa Cói (Vĩnh Phú), tòa Thiêu Hương chùa Đông (Hà Tây). Chùa Cói, ngôi chùa đã bị phá hủy trong chiến tranh nhưng rất may chúng ta đã lưu giữ được các bản vẽ tương đối đầy đủ góp phần phác họa hoàn chỉnh điện mạo kiến trúc chùa thời Mạc.
+ Vị trí, thế đất
Các công trình chùa thời Mạc chủ yếu vẫn tập trung và phát tiển ở đồng bằng Bắc Bộ (nhất là ở Hưng Yên, Hải Phòng), dọc các triền sông Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, rồi Hà Nội. Sau đó là những vùng ven biển vào tới Thanh Hóa (3 chùa), Nghệ An (3 chùa). Di tích thời Mạc gặp được ở trên diện rộng chứng tỏ vai trò của người Kinh được phát triển ở một địa bàn rộng hơn. Nhiều di tích của thế kỷ 16 đã được mở rộng hơn ra các hải đảo, ven biển, ven sông, tập trung quanh các trung tâm văn hóa kinh tế thời đó, đồng thời có xu hướng phát triển về phía trung du và miền núi. Như vậy, trong nhà Mạc, thời kỳ thương nghiệp phát triển, các đường sông lên đến các miền trung du, miền núi hay ven biển đã mở ra những con đường giao thông thủy, đồng thời cũng mở ra những vùng đất mới xây dựng kiến trúc Phật giáo.
Các pho tượng và di vật cổ thời Mạc cũng được tìm thấy dọc triền sông Hồng, sông Đáy và các chi lưu. Điều này cho thấy, ngôi chùa luôn được ưu tiên xây dựng gần nguồn nước, gần đường giao thông thuận tiện thời đó. Ngôi chùa vốn trước đây gắn liền với những nơi hành lễ nghiêm trang, trở về hòa nhập với xóm làng, gắn bó với người nông dân lao động. Các khu đất được chọn xây dựng chùa rộng rãi, thoáng đãng không xa khu dân cư. Điều này là một trong những nguyên nhân phát triển kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc“. Kiểu kiến trúc sử dụng không gian nửa kín nửa hở để tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng vẫn gần gũi với nhân dân. Đủ để thỏa mãn yêu cầu tu hành được thiền sư Pháp Loa đã viết trong sách Tam Tổ Thực lục “cảnh không gần nhân gian mà cũng không xa nhân gian, vì gần thì ồn ào, mà xa thì không ai giúp đỡ cho. Cảnh có thể là chỗ yên nghiệp để dưỡng thân, nuôi tính, tâm linh sáng suốt…”.
+ Tổ hợp không gian
Về bố cục mặt bằng, có chùa nhỏ chỉ gồm một tòa Thượng Điện một gian hai chái hoặc chỉ là những ngôi chùa hình chữ công, nhưng phổ biến và điển hình nhất trong thời gian này là lối bố cục mặt bằng kiểu “nội công ngoại quốc”. Trước cổng chùa thường có cổng tam quan và sau chùa có gác chuông hai tầng, kiến trúc tách rời độc lập với khối nhà chính. Đối với các công trình kiến trúc Phật giáo thời kỳ này, ngôi tháp nhỏ thường là tháp mộ không đóng vai trò quan trọng trong tổng thể.
Phật giáo phổ biến tới các làng xã, đồng hóa với các tín ngưỡng dân gian, song hành với các tôn giáo khác tạo nên không gian kiến trúc vô cùng khác biệt với các thời kỳ trước. Lối bố cục chữ “công” manh nha xuất hiện từ thời Lý với nhu cầu chạy đàn, sang thời Trần (được biết qua những mô hình đất nung nung nhỏ chôn theo mộ sư), tòa ống muống được thêm vào tăng diện tích chùa và để hành lễ trong những ngày mưa gió. Nhưng đến thời gian này, sự phát triển của hệ thống tượng thờ và nhu cầu hành lễ đã khiến kiểu chùa chữ “công” ở thời Mạc trở thành phổ biến. Cuối thế kỷ XVI, kiểu chùa “nội công ngoại quốc” bắt đầu xuất hiện (dựa theo văn bia chùa Phúc Lâm - Hà Tây). Kiểu mặt bằng này tạo cho ngôi chùa một sự bề thế, khang trang, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Phật giáo một cách mạnh mẽ, mà vẫn giữ được khuôn viên vuông vắn, tạo nên một không gian cân đối, có chiều sâu, phù hợp với chức năng thờ cúng.
Nói chung, qua các thành phần kiến trúc rải rác trên thực địa và tư liệu văn bia cho thấy kiến trúc chùa tháp thời kỳ này về quy mô không to lớn như thời Lý Trần. Các ngôi chùa nhỏ, vóc dáng vừa phải, hòa vào làng xóm chung quanh. Tháp chủ yếu nhỏ lẻ, làm tháp mộ là chính. Điện chính thường là một gian bố cục chính giữa, các gian phụ bố trí bốn bên nhưng kích thước thường chỉ khoảng dài 12 mét mỗi cạnh. Bố cục này là bố cục hoàn chỉnh nhất của một ngôi chùa còn lưu giữ và phát triển đến các thời kỳ sau. Ngôi chùa gồm khối nhà phía trong (Tiền Đường - Thiêu Hương - Thượng Điện) hình chữ công (工), phía ngoài hình chữ khẩu (口) tạo nên hình chữ quốc (国) bao trùm, tuy trên thực tế, hai hình không hẳn lồng vào nhau mà có chung cạnh trên là tòa Tiền Đường. Hai đầu của nhà Tiền Đường nối với hai dãy hành lang chạy vuông góc hai bên nối với dãy nhà phụ phía sau (thường gồm nhà Tổ thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa, nhà Oản là nơi để làm oản cũng trong ngày lễ và nhà nghỉ ngơi cơm nước gọi là Nhà thụ trai) tạo nên một hình vuông khép kín bao ngoài khu thờ Phật.
Được xây dựng tại những khu vực tương đối bằng phẳng, mặt bằng chùa thường dàn trải theo một trục dọc hoặc hướng vào một tâm điểm. Nguyên tắc bố cục chung là cân bằng, quy củ hoặc tự do một cách có hệ thống dễ tạo được sự trang nghiêm cho công trình. Các lớp kiến trúc được dàn theo tuyến ngang và phân bố hai bên trục xuyên tâm này tương đối cân bằng, các lớp nhà ngang liên tục cắt trục dọc tạo cảm giác sâu hơn về không gian. Khu trung tâm thờ Phật trong kiến trúc nội công ngoại quốc thường được đắp nền cao hẳn so với các khối nhà chung quanh, với ý nghĩa vào chùa là lên với Phật, nói lên sự tiếp nối truyền thống xây dựng chùa thờ Phật từ những thế kỷ đầu Công nguyên, đó là từ hình tượng những cây tháp thờ Phật vươn cao.
Tựu chung lại, nguyên tắc xây dựng chùa tháp từ thời Mạc về sau luôn theo quy tắc khép kín, biệt lập với thế giới bên ngoài, tạo ra một không gian tôn giáo thiêng liêng. Tuy nhiên, ở trong không gian khép kín đấy, mối tương quan hài hoà chính là sự hoà nhập đường nét kiến trúc với các yếu tố thiên nhiên. Ðã vào trong khuôn viên chùa, thì các kiến trúc đều được làm theo dạng mở, kiến trúc chuyển tiếp nhau dần dần.
Trần Lan Chi (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 15, 2005]
Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ
Typography
- Smaller Small Medium Big Bigger
- Default Helvetica Segoe Georgia Times
- Reading Mode