PAKISTAN: Khai quật được di vật Phật giáo tại Taxila
Viện khảo cổ của chính phủ Pakistan đã khai quật được tám di vật điêu khắc hình đức Phật Di Lặc và thần Indra cùng những cận thần của ông, có niên đại từ thế kỷ thứ I Tây lịch, ở Islama, Taxila, Pakistan vào hôm 22/11/2004 vừa qua.
Theo tờ báo Daily Times, những di vật quý giá này được phát hiện trong lúc các chuyên gia Viện khảo cổ và Cơ quan bảo tồn di vật đang xúc tiến công việc bảo tồn ngôi tháp Dharmarajika, cách khoảng 35 km về phía Đông Bắc của viện bảo tàng Taxila.
Taxila là trung tâm Phật giáo rất cường thịnh kéo dài từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V. Nổi tiếng thế giới là những ngôi tháp được xây dựng vào thời vua Asoka và vua Dharma Raja của triều đại Mauryan. Những ngôi tháp này đã bị một số vị vua kì thị Phật giáo tàn phá, nhưng được vua Kaniska tái tạo lại vào thế kỷ thứ II. Sau đó, khu vực này bị quân Hồi giáo xâm chiếm, và hầu hết kiến trúc nghệ thuật Phật giáo tại đây đã bị thiêu phá.
Các nhà khảo cổ đã xác nhận rằng, một trong những di vật được khai quật đã mô tả "ngày đản sinh của đức Phật Di Lặc theo kinh điển và lịch sử Phật giáo". Các di vật được làm bằng diệp thạch nho đen và thạch đá màu xanh trong giai đoạn thế kỷ thứ I hay thế kỷ thứ II Tây lịch.
Ông Johan Marshall là người đầu tiên khám phá nơi này vào năm 1920. Từ đó đến nay, rất nhiều di vật được tìm thấy ở đây. Hiện nay, những di vật được khai quật tại Taxila thuộc nghệ thuật Phật giáo đang được lưu giữ tại những bảo tàng nổi tiếng trên thế giới.
Pakistan là quốc gia có dân số phần lớn theo Hồi giáo, nhưng Chính phủ rất quan tâm đến việc khảo cổ và bảo tồn những di tích về nghệ thuật kiến trúc Phật giáo. Vì những di tích này không những là bảo vật quý giá của Phật giáo mà còn là của quốc gia cũng như của thế giới.
Từ Quang.
[Tập san Pháp Luân - số 9]