Đào Tấn là một nhà thơ lỗi lạc, nhà viết tuồng xuất sắc, một đạo diễn tuồng tài hoa, và cũng là một nghệ sĩ tuồng tiên phong trong cách tân, phát triển nghệ thuật tuồng (hát bội) của miền Trung và cả nước vào hậu bán thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Ông đã được tôn xưng là hậu Tổ của ngành sân khấu hát bội, có đền thờ ở Gia Hội, Thừa Thiên – Huế.
Đào Tấn tự là Chỉ Thúc, biệt hiệu Mộng Mai – khi lên tu ở chùa Linh Phong (tục gọi là chùa Ông Núi) có thêm đạo hiệu là Mai Tăng; sinh ngày 27/2 Ất Tỵ (Thiệu Trị thứ 2- 1845), chánh quán thôn Vinh Thạnh, xã Phước Vân- huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sinh quán thôn Tùng Giản – xã Phước Hòa - huyện Tuy Phước – Bình Định. Ông thi đỗ Cử Nhân năm Tự Đức 20 (1867), trải qua hơn ba mươi năm nhậm chức dưới các triều vua nhà Nguyễn, đã từng là Tham Tri, Phủ Doãn, Tổng Đốc, Thượng Thợ (cả bốn bộ), Hiệp Tá Đại học sĩ (1898), Cơ Mật Viện đại thần… Đào Tấn đã viết (và nhuận sắc) hơn 20 vở tuồng; sáng tác gần 1000 bài thơ, từ, tản văn, liễn đối trong các tập: “Mộng Mai Ngâm Thảo”, “Mộng Mai Thi Tồn”, “Mộng Mai Từ Lục” và “Mộng Mai Văn Sao”… Ông mất vào ngày rằm tháng 7 năm 1907, phần mộ được an táng tại núi Hoàng Mai, gần quê nhà – đúng theo sở nguyện của ông đã định trước; hưởng thọ 63 tuổi.
Cuộc đời đa tài và đa truân của ông trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động: Quân Pháp từng bước xâm lăng, đặt nền đô hộ; triều đình rối ren, tha hóa; xã hội giao thời đảo lộn, thiện – ác bất phân; nhân tâm ly tán; thì có rất nhiều lĩnh vực để tìm hiểu, để đào sâu nghiên cứu, để tiếp thu ngưỡng mộ. Nhưng với bài ghi nhận ngắn về Đào Tấn hôm nay, chúng tôi chỉ xin được đề cập, bàn bạc tới một khía cạnh khá tế nhị, thường ẩn khuất, bàng bạc; đã là động cơ quan trọng tác động tới cuộc đời và tác phẩm của ông – nhất là những năm tháng cuối đời - đó là: “Tầm ảnh hưởng của đạo Phật trong cuộc đời và sáng tác của Đào Tấn”.
Khi đang làm quan ở Huế, Đào Tấn có lập nhà hát riêng, ông viết hai câu đối ở cửa rạp:
“Thiên bất dữ nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ
Sự đô như hý, hà tu giả xứ tiếu phi chơn”.
(Thời chẳng cho nhàn, tìm chút thảnh thơi trong bận rộn. Việc như đùa cợt, lọ cười chỗ giả chẳng là chơn).
Ngoại trừ một vài bản tuồng khởi đầu viết theo các quan niệm “Trung quân”, “Đạo hiếu” trong tầm ảnh hưởng của Nho giáo; Đào Tấn đã sớm thấy các học thuyết, xưa cũ của nhà Nho, không còn phù hợp với những biến chuyển, đổi thay của thời thế – nhất là không giúp ông giải thoát các bế tắc trong cuộc sống, cũng như sáng tác; Đào Tấn đã bắt đầu chuyển hướng đến một mục đích thiết thực hơn, chọn “Văn dĩ tải đạo” để ca ngợi, xiển dương mẫu người cao thượng, anh hùng; đồng thời lên án, nghiêm khắc đả kích bọn gian ác, bạc tình bạc nghĩa trong hầu hết các kịch bản tuồng của ông. Hai câu đối ở rạp hát “Như Thị Quan” đã ngầm nói lên ý hướng của ông trong việc dùng nghệ thuật để cải hóa, làm đổi thay thực trạng xã hội suy thoái đương thời. Quan niệm về “Giả và chơn”, rất gần với ý niệm “Hữu vi và vô vi” của pháp không – “Thực tướng” của đạo Phật.
Ngày còn sống, Đào Tấn đã chọn sẵn cho mình một cuộc đất để làm mộ; nhân đó, ông có viết một bài thơ:
“Nhàn hướng Mai Phong, bốc thị viên
Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn
Mai sơn tha nhật tàn mai cốt
Ứng hữu mai hoa tác mộng hồn”.
(Ngâm Thảo)
Bản dịch của Mịch Quang:
Lên đỉnh núi Mai tìm đất thọ
Đứng trên mỏm đá lặng yên cười
Núi mai rồi gửi xương mai đấy
Ước mộng hồn ta hóa đóa Mai.
Chỉ có những người xem thường sự sinh tử, xa lìa mọi quyến rũ của trần thế, có tâm hồn trong sáng và an tịnh, mới có thể viết nên bốn câu thơ tứ tuyệt thanh thoát, nhi nhiên vừa nêu trên. Đào Tấn đã ý thức sâu sắc về các tư tưởng cốt lõi của đạo Phật: khổ, sinh, diệt, luân hồi, nhân quả, duyên khởi, vô thường; nên đã có lần thốt lên: “Viên thiểu phiên đa khuyết; Thượng huyền sơ đáo hạ huyền thời” (Trăng tròn ít, khuyết lại nhiều, mới thượng huyền đấy, đã hạ huyền rồi!) – (Ngu Mỹ Nhân).
Năm Thành Thái thứ 15 – đang ở vào tuổi 59, ông đã tự đề thơ lên bức chân dung của mình như sau:
“Vi tiếu lậu thiên ky
Phong trần không, mãn y
Linh Phong tam thập tải
Vị kiến thử tăng quy”
(Cười mỉm lộ máy đạo
Bụi đời bám đầy áo
Xa chùa ba chục năm
Sao chưa về – Sãi lão?)
Lần thứ nhất, năm 1884, Đào Tấn xin cáo về quê, lấy cớ là cư tang cha và phụng dưỡng mẹ già – Đào Tấn đã lên ẩn tu ở chùa Linh Phong (chùa Ông Núi); ngày đêm tham cứu kinh sách và học Thiền; qua bài “Mai Tăng tiểu chiếu” vừa nêu, người đọc đã thấy rất rõ “chân dung” của ông: Một lão tăng an nhiên chờ “đủ duyên” để trở về với chốn thiền môn như xưa, an lạc và thoát tục.
Thời gian tu học ở chùa Linh Phong không dài (chỉ có ba năm)- nhưng với thời gian ấy một con người có trí tuệ, đã kinh qua bao thời kỳ thịnh suy, có tâm hồn trong sáng đầy nhân ái như Đào Tấn; chắc chắn những tư tưởng siêu tuyệt của đạo Phật đã đi vào máu thịt và hơi thở của ông – bởi vì, đó cũng là con đường giải thoát tất yếu, chân thật nhất mà ông đã khổ công mới tìm thấy được.
Ông đã viết bài “Đường Luật ngôn chí” tỏ bày ý hướng:
“Thập niên hồ hải quy lai mộng,
Nhất cảnh yên hà tự tại thiên,
Giai sĩ từ bi ninh thị Phật
Sơn ông danh tự bán nghi tiên”.
(Mười năm vùng vẫy chỉ là giấc mộng.
Một cảnh mây ráng là tự tại
Kẻ sĩ mà từ bi đã là Phật
Chùa Ông Núi – nửa ngờ ông là Tiên.
Lần thứ hai, năm 1904 được về nghỉ hưu vĩnh viễn, Đào Tấn cũng đã lui tới, an nghỉ nơi chốn chùa xưa với một tâm hồn giải thoát, an lạc trọn vẹn của một người được dứt lìa hẳn quan trường, cuộc thế, áo cơm, để vui cùng với pháp vị; để “ngửi được mùi hương trong khóm lau”; để sống an hòa với thiên nhiên, cây cỏ, sông núi mà tìm lại chính mình.
Có sự đồng cảm nào tuyệt vời hơn với vạn pháp, qua hai câu:
“Mạc tương thanh lệ khấp hoa chi
Khủng hoa dã như nhân sấu!”.
Bản dịch của Mịch Quang:
Lệ trong đừng rưới hoa tươi
Sợ hoa rồi cũng như người héo hon
Thấm đượm sâu sắc thiền vị:
“Xuân vân sơn ngoại sơn
Lê hoa tân nguyệt hạ”.
(Mây xuân trên đỉnh núi vẫn lơ lửng bay, hoa lê nở trắng dưới ánh trăng non).
Trong bài “Tiểu xuân”, ông viết:
“Niên niên bạch phong xuân quy khứ
Vô đoạn hưu thi phong hòa vũ”
(Hết năm này đến năm khác, buông trôi cho mùa xuân đi qua; vô tình lại là mưa và gió). Khắc họa sâu đậm rõ nét hơn trong bài “Lưu xuân”:
“Thiếc mạc oán đông phong
Đông phong chánh oán mùng”.
(Chớ nên oán gió xuân. Gió xuân đang oán ta).
Tại sao gió xuân lại oán ta? Có ai đã đặt ra câu hỏi và đã trả lời trọn vẹn chưa?
- Có lẽ, chỉ có những tâm hồn thâm thúy đồng điệu, hòa nhập được với bao la vũ trụ mới có thể cảm và hiểu hết chăng? Cũng như ông đã nhìn muôn hạt mưa bay, mà kêu lên: “Hoa như mang mang; Vạn điểm sầu nhân tự” (Tống Xuân) – (Ngoài trời muôn sợi tơ vương; Giống như ngàn vạn nỗi buồn nhân gian).
Trong bài “Như Mộng Lệnh”, một lần nữa, nỗi buồn và cô độc của kiếp nhân sinh trong cõi trầm luân, đã bắt đầu cho sự quay lại, trở về; sự giác ngộ mở ra trong ông:
“Xuân dạ tiểu lâu hàn trọng
Hoa sáp đảm bình hương đống
Chúc lụy quán hồng châu
Thấu nhập nguyệt ngấn song phùng
Như mộng
Như mộng
Hà xứ hiểu chung xuy tống”.
(Đêm xuân, lầu nhỏ, lạnh nhiều
Hoa trong bình mùi thơm đóng băng
Cây đèn nến khóc rơi những giọt nước mắt hồng,
vết sáng trăng xuyên vào khe cửa sổ.
Như chiêm bao
Như chiêm bao
Tiếng chuông sớm từ đâu theo gió đến)
“Tiếng chuông sớm” trong “Như mộng lệnh” phải chăng là pháp hỷ tối hậu mà Đào Tấn đã cảm được qua nhiều phen tận mắt thấy “Đa sự xuân phong xung mộng tản” (Lắm chuyện đời gió xuân thường thổi tan giấc mộng)? Trong bài “Tử dạ ca nhi thủ”, Đào Tấn cũng đã nghe được pháp âm “Tiếng vọng của non cao” bất khả tư nghì:
“Triêu tư xuất tiền môn
Một tư hoàn hậu chữ
Ngữ tiếu hướng thùy đạo ?
Phúc trung âm ức nhữ
Dạ trường bất đắc miên
Minh nguyệt hà chước chước
Tưởng văn tán hoán thanh
Hư ứng, không sơn nặc”
Bản dịch của Vũ Ngọc Liễn:
(Sớm tinh ra cổng trước
Chiều toan về bến sau
Nói cười cùng ai nhỉ?
Thầm nghĩ nhớ thương nhau
Đêm dài không ngủ được
Trăng lấp lánh chi nào
Nghe như xa vang gọi
Tiếng vọng của non cao).
Nếu trong thơ Đào Tấn bày tỏ tâm nguyện, cảm xúc một cách bóng bẩy, ẩn dụ sâu kín; thì ngược lại trong tuồng, Đào Tấn lại dàn trải chi tiết, cụ thể, giản dị, để dễ tạo ấn tượng sâu đậm cho người thưởng ngoạn mà phần đông là giới bình dân. Như đã đề cập sơ quát phần trước, mẫu nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm Đào Tấn là người anh hùng, người “hành thiện, diệt ác” – người cứu nạn cho muôn người – đó cũng là biểu tượng cho tinh thần “Bi – Trí Dũng” của Đạo Phật. Hầu như trong tất cả các vở tuồng mà ông đã sáng tác (hay nhuận sắc, sửa chữa) cũng đều thể hiện rất rõ lời Chư Phật dạy:
“Không làm các điều ác
Siêng làm các hạnh lành
Giữ tâm luôn trong sáng”.
(Kinh Pháp cú)
Để làm sáng rõ, biểu dương điều thiện, Đào Tấn luôn có những nhân vật phản diện – đó là bọn gian ác, bất nhân, bất nghĩa luôn chạy theo danh lợi, để cho ba độc “tham , sân, si” lôi cuốn, xô đẩy vào chốn tội lỗi, đọa đày; kết quả là đã “gieo nhân nào, gặt quả ấy” – phù hợp với thuyết “nhân quả – luân hồi” như một định luật tất yếu không thể đổi thay.
Trong tuồng “Trầm Hương Các”, Đào Tấn cũng đã tiến xa hơn trong việc “Văn dĩ tải đạo”, đưa ra hai hình tượng Đát Kỷ. Đát Kỷ – cô gái ngây thơ trong trắng và Đát Kỷ – khi bị hồ ly nhập hồn: Đó là ý nghĩa của lời Lục Tổ Huệ Năng đã dạy: “Tâm chánh là Phật, tâm tà là ma”. Lớp tuồng Địa Tạng Vương Bồ Tát tiếp dẫn hương hồn Đát Kỷ thật (đầy đủ Phật tánh) đưa về cõi Phật. Hồn Đát Kỷ thật (Tâm Chánh) hát:
“Thỉnh Phật ngôn hương hồn siêu thoát
Đoán nhân hoàn một bước một xa
Ngậm ngùi nhớ mẹ thương cha
Biết đâu căn kiếp con ra nỗi nầy
Bồi hồi lướt gió xông mây
Nam Mô A Di Đà Phật !
Từ bi xin chứng lòng này đắng cay”
Trong “Hộ Sinh Đàn”, khi Dương Tú Hà tự vẫn, nàng đi vào cầu nguyện ở miếu Quan Âm, cũng đã được Phật Quan Âm thấu cảm, tiếp độ, rước hồn về Tây phương; Phật Quan Âm đã nói:
“Chi vị tôn giả
Kim Tú Hà tiết liệt bất di
Tùng Phật địa thung dung tự tại
Bất phụ ân vi nghĩa
Thủ toàn tiết vì trinh
Dĩ mạo đạt thiên đình
Đắc siêu sinh tịnh độ”
Còn với nàng Lan Anh – một hình tượng khác của tấm lòng trong sạch, cao thượng, nghĩa khí, khi lưu lạc, gặp hoạn nạn; phải sinh nở giữa rừng – Đào Tấn cũng đã cho “Thần phái Hộ thai sứ giả” đến cứu giúp, chúng ta có thể suy biết, vị “thần Hộ thai” ấy, chẳng phải là ai khác, mà chính là hóa thân của Bồ-tát cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm:
“Hộ thai sứ giả!
Truyền sứ giả đăng đàn
Cấp thích ngô thần mạng
Vả Trần thị một người hiếu hạnh
Cùng Tiết gia giữa cuộc gian nan
Thai sản rày đương lúc lỡ làng
Anh linh phải hết lòng giúp đỡ…”.
Tương tự như đã dẫn, lớp “Hoàng Phi Hổ nằm miễu”, thấy hồn Giả Thị hiện về báo tin nguy, bảo chàng lánh nạn, tránh được cơn nguy biến; chúng ta càng thấy rõ hơn một quan niệm đạo đức phổ biến là “ở hiền, gặp lành”, hay “người ngay luôn có kẻ giúp” – đó là bước khởi đầu của thuyết “nhân quả” và “duyên khởi” trùng điệp, nhiệm mầu. Chỉ có người có tâm thành, trong sáng, hành thiện, mới có sự thông đạt vi diệu với cõi khác như Hoàng Phi Hổ…
Ở một lớp tuồng khác, mẹ của Đổng Kim Lân đã nói với con lời nói thấm đượm nghĩa tình, chứa chan tình Đạo:
“… Mẹ đã dạy con hoài, con không nhớ sao?
Tử sinh hà túc toàn
Tu tri tử nhật thị sinh niên…”
(Tử sinh đừng tính toán, con nên nhớ ngày mẹ chết tức năm sinh – Sơn Hậu).
Ý thức cao cả của hàng Bồ-tát, hàng Chư Thánh, “Nguyện sát thân ngõ đặng thành nhân” – Nguyện xả thân để được làm Người (Khuê Các Anh Hùng); cũng đã được Đào Tấn ca ngợi, soi sáng cho những tâm hồn còn u tối, mê lầm; trong nhiều tác phẩm tuồng của ông. Trong các tác phẩm do ông sáng tác, có thể kể đến các tuồng đã thấm đượm sâu sắc nhất tư tưởng đạo Phật – và cũng là những vở tuồng hay nhất; đó là: Diễn Võ Đình, Trầm Hương Các, Quan Công Hồi Cổ Thành, Hoàng Phi Hổ Quá Giới Bài Quan, Hộ Sinh Đàn. Đào Tấn đã cải biên nhiều tuồng, tuy nhiên chỉ còn lưu lại bốn vở tuồng được coi là tiêu biểu: Sơn Hậu, Khuê Các Anh Hùng, Đào Phi Phụng và Ngũ Hổ Bình Liêu.
Trong một bài tham luận về Đào Tấn, nhan đề “Đào Tấn qua Thơ, Từ và Kịch bản tuồng”. Ông Hồ Đắc Bích đã xác nhận: “Văn thơ và tuồng của Đào Tấn chưa tìm được hết, công tác dịch thuật tác phẩm của Đào Tấn cũng chưa làm được bao nhiêu; vì vậy mà sự phân tích, đánh giá Đào Tấn ở đây chỉ là bước ban đầu”. Cũng trong bài viết này, ông đã khẳng định: “Đào Tấn là một nghệ sĩ yêu nước, là một nhà soạn tuồng xuất sắc, đã dựng nên những tác phẩm đầy tính nhân đạo, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa dân tộc…”.
Ở bài viết về Đào Tấn hôm nay, chúng tôi chỉ muốn khơi dậy, mở ra một hướng nhìn mới, chân xác và đầy đủ hơn, để lịch sử văn học mai hậu có thể tiếp cận, và đánh giá một cách công bình, trung thực về một con người đã gần như cống hiến trọn đời cho thơ ca và tuồng cổ Việt Nam… Với hơn 20 kịch bản tuồng và hơn 1000 bài thơ, từ, tản văn, liễn đối, trong gần 40 năm sáng tác, việc nêu lên tầm ảnh hưởng của đạo Phật với Đào Tấn cũng chỉ là bước đầu. Công việc nghiên cứu về ông cần phải được tiếp tục một cách trân trọng và chân xác – mới có thể hy vọng hiểu rõ được tâm nguyện, tài năng và công lao đóng góp của ông cho văn học, cho Đạo pháp…
Chú Thích:
1. Gia phả họ Đào, làng Vinh Thạnh, tổng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, Bình Định.
2. Thơ và từ chữ Hán do Nguyễn Thế Triết – Vũ Ngọc Liễn dịch.
3. Tuồng “Đào Tấn, Nhà Thơ, Nghệ sĩ Tuồng xuất sắc” của nhiều tác giả. Ty Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình 1978.
Mang Viên Long
Tập san Pháp Luân - số 77, tr68, 2011]