Chỉ cần mẹ cúi xuống trông thấy con, chỉ cần con ngước mắt trông lên thấy mẹ… Hình ảnh mẹ và con, hình ảnh con và mẹ hiện hữu nhiệm mầu như ảnh hiện nơi lưới đế châu. Giữa đạo tràng tử mẫu. Trong con có mẹ, trong mẹ có con, tương dung tương nhiếp, ảnh hiện trùng trùng…
Vì sao em là người
Có gì đâu em ơi!
Mỗi vì em thờ mẹ
Kính cha suốt suốt đời
Đó là pháp giới tính phi thời không gian: “Tình con yêu mẹ, phi thời không gian”.Nên tình mẹ yêu con cũng phi thời không gian. Bao giờ và bất cứ nơi đâu cũng vậy, trong mẹ thì có con, trong con thì có mẹ, một thực thể nhiệm mầu, phi “nhất nguyên tính”. Thực vậy, sở dĩ hai bầu vú mẹ có sữa cho con bú, là do vì có đôi môi hồng trẻ thơ ngậm bầu vú mẹ; đôi tay nuột nà mười ngón búp măng mẹ vuốt ve nựng nịu đòi bồng đòi ẵm. Có hình bóng “mẹ nghiêng ru hời”*, cầm bốn tao nôi ngồi hát, ấy vì có trẻ thơ nằm ngửa trong nôi mở mắt nhìn mẹ, nghe mẹ ru hời ru hỡi; em bé thơ ngây mỉm cười nhìn mẹ rồi nhẹ nhàng khép mắt chìm vào giấc ngủ thần tiên.
Nửa đêm lạc bước đời
Nước mắt ơi mẹ ơi
Hỏi thăm chân diện mục
Tiếng mẹ khuya ru hời
…Hỏi thăm khúc tâm ca
Tiếng mẹ ru mượt mà
Giọng mẹ ru trầm lắng
Dải lệ sương ngân hà
Hóa ra, không chỉ là em bé, không chỉ là trẻ thơ, mà còn có cả người lớn nữa.
Anh là người lớn, chị là người lớn. Anh lớn bao nhiêu năm? Chị lớn bao nhiêu tuổi? Cả anh và chị, dù rằng có thể anh chị đã những sáu, bảy chục, tám mươi tuổi trời… anh chị còn mẹ già trăm tuổi, thì mầu nhiệm thay, trong Trái Tim Mẹ Hiền, trong tâm thức mẹ hiền long lanh đôi vầng nhật nguyệt, dù anh chị có lớn bao nhiêu đi nữa, thì anh chị cũng chỉ là đứa trẻ thôi. Nói điều này có vẻ buồn cười, ngộ nghĩnh, nhưng thực tế với tình thương bao la nơi Trái Tim Mẹ Hiền, dù lớn bao nhiêu đi nữa anh chị hãy còn có cái quyền nằm ngửa trong nôi lắng nghe những cung bậc yêu thương dạt dào ngân nga từ tâm thức mẹ, những âm ba ngọt ngào lụng lịu phát ra từ đôi môi ấp úng khôn nói ra lời của mẹ già:
Mãi mãi là đứa trẻ
Mãi mãi trong lòng mẹ
Dẫu cát bụi luân hồi
Vẫn nguyên lời thỏ thẻ
Dẫu ba chìm bảy nổi, dẫu nghìn trùng đa đoan dâu bể, dẫu bao nhiêu cát bụi luân hồi thì con vẫn lắng nghe từ tiếng lòng mẹ: “vẫn nguyên lời thỏ thẻ”. Vậy thì cần chi nữa để phải:
Hỏi thăm chân diện mục
Tiếng mẹ khuya ru hời
Vâng, thưa anh thưa chị, chỉ cần anh chị biết lắng nghe và nghe ra được “tiếng mẹ khuya ru hời” là lập tức anh chị thấy ngay chân diện mục. Anh chị không phải bận lòng hỏi thăm ai nữa. Chân diện mục ấy chính là tình mẹ thương con. Lòng con ơn mẹ.
Cảm bút Tình Mẹ nơi Trái Tim Mẹ Hiền của nhà thơ Trụ Vũ, Hòa thượng Chơn Thiện dạy rằng: “Mẹ là tác nhân của sinh thành, trưởng dưỡng, nên tình mẹ là biểu tượng cho vạn hữu, pháp giới, những tác nhân hưng khởi tâm giải thoát và tuệ giải thoát”.
Xin ngưỡng mộ tư tưởng uyên áo của hòa thượng và xin tác bạch nối điêu, thưa rằng:
Con là quả phúc từ tác nhân sinh thành trưởng dưỡng của mẹ, nên hễ cứ lòng con nghĩ đến mẹ, trông thấy mẹ, thì con đã thể hiện một phần hiếu đạo rồi. Thỉnh thoảng, vẫn có ít người đôi khi quên mất mẹ mình. Mẹ sờ sờ trước mắt bằng da bằng thịt đấy, ngay trước đôi mắt anh chị đấy, mà anh chị hình như không thấy mẹ, anh chị hình như không nghe ra tiếng lòng của mẹ, nỗi niềm thao thức sớm hôm của mẹ. Này em ơi! Chỉ cần em “trông thấy” mẹ, chỉ cần em “thoáng nghĩ nhớ” tới mẹ, chỉ bấy nhiêu thôi thì đã là hiếu rồi. Mẹ ơi! Con chợt vỡ nghĩa ra lời Phật dạy: Hiếu danh vi giới nơi kinh Bồ Tát Giới.
Thì ra tên gọi của Giới chính là Hiếu. Mà tên gọi của Hiếu cũng chính là Giới. Giới Phật đã tu qua hằng hà sa vô lượng vô số kiếp và do đó mà nghiệm ra rằng con của mẹ cũng cần thực tập tu tĩnh Giới Hiếu ấy qua từng ngày từng tháng, từng năm, từng kiếp này qua kiếp khác… Tác dụng của hiếu đạo quả là phi thời không gian.
Mà xin thưa, Hiếu không phải là Đạo theo nghĩa thường hiểu đâu. Vì chỉ vừa nghe nhắc tới “Đạo” là đã có người e ngại: nào là gánh nặng, nào là bổn phận phải làm, phải thể hiện… nặng nề quá.Thế nên, ngọt ngào hơn, ta có thể nói và hiểu cách dễ thương hơn: Hiếu là Tình Thương, Hiếu chính là Tình Thương.
Một tiếng thôi, con
Một chữ thôi, con
Tiếng ấy, chữ ấy
Mẹ! ơi vuông tròn
Tiếng mẹ mở cửa
Cả và biển non
Chỉ duy tương quan thể nhập một trong hai, hai trong một, mới đủ khả năng cho ta thấy tính tương ưng, tương tác của “tiếng mẹ mở cửa, cả và biển non”.
“Một tiếng thôi con, một chữ thôi con”: rõ ràng đó là tiếng nói thuần Việt, là ngôn ngữ thuần Việt, không lẫn với bất cứ ngôn ngữ nào khác. Chứng tích ngôn ngữ mạch lạc, hùng hồn, bản lĩnh ấy, cho thấy người mẹ trong Trái Tim Mẹ Hiền của Trụ Vũ chính là hình ảnh đích thực của bà mẹ Việt Nam, người mẹ Việt Nam. Và bà mẹ ấy đã được nhà thơ miêu tả dưới rất nhiều góc độ, đề cập đến những điều từ trước đến nay chưa ai đề cập. Thơ Trụ Vũ có một khí hậu, một ngôn phong đặc thù, cá biệt… không giống bất cứ ai, không lơ lớ như vài dòng thơ thường gặp…
Hãy nghe Trụ Vũ thống thiết nỗi thống thiết của mẹ:
Mẹ vét chút canh cặn
Cầm hơi để nuôi con
Suốt mấy chục năm tròn
Nghĩa gừng cay muối mặn
Gừng thì cay, muối thì mặn. Đắng cay mẹ ngậm vào lòng, mẹ chẳng hề thở than, than thở. Vì bao giờ cũng vậy, đã là mẹ thì:
Quên hết cả mình rồi
Chỉ nghĩ đến con thôi
Tấc lòng vong ngã ấy
Mẹ vuông tròn ba ngôi
Mẹ vuông tròn ba ngôi! Phải chăng ẩn mật ấy hàm nghĩa mẹ đã là như Phật, đã là như pháp, đã là như tăng?
Rõ ràng, chỉ từ nhận thức của người từng nếm được hương vị pháp lạc thiền duyệt như Trụ Vũ, mới có khả năng nhận ra chân lý mầu nhiệm này:
Tự mẹ là bụi bặm
Nhưng vì đứa con thơ
Mẹ trở mình thăm thẳm
Xanh chín tầng ban sơ
Ngước mắt trông lên chín tầng trời xanh thăm thẳm ban sơ, bâng khuâng lòng chợt nghĩ đến Vu Lan. Ơi Vu Lan, Vu Lan:
Mẹ cứu con vì mẹ
Đang chờ con cứu mẹ
Từng phút con cứu mẹ
Từng phút cứu đời con
Trong nếp nghĩ bình thường, đạo lý ngày thường, không ai không nhớ chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ. Mục Kiền Liên người con hiếu thảo, vừa chứng được sáu phép thần thông, vừa có đôi mắt thần trông thấy sáu đường ba cõi, là Mục Kiền Liên dõi mắt tìm mẹ… thấy mẹ đớn đau trong ngục A Tỳ, thấy mẹ đói khổ trong địa ngục Vô Gián. Mục Kiền Liên ngậm ngùi thổn thức xót xa, lập tức tìm cách cứu mẹ. Kinh Vu Lan Phật nói như vậy, bình thường mọi người ai cũng có thể hiểu như vậy. Nhưng dưới nhãn quan Trụ Vũ, anh có cách lý giải rất khác:
Mẹ ơi! Mẹ Vu Lan
Mẹ như đóa hoa vàng
Mẹ như vầng trăng biếc
Da diết cõi nhân hoàn
Da diết giữa cõi nhân hoàn ngập ngụa nước mắt, nhà thơ Trụ Vũ thấy ra rằng việc mẹ đang ở trong địa ngục kia, mẹ đang chờ con cứu mẹ, chính cũng là “mẹ đang cứu con”. Mẹ chính là tác nhân, là người khơi mở lòng hiếu đạo nơi con; mẹ chính là tác nhân khơi gợi tình thương nơi trái tim con. Cánh cửa hiếu đạo được mở ra nơi lòng con, tình thương dạt dào khơi suối nơi trái tim con… thì con mới có được động lực, có được khả năng cứu mẹ. Lạ thay, bây giờ anh chị đã có thể thấy rằng Mục Kiền Liên là người cần cứu, và mẹ chính là người đang dang đôi bàn tay từ mẫu để cứu Mục Kiền Liên..
Từng phút con cứu mẹ
Từng phút cứu đời con
Phi tương quan nhân quả trên đạo lý mười hai nhân duyên thì không làm sao lý giải được ý thơ ấy của Trụ Vũ.
Phi tương quan vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên… thì không dễ gì hiểu được ý nghĩa những câu thơ:
Thương ơi những đời mẹ
Đời nội, ngoại, đời con
Xinh ơi những đời mẹ
Giữa địa ngục: vàng son
Phi bát nhã Diệu quan sát trí thì khôn thấy:
Quên hết cả mình rồi
Chỉ nghĩ đến con thôi
Tấc lòng vong ngã ấy
Mẹ vuông tròn ba ngôi
Chỉ cần lắng lòng nghe ra, thẩm thấu được những câu thơ ấy… là đã có thể mở cánh cổng thơ Trái Tim Mẹ Hiền của nhà thơ Trụ Vũ:
Lấy chi dâng thơ
Ngoài giọt nước mắt
Lấy chi dâng mẹ
Bài thơ nụ cười
Bạn có nụ cười bài thơ của bạn, anh chị có bài thơ nụ cười của anh chị. Vâng! Mẹ ơi! Con hạnh phúc mỉm cười vì vừa nhận ra đôi điều ẩn mật, sâu lắng, nhiệm mầu nơi thơ Trụ Vũ. Vâng! Con vừa thoáng nhận ra giữa trang thơ Trái Tim Mẹ Hiền, những mật ngôn, những ẩn dụ tuyệt vời:
Khi con rời ý thức
Về lạc cõi chiêm bao
Mỗi tiếng hạc khuya gào
Mẹ ơi! Tròn hiện thực
Mẹ ơi! Tròn hiện thực! hiện thực tròn trĩnh, viên dung ấy là hiện thực nào? Mẹ là tác nhân sinh thành, mẹ nâng niu bồng ẵm, mẹ cho con nên hình nên vóc, Trái Tim Mẹ Hiền vốn có, duy nhất mẹ dành cho con, con và mẹ vĩnh viễn tròn đầy.
Trụ Vũ viết 99 bài thơ ca ngợi trái tim mẹ hiền, 99 bài thơ là 99 cung bậc dặt dìu trầm bổng. Không giai điệu nào trùng lắp giai điệu nào. Không đường nét nào chồng khít đường nét nào. 99 bài thơ Trái Tim Mẹ Hiền là 99 họa phẩm đặc thù sắc màu cá biệt.
Nhưng tuyệt vời làm sao 99 đường nét Trái Tim Mẹ Hiền khi kết hợp tổng thể là một tuyệt tác hội họa, khắc họa hình tượng bà mẹ hiền Việt Nam, cũng là mẹ của loài người: mộc mạc, chơn chất, giản dị, vĩnh cửu muôn đời. Ai cũng thấy tình thương mẹ lai láng biển hồ.
Diệu vời thay 99 âm giai cung bậc bổng trầm khi khéo hòa âm, phối khí, thì trở thành bản hợp xướng đại hòa tấu mà mỗi mỗi âm giai đều rung động sâu thẳm lòng người. Hình như, những âm ba ấy có đủ trữ lượng nội lực ngân nga đến chín tầng trời:
Đằng sau lưng mẹ
Có cả bầu trời
Đằng sau lưng mẹ
Tình yêu vạn đời
Nhà thơ Trụ Vũ không cố tình thuyết giáo, nhưng đọc 99 bài thơ Trái Tim Mẹ Hiền thì không ai không nhận ra ảnh hình mẹ hiền của mình trong đó. Không ai không nghe thấy mẹ đang nói chi với mình, mình đang muốn thỏ thẻ điều chi với mẹ, dù mẹ đã khuất hay mẹ đang còn:
Xí xóa ván cờ
Không được không thua
Chỉ đau một nỗi
Mẹ hiền phương mô
…Mỗi một áng tâm kinh
Bát nhã tâm kinh mình
Ai hành thâm bát nhã
Thưa, duy một hiếu tình
Hạnh phúc biết ngần nào cho mỗi mỗi ai được tiếp xúc Trái Tim Mẹ Hiền và nhẹ đôi gót hồng bước vào vườn thơ Trụ Vũ.
Hạnh Phương
Ngày Vu Lan – Kỷ Sửu
Phật lịch 2553
*Thơ Trụ Vũ – Cảm bút Hạnh Phương
[Tập san Pháp Luân - số 66, tr66, 2009]