Tôi nhìn con mèo mà ái ngại. Không chắc mình có thể nuôi nó được. Lại thêm, lỡ nó có “làm bậy” ra thảm thì còn lôi thôi hơn nữa. Con mèo dường như đọc được ánh mắt ái ngại của tôi, nó ngước lên nhìn tôi không ngớt kêu “meo… meo…”.
Mấy hôm trước, Christina đem về một chú mèo con. Nó bảo nhặt được con mèo đang nằm co ro dưới gầm một chiếc xe cũ. Nhìn thoáng, đó là một con mèo hoang. Nó bé lắm, nhẹ như bấc, chắc chưa đầy một tháng tuổi, người ốm trơ xương, lông thì xơ xác. Khỏi cần sờ tôi cũng có thể nhìn thấy cả chục dẻ xương sườn. Nó nằm bẹp một chỗ, thỉnh thoảng đứng dậy muốn dợm bước nhưng lại quỵ xuống, kêu meo… meo trông rất tội nghiệp. Tôi nhìn con mèo mà ái ngại. Không chắc mình có thể nuôi nó được. Lại thêm, lỡ nó có “làm bậy” ra thảm thì còn lôi thôi hơn nữa. Con mèo dường như đọc được ánh mắt ái ngại của tôi, nó ngước lên nhìn tôi không ngớt kêu “meo… meo…”.
Tôi đi tìm một cái thùng carton bỏ nó vào đó. Lấy một cái chén nhỏ đựng chút sữa tươi. Nó uống một chút rồi mệt mỏi quá lại nằm bẹp xuống. Hình như nó đang bị bệnh, toàn thân yếu xìu, hâm hấp nóng. Một lúc, nó lại cố gắng trèo ra khỏi thùng, nhưng cái thùng hơi cao, nên nó cứ vói lên mãi mới trèo ra được. Thấy vậy, tôi lại nhấc nó đem bỏ lại vào “nhà” của nó (mãi sau này tôi mới biết là nó muốn leo ra ngoài để đi cầu. Loài mèo mỗi khi muốn đi tiểu, đi tiêu đều kiếm chỗ có cát mới đi, sau đó lấy cát lấp lại phần mình vừa thải). Tôi vì sợ nó làm bậy ra thảm, nên cứ nhốt nó trong thùng. Con mèo kêu meo meo suốt cả đêm.
Sáng hôm sau, tôi phát hiện con mèo bị bệnh tiêu chảy. Nó làm bậy rất nhiều trên thảm, (và cũng cẩn thận lấy chân cào cào đám thảm chung quanh để lấp lại). Thoang thoảng trong nhà đầy mùi chua của phân mèo. Tôi nản vô cùng, không biết phải giải quyết sao chuyện này. Ở Mỹ, nuôi súc vật trong nhà mà những lúc nó bệnh thì thật nan giải. Viện phí cho thú rất mắc, nên mặc dù rất thích nuôi chó mèo nhưng tôi lại không dám nuôi, vì càng nuôi thì mình càng thương nó, lỡ nó có mệnh hệ nào mà để nó nằm bẹp một chỗ đau đớn với cơn bệnh thì lại không nỡ, mà không có tiền đưa đi bác sĩ cũng tội. Nhìn con mèo xơ xác nằm bẹp một chỗ, bát sữa hôm trước tôi để trong thùng gần như còn y nguyên. Thương nó quá, không nỡ đem trả nó ra ngoài gầm xe như cũ, mà giữ nó lại thì chẳng biết phải làm gì cho nó đỡ khổ. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi chạy vào tủ thuốc, tìm một viên aspririn, lấy ¼ giã nát ra. Vừa giã, tôi vừa tụng chú và cầu nguyện cho nó mau khỏi bệnh và xin cho tôi đừng dùng quá liều để nó phải chết. Tôi đem bột thuốc cố đổ vào miệng mèo. Nó vùng vẫy, tất cả các bột thuốc đều bị văng ra ngoài hết. Tôi thất vọng ngồi yên nhìn nó. Thấy buồn buồn. Tôi bắt đầu tỉ tê nói “phải quấy” với nó:
“Này chú! Chú đang bị bệnh tiêu chảy đấy. Tôi lo cho chú lắm. Tôi lại không có tiền để đưa chú đi bác sĩ thú y. Tôi muốn chữa cho chú mà chú lại không chịu. Hồi nãy, cái thuốc tôi cho chú uống là tôi đã tụng chú trong ấy rồi. Sao chú lại nhè ra không chịu uống? Chú thật… trẻ con quá! Nếu chú không uống, chú sẽ chết đấy. Nghe lời tôi đi, ngoan nhé! Bây giờ tôi sẽ làm mẻ thuốc thứ hai cho chú. Chú nhớ đừng vùng vằng nghe chưa?”
Nói như thế, nhưng tôi vẫn ngồi yên. Vì biết rằng, một mình tôi sẽ không thể đổ thuốc vào miệng mèo được. Tôi phải chờ Christina đi học về, một người giữ mèo, một người đổ thuốc vào miệng thì may ra…
Tối hôm đó, sau khi cho mèo uống thuốc, tôi cứ cầu nguyện mãi. Tôi sợ tôi cho nó quá liều lượng. Tôi tưởng tượng sáng hôm sau ra nhìn thấy xác mèo trong thùng carton thì tôi sẽ áy náy khó chịu lắm… Tôi nằm trăn trở, tụng chú, cầu nguyện mãi tới nửa khuya mới chợp mắt…
Thật kỳ diệu. Như một phép lạ nhiệm mầu. Sáng hôm sau tôi thấy con mèo có vẻ tươi tỉnh lại. Nó bắt đầu chịu ăn. Không còn thấy kêu “meo meo” buồn bã nữa. Một tuần sau nó khoẻ hẳn. Lông bắt đầu mướt lại. Tôi mua cho nó một cái hộp nhỏ bỏ ít cát vào cho nó tùy tiện khi nào muốn đi thì đi vào đó. Tôi cảm thấy vui vui… Hóa ra, ít nhất tôi cũng làm “thày lang… dỏm” may mắn có thể cứu một sinh vật được sống lại. Niềm vui ấy cứ ở mãi trong tâm. Tôi nhớ lại thuở bé, tôi cũng có những niềm vui tương tự như thế khi tham gia vào những việc từ thiện của trường tổ chức. Nhưng niềm vui hôm nay sâu đậm hơn rất nhiều, nó lãng đãng nhẹ nhàng, đôi lúc chợt thấy lòng ngẩn ngơ, trong tâm dường như có một niềm vui rất nhẹ, hẳn nhiên đó là “chuyện chú mèo”. Tôi mỉm cười với kết quả của việc mình làm khi thấy ánh mắt của chú mèo con nhìn tôi lung linh như hai vì sao lạc làm tôi chẳng bao giờ quên được.
Tôi lại nghĩ đến những niềm vui rộng lớn hơn của các vị Phật và Bồ-tát khi thực hành hạnh nguyện độ sinh. Ồ, thật là tuyệt vời biết bao...
Nghĩ cho cùng, tôi phải nên cảm ơn chú mèo - một cách chân thành từ đáy con tim - vì chú chính là chất xúc tác làm tâm tôi có cơ hội rộng mở. Cho sự ích kỷ được mỏng đi dù chỉ một nửa... hào li. Người ta thường hay nói nên làm những điều lành để sau này sẽ được trả ơn, nhưng hôm nay, với tôi, hình như khi làm được một việc nào đem lại niềm vui cho người khác thì chính mình đã được “trả ơn” bằng niềm hoan hỷ vô biên vậy.
Chiêu Hoàng
[Tập san Pháp Luân - số 40, tr.79, 2007]