1. Kha Nguyệt, Tần Bà là đôi bạn chí thân từ ngày còn thơ bé. Gia đình đôi bên cũng là chỗ bằng hữu thân tình. Một nhà danh vọng, một nhà giàu sang nổi tiếng trong vùng.
Hai đứa trẻ khôi ngô tuấn tú ra đời mang lại niềm tự hào cho cha mẹ lẫn họ hàng thân tộc. Mọi người xem chúng như viên ngọc quý được trời Phật ban đến cho mình. Giao tình hai nhà càng thắm thiết khi bọn trẻ lớn lên, chung một mái trường, sớm tối cùng chơi đùa học tập và gắn bó nhau như thể anh em một nhà.
Theo thời gian, hai cậu bé cũng đã khôn lớn trưởng thành trong cuộc sống ấm êm nhung lụa. Là bạn chí cốt, tâm đầu ý hợp trong từng việc làm sở thích, họ có một điểm chung được mọi người nể trọng, đó là đức tánh khiêm cung, luôn sống hòa hiếu với hết thảy. Gia thế và học hành đều hơn người, nhưng cả hai chưa bao giờ tỏ ra kiêu căng tự phụ ngay cả với người ăn kẻ ở trong nhà. Tuy vậy, mỗi người vẫn có cá tính độc lập cùng những suy nghĩ và niềm khát vọng riêng tư.
Một buổi chiều, Kha Nguyệt rủ Tần Bà cùng dạo chơi trên con đường ngoại ô râm mát. Con đường mà nơi đó có nhiều ngôi Tịnh xá thâm nghiêm cổ kính hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên khiến chàng luôn cảm thấy nhẹ lòng thư thả. Chàng yêu thích con đường vì sự yên tịnh nên thơ của nó. Và điều làm Kha Nguyệt cảm xúc hơn cả là được chiêm ngưỡng các vị Sư ngồi thiền bên các khu rừng trúc hay trong những hang động nằm rải rác quanh sườn núi.
- Kha Nguyệt này! – Tần Bà chợt lên tiếng hỏi khi họ vừa đi qua một cánh đồng cỏ gần chân núi - Hình như bạn không quan tâm lắm về vấn đề thi cử. Bạn có đầy đủ mọi thứ mà bao người mơ ước. Đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi... Vậy mà xem ra bạn chẳng mấy hứng thú với những điều ấy. Trong lòng bạn chắc đang ôm ấp điều gì khác. Bạn lại ưa thích tìm đến những nơi thanh vắng...
Kha Nguyệt đang mải miết ngắm nhìn một bóng y vàng đi từ xa, nghe bạn hỏi, vội quay lại gật đầu:
- Quả như lời bạn nói. Tôi chẳng để tâm đến những điều đó. Tôi và bạn được thừa hưởng đầy đủ mọi thứ trên đời là do phước báo chúng ta tu tạo đã nhiều đời. Nhưng đó chỉ là phước báo hữu lậu thế gian. Nó là hợp thể chứa đầy mọi sự trúc trắc sa đọa cùng tội lỗi và lại rất mong manh như sương sớm đầu cành. Ngay chính bản thân chúng ta cũng không tránh khỏi cảnh vô thường sanh lão bịnh tử. Cuộc sống đời người diễn tiến trong cảnh phù du ảo ảnh được mất hơn thua. Vì thế mà tôi luôn suy nghĩ về một con đường chơn lạc vĩnh cửu...
- Bạn nói vậy nghĩa là sao? Lẽ nào bạn lại từ bỏ con đường khoa cử, trong khi tài năng ý chí bạn có thừa? Gia đình và thân tộc luôn kỳ vọng vào người con ưu tú nhất của họ.
- Bạn biết đấy! Gia đình tôi vốn không xuất thân từ con đường khoa cử. Tôi học chỉ vì thích tìm hiểu và cũng để làm vui lòng cha mẹ.
- Thế thì... bạn sẽ đi theo con đường kinh doanh như cha bạn xưa nay chứ?
- Không - Kha Nguyệt lắc đầu - Chuyện buôn bán làm ăn thì đã có người em trai kế của tôi rồi. Kha Minh rất có năng khiếu về kinh doanh. Chú ấy sẽ nối nghiệp nhà.
Tần Bà ngơ ngác hỏi: - Vậy bạn đi theo con đường nào?
- Chúng ta sẽ tìm ra ngay thôi. À! Đến rồi.
Tần Bà theo Kha Nguyệt rẽ vào con đường nhỏ lên núi. Anh chàng vẫn thắc mắc hỏi bạn: - Chúng ta đi đâu vậy?
- Trên núi có một ngôi Tịnh xá khá lớn - Kha Nguyệt ngước nhìn lên ngọn núi, vẻ mặt biểu lộ sự hân hoan cung kính. Nhiều ngày trước có một vị Tôn giả trưởng thượng từ phương xa đến lưu trú. Sáng nay ngài thuyết pháp và chúng ta đến nghe.
Tần Bà thở phào: - Ra vậy. Bạn muốn đi nghe thuyết pháp. Ý bạn nói con đường sẽ chọn là đây chứ gì? Một con đường viễn ly trần tục, cắt ái từ thân, buông bỏ tất cả bạc tiền danh vọng...
- Cũng có thể, nhưng hượm đã. Thời pháp bắt đầu rồi. Chúng ta vào nghe đi.
2.
Người mẹ lặng thinh đã nhiều ngày. Là mẹ, bà có lý do để im lặng và có quyền không chấp nhận lời yêu cầu của con. Nhưng lòng bà lại đắm chìm trong nỗi suy tư dằn vặt. Nhiều đêm rồi, bà chập chờn với bao ký ức xa xưa ập về. Một giấc mơ. Ôi! Cũng lại giấc mơ ấy. Giấc mơ từng làm xao động trái tim một người mẹ.
Khi mang thai đứa con đầu lòng, người mẹ thấy tâm tư mình phấn chấn vui vẻ hẳn lên. Nhưng đồng thời, bà lại thích tìm nơi vắng vẻ yên tịnh, thích được ngồi một mình để suy nghiệm về một hài nhi đang hình thành trong cơ thể. Một đứa bé trai. Hẳn thế rồi. Nó sẽ là niềm tự hào, là một kỳ quan vô giá của cha mẹ. Nó sẽ là đứa con hiếu thuận, khôi ngô, học giỏi và có thể làm nên được điều gì đó khi lớn khôn. Người mẹ suy nghĩ nhiều, nhiều lắm. Bởi bà không thể không nhớ đến giấc mơ trước đó. Lúc đang dạo chơi trong vườn, mệt mỏi, bà ngồi xuống chiếc ghế rồi ngủ thiếp đi. Chợt có vị Thánh nữ - bà nghĩ vậy, vì cốt cách người này rất đoan nghiêm mà dung nghi lại thoát tục - đến bên đưa cho bà một viên ngọc rất đẹp rồi bảo: - “Đây là viên ngọc Kha Nguyệt. Tướng lông trắng giữa chặn mày của Phật Thích-ca được ví như viên ngọc này. Sáng đẹp lại uy nghiêm tỏ rõ như trăng rằm. Bà cưu mang đứa con mang hạt giống Phật-đà. Vậy ta cho người viên ngọc này. Hãy giữ lấy”.
Tỉnh giấc, bà vội đưa tay sờ bụng và bồi hồi nghĩ về viên ngọc Kha Nguyệt. Dù chẳng hiểu lắm về ý nghĩa lời nói trong giấc mơ, nhưng bà cảm thấy có một điều gì khác lạ trong cơ thể mình. Bà giữ mãi giấc mơ ấy không kể lại với ai, ngay cả chồng. Sau khi đứa con trai anh tuấn ra đời có đôi mắt tinh anh rực sáng, bà nhất quyết đặt tên con là Kha Nguyệt.
…Người mẹ giật mình, mồ hôi ướt đẫm cả vạt áo. Thẫn thờ nhìn căn phòng rộng lớn, nhìn lên di ảnh của chồng, bà lẩm bẩm: - Đã hơn hai mươi năm rồi. Giấc mơ xưa ngỡ đã đi vào quên lãng. Không ngờ nó vẫn còn khuấy động tâm ta.
Người chồng đã mất. Việc quản lý kinh doanh đều do con trai thứ là Kha Minh lo toan nắm giữ. Lâu nay Kha Nguyệt chỉ chuyên chú vào việc học và chàng học rất giỏi. Gia đình đặt hết niềm tin và lòng kỳ vọng vào con đường khoa cử nơi chàng. Con đường mà chưa một ai trong thân tộc có cơ may bước vào. Vậy mà...
- Thôi vậy... Người mẹ khẽ lắc đầu chép miệng đứng lên: - Nó là viên ngọc quý của cuộc đời, chẳng phải riêng gì của ta. Nó ở trong vòng tay ta suốt hơn hai mươi năm rồi còn gì. Giờ là lúc ta phải trả nó về cho cuộc đời riêng của nó, cho niềm tin và hạnh nguyện của nó.
Bà quay ra ngoài lớn tiếng gọi người hầu: - Đi gọi cậu Hai vào đây.
***
3.
Một con đường với những hàng cây xanh râm mát. Một con đường gợi lên nhiều ý nghĩa về lẽ sống tâm linh hơn là sự hiện hữu đầy vẻ thơ mộng của nó. Những cơn mưa đầu hạ như trút nước. Những chồi non xanh mởn và hoa bên đường rộ nở làm mát lòng người qua lại dạo chơi. Từng đàn chim bay lượn hót vang. Muôn thú tựu về chung sống. Cảnh sắc chẳng khác nào nơi cõi trời tự tại yên vui.
Hai người bạn trẻ im lặng đi bên nhau đã nhiều giờ. Họ đã đi như vậy qua bao năm tháng và qua hầu hết những con đường trong thị trấn. Nhưng hôm nay, hai người lại giữ một khoảng cách riêng như để dõi theo từng bước chân của mình. Mỗi thời khắc trôi qua đều nói lên một ý nghĩa thiêng liêng hệ trọng. Nét mặt Tần Bà hằn sâu nỗi ưu tư, song chàng cố làm ra vẻ đang ngắm nhìn mấy đám mây trắng phiêu du vừa bay qua đỉnh núi. Áng mây dường như cũng xúc cảm trước vẻ tịch liêu đơn độc của non ngàn; hay bởi cám cảnh sơn thủy hữu tình mà vẩn vơ mãi chưa vội bay đi. Hình ảnh đó gợi nên tâm trạng khắc khoải của chàng lúc này. Vừa đến ngã rẽ lên núi, Tần Bà chợt kéo tay bạn lại nói:
- Kha Nguyệt. Bạn hãy hoãn việc này lại đi. Chúng ta cùng lên kinh kỳ dự thi. Sau khi trở về, bạn sẽ thực hiện niềm mơ ước của mình cũng không muộn mà.
Kha Nguyệt xiết nhẹ tay bạn trong tay mình: - Đừng quá xúc động như vậy, Tần Bà. Là bạn thân và hiểu nhau bao nhiêu năm, bạn nên vui và ủng hộ cho lý tưởng của mình mới phải.
Giọng Tần Bà nghẹn ngào khẩn khoản: - Chúng ta đã từng vui buồn có nhau. Nay bạn nỡ nào để mình lên kinh một mình. Thôi thì như vầy… Mình sẽ vứt bỏ tất cả rồi đi theo bạn. Chúng ta mãi mãi là bạn thân của nhau, phải không? Mình thật không thể chịu nổi khi nhìn bạn lên núi, sống đời khổ hạnh cô đơn.
Kha Nguyệt vẫn nhỏ nhẹ khuyên: - Mỗi người chúng ta đều có con đường riêng của chính mình. Bạn phải đi về kinh dự thi. Vì đó là con đường của bạn. Đến một ngày nào đó, khi không còn cảm thấy hứng thú với dư vị cuộc đời, bạn có thể quay lại tìm một con đường khác an vui và thanh thản hơn. Còn bây giờ thì bạn hãy mau trở lui cho kịp.
Tần Bà vẫn đứng yên. Đôi mắt chàng hoe đỏ trong ánh nắng ban mai chói rực. Quay nhìn chỗ khác, chàng như nói với chính mình:
- Như vậy là chúng ta không còn dịp gặp lại nhau. Cùng đi trong một dòng đời, sao hai ta lại rẽ sang hai nẻo đường trái ngược.
Kha Nguyệt cũng trầm giọng: - Cuộc đời vốn dĩ vô thường thay đổi. Những năm tháng tuổi thơ qua rồi. Sự gắn bó nào rồi cũng phải cách xa. Yêu thương thắm thiết có lúc cũng phải chia lìa. Nhưng mà Tần Bà ơi! Đâu phải sự ra đi của tôi và bạn hôm nay là mãi mãi ly biệt. Chúng ta đã có duyên với nhau thì lo gì không có ngày gặp lại. Bạn chớ bi thương quá. Nếu có niềm tin và cùng chí hướng thì chúng ta sẽ gặp nhau trên một lộ trình giải thoát an lạc. Bạn hãy trở về. Dù đi trên con đường nào, bạn vẫn cảm nhận ra chính mình ngay trong cuộc sống đời người hạn hữu.
Nắng đã lên cao. Kha Nguyệt chia tay bạn rồi bước nhanh lên núi trong tiếng gió reo chim hót đón chào. Tần ngần giây lâu rồi Tần Bà cũng quay gót trở về. Đoạn đường của kẻ lữ hành đơn độc cơ hồ như dài thêm ra, song chàng vẫn cảm thấy ấm lòng khi kịp nhận ra chân tướng bồ đề đang lan tỏa nơi miền tâm thức uyên nhiên.
[Tập san Pháp Luân - số 39, tr.80, 2006]