Căn nhà trọ của Minh nằm sát bên tường chùa....
Thực ra thì Minh cũng không thích điều ấy cho lắm, nhưng được cái giá thuê rẻ, có bóng cây râm mát, xa đường phố lớn ồn ào. Mà mặc kệ họ, chả liên quan gì tới mình. Đường ai nấy đi, thi thoảng rảnh rỗi, Minh ngồi bên cửa sổ, ngắm giàn hoa chuông màu đỏ biếc nhà chủ bắc sào leo từ tầng một lên tận sân thượng tầng ba, lòng chợt thấy lắng lại trước màu xanh non mềm mại dịu dàng của những cánh lá nhỏ li ti chỉ khẽ có gió là đã rung rinh, trông xa như một tấm thảm mượt dịu êm đềm.
Hồi đầu mới tới, Minh hơi khó chịu một chút vì giờ khuya đang ngủ ngon thì bị đánh thức bởi tiếng chuông chùa ở lầu hai, ngay sát phòng ở. Nhưng riết rồi cũng quen, nghe chuông, tự nhiên lòng Minh thấy thanh thản một cách kỳ lạ. Hơi choáng đầu vì âm thanh quá lớn dội vào màng nhĩ, rồi sau nó lắng dần, chìm sâu vào trí óc, tâm hồn. Cảm tưởng như các sợi dây thần kinh bị bứt căng lên như dây đàn bị gảy, rồi bước sóng dao động ngắn dần, lịm đi một cách êm ái… Có một hôm, chẳng nghe thấy gì cả, Minh thức dậy theo thói quen đúng giờ ấy, chạy tới bên cửa sổ trông sang, im lìm vắng lặng. Ờ nhỉ, chắc Chùa ngủ quên, một chút nhơ nhớ nao nao khó tả. Cơn buồn ngủ kéo tới, tối qua làm mô hình thức khuya quá, Minh vào giường, ngủ tiếp ngon lành. Thế thôi còn thì chẳng bao giờ Minh bước chân sang bên ấy. Học lu bù cả ngày, quá đủ rồi, về phòng trọ, tắm rửa, ăn uống qua loa rồi đi ngủ, để mai tiếp cho một ngày mới. Thi cử, hội hè, diễn tập ở trường… đủ thứ, mà thì giờ thì cứ trôi đi vùn vụt, chạy theo bở cả hơi tai. Ai bảo làm sinh viên là sướng? rồi lại thêm một tuần năm buổi tối đi dạy gia sư tít trên Thanh Khê, lóc cóc xe đạp về đã 9h tối, đôi hôm không cả thay đồ, cứ thế ngủ thẳng, gì chứ ngủ lúc nào cũng thiếu trầm trọng. Sao ngày xưa mình lại đi thi vào ngành kiến trúc nhỉ. Lại là con gái, đi thực tế và làm mô hình thật khó mà chịu đựng nếu không có sức khỏe bền bỉ. Thôi thì đã đâm lao phải theo lao chứ biết làm sao giờ!
Đứa bé Minh vẫn dạy kèm về quê với bố mẹ tận trong Trà My mấy ngày chưa ra, thế là nghỉ, đúng vào ngày rằm. Minh dự định sẽ ngủ cả tối thay cho mấy đêm liền thức trắng làm bài thi.
Nhưng nằm xuống mới nhận ra là tiếng người, xe vọng sang từ bên chùa quá ồn ào, tối rằm họ đi lễ thì phải. Mình toàn đi vắng vào tầm này nên biết gì đâu, nhắm mắt lại cũng không thể yên được.
Minh trở dậy, đi ra, mở toang cửa sổ, hít một hơi thật sâu không khí trong lành, phảng phất mùi trầm và nồng dịu hương hoa chuông, thoang thoảng quyện vào nhau thật dễ chịu, nhìn xuôi xuống bên kia, sân chùa rộng thế mà hôm nay đặc kín xe đủ loại, ngoài cổng ô tô xếp chạy dài ven đường, người ra vào tấp nập như hội. Họ đi đông đến thế kia à?
Người một nén, kẻ cả bó đỏ rực cầm tay. Minh ngạc nhiên dụi mắt nhìn. Thế giới tâm linh của con người ta vô cùng thật. Mà người trẻ đi cũng đâu có ít! Quê Minh không có chùa, chả ai biết Phật giáo là gì, có chăng thì qua sách vở. Minh cũng thế. Hai lư hương to cao cỡ hai người ôm không hết, đặt trước hai điện thờ đối nhau ở hai bên góc sân, không hiểu vì sao bỗng bốc thành lửa, ngùn ngụt cháy sáng rực. Mọi người đổ dồn tâm chú ý, họ còn chắp tay cầu nguyện điều gì đó, đầy thành kính. Có lẽ là hơi với vẫn - Minh thoáng nghĩ. Cầu nguyện thì có thể thành tất cả sao? Chẳng thể như thế được. Phải tự mình đi trên đôi bàn chân của chính mình chứ! Rồi Minh tự cười: Ồ! Hay là mình cũng cầu thử, Phật ơi! Con hết tiền tiêu rồi, mấy ngày cuối tháng này chắc nấu cháo ăn quá! Con không biết làm sao đây?...
Minh nhìn xuống. Cũng khá gần để có thể nhìn rõ lầu đối diện, không biết có phải là Phật hay không, vì trông hình tướng Minh ngỡ giống Đức mẹ Đồng Trinh của Thiên chúa giáo vậy, nhưng mắt nhìn xuôi xuống, miệng mỉm cười rất hiền. Một tay cầm chiếc bình, tay kia cầm nhành dương liễu nhỏ mềm mại. Tấm áo choàng trắng phủ kín từ đầu xuống tới bệ đá hoa sen tạc nguyên khối. Chiếc bàn nhỏ phía trước đặt đầy bánh kẹo, đèn nến, hoa quả, tới nỗi người ta dâng cả bó hoa ngay dưới chân Ngài bởi hết chỗ cắm. Những nét mặt đăm chiêu trong khói hương vô hình, nhưng đó không phải là những cái đăm chiêu trong toan tính đời thường – Minh cảm thấy vậy. Một sự kỳ bí và lạ lùng, nói chung là không thể diễn tả bằng ngôn từ được. Mà cũng không ai quan tâm tới ai, dường như tất cả thân quen và thường tình. Vậy là người nào cứ việc thả hồn vào cõi miền riêng của người ấy. Chỉ Phật biết là đủ thì phải. Rồi họ ra về, bình thản, chẳng có gì vội vàng gấp gáp, hình như còn chậm rãi hơn lúc đến, tối rồi, còn việc gì nữa mà lo, mà vội. Mấy đứa trẻ con cứ ngơ ngác với nhau cho tới lúc bố mẹ giục, líu tíu lên xe về. Cũng thú vị nhỉ. Minh nghĩ, rồi chợt nhìn bức tượng. Phải nói là họ tạc rất khéo và có hồn. Dân kiến trúc như Minh thì phải thấy phục vì đường nét không tinh, sắc, nhưng rất mềm, rất dịu, đầy tính trừu tượng và dường như thoát thai khỏi gỗ đá để mang dáng dấp, phong thái thần tiên Phật Thánh, Minh chạy vào trong, lấy ra giá vẽ và hộp chì màu, kê ngay bên cửa sổ và bắt đầu vẽ. Mờ ảo khói sương, những bóng người…
Minh lại nhìn sang, bất ngờ, Minh thấy đôi bắt bức tượng nhìn lên phía mình và mỉm cười, một nụ cười rất dịu hiền… Minh dụi mắt nhìn lại, đúng, vẫn thế, sao lạ vậy nhỉ? Đôi mắt ấy vốn nhìn xuống kia mà. Mình bị hoa mắt rồi ư? Không phải! Minh cảm tưởng như mình bị thôi miên, nhưng cấu thử vào tay vẫn thấy đau. Rất lạ… mắt Minh chợt nhòa đi và rực lên cả một trời sao lung linh, chập chờn đôi mắt của mẹ lấp lánh nước, đôi mắt của bố mờ đục vì tháng năm… đang nhìn Minh! Cổ Minh bỗng đắng nghẹn lại, tim thắt đau đớn, nỗi đau không diễn tả thành lời…
Minh ôm ngực quỵ xuống… bức ảo ảnh biến mất. Nhưng đôi mắt Ngài vẫn đang nhìn Minh bằng ánh nhìn bao dung và nồng ấm lạ thường…
Minh lấy tờ giấy khác và bắt đầu vẽ Ngài, tất nhiên là bức chân dung không tên. Mà Minh nghĩ là cứ để chữ vô danh cũng được và đầu tiên hiện lên, là đôi mắt và nụ cười đầy tự tin, thảnh thơi, vô cùng dịu dàng…
Vẽ để nhớ và cũng để quên, Minh say sưa như chưa bao giờ được vẽ…
- Nghỉ hè này mình sẽ phải đi chữa cho khỏi cái vai đau này! Nhức nhối khó chịu quá! Mà thuốc tây uống đủ loại rồi mà chẳng thấy đỡ tí nào cả. Chụp phim cũng chẳng thấy gì. Vô lý! Rõ ràng người ra đau mà lại cứ bảo là không sao! Bác sĩ cái kiểu gì không biết. Một đống máy móc nữa, rốt cuộc tốn tiền vô tích sự.
Minh ta thán với Bình khi nó lên phòng chơi. Con nhỏ vô tư:
- Thì ai bảo chị! Hay là sang bên đông y xem, biết đâu ấy!
- Ui chao! Uống thuốc sắc ấy à! Đắng nghét mà ngửi mùi đã đủ khiếp vía rồi! Thôi đi!
- Không! Người ta châm cứu, chạy điện, bấm huyệt, đủ kiểu ấy chứ! Chị cứ thử đi!
- Châm kim? Nghĩ tới đã rùng mình…
Minh cười, lảng đi… Ờ mà con nhỏ nói cũng đúng, mình nhát thật đấy chứ! Cơ mà đau vai quá đi, mười năm rồi ít à! Càng ngày càng đau kinh khủng. Tới nỗi lắm lúc viết cũng không nổi trang giấy, thôi thì phóng lao theo hổ thử xem sao, biết đâu khỏi lại hay…
- Chậc! Thì đi Đông y! Mà chỗ nào nhỉ, cả đời có để ý đâu.
- Ôi chao ôi! Ngay con đường mình ở đây, có 2 hiệu rồi, rồi bên kia đường cao tốc một hiệu nữa, bên ấy một chị, ở gần đây là hai ông già thì phải, vì em chưa tới bao giờ!
- Thế à! Ờ thì đi! Sáng mai đi với chị nhé!
- Thôi! gần cạnh, chị đi một mình đi. Mai em đi thực tế trên Hòa Khánh rồi! Cáo lỗi nhé!
Minh thở dài. Nó hẹn với thằng Quân trước rồi chứ có mà thực!...
Minh cười, chợt nhớ tới cái số lẻ bóng hiếm hoi của mình. Bây giờ sinh viên yêu như thay áo, ăn cơm đổi món hàng ngày. Thật chẳng biết làm sao mà lần với tụi nó…
Minh lặng lẽ ngắm bức tranh, được treo bằng hai thanh nẹp trúc tự chế cao ngang đầu giường. Cái ảo ảnh tối hôm rằm lại hiện về… Nhìn vào nụ cười bình an và tự tại ấy, lòng Minh chợt nhẹ nhàng, bâng khuâng là lạ. Mỗi lúc buồn Minh lại ngồi ngắm như thế, dường như trở thành một thói quen, rất dễ chịu.
- Thật khó hiểu!... Mà thôi! Kệ nó…
Cơn buồn ngủ kéo đến. Minh với nhẹ chiếc khăn choàng trùm lên cánh tay trần hơi lạnh, thiếp ngủ ngon lành.
- Em đợi một lát nhé, để chị gọi chị ấy! Bà chủ không có ở cửa hiệu. Minh đành ngồi chờ. Chả biết chữa hay bằng hai người kia không, nhưng mà nữ giới với nhau, đỡ ngại. Nghĩ vẩn vơ một lúc, Minh thấy một người phụ nữ còn khá trẻ, vóc người thấp nhỏ, đi chiếc Sirius, đỗ xịch máy trước cửa, dựng xe rồi bước vào, nhìn Minh gật đầu:
- Vô đây đi em! Đau chi?
- Dạ em bị đau ở lưng và bả vai từ lâu rồi, nhức nhối rất khó chịu.
- Vậy hả! Thế thì chạy điện nhé! Vô đây đi! Ờ mà em tên gì? Bao nhiêu tuổi để chị ghi vào sổ. Đau bệnh kiểu này không thể ngày một ngày hai mà khỏi liền đâu! Chịu khó nghe!
Minh hơi ngạc nhiên bởi thái độ rất tự nhiên của người phụ nữ này. Thường thì bên Đông y có ít người nữ lắm, toàn nghe ông lang chứ có ai nghe bà lang mấy khi! Thôi kệ đi, cứ chữa, khỏi thì càng tốt, mà không thì thôi đành chấp nhận cái số xui xẻo vậy.
- Châm cứu điện hả chị? – Minh hỏi và hơi lo.
- À không! Chạy máy chứ không châm kim, không đau đâu mà sợ. Mà chị thông báo trước nhé. Em là sinh viên, thay vì như người ta chị lấy 20.000 đồng một lần, em một nửa thôi. Ổn chứ? Cứ yên tâm đi, dăm bữa nửa tháng là sẽ hết thôi, uống kèm với mấy chai thuốc nữa là ổn…
Minh bật cười. Cái cách nói chuyện khác người quá. Chưa thấy thầy thuốc nào chữa bệnh nhân lại chắc chắn và vô tư đến thế! Hay là bà này đang ba hoa với mình đây! Bộ tưởng mình con nít à?...
Đột nhiên chị hỏi:
- Em đã từng chữa hay uống thuốc gì chưa. Chợt nhớ tới lời dặn của nhỏ Bình, phải coi như họ tới với mình là lần đầu tiên, tin tưởng tuyệt đối, họ mới chữa đoàng hoàng. Cái con bé này thật không ngờ nó biết đủ thứ. Minh trả lời, ngập ngừng vì biết mình đang nói dối:
- Dạ chưa thưa chị! em chịu đựng lâu rồi, nhưng giờ đau quá mới đi chữa!...
- Ôi trời ơi! Thế thì sẽ nan giải đó nghe. Đáng lẽ bị một cái đi chữa ngay, đỡ tốn kém lại liền khỏi liền. Bây giờ thì sẽ khá lâu đấy!
Chị bọ từ trong cái túi xách tay ra bộ đồ nghề châm cứu điện. Minh thấy ngờ ngợ quen quen, rồi chợt nhớ đã có lần về bà ngoại, thấy bà dùng cái máy y hệt thế này. Nó dùng đủ kiểu chế độ, xoa bóp, tâm quất, châm cứu, bấm huyệt… có điều Minh chưa thử. Thôi thì cũng được, không bị châm kim là được rồi.
Bốn miếng kẽm được đặt vào vị trí điểm huyệt và nơi bị đau nhất, nối với máy. Bắt đầu những tín hiệu tê giật, tăng dần đều.
Tiếng chị hỏi, rất nhỏ nhẹ:
- Có mạnh quá không em? chịu đựng nổi không?
- Dạ được chị ạ! – Thực ra thì cũng đau điếng cả người, nhưng thử cố xem mình chịu đựng được tới mức nào.
- Chị sẽ chạy cho em 15 phút, nghỉ một lát rồi 15 phút tiếp. Mỗi ngày sẽ như vậy. Nếu đau thì nói để chị giảm cường độ xuống.
Lạ nhỉ! Tự nhiên chị nói chuyện rất dịu dàng… Minh im lặng, theo dõi chu trình chạy máy, không để ý là chị đang nhìn mình. Một lát sau tình cờ nhìn lên, thấy chị bỗng lòng mình chợt thoáng bối rối, lao xao khó tả. Cái ánh nhìn ấy lạ thật, sao vậy nhỉ? Nó lại làm bối rối và không dám đối diện thẳng. Ánh mắt sắc mà chứa chan nỗi niềm không hiểu nổi. Minh nhắm mắt lại. Có lẽ mình học nhiều, thức khuya quá, bị Stress mất rồi. Minh thở dài. Sự mệt mỏi dồn nén làm hơi thở hắt ra một cách nặng nhọc.
Thoáng tiếng chị cười…
Cái bà thầy thuốc này lạ nhỉ! Minh ngạc nhiên nhưng không dám nói mà vẫn ngồi im lặng.
- Em bị đau bao nhiêu lâu rồi! Đột ngột chị hỏi.
- Dạ cũng khá lâu rồi chị ạ!
- Em có lao động mệt nhọc nhiều không?
- Dạ không! chỉ có…
Minh giật mình chỉ suýt buột miệng nói ra cái lý do đau này…
Chị lại cười rất nhẹ nhàng:
- Chị biết chứ! Nhưng bệnh nhân và thầy thuốc cần phải có sự hợp tác thì việc chữa bệnh mới có hiệu quả tốt nhất em à!
Minh im lặng… Cảm nhận rõ ràng được từng cơ và thớ thịt, mạch máu vẫn giật, rung đều đều…
Không biết nói bắt đầu từ đâu, thôi thì đừng nói gì là hơn.
Đã bốn ngày Minh sang ngồi chạy máy, chỉ biến chuyển chút ít, không đáng là bao. Nhưng Minh nghĩ, dục tốc bất đạt, cứ từ từ để xem sao. Đằng nào cũng nghỉ hè rồi, chẳng bận rộn gì!
Ờ mà sao khám chữa bệnh kiểu gì lại không bắt mạch nhỉ? Minh chợt nhớ ra, đúng! Kỳ lạ ghê! Không bắt mạch thì làm sao biết mà chữa? Hay là bà ấy chữa đại theo lời kể của bệnh nhân, thế thì liều quá. Không thể thế được, phải hỏi cho ra nhẽ chứ!
- Đâu cứ rằng phải xem mạch mới biết được bệnh hả em ? Đông y dựa vào nhiều yếu tố bệnh lý, kể cả thể chất và tinh thần của con người để chẩn đoán và chữa bệnh. Em đừng lo lắng nhiều, bệnh của em tuy lắng kết từ lâu nhưng không phải nặng đến mức không thể khỏi.
Minh chẳng biết nói sao nữa. Mấy lần tới đây là Minh chỉ ngồi nhắm mắt lại và im lặng. Cái tính ít nói đôi lúc khiến Minh trở thành một kẻ cô độc giữa hòn đảo. Chả thế mà Bình thường gọi bằng cái tên “Chị Rôbinsơn” một cách chế giễu mỹ miều.
- Nhưng hôm nay chị sẽ bắt mạch cho em. Người ta có thể biết qua mạch nhiều hơn những gì thuộc về tật bệnh của cơ thể đó em ạ!
Chị cầm tay Minh rồi áp vào lòng bàn tay mình, bàn tay chị nhỏ, các đốt ngắn, nước da nâu sạm và lốm đốm vết thâm đen rạn chân chim của tuổi già. Minh giật mình, rất ngạc nhiên, vì khuôn mặt chị còn rất trẻ, khoảng ba mấy đó thôi, nó tương phản hoàn toàn với đôi bàn tay này. Đột ngột khiến Minh thốt lên.
- Chị ơi! Năm nay chị bao nhiêu tuổi rồi ạ?
- Bốn mươi sáu em à! – Hình như đoán được ý của Minh, chị trả lời mà cười rất tươi.
Thực sự là Minh ngỡ ngàng, trời đất ạ! Thế ra chị kém mẹ mình có 4 tuổi, mà sao trẻ kinh khủng. Nếu không nhìn đôi bàn tay kia, chắc Minh sẽ không tin nổi. Bởi thế Minh mới gọi chị, xưng em ngon lành, chứ biết mình kém tới hai mươi tuổi, hẳn một thế hệ, ai lại dám bất lịch sự vậy!
Minh tủm tỉm cười cho cái sự ngố của mình.
Chị áp bàn tay của Minh vào bàn tay chị một lúc rất lâu. Minh cảm nhận rất rõ, một luồng khí ấm nóng lan tỏa qua tay mình. Một cảm giác của sự che chở, yêu thương, tin tưởng, nhưng cũng đầy huyền hoặc, lạ lùng…
Minh ngạc nhiên nhìn chị, chợt nhận ra chị cũng đang nhìn mình, đăm chiêu và xa xôi, mơ hồ… Chợt Minh thấy bối rối như một đứa trẻ con bị mẹ phát hiện là đã ăn trộm mất một viên kẹo trong tủ lạnh mà chưa xin phép vậy. Minh nhìn xuống…
- Tay em rất ấm và mềm mại, đỏ hồng, điều này chứng tỏ sức khỏe khá tốt, một người hiền lành, trung thực…
Chị ngừng lại một lúc.
- Thế nhưng ở giữa lòng bàn tay lại có một luồng khí mát. Điều này cho thấy, em đang bị đau ở đâu trong thân và tâm, do oán uất kết tụ mà thành. Nó chứng tỏ em là người sống thu mình, khép kín, nội tâm, hay nói đúng hơn là cô độc, ít bạn bè…
Là người biết kiềm chế cảm xúc, nhưng nghe chị nói, Minh không khỏi ngớ người, vì nó quá đúng!...
- Em là người biết nhu hòa, nhẫn nhịn hơn người, thế nhưng khi bị đè nén quá mức sẽ vô cùng dễ gây tội ác…
Minh bàng hoàng…
Chị bắt xong mạch ở cổ tay phải, sang tiếp tay trái, chậm rãi, từ tốn và dường như tập trung toàn bộ tinh thần vào những nhịp đập dưới ba ngón tay nhỏ bé.
- Tâm, can, tỳ, phế, thận đều tốt, nhưng khí huyết bị ứ trệ do u uất buồn phiền sinh đờm nên em hay bị ho và nghẹt mũi, có cảm tưởng như bị hen suyễn, nhưng không phải khí ứ trệ, nên làm cho vai em bị đau lâu mà không khỏi. Dù em uống thuốc tây cỡ nào cũng vậy thôi, cái đau này thực sự là một tổn thương…
Chị ngập ngừng, rồi hỏi:
- Em nói thật đi!
Minh nhìn chị, không nói nên lời… Dường như đó là những lời nói trong tâm mình chứ không phải là người ngoài… Đúng!… Minh không thể phủ nhận được, nó không hề sai đến một điều nhỏ. Không thể chối từ, che giấu, để trở thành một tội nhân bất đắc dĩ, nhất là trong lúc này…
- Chị… nói đúng! Thật ra, cách đây gần 10 năm, em bị bố đánh, nhiều lắm, nhưng lần ấy, đúng vào chỗ này… Em đã đau như muốn ngừng thở, quỵ ngã xuống… phải mất gần một phút sau mới thở lại bình thường... Từ đó trở đi, hễ thời tiết đổi thay là nó lại càng đau. Em nghĩ cứ nhịn và quên nó đi, nhưng không ngờ càng ngày càng đau đến không thể chịu nổi nữa…
Cổ Minh nghẹn lại, nhưng biết là nên dừng lại ở đó, không thể nói và nói cũng không dễ dàng gì…
Minh nhắm mắt lại, nhưng vẫn cảm nhận được ánh nhìn của chị… Người Minh hơn run lên. Bàn tay chị siết lại chặt hơn, ấm áp hơn, đầy che chở và yêu thương…
- …!!!
- Những nỗi đau của quá khứ, chị biết nhưng chị không muốn khơi nó dậy trong em, điều đó không hay. Thế nhưng em ạ! Tự tử là kết thúc của những kẻ mất trí cùng quẫn. Cuộc đời này không có con đường cùng. Vấn đề là chúng ta phải biết vượt lên số phận, đức năng thắng số kia mà! Lão Tử cũng nói: tinh, khí, thần của con người ta, nếu biết thì có thể luyện và làm chủ nó. Phải biết đứng lên ngay nơi mình bị quỵ ngã. Trăm bệnh phát sinh từ tâm. Đó là chân lý, và cũng là chủ cốt trong phương pháp chẩn đoán, điều trị, dưỡng bệnh của Đông y. Nó khác với Tây y ở điều đó… Cần đối diện với thực tại chứ đừng trốn tránh thực tại. Đối diện để chuyển hóa nó bằng trái tim yêu thương mình và người… Bệnh tật và khổ đau sẽ không còn…
Minh ngồi chết lặng…
Quá khứ như một cuốn phim hiện về, rõ ràng từng thước một. Vết thương về cả thể xác và tinh thần bỗng sưng tấy lên, xoi vào tận xương tủy, nhức nhối đau đớn. Cái quá khứ mà Minh đã muốn cố gắng chôn vùi nó, bằng vùi đầu vào học hành bài vở, làm việc. Những tưởng nó đã rơi vào cái chết, nhưng không, nó chỉ nằm ngủ quên và thừa dịp lại trỗi lên. Càng cố quên nó càng bắt phải nhớ… Một tuổi thơ cô quạnh, tủi hờn trong đòn roi đánh đập tàn nhẫn, đối xử phân biệt đến cay nghiệt. Những thương tích trên tấm thân gầy gò bé nhỏ đã liền sẹo, những vết thương trong lòng chết khô hóa đá cùng thời gian. Sự hận thù, niềm u uất nỗi đắng cay của cuộc đời một đứa con rơi, nó ăn vào máu thịt của Minh, nó lớn lên cùng ý thức, nó trói minh vào hoang đảo cô độc giữa biển cả nước mắt của riêng mình. Khi Minh tự ra đời kiếm sống, tự vươn lên để học, giữa nơi đô thị phồn hoa xa lạ, tưởng rằng không ai biết đến Minh sẽ sống một cuộc đời khác, sẽ coi quá khứ kia là của người khác…
Nhưng thực tế thì không phải…
Trong đầu Minh bỗng nhiên về cảnh người đi lễ đêm rằm mờ ảo trong khói hương trầm và vị thánh có tấm áo choàng trắng luôn mỉm cười dịu dàng, sao thật hiền từ…
Minh chợt nhận ra là mình đã khóc…
***
Huế mùa thu, buồn phẳng lặng.
Ngôi nhà lá đơn sơ bé nhỏ nằm bình lặng sau lăng Tự ôn xao…
Chị đứng lên, mở tủ, lấy ra một quyển sách đã cũ, vàng ố mép giấy và đặt trước bàn.
- Chị ấy đã cho chị quyển sách này về đọc. Nó là y học cổ truyền, nhưng lại bao hàm rất nhiều tư tưởng triết học và nhân sinh. Em có thấy biểu tượng vòng tròn thái cực giống như Nho giáo không? Nó tượng trưng cho âm dương hòa hợp, trong âm có dương, trong dương có âm. Con người và vạn vật hòa hợp với thiên nhiên mà sống, đủ duyên thì tồn tại, hết duyên thì tan rã và trở về với cát bụi đất trời. Thái cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sanh muôn vật mà biến hóa vô cùng. Muôn vật nương nhau mà tồn tại. Con người cũng vậy. Và thực sự chẳng có gì cho ta bám vào chấp chặt để ôm lấy hạnh phúc hay khổ đau cả!...
Chị mỉm cười và rót trà. Hương trà ướp hoa ngâu nồng nàn dễ chịu, lan tỏa theo khói nóng khắp gian phòng. Nước sạch một màu xanh trong tinh khiết. Giữa gian phòng là bức tường thờ Quán Thế Âm, phía dưới là bức Thư pháp viết trên mành trúc thô sơ. Tôi nhận ra ngay nét vẽ của Sư Minh Đức, thú vị là được viết tặng nữa. Thấy tôi ngạc nhiên, chị cười.
- Khi ta buông bỏ những duyên mới kỳ ngộ!...
Và chị ngâm nga:
“Cuộc đời có có, không không
Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi”.
Chị chỉ tay về phía bàn làm việc, một tấm hình phóng to chụp chung với chị là một người phụ nữ tuổi trạc lục tuần, trên đỉnh Bà Nà sương phủ, cùng rạng cười hạnh phúc.
- Đó là người chị vừa kể cho em nghe đấy! Đôi khi chị ngẫm cũng không ra. Nhân duyên gì để mình gặp được chị ấy và đổi thay cả một đời!...
Tôi chỉ biết cười. Mà chỉ trời mới biết
- Thế chị theo đạo Phật à! – Tôi hỏi.
Chị xa xăm.
- Chị thờ Phật, nhưng thật sự rất ít đi chùa. Chị ấy cũng có quan điểm vậy. Cũng không hẳn vì công việc và mưu sinh. Mà cái cốt yếu của đạo không phải là kính tín hình thức. Cũng như y học phương đông vậy. Bởi thế có nhiều bệnh y học hiện đại Tây phương chịu thua, mà cọng cỏ, cành cây vườn nhà có thể cứu sống được . Đó thực sự là điều kỳ diệu của thiên nhiên, chúng ta không gì nắm bắt được hết đâu em ạ!
Chúng tôi cùng ăn một bữa cơm chay do chị nấu, nhất quyết chị bắt tôi ngồi chơi để chị làm chứ không cho phụ gì cả. Chị nói ăn chay trường lâu rồi, vì sức khỏe là chính, không phải vì thờ Phật đâu! Cái cách luận cứ của chị cũng lạ đời thật. Bữa cơm đơn giản với đậu Tây Lộc (ấy mà đúng đậu này mới ngon - chị tài thật) sốt cà chua, rau sam luộc chấm xì dầu ớt, mì căn trộn ngò gai, tất cả đậm đà hương vị Huế, nhẹ nhàng ngọt ngào mà cay thấm thía.
- Ăn cay để giữ nhiệt! Huế mùa Đông lạnh khủng khiếp em ơi! Mà chị tập nhiều rồi cũng quen, chứ quê hương xứ sở của chị đâu có ăn cay! – Chị cười hồn nhiên.
Lâu lắm tôi mới có được một bữa cơm trong không khí bình yên giữa thiên nhiên như thế này!
Trăng lên.
Hai chị em ngồi uống trà bên cửa sổ trông ra vườn. Huế về đêm tĩnh lặng một vẻ yêu kiều, như nàng cung nữ lặng ngắm soi mình bên hồ nước trăng khuya. Cuộc sống lắng xuống và dừng lại chỉ thở đủ để giữ hơi sống cho những ngày mai. Tiếng côn trùng ri rả xa xa như vọng hồn non nước trầm thiêng.
- Có khi nào chị được linh hồn vua Tự Đức chưa? Hàng xóm với nhau mà? – Tôi cười.
- Em cũng hài hước ghê đấy chứ! Chưa! Hoặc giả chăng ông ta đã đầu thai làm kiếp khác rồi, nên không gặp được đâu!
Hai chị em cùng cười. Vầng trăng thượng tuần trong vắt treo trên trời.
- Đâu phải ai cũng biết ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của một vầng trăng non như thế này!
- Ồ! chị khen nên trăng che mặt ngượng ngùng kìa! Dễ thương quá đi!
- Đúng là trăng cũng rất Huế!
Tiếng cười vang xa vào đêm sáng đầy trăng.
Khánh Bình
[Tập san Pháp Luân - số 72, tr77, 2009]