Ăn tết ở chùa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Sài Gòn vào những ngày gần cuối tháng Chạp ngày đêm hối hả ầm ào như những đợt sóng cuồn cuộn khiến Thạch càng cảm thấy rõ hơn sự lẻ loi, trơ trọi của mình giữa lòng thành phố.

Từ ngày được xí nghiệp cho nghỉ Tết, lãnh tháng lương thưởng và túi xách quà tặng, Thạch có thời gian đi rong ngoài phố hơn để rồi lần nào quay trở về nhà Nhơn cũng với tâm trạng ray rức bất an. Chỉ còn mươi hôm nữa là đến Tết rồi, nhưng Thạch chưa biết mình sẽ đón cái Tết ở đâu? Nhìn người, xe qua lại tấp nập nhộn nhịp trước mặt, lòng Thạch càng hoang mang lo lắng. Mọi người bươn chải tất bật với bao công việc dồn dập cho cái Tết, cho cơm áo, nhưng mỗi người đều có một chốn để trở về, nhất là vào dịp cuối năm để đón chờ năm mới cho dù là một túp lều tranh dột nát ngoại ô. Còn Thạch? Anh thường lẩn thẩn tự hỏi, có ai trong làn sóng người đang trôi chảy kia không có nơi để trở về trong ngày Tết như anh không? Có lẽ có, nhưng dù ở gầm cầu, vỉa hè, góc chợ hay công viên, họ cũng đều có một mái “gia đình”! Thường ngày, đạp xe đến xưởng, anh vẫn luôn nhìn thấy một “gia đình” gồm đôi vợ chồng tật nguyền và hai đứa con chui ra chui vào nơi túp lều vải thủng rách ở một góc công viên mà thầm nghĩ đến thân phận mình. Hai hôm liền, dù không có việc gì, Thạch vẫn ra phố, đi lông bông quanh mấy con đường quen thuộc để nhìn ngó mọi người chuẩn bị đón Tết như một kẻ nhàn rỗi thong dong…

Nhìn vào những ngôi nhà ấm áp ánh đèn, hoa chưng rực rỡ hay rộn rã tiếng nói cười thơ trẻ, Thạch thèm quá một nơi chốn đoàn tụ cho đời mình. Trước đây, Thạch cũng mơ hồ nhìn thấy nỗi bất hạnh của một kẻ không còn nơi chốn sum họp, nhưng cho đến lúc này, thì nỗi bất hạnh ấy đã luôn hiện ra trước mắt anh trong từng căn phố mà anh đã đi qua… Người con gái đầu của anh có chồng ở tận Vĩnh Long, anh không thể về nơi ấy để làm buồn lòng con trong những ngày đầu năm mới. Còn cậu con trai nhỏ đang sống với mẹ ở quê chắc cũng mãi vui Xuân, đón Tết với bè bạn mà không có thời gian để nhớ đến người cha đang lang bạt nơi này? Có lúc, Thạch cảm thấy dường như tất cả không ai biết có sự hiện hữu của anh trên cõi đời này? Thạch đã sớm mồ côi cả cha mẹ từ thuở lên tám. Từ thuở ấy, Thạch trơ trọi giữa đời. Làm sao có được một người mẹ yêu thương che chở để quay về mỗi lần sa cơ, cô độc? Anh đã có nhiều dịp để biết rất rõ, ngoài tình yêu thương biển trời của mẹ cha, anh không thể hy vọng nương tựa vào một nơi nào khác được nữa!

Hình như Nhơn đã nhận ra nơi Thạch nỗi phiền muộn khó nói từ vài ngày qua, nhất là khi vợ Nhơn bất chợt hỏi ngày nào anh trở về quê với gia đình? - Nhơn nhìn Thạch, nói giúp bạn: “Ông ấy còn quyến luyến thêm vài ngày để ăn Tết Sài Gòn sớm mà…”. - Thạch cười: “Vé tàu chưa chen vào được chị à! Đêm 30 tôi nằm ở gầm xe tải có mặt ở nhà là tốt rồi!”. Vợ Nhơn tin vậy vì chỉ biết Thạch vào Sài Gòn tìm việc là để giúp đỡ gia đình ở quê đang gặp khó khăn, không hề biết chuyện Thạch ra đi vì tờ quyết định cho phép ly hôn của tòa án theo đơn yêu cầu của vợ anh! Sau gần một buổi tâm tình nơi chiếc quán cóc đầu hẽm khi gặp lại nhau đầu tiên, Nhơn đã đề nghị: “Thôi, cậu về ở với gia đình mình, nhà hơi chật nhưng không sao. Sài Gòn tuy nhiều nhà cao cửa rộng vậy chứ khó có chỗ cho những người như bọn mình chen vào đâu! À, còn chuyện buồn của cậu, chỉ hai đứa mình hiểu với nhau thôi, không nên cho mấy bà biết thêm làm gì cho phiền!”. Thạch im lặng. Cảm thấy nỗi bất hạnh của đời mình như một tai ương cho người khác? Và anh cũng không hề muốn đem nỗi buồn đau riêng mình làm phiền lụy cho ai, dù là những người thân. Trước khi tìm gặp lại Nhơn, Thạch đã đến thăm Lộc, Minh, Thân để mong tìm sự hướng dẫn, giúp đỡ, nhưng cả ba người bạn học đồng hương cũ đều khéo léo từ chối nhận Thạch về chung sống cho dù chỉ tạm thời trong những ngày chờ xin việc. Nhà của Lộc tuy nhiều tầng rộng vậy nhưng có lẽ sẽ khó có thể kê thêm một chiếc giường bố vào nơi nào cho tiện giữa chốn sang trọng ấy? Minh thì giàu sang quyền chức cũng lại càng khó có thể thu xếp chỗ nào trống trong lòng anh cho Thạch trú ngụ? Còn Thân (…). Bây giờ, Nhơn đã hứa xin giúp việc cho anh ở xí nghiệp bao bì xuất khẩu mà Nhơn đang làm quản đốc, lại tự ý yêu cầu anh về sống chung với người cháu gọi bằng chú đang ở trọ học trên căn gác xép nhà anh. Thạch vô cùng cảm động, không ngờ rằng người bạn thuở nào thời trung học láu lỉnh thường quấy phá anh, nay lại cưu mang anh nhiều đến vậy? Nhưng bây giờ, trong những ngày Tết sắp đến, anh biết giấu mặt nơi đâu? Giấu nỗi buồn nơi đâu giữa cái thành phố hoa lệ rộn ràng này?

Người cháu của Nhơn đang học ở Bách Khoa cùng ăn nằm với anh trên căn gác xép bấy lâu hôm qua đã mời anh về Đăk Lăk cùng ăn Tết với gia đình cậu ấy. Nhưng Thạch đã ngần ngại từ chối. Tấm lòng tốt của cậu ấy thật đáng quý, nhưng đôi khi cũng phải gặp không ít phiền lụy của gia đình. Có nên chăng làm cho cậu ấy khó xử? Thạch đang hoang mang theo từng ngày nhẫm tính thì nhận được tin nhắn của Sĩ: “Cậu hãy về Tuy Hòa ăn Tết với chúng tôi. Bà xã tôi bảo phải nhắn tin gấp cho cậu đây!” - Thạch bấm máy: “Được vậy thì vui rồi! Cám ơn anh chị. Tôi sẽ thu xếp ra Tuy Hòa ngay ngày mai!”.

Nhà của Sĩ ở trong con hẽm nhỏ giữa hai bức tường rào cao như một khu biệt lập. Nhà cấp bốn cũ kỹ, rộng khoảng 60 mét vuông, gồm vợ chồng Sĩ và cậu con trai út còn đi học ở Sài Gòn mới về và bà mẹ vợ già nua đã lú lẫn thường ngồi ở chiếc ghế bên hiên nhà cười nói lảm nhảm. Trước nhà Sĩ là vuông sân tráng xi măng, vài chậu mai đang nở, một chiếc lồng chim, một hòn non bộ thấp. Khoảng sân nhỏ vuông vức nhưng yên tĩnh thoáng mát, vậy cũng đủ ấm lòng đôi bạn đời đã luống tuổi như vợ chồng Sĩ. Muốn có nơi yên tĩnh để viết, Sĩ đã “trổ nóc” làm thêm chiếc “chuồng cu” bằng ván lợp tôn chỉ vừa kê một chiếc bàn thấp, một ghế dựa, và khoảng trống chừng 10 mét chất đầy sách báo, bản thảo. Nơi tiếp khách thoải mái của anh là ngoài hiên nhà, che hai tấm màng trúc cho đỡ nắng gió, đặt bộ bàn ghế kiểu mới. Nhà chật nhưng Thạch đã cảm nhận được cái ấm cúng sum họp nghĩa tình của vợ chồng Sĩ khi vừa mới đặt chiếc xách tay ở thềm. Sau đó, Thạch đã chọn ngay cho mình cái “chuồng cu” nhỏ nhắn ấy cho mấy hôm đón Tết sau khi nhờ Sĩ dọn đống sách báo bề bộn vào góc phòng. Vợ Sĩ là một giáo viên vừa nghỉ hưu, chị rất quý đám bạn bè phất phơ của chồng, nhất là mấy ông nhà văn nhà thơ bất hạnh lang bạt kiểu như Thạch. Có được một tâm hồn phóng khoáng cởi mở như vợ Sĩ để chồng vui vẻ với bạn bè và yên tâm ngồi viết, quả thật cũng rất hiếm trong thời buổi này. Chị có nỗi cảm thông rất tự nhiên của người chị, nên Thạch đã tìm thấy được một niềm an ủi tự nhiên như khi về nhà mình.

Ngay buổi chiều đến nhà Sĩ, ăn bữa cơm sum họp đầu tiên với gia đình anh, Thạch được gặp cô em gái của vợ Sĩ cùng đến chia vui, đón khách. “Em là Long Nhi - Trần Long Nhi. Thầy không còn nhớ em sao?” Cô em gái vợ Sĩ nhắc. “Xin lỗi, tôi thật sự không nhớ hết!” Thạch cười: “Tôi chỉ dạy ở trường Bồ-đề ít giờ thôi, thời gian ngắn, mà đã hơn mấy mươi năm rồi, đầu óc đâu còn tỉnh táo mà nhớ được?”. Sĩ góp: “Long Nhi là rồng con. Trong lớp đệ tứ, hai giờ văn hay sinh hoạt thường lên ngâm thơ, ông không nhớ sao?” - “Anh nhắc tôi mới nhớ cô học trò đệ tứ năm xưa có giọng ngâm thơ giống Giáng Hương! Chà, mới dạo nào mà bây giờ đã thế này!” Long Nhi nói đến chuyến đi Hòa Thịnh ngày mai cùng đoàn Gia Đình Phật Tử về chùa Phi Lai tham dự buổi cứu trợ, thăm viếng chúc Xuân bà con nghèo ở chùa Hương Sơn, bên kia đèo núi Đó. Thạch đã chộp ngay cơ hội, nhìn Long Nhi, cười: “Em cho tôi cùng tháp tùng được không?” - “Trời ơi, sao lại không? Càng đông càng vui mà, thầy?” Vợ Sĩ hài lòng: “Chú Thạch lên thăm Thầy đi, chắc là Thầy sẽ vui lắm! Có dịp ghé thăm vợ chồng tôi, Thầy hỏi thăm tình cảnh của chú hoài…”. Thạch nhớ lại người Thầy tu sĩ đã từng làm Giám học ở ngôi trường Bồ-đề mà anh cộng tác năm xưa có tâm hồn của một nhà thơ đã tạo cho anh bao ấn tượng khó quên thuở ấy. Đã gần bốn mươi năm rồi, dòng đời trôi mãi…

Chùa Phi Lai nằm cuối con đường đất nhỏ chạy quanh xóm Mỹ Trung, phía trước là cánh đồng thoáng rộng trải dài đến chân dãy núi Hóc Râm. Bởi vậy, chùa luôn đón nhận những cơn gió nồm lồng lộng suốt ngày đêm vào tháng Chạp. Chùa nhỏ, đã được xây dựng từ gần một thế kỷ trước nên rêu phong cổ kính. Cái trầm tịch yên vắng mà không vướng chút u buồn của Phi Lai có được là nhờ vào những chăm chút săn sóc của Thầy Thiện Đạo - trụ trì ngôi chùa, từ ngày Sư Phụ vào Nam viễn du hoằng pháp. Không gian chùa trở nên cao hơn, thoáng hơn và xinh tươi hơn, đã có những cây sứ, hoa nở bốn mùa, những gốc mít cổ thụ xanh lá, và hàng dừa bao quanh bờ rào rợp bóng! Trước các dãy hiên của nhà Tăng, nhà Khách, nhà ăn, dọc theo vách tường bên ngoài, được treo lủng lẳng nhiều giò hoa Phong Lan nhiều màu mà Thầy đã từng ngày cùng đệ tử lên nương trồng tỉa tìm kiếm được. Rồi hòn non bộ Linh Thứu uy nghiêm; cảnh tượng “niêm hoa vi tiếu” ngời sáng một góc sân, dãy ghế xích đu tự chế bằng tre mây dưới hàng cây bạc hà, tất cả đã tạo cho Phi Lai một nét đẹp giản dị trong sáng… Thạch ngơ ngẩn trước cảnh lạ, dường như đã quen, mà cũng dường như mới mẻ với từng chùm hoa, gốc cây, chiếc lá, cánh bướm… Anh cảm thấy như đã đi lạc vào một cõi tinh khôi nào không có chút dính dấp gì với cuộc đời đang trôi chảy rộn ràng phiền nhiễu ngoài kia. Thạch tưởng như mình đang lọt thỏm vào một thế giới mới lạ êm ả khác với thế giới mà anh đã từng ngụp lặn bao năm. Thạch cũng chợt nhận ra lòng mình đang đổi khác, nhẹ nhàng và thong dong hơn! Và trước mặt anh,  bên cạnh anh, người thầy đáng kính năm xưa bao giờ cũng nở nụ cười bao dung; những cô chú hồn nhiên tốt bụng đang sà vào lòng anh như đã kéo Thạch lại gần hơn với cảnh chùa, với cõi Phật huyền nhiệm rộng mở. Chú Trí, nhỏ nhất trong tám người, cầm lấy tay Thạch: “Chú Thạch có thích đi thăm bà con ở chùa Hương Sơn cùng Thầy trò cháu không?” - “Có chứ? Dịp may hiếm có mà, Chú?” Thạch cười lớn, “Khi còn ở trong Sài Gòn, tôi đã chờ đợi rồi!” Thạch vội nhảy lên ngồi phía sau chiếc Yamaha của Thầy đã nổ máy đang chờ, lòng cảm thấy lâng lâng một niềm hạnh phúc bất ngờ đang dâng tràn. Mười chiếc xe Honda với mười bao tặng phẩm kềnh càng cùng hai chiếc ba gác máy chở đầy những bao gạo nối đuôi nhau chạy ra cổng…

Buổi chiều trở về chùa, sau bữa cơm sum họp rộn rã tiếng nói cười, trước khi về lại thị xã, Long Nhi hỏi: “Thầy có về cùng em không?”

Thầy Thiện Đạo nhìn Thạch cười: “Con về nói lại với vợ chồng Sĩ là thầy Thạch ở lại ăn Tết với chùa rồi!” Thầy tiếp: “Ở chùa nhiều bánh tét tương chao lắm phải ở ăn cho hết chứ?”.

Thạch vói tay xé tấm giấy lịch treo tường, viết vội: “Xin lỗi anh chị, tôi muốn ăn Tết ở chùa với Thầy một lần! Đã bao lần ao ước bây giờ mới có duyên lành này, mong anh chị tha thứ! Sáng mồng 6 tôi sẽ cùng thầy xuống thăm anh chị và tôi đón xe vào Sài Gòn luôn! Chúc anh chị ăn Tết vui vẻ!”.

Xếp tấm giấy nhỏ lại, Thạch ấn vào tay Long Nhi: “Em trao giúp cho anh chị Sĩ nhé! Ba ngày Tết thế nào thầy trò mình cũng sẽ gặp lại nhau, đúng không?” - Long Nhi nhìn Thạch trìu mến. Thạch nhìn đứng lên mắt Long Nhi, nghĩ nhớ đến cuộc đời sớm bước vào cuộc truân chuyên góa bụa của nàng mà đau xót, nói thầm: “Yêu thương nhau thì không còn được bên nhau, mà ghét bỏ nhau thì vẫn còn lây lất!”.

Kính tặng thầy Thiện Đạo

Mang Viên Long
[Tập san Pháp Luân - số 71, tr84, 2009]