Chú bé người Tây Tạng hôm nay trông rất lạ. Tôi còn nhớ mấy hôm trước khi gặp tôi và các sư Tây Tạng khác chú vui vẻ chào hỏi rồi thoăn thoắt chạy lên cầu thang về phòng.
Tôi không được biết nhiều về chú lắm, song qua lời kể của những người ở trong ký túc xá cộng với vốn tiếng Anh đủ để đi chợ và bắt xe buýt của tôi phần nào cũng hiểu và biết chút ít tiểu sử cá nhân của chú.
Sinh ra và lớn lên trên vùng núi Dharamsala miền Bắc Ấn Độ, chú cũng trưởng thành như bao đứa trẻ Tây Tạng khác. Bố mẹ là người Tây Tạng tỵ nạn tại Ấn Độ. Họ rất tốt bụng và mến khách, đặc biệt họ có một niềm tin mãnh liệt đối với Phật giáo Tây Tạng, đối với đức Dalai Lama. Thế nhưng, trong một lần đi dự lễ quán đảnh trên tu viện về, không may cả 2 vợ chồng đã qua đời do sự cố lở núi. Vậy là từ đó chú được đưa về ký túc xá sống và học tập dưới sự chỉ bảo tận tình của thầy hiệu trưởng và mọi người.
Thường ngày chú chỉ gặp chúng tôi sau giờ giải lao, bởi công việc ngoài giờ của chú là đem trà cho các tu sỹ (trong đó có tôi). Thật ra tôi không biết nhiều về tiếng Tây Tạng, chỉ một vài câu chào hỏi cám ơn (vì đang học mà), nhưng qua cảm nhận tôi biết rằng chú đang có sự thay đổi.
Năm nay chú khoảng 19, 20 tuổi gì đấy, tôi đoán thế (vì tôi trông vóc dáng chú chắc bằng tuổi đứa em gái út của tôi). Bản tính lanh lẹ nhưng ít nói, trầm lặng của chú làm cho tôi ít nhiều quan tâm và suy nghĩ.
Thường thì vào mỗi buổi chiều tôi có nhờ chú sang phòng để giúp tôi học tiếng Tây Tạng, thế nhưng hôm nay đã hơn 3h mà chú vẫn chưa sang. Tôi cũng không mấy làm lạ, chắc hôm nay chú bận việc gì. Tôi đoán thế.
Từ trên tầng 4 nhìn xuống dưới sân, màu rêu xanh vẫn còn ẩm ướt, cơn mưa núi rừng đã tạo cho thảm thực vật ở quanh khu ký túc xá thêm nhiều nét đẹp kỳ ảo. Tôi đem chiếc ghế nhựa mới mua hôm qua ra ngồi cho đỡ phí cái giá 200 rupi, vừa ngồi vừa mơ mộng nhìn lên những quả xoài chín mọng căng mình đung đưa trong làn gió chiều.
Đang thả hồn theo vọng tưởng thì bỗng nhiên tôi ngửi thấy mùi khét của khói bốc lên từ phía dưới mặt đất, thì ra chú ấy đang nhóm lửa đốt cái gì ấy?! Dáng vẻ hớt hải của chú làm tôi để ý và quan sát xem chú đang làm gì. Trong góc nhỏ gần phía bờ tường chú đang đốt một quyển tập và hình như chú đang... khóc... Do khoảng cách quá xa tôi không rõ vì sao chú đốt quyển tập ấy và không thể nhìn trong quyển tập ấy viết những gì.
Chú xé thật mạnh những trang vở ghi đầy chữ và luôn những trang còn trắng tinh, chú đốt và trong tâm chú hình như muốn cho ngọn lửa cháy thật mau, thật lớn kèm theo đó là hai dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt chú.
Chỉ vài phút trước thôi, quyển vở vẫn còn nguyên trạng, bìa đen giấy trắng tinh khôi, vậy mà trong tích tắc nó đã tan theo làn khói. Những trang giấy kia chẳng biết có tội tình gì không mà người ta lại trút hết bao hỷ nộ ái ố lên nó. Để rồi khi không thích nữa thì đem nó đốt đi hoặc là quăng nó vào thùng rác. Không biết khi làm như vậy họ nghĩ gì, còn tôi đang hình dung là họ đang cố vứt bỏ, cố đốt đi, xóa đi những ký ức được ghi lại trong những trang giấy ấy. Liệu đó có phải là một giải pháp tốt nhất không? Họ có thể quên được không, trong khi ông chủ giữ kho (tàng thức) vẫn còn lưu lại bản chính. Nhưng thôi dù sao đó cũng là một giải pháp hữu hiệu tức thời mà thế gian thường làm.
Vu vơ một chút thoáng qua, mắt tôi vẫn đang chăm chú dõi theo từng động tác của chú. Chú đốt thật kỹ không bỏ sót một trang nào kể cả những mảnh vụn nhỏ nhất. Khi quyển vở đã trở về với nguyên thủy sơ khai của nó, thì cũng là lúc chú đứng lên và quay vào. Vậy là một ký ức, một tâm hồn cũ đã đi qua, tôi ước gì mình cũng được như trang giấy kia, chỉ qua một làn gió, một ngọn lửa là có thể về lại với bản thể của mình.
Tôi chạy xuống phòng chú, cửa phòng không khóa, tôi bước vào đột ngột phá tan không gian tĩnh mịch đến rợn người đang trùm phủ lấy căn phòng. Tôi ngồi xuống cạnh chú, hai bàn tay tôi nắm thật chặt tay chú như muốn cố ngăn dòng nước mắt đang chảy xuống mỗi lúc một nhiều. Tôi không biết làm gì khác hơn là ngồi nhìn chú khóc, hồi lâu tôi hỏi : “sao em lại đốt nó đi và có chuyện gì mà em khóc nhiều vậy?”. Chú tức tưởi trả lời tôi trong tiếng nấc nghẹn ngào: “dạ, bà ngoại em vừa mất!”.
Tôi cũng muốn bật khóc, nhưng cố kìm lại, tôi hỏi tiếp: “ngoại em mất nhưng tại sao em đốt quyển vở đó đi, nó có tội gì đâu?”. Chú trả lời tôi: “đó là quyển tập của em, em đã cố gắng học thật tốt để có nhiều điểm 10 đem về cho ngoại”. Tôi chợt hiểu và chú nói tiếp: “ngoại em năm nay yếu lắm, em cũng không thể về thăm ngoại, mặc dù thầy hiệu trưởng cho phép em về nhưng em muốn để dành thời gian học thật tốt, thật nhiều điểm tốt, dành cho ngoại niềm vui bất ngờ và cầu mong cho bà mau khỏe lại, vậy mà...”.
Chú nói đến đây và òa khóc lớn hơn nữa, tôi cũng không thể làm gì hơn vì hai dòng nước mắt đã chảy ra lúc nào không biết. Tôi cũng khóc một phần vì trân trọng tình cảm của chú, một phần vì nghĩ đến bản thân mình. Đã hơn một năm qua lang thang trên xứ Ấn Độ này, tôi đã làm gì có ích cho mọi người, trong khi chuyến du hành của tôi vẫn không có ngày mai, và mẹ tôi… người phụ nữ tảo tần hôm sớm đang trong cơn bệnh nặng, ngày ngày vẫn dõi mắt trông theo từng bước tôi đi.
Chú thật có hiếu vì còn có những điểm 10 dâng cho ngoại mặc dù bà không còn, nhưng tôi nghĩ trong sâu thẳm của trái tim chú, trong hơi thở và cả những giọt nước mắt của chú đã có hình bóng của bà. Còn tôi, từ khi xa gia đình đến nay, vì nhiều lý do mà tôi chưa hề thăm mẹ một lần, chắc mẹ không trách tôi đâu, vì mẹ luôn hiểu tôi hơn ai hết, nhưng điều mà tôi muốn nói với mẹ tôi là: “mẹ ơi con sẽ trở về, xin mẹ tha lỗi cho con là một đứa con bất hiếu!”.
Tâm Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 55, tr.74, 2008]