Nhật Minh bước chậm trên con đường quê rợp bóng mát với chiếc ba lô nhè nhẹ trên lưng. Con đường này Nhật Minh đã đi qua không biết bao nhiêu lần kể từ ngày Nhật Minh xuất gia tại ngôi chùa ở vùng quê ven đô thị này.
Thế nhưng, hôm nay Nhật Minh cảm thấy trong lòng trào dâng những xúc cảm lạ thường theo từng bước chân trên con đường làng. Cũng phải thôi, vì Nhật Minh đã xa quê khá lâu rồi. Từ ngày từ biệt sư phụ và người sư đệ thân thương, sớm hôm chia sẻ ngọt bùi, để vào Sài Gòn học cho đến nay cũng đã hơn một năm rồi còn gì.
Là người ở quê vào thành phố để theo học Học viện Phật giáo nên thời gian đầu Nhật Minh gặp không ít khó khăn, từ lối sống, những sinh hoạt thường nhật cho đến chương trình học trong Học viện. Vì thế mà thời gian nghỉ tết của năm thứ nhất Nhật Minh đã xin sư phụ ở lại Sài Gòn để tranh thủ học bài cho theo kịp với chương trình học. Nay là kỳ nghĩ Tết của năm thứ hai. Nhật Minh không thể nào kiềm nén được sự háo hức trở về thăm quê, thăm mái chùa quê yêu dấu nơi có người thầy khả kính và người sư đệ thân thương đang sớm hôm chuyên cần tu tập.
Từ khi bước chân lên chuyến tàu về quê, bao kỷ niệm êm đềm, giản dị mà chan chứa nghĩa tình của ba thầy trò dưới mái chùa quê cứ nối tiếp nhau trở về trong tâm trí của Nhật Minh. Càng nhớ Nhật Minh càng mong sớm về đến chùa để được thăm thầy, để sẻ chia, tâm sự cùng với sư đệ và để tận hưởng một mùa tết an lành dưới mái chùa quê yêu dấu của mình.
Về đến chùa, người đầu tiên mà Nhật Minh gặp được là người sư đệ. Thấy sư huynh về, sư đệ mừng khôn xiết kể, chạy lại ôm lấy sư huynh mà reo mừng:
- A, sư huynh đã về, sư huynh về ăn tết cùng với đệ và sư phụ. Tết này chùa mình lại được đông vui rồi.
- Ừ, huynh về chùa đón tết với đệ đây, Nhật Minh mừng vui đáp. Sư phụ đang ở đâu vậy đệ?
- Sư phụ đang ở ngoài vườn, sư đệ nhanh nhẩu đáp. Đưa ba lô đây đệ mang cho, đệ dẫn huynh ra chào sư phụ. Từ khi biết tin sư huynh về chùa đón tết, sư phụ mong được sớm gặp huynh lắm đó.
Hai huynh đệ cùng nhau ra vườn để gặp sư phụ. Hiện ra trước Nhật Minh vẫn là hình ảnh của người thầy khả kính năm nào, vẫn bộ áo lam đã nhạt màu, nét mặt hiền từ đang cầm kéo cắt tỉa lại hàng dâm bụt sau vườn chùa. Nhật Minh bước lại gần và chắp tay kính chào sư phụ. Thấy Nhật Minh, nỗi vui mừng hiện rõ trên nét mặt của sư phụ. Sư phụ bước lại thân thiết nắm lấy tay Nhật Minh mừng vui nói:
- Con đã về tới, đi đường có mệt lắm không con? Trông con đã trưởng thành hơn trước nhiều. Vậy là tết nay chùa mình được đoàn viên.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để cho Nhật Minh cảm nhận được tình cảm của thầy dành cho mình, cũng đủ để cho hơi ấm hạnh phúc lan tỏa trên khắp châu thân của Nhật Minh.
- Thôi, con đi đường đã mệt rồi, vào trong nghỉ ngơi cho khỏe. Sư phụ bảo.
Đến giờ cơm chiều, ba thầy trò quây quần bên mâm cơm thanh đạm, chỉ với một ít đậu phụ kho, một dĩa rau muống luộc, một chén nước tương và một bát canh chua, vậy mà Nhật Minh cảm thấy ngon vô cùng. Ở thành phố thì mỗi bữa ăn đều có nhiều món, thức ăn phong phú hơn, thế nhưng chưa có bữa cơm nào Nhật Minh cảm thấy ngon miệng như hôm nay. Có lẽ là niềm vui đoàn tụ và thức ăn đậm đà hương vị quê hương đã tạo nên cảm giác đó.
Tối đến, sau khi xong thời kinh Tịnh độ, hai huynh đệ cùng nhau uống trà và hàn huyên tâm sự. Đây là một dịp tốt để hai huynh đệ tâm sự với nhau và cũng là dịp để sư đệ có thể mở rộng tầm nhìn. Sư đệ đã không bỏ lỡ cơ hội:
- Huynh à, huynh vào sống ở Sài Gòn có điều gì hay kể cho đệ nghe với?
- Đệ ạ, khi mình đi học thì được tiếp xúc với nhiều người, được biết đến những điều mà ở quê mình không có, tích lũy thêm những kinh nghiệm sống. Có những điều làm cho mình thêm phấn chấn, như tiếp thêm nhựa sống cho mình, và cũng có những điều khiến mình phải ngậm ngùi nhỏ lệ trước những ngang trái của cuộc đời. Đệ biết không, trong lớp học huynh có quen thân một vài thầy, nhưng sau một thời gian thì hai trong số những người bạn đó đã nghỉ học, và hoàn tục. Mọi người thường nghĩ rằng, lý do hoàn tục của các tăng sĩ trẻ là vì họ ra đi theo tiếng gọi của “con tim”. Nhưng hai vị nầy thì hoàn toàn không phải vậy. Một vị thì hoàn tục để về quê phụng dưỡng mẹ già vì gia đình có hai anh em, nhưng người anh không may bị tai nạn và đã vĩnh viễn ra đi để lại người mẹ già sống cô đơn, hiu quạnh dưới mái nhà tranh. Không cam lòng trước sự cô đơn, héo mòn theo năm tháng của mẹ nên thầy đã xin sư phụ để về quê chăm sóc mẹ già. Còn vị thứ hai thì đã hoàn tục vì không tìm thấy niềm hạnh phúc trong nếp sống thiền môn, không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Đệ thấy có đau lòng không, có đáng để cho chúng ta phải ưu tư trăn trở không? Chùa được xem là một môi trường sống lý tưởng, một chốn an tịnh phù hợp cho người đi tìm hạnh phúc chân thường, đi tìm sự giải thoát mọi khổ đau, phiền muộn cho tự thân và cho tha nhân. Vậy mà thầy ấy đã không cảm nhận được điều đó tại nơi thầy ấy sống; ngược lại thấy đã phải chịu đựng quá nhiều phiền não, đã sống một cuộc sống không mấy an lạc và có ý nghĩa. Tại sao lại như thế?
- Theo đệ thấy, có lẽ là do thầy ấy không khéo tu hành nên mới ra nông nỗi như vậy.
- Đệ nói không sai. Trong trường hợp này, bản thân thầy ấy đương nhiên không thể nào chối bỏ trách nhiệm đối với những khổ đau, phiền muộn mà thầy ấy đã trải qua. Chính thầy là nhân tố chính trong việc dẫn đến những phiền não và bế tắc trong cuộc sống của thầy. Tuy nhiên, ở đây yếu tố giáo dục và môi trương sống cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu thầy ấy được giáo dục tốt, được sư phụ và huynh đệ quan tâm giúp đỡ thì có lẽ thầy ấy đã tìm ra những giải pháp thích hợp cho những vấn đề trong cuộc sống. Hoặc ít ra thì thầy ấy cũng đã có thể giữ được lý tưởng xuất gia và cảm thấy được an ủi phần nào khi gặp những nghịch cảnh trong cuộc sống nếu sư phụ và các huynh đệ trong chùa là nguồn động viên, khích lệ cho thầy. Nhưng đáng thương thay cho thầy ấy, thầy đã không còn đủ nghị lực để sống đời sống của một người tu sĩ nữa. Có lẽ là thầy ấy đã quá tuyệt vọng.
- Huynh ơi, còn những người bạn khác của huynh và những chùa khác thì sao hả?
- Nếu so với những người bạn mà huynh quen biết và có điều kiện tâm sự thì có thể nói rằng, huynh đệ chúng ta tuy sống dưới mái chùa quê thanh đạm nhưng hạnh phúc hơn các vị đó nhiều. Chúng ta được thầy thương yêu, quan tâm dạy dỗ, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ. Hai huynh đệ chúng ta lại biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Đôi lúc thấy được huynh thương nên đệ còn làm nũng nữa chứ, mỗi khi bị ốm thì không muốn mau lành, chỉ muốn nằm hoài để ăn cháo trắng với muối mè do huynh nấu. Đệ thật là…
- Ấy ấy, sư huynh đang chọc quê đệ đấy hả?
- Đâu dám, huynh chỉ đùa một tí cho vui thôi mà, đệ của huynh đâu phải vậy, phải không nào?!
- Thế các vị khác không có được cuộc sống như chúng ta hay sao huynh? Sư đệ tò mò hỏi.
- Ừ, có những vị sống ở chùa mà sư phụ của họ không quan tâm lắm đến đời sống tinh thần cũng như vật chất của đệ tử. Họ phải tự lực phấn đấu, còn những chi phí trong sinh hoạt thường nhật và học phí đều phải nhờ gia đình cung cấp, ngoại trừ cơm ăn, chỗ ở và những tiện nghi sử dụng trong chùa. Lại có những vị kể rằng, có những lúc ốm đau suốt cả một tuần mà sư phụ không hề hay biết, không có một lời hỏi thăm sức khỏe hay động viên, giúp đỡ. Đệ biết không? Nhân lúc huynh chào tạm biệt mọi người trong chùa để về quê đón tết, có một vị đã ngậm ngùi nói với huynh rằng, thầy có chùa, có thầy tổ để về sum họp trong dịp tết, còn tui thì muốn về cũng chẳng biết về đâu. Sư phụ tui thì đã qua đời, chùa tổ giờ đây đã trở thành nơi xa lạ. Ở lại đây thì cũng chỉ là đất khách quê người, không đủ để sưởi ấm lòng mình lúc xuân về, tết đến. Nghe thầy ấy nói và nhìn nét mặt buồn rười rượi của thầy huynh cảm thấy lòng mình se thắt lại.
- Nghe thương tâm quá huynh nhỉ.
- Chưa hết đâu đệ. Có một số vị bảo rằng, đối với sư phụ của họ, họ chỉ biết kính và sợ mà thôi. Họ không biết là trong thâm tâm của sự phụ có thương họ tí nào hay không. Nhưng mà những biểu hiệu bên ngoài thì không có tí gì gọi là thương yêu cả. Sư phụ chỉ biết rầy la và trách mắng. Khoảng cách giữa thầy với trò quá lớn. Thầy thì không khi nào gần gũi thân thiện với trò, lắng nghe trò giải bày tâm sự. Trò thì không dám đến gần thầy. Một điều đáng buồn nữa là người trò luôn tìm cách để lánh mặt thầy, càng ít gặp thầy càng tốt. Quan hệ thầy trò như thế thì làm sao gắn bó lâu dài, như thế thì trò biết nương tựa vào đâu để có thể vượt qua những khó khăn, chông gai của cuộc sống. Là người tu sĩ trẻ, mối quan hệ thầy trò có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống hiện tại cũng như những định hướng cho tương lai. Sự lạnh nhạt trong quan hệ thầy trò cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho một số vị tu sĩ trẻ bị sa ngã trước những cám dỗ của cuộc đời.
- Sao huynh lại nghĩ vậy?
- Đệ thử nghĩ xem, điều mà tất cả mọi người tìm kiếm trong cuộc sống là gì?
- Có phải mọi người đi tìm hạnh phúc cho cuộc sống không huynh?
- Đúng rồi, mục đích và ý nghĩa của cuộc sống là hạnh phúc. Con người không thể nào sống nổi nếu thiếu hạnh phúc. Người tu sĩ cũng vậy, chúng ta khó lòng sống trọn vẹn nếu không có hạnh phúc trong cuộc sống. Một trong những yếu tố tạo nên hạnh phúc cho cuộc sống đấy là tình người, là mối quan hệ thân thiết giữa người với người. Là con người, để có thể sống một đời sống có ý nghĩa thì người đó phải biết thương yêu và được thương yêu. Con người mà không có tình thương yêu thì chẳng khác gì gỗ đá vô tri, chẳng khác gì các loài động vật. Những người xuất gia như chúng ta đã cát ái từ thân, thiếu vắng tình thương yêu và sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, thì sư phụ là người duy nhất có thể bù đắp lại nỗi mất mát nầy của trò, giúp trò có thể hoàn thiện nhân cách một cách trọn vẹn. Sự lạnh nhạt của thầy đối với trò dẫn đến những khó khăn, mất cân bằng trong đời sống tâm lý của trò. Vì thế mà trò đã đi tìm những niềm vui ở ngoài để có thể giải tỏa những bức bách trong cuộc sống. Điều này dẫn đến lối sống buông thả và thiếu phạm hạnh ở trò. Hơn nữa, vì thiếu vắng tình thương yêu nên trò rất dễ bị mềm lòng trước những sự quan tâm đặc biệt và những lời nói ngọt ngào, êm dịu của những người bạn khác giới. Có thể ví người trò trong hoàn cảnh này như là một mảnh đất khô hạn và những sự quan tâm chăm sóc, cùng những lời nói dịu ngọt của người bạn khác giới như là những dòng nước mát tưới tẩm vào mảnh đất khô hạn ấy. Như thế thì lòng đất nào không bị thấm ướt cho được, phải vậy không đệ?
- Ừ nhỉ! Nếu đệ lâm vào tình cảnh ấy thì có lẽ đệ cũng khó lòng mà đứng vững. Cũng may mà huynh đệ ta luôn được thầy hết lòng thương yêu và gần gũi chăm sóc. Những vị nào lâm vào trường hợp đó thì đáng thương hơn là đáng trách, phải vậy không huynh?
- Phải rồi, chúng ta cần phải cảm thông với hoàn cảnh của họ, gần gũi và sẻ chia cùng họ. Tình thương yêu của thầy đối với trò là một nhân tố quan trọng giúp trò trưởng thành. Tình thương yêu ấy là sức mạnh giúp trò vượt qua những cám dỗ của “mật ngọt” trong cuộc đời, là tiếng gọi thiêng liêng đưa trò trở về với đời sống phạm hạnh sau một đoạn đường lạc bước, là tiếng chuông thức tỉnh trò trong những cơn mộng mị.
- Nãy giờ huynh chỉ kể những chuyện buồn, những điều kém may mắn. Chẳng lẽ cuộc sống đã hoàn toàn bị phủ kín bởi một màu xám thế sao huynh?
- Chưa đến nỗi như thế đâu đệ ạ! Cuộc đời này còn có những bức tranh sống động, còn có những gam màu hồng thắm, đáng để cho chúng ta chiêm ngưỡng và kính phục lắm. Đệ biết không, có những vị ở quê được sư phụ đích thân đưa đi nhập học. Dẫn đệ tử đến trường lo xong thủ tục nhập học, người sư phụ còn tìm chùa cho đệ tử ở lại tu học, gởi gắm đệ tử xong sư phụ mới an tâm trở về. Tấm lòng của người thầy như thế thì có người đệ tử nào lại không tận tâm tu học. Có những vị vì hoàn cảnh mà sư phụ không đưa đệ tử đi được thì cũng viết thư giới thiệu hoặc là liên lạc gởi gắm đệ tử cho các vị thầy mà họ tin tưởng.
Lại có vị tuy không được sư phụ gởi gắm, một mình bơ vơ, lạ lẫm nơi xứ lạ quê người, nhưng do có phước duyên nên đã được một số người giới thiệu và xin vào được những cảnh chùa thanh tịnh. Có một vị cho huynh biết rằng, thầy ấy một mình từ miền Trung vào Sài Gòn để học, không một người quen thân ở Sài Gòn. Những ngày đầu ở đất Sài Gòn thầy ấy thật sự bất an, không biết làm sao để có thể tìm được một ngôi chùa để có thể ổn định đời sống tu học. May thay cho thầy ấy là sau đó thầy đã gặp được một vài người quen, nhờ sự giúp đỡ của những vị này mà thầy đã được nhận vào sống trong một ngôi chùa hơi xa trung tâm thành phố. Đối với thầy ấy, đấy là một diễm phúc lớn. Trong chùa ấy hầu hết là những người xa lạ, khác quê với thầy. Tuy nhiên không hề có sự phân biệt đối xử ở trong chúng. Vị thầy trú trì ở ngôi chùa ấy là một bậc chân tu, sống đạm bạc và gần gũi với chúng điệu trong chùa. Mặc dù ít có điều kiện để tiếp xúc trực tiếp với thầy trú trì, nhưng qua ánh mắt của vị ấy, qua những lời tâm sự, sẻ chia cùng với tăng chúng trong các bữa ăn đã cho thầy cảm nhận được sự quan tâm của thầy trú trì với tăng chúng cũng như tình cảm của thầy trú trì dành cho thầy. Một điều đặc biệt là tăng chúng trong chùa hầu hết là học tăng tạm trú, chỉ có một hai vị là đệ tử của thầy trú trì mà thôi. Thầy trú trì ở đấy có tâm nguyện là tạo dựng cảnh thiền môn để tiếp tăng độ chúng, không phân biệt người Nam hay người Trung, không phân biệt là đệ tử hay không phải là đệ tử của thầy, miễn vị nào có tâm tu học mà thầy có điều kiện thì thầy sẽ tạo điều kiện giúp đỡ. Có thể nói rằng đây là một bậc thầy khả kính và hiếm gặp. Điều làm cho thầy ấy càng cảm phục hơn ở vị trú trì nầy là lúc thầy ấy thưa với thầy trú trì để xin chuyển đến một ngôi chùa khác gần trường học hơn. Lúc thầy ấy thưa chuyện với thầy trú trì, thầy trú trì thân thiện cầm tay thầy mà bảo rằng: “Thầy sống ở đây chưa lâu nhưng đã để lại những thiện cảm trong lòng mọi người. Nay thầy xin được một ngôi chùa gần trường học hơn để tiện cho việc đi lại, đấy là điều đáng mừng cho thầy. Tuy nhiên, nếu đến đó sống mà cảm thấy không thích hợp thì thầy cứ trở về đây. Chùa mình luôn mở rộng cửa để chào đón sự trở lại của thầy.” Ôi, thật là cao cả! Từ trước đến giờ thầy ấy chưa bao giờ gặp được một vị thầy đầy lòng khoan dung và độ lượng đến thế. Có lẽ là suốt cuộc đời này thầy sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cũng như những lời nói chân tình, độ lượng của vị thầy khả kính đó.
- Nghe huynh kể mà lòng đệ cũng trào dâng niềm cảm phục vị thầy trú trì đó huống gì là người bạn của huynh.
- Thế đấy đệ, cuộc đời này còn có những người tốt, có những bậc chân tu, những vị thầy hết mực thương yêu và chăm lo cho đệ tử, vẫn có những người thực sự hiến dâng cuộc đời cho đạo pháp, hết mình vì thế hệ tương lai, vì sự truyền trì của ngọn đuốc tuệ rạng ngời mà bao thế hệ cha ông đã hết mình gìn giữ, truyền trao.
Hai huynh đệ đang mải mê tâm sự thì bỗng có tiếng bước chân nhẹ nhàng tiến đến gần. Đấy là tiếng bước chân của thầy:
- Hai con vẫn chưa nghỉ sao? Thầy nhẹ nhàng hỏi. Nhật Chiếu, tên của sư đệ, con để cho sư huynh của con nghỉ ngơi sớm để giữ gìn sức khỏe chứ. Sư huynh con đi đường xa đã bị thiếu ngủ rồi. Thôi, hai con nên nghỉ sớm đi, thời gian còn dài, có chuyện gì thì mai mốt huynh đệ tiếp tục tâm sự.
Thầy trở về liêu, Nhật Minh thân thiện nhìn sư đệ mà nói:
- Đệ ạ, thầy chúng ta là vậy đó, giản dị mà thanh cao, uy nghiêm mà thân thiện. Thầy luôn luôn thể hiện sự thương yêu và chăm sóc đối với đệ tử. Thầy vừa là người cha nghiêm từ, vừa là người mẹ hiền chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho con. Thầy là gương sáng để cho huynh đệ mình noi theo, là nơi nương tựa vững chắc của chúng ta, là mái ấm cho chúng ta tìm về. Còn gì hạnh phúc hơn khi chúng ta có được một người thầy như vậy. Đấy cũng chính là lý do chính khiến lòng huynh vui nhộn hẳn lên khi sắp đến ngày trở về chùa đón tết cùng thầy và sư đệ. Mong sao tất cả những người tu sĩ trẻ như huynh đệ chúng ta, nhất là những vị sơ phát tâm xuất gia, đều được thầy tổ thương yêu, bảo bọc và quan tâm dạy dỗ để họ có thể trở thành những người có đức hạnh, có thể sống một cuộc sống an lành trong nếp sống thiền môn và có thể góp phần giữ gìn và truyền bá đạo pháp cũng như góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Hai huynh đệ đi vào giấc ngủ với niềm hạnh phúc êm đềm lan nhẹ trong từng huyết quản, từng tế bào của cơ thể và xen lẫn với đôi chút tự hào khi nghĩ mình thật là diễm phúc, gặp được một bậc thầy khả kính, thương yêu và dẫn dắt trên bước đường tu học.
Minh Nguyên
[Tập san Pháp Luân - số 54, tr.79, 2008]