Người Thầy

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trời vừa nhá nhem tối, Ngọc đang loay hoay dọn cho xong cái tủ. Ngọc nghe như ai đang gọi mình. Hình như là cô.


Ngọc nghe tiếng cô gọi thì đi ra. Ở Chùa, cô hay quan tâm đến chúng điệu và luôn chỉ bảo cho Ngọc. Ngọc bước tới gần và chắp tay thành búp sen thưa:
- Mô Phật! Thưa cô gọi con.
Cô nhìn Ngọc cười nhẹ nhàng. Ngẫm nghĩ một lát, cô hỏi:
- Ngọc này, con có thích đi tu không?
Ngọc nghe câu hỏi, thấy thật bất ngờ. Ngọc không biết phải trả lời làm sao. Vì mục đích của Ngọc vào chùa là để đi học. Ngập ngừng một hồi lâu, Ngọc chắp tay thưa:
- Mô Phật thưa cô, con cũng thích đi tu. Nhưng con sợ…
Cô mỉm cười, nhỏ nhẹ nói:
- Con ngồi xuống đây cô nói cho nghe. Con sợ học kinh phải không?
Ngọc nghe cô hỏi mà giật cả mình. Ngọc không hiểu tại sao cô lại biết tâm ý của mình. Thật sự Ngọc sợ học kinh lắm.
Không gian tự nhiên trầm lắng. Tim Ngọc cứ đập thình thịch. Ngọc đang suy nghĩ thì cô lại hỏi:
- Con sợ học kinh, vậy con có sợ đi tu không?
Ngọc mở tròn đôi mắt đen lánh, lấy lại bình tĩnh thưa:
- Mô Phật thưa cô, con rất thích.
- Chỉ thích thôi sao? Ngoài thích ra còn gì nữa không? Cô hỏi.

Ngọc chắp tay thưa:
- Dạ, Mô Phật, con chỉ thấy thích thôi ạ.
Cô nhìn Ngọc, nghĩ ngợi, lát nói:
- Con cũng giống như cô hồi đó. Cô cũng vì chữ “thích” mà đi tu. Con có muốn nghe cô kể lại câu chuyện đi tu của Cô lúc nhỏ không?
- Mô Phật, con thích nghe lắm ạ. Kể cho con nghe đi Cô.
Cô bắt đầu kể về cuộc đời hành điệu và sự tu học của mình:
-  Khi còn nhỏ, cô đã có ý muốn đi tu. Nhưng rồi ba cô không cho, bảo rằng học hết lớp 12 rồi đi. Cô nghe lời ba nên sau khi học xong phổ thông mới vào chùa. Gia đình cô cũng khá giả, trong nhà không thiếu một thứ gì. Vậy mà…
Nói tới đây cô cười, một lúc cô kể tiếp:
- Vậy mà vào chùa ăn cơm khoai lang độn. Mỗi lần ăn cơm thấy khoai lang là cô như muốn khóc. Thế nhưng ý chí xuất gia thì vẫn mạnh mẽ lắm. Lòng luôn dặn lòng là hãy gắng tu, đừng nản chí. Mình là chiến sĩ mà. Phải chiến thắng. Mình thích đi tu chứ có ai ép mình đâu.
Cô nhìn Ngọc cười, rồi nói tiếp:
 -  Thời cô còn hành điệu cũng vui lắm. Có lần, thầy của cô bảo cô đi trồng khoai lang. Cầm dây khoai lang trong tay, cô không biết trồng làm sao cả. Cô ôm cả mớ dây khoai lang đi vào thưa thầy chỉ dạy cách trồng. Ngay cả việc phân biệt gốc và ngọn cô cũng không biết. Con thấy cô có khờ không?
Rồi cô kể sang câu chuyện khác:
-  Có một lần đúng phiên cô trị nhật. Hồi đó chụm lửa bằng rác và lá. Thầy bảo cô, “Con à, hôm nay con nấu cơm và nấu canh bầu. Con cắt khúc đầu nấu, còn khúc đuôi thì để lại”. Dặn xong, thầy mang y hậu lên chùa. Ở dưới bếp, cô cầm trái bầu trên tay mà không sao phân biệt được đâu đầu, đâu đuôi. Không biết giải quyết thế nào. Thế là cô ôm cả trái bầu đi nhanh lên chánh điện hỏi thầy. Thấy thầy đang đóng chuông, cô không dám hỏi. Nhưng đã vào thế bí, cô phải dồn hết can đảm để hỏi thầy. Thầy nghẹn ngào nhìn đệ tử “quá thông minh” của mình mà chỉ dạy. “Con à! Phần có cái cuống là đầu. Phần còn lại là đuôi. Con hiểu chưa?”. Cô chắp tay, Mô Phật, rồi ôm trái bầu đi nhanh xuống bếp. Trưa dọn cơm lên thầy hỏi, “Con à! Canh bầu sao con bỏ tiêu nhiều quá. Lần sau bỏ ít thôi nghe. Ăn tiêu nhiều không tốt.” Khi đó cô chắp tay thưa, “Mô Phật thưa thầy, con đâu có bỏ tiêu. Chắc là… chắc là…”. “Chắc là cái gì vậy? Tro phải không?” Thầy hỏi lại. Sau lần đó, thầy quan tâm cô nhiều hơn, chỉ dạy cho cô từng ly, từng tí cho nên mới được như ngày hôm nay.
Kể xong, cô quay sang Ngọc hỏi:
- Con thấy cuộc đời hành điệu của Cô vui không? Sao rồi? Giờ con quyết định thế nào?
Ngọc cười và trả lời:
- Dạ, con muốn đi tu.
- Con suy nghĩ kỹ chưa? Có chắc thật không. Cô hỏi.
- Dạ chắc thật. Con không hối hận đâu.
- Vậy thì đi mang áo tràng. Theo cô vào thưa thầy.
Cô đi trước, Ngọc đi sau. Tới phòng thầy cô bảo Ngọc đứng ngoài. Cô vào thưa thầy cho Ngọc xin xuất gia và thầy đồng ý.

Thời gian trôi đi, tháng bảy đã đến. Ngày rằm tháng bảy là ngày Ngọc xuống tóc. Thầy đã làm lễ thế phát cho Ngọc. Mái tóc đen mượt ngày nào Ngọc cũng vuốt, cũng khoe với cô là “tóc con đẹp quá cô nhỉ!”, giờ đây không còn nữa. Cái tên Ngọc thường gọi như ngày nào giờ đổi thành Minh Hiểu. Tối đến, cô gọi Ngọc vào nói chuyện. Lần này cô không gọi Ngọc như ngày nào nữa, mà gọi Minh Hiểu.
-  Hiểu à! Con ngồi xuống đây. Hôm nay con đã xuất gia. Con đã bước vào con đường học đạo, mang dòng họ Thích. Con bây giờ đã là một chú điệu. Con cần phải cố gắng học hỏi. Luôn giữ gìn oai nghi, cử chỉ, thực hành đúng quy luật của thiền môn, cố gắng công phu tu tập. Con nhớ lời cô dạy không?

Ngọc cúi đầu thưa:
- Mô Phật thưa cô, con nhớ. Con xin ghi lòng.
Cô nhìn Ngọc bằng ánh mắt dịu hiền. Cô giảng cho Ngọc hiểu rằng con đường tu luôn đầy thử thách. Muốn đi qua con đường ấy thì phải cố gắng.

Ngọc im lặng lắng nghe. Cô nói tiếp:
- Con có biết tại sao mà thầy lại đặt cho con tên Hiểu không? Hiểu có nghĩa là hiểu biết rõ thấu sự việc. Mau nhận ra được chân lý đâu là khổ, đâu là vui. Cuộc đời này là vô thường giả tạm. Đâu là con đường đi đến giải thoát. Nếu như con hiểu được chân lý thì con sẽ ngộ ra được. Con hiểu không?
Ngọc ngơ ngác nhìn cô hỏi.
- Thưa cô, cái tên mà cũng quan trọng vậy hả?
- Chính để nhắc con cần phải siêng năng tu tập.
- Thưa cô, con xin vâng lời cô dạy.
- Con phải cố lên. Tu là sửa, sửa những tật xấu để thành người tốt. Tu là để làm cho đời sống mình càng ngày càng thăng hoa hơn trong cuộc sống.

Rồi cô xoa đầu Ngọc và nói thêm:
- Cố lên nhé ông Phật tương lai. Con đã hứa với cô điều gì con nhớ không? Con hứa là con cố gắng tu học. Là một vị giảng sư giỏi. Một vị giáo thọ tốt và một “ông táo” nấu nướng giỏi… Vậy con cố gắng thật nhiều nhé. Chúc con thành công. Thôi con vào ngủ đi, khuya còn đi công phu.

Đêm ấy trăng sáng. Ngọc muốn ngồi thêm một chút nữa. Ngọc thầm nghĩ, mình hứa với cô mình sẽ là một giảng sư, một vị giáo thọ và một “ông táo” tốt, v.v… phải đem giáo lý của đức Phật đi giảng khắp mọi nơi. Cô là một vị giảng sư, là một vị cử nhân, một giáo thọ tốt. Cô làm được thì mình cũng sẽ làm được.

Thời gian trôi qua thật nhanh. Ngọc ngày ấy nay đã là một Sa-di-ni. Ngọc nhớ lại những lời giáo huấn của cô. Giờ đây Ngọc càng thấy thấm thía hơn. Ngọc được ở trong môi trường tốt. Già-lam yên tịnh, an hòa. Được sự dạy dỗ của sư cô, Ngọc càng chính chắn hơn, tự tin hơn. Từ những việc làm đơn giản như gọt bầu, gọt bí… cũng đã làm cho Ngọc hiểu rõ hơn nhiều điều. Đạo không đâu xa. Đạo ở trong lòng. Từng việc làm, hành động, nói năng, cử chỉ, v.v…  đều là đạo. Ngọc luôn luôn thực hành không xao lãng. Những lời dạy bảo của cô tuy đơn giản nhưng rất thực tế và sâu sắc. Ngọc coi đó là hành trang trong sự tu tập của mình. Ngọc rất cảm niệm ân đức ấy. Bây giờ, hằng ngày cô vẫn chỉ dạy cho Ngọc nhiều điều, luôn khuyên bảo Ngọc tu học. Cô luôn chọc Ngọc: “Con ơi! Học thì đội mão, không học thì đội chảo”. Ngọc luôn ấp ủ một giấc mơ thật là dễ thương mà cô thường nhắc Ngọc, “Cô bé thông minh. Con sẽ là một vị giảng sư giỏi, một cô giáo thọ tốt!”.

Liễu An
[Tập san Pháp Luân - số 52, tr.81, 2008]