Tiêu dao tháng này

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ông già giật phăng chiếc điện thoại di động của vị tu sĩ còn đang nghe, rồi quẳng nó ra giữa lòng đường nhựa. Vừa lúc ấy, một chiếc ô tô tải chở sỏi đá đi tới. Làn khói bụi lắng xuống, và nó còn lại là một nhúm nát vụn.
Vị tu sĩ đứng sững…


Và chắc chắn là sẽ không hiểu nổi tại sao một người xa lạ bỗng dưng không đâu lại có hành động kì dị tới mức vậy!

Ông già vắt cái bao bố lên vai, vẫn dáng đi của kẻ say, khật khưỡng, lảo đảo, chân nam đá chân chiêu, ráng chiều cũng đổ liêu xiêu theo bóng ông như còn tiếc nuối vấn vương cho phút cuối ngày tàn.

***

Khoa huyết học, bệnh viện trung ương, một chiều cuối đông.

Bác sĩ Hoàng khoát tay mấy sinh viên thực tập:
- Mấy em lấy máu rồi qua bên test nhanh, còn đem kết quả về kẻo ông cụ chờ lâu quá rồi!
- Dạ!

Một cậu sinh viên trẻ lấy ống xi-lanh tới chậm rãi làm các thao tác để lấy máu, sau khi một sinh viên khác đã đo huyết áp đạt yêu cầu.

Ông già ngồi lạnh lùng, không nói, cũng chẳng cười. Và dường như là ông cũng chẳng cần chú ý tới thái độ hơi ngạc nhiên của đám sinh viên đáng tuổi cháu chắt kia, đang chăm chú nhìn ông, xì xào:
- Ừ! Ông ta cũng lạ thật! Cứ ba tháng hiến máu một lần, mà nghe nói từ lâu rồi!
- Mình cũng không hiểu? Già rồi thì để dành máu mà sống chứ! Mà trời lạnh thế này, châm kim đau lắm!
- Biết đâu ông ta nghĩ mình gần chết mà làm việc thiện cho khỏi uổng phí đã sinh ra một kiếp người?
- Ừ! Hoặc là cũng có thể để chuộc lại cho một lỗi lầm nào đó của thời trai trẻ!...
- Ui dào! Đủ chuyện à! Test không có gì! Chắc gọi cô Hà đưa ông già sang phòng truyền máu được rồi! Mà đưa cho ông hộp sữa chua uống trước đã!
- Xong rồi à? Thôi giải tán nhé!...

Đám sinh viên yên lặng rồi đi làm việc chuyên môn của mình. Ông già đứng lên, bước theo một bác sĩ trẻ khác, phải đi qua một hành lang dài mới tới phòng lấy máu.

Ông đi chậm rãi, thong thả từng bước một… Bộ đồ trên người đã cũ kĩ, sờn bạc, thậm chí nhiều chỗ còn rách, đặc biệt chứng tỏ cho chủ nhân của nó vốn ít chịu thay rửa tắm giặt, vì đầy cáu bẩn, thường dễ khiến người ta liên tưởng tới phục trang của những kẻ ăn mày ngoài phố hay xó chợ.

Những bác sĩ trong phòng xét nghiệm thường gọi ông bằng cách lắc đầu thán phục là “con người kì hương dị thảo”!

***

Thi thoảng, những vị tu sĩ vẫn thấy ông già say lặng lẽ đi về qua trước cổng chùa, vẫn liêu xiêu sống với tháng ngày, vẫn bẩn thỉu, rách rưới. Và, vẫn ngự trị trên khuôn mặt nhăn nheo nám tàn hương một đôi mắt, đen, sâu, đẹp lạ lùng!
- Đôi mắt không bao giờ say!
Thầy trụ trì – già gần bằng ông – nói như thế!

Rồi thi thoảng gặp ông, thầy mỉm cười chắp tay chào. Ông cũng nhìn, nhưng chẳng nói gì cả, chẳng cười hay là biểu lộ một hành động gì cả. Một lúc, ông lại khật khưỡng đi, lại chân nam đá chân chiêu, như muốn làm xiêu vẹo ngoằn ngoèo luôn cả con đường.

***

Người ta cũng chẳng bận tâm tới một người quá bình thường, thậm chí hơi dở hơi ấy! Ai chả biết ông? Từ mấy đứa trẻ con hay đi học qua con đường ấy, đến mấy bà bán hàng ở cái chợ cóc bên cạnh chùa, hay là mấy ông xe ôm, xích lô ít việc cứ ngáp ra ngáp vào ngao ngán suốt cả ngày… Nhưng mà thực ra thì chả ai biết rõ ông ở đâu, làm gì, có con cái, gia đình hay là không! Thời đại của công nghiệp, bụi đường cứ cuốn người ta theo. Mà để sống và tồn tại thì phải vậy thôi! Khác làm sao được! Mà khác đi là chấp nhận chết ngỏm củ tỏi rồi! Cho nên ông già say tồn tại thì cứ việc tồn tại, hiển nhiên như bao người trong cuộc sống tấp nập vui vẻ này thôi!

***

Một ngày, thầy trụ trì đang họp ở ủy ban thành phố, bỗng nhận được điện báo, một đệ tử bị xe ô tô quệt vào, bị thương nặng, đã chở đi cấp cứu ở bệnh viện!!!

Vị tu sĩ đệ tử - cũng đã gần bốn mươi năm sống với đời và đạo - bị thương nặng ở phần bụng, được chẩn đoán là dập cả hai quả thận, mặt bị băng kín chỉ hở hai lỗ mũi và mắt. Nghe qua, thầy lo hết nỗi, không biết phải làm sao! Chân gãy còn bó bột lại được. Mặt xây xát thì rồi cũng lành da. Nhưng còn đã dập hai quả thận… thì sống làm sao nổi!?... Thôi! Thế là hết! Hết thật rồi con ơi!... Nghiệp chướng của con quá nặng!... Phật cũng không cứu nổi con rồi!... Con ơi là con!...

Thầy về chùa chuẩn bị việc lo hậu sự. Dù tháng năm đã dạn dày gió bão phong sương, nhưng nét mặt thầy không khỏi thoáng nỗi buồn đau…

Chợt tối ngày hôm sau, một cuộc điện thoại mười một giờ khuya cắt ngang giấc ngủ chập chờn của thầy:
- Alô! Có phải thầy trụ trì chùa Vân Sơn không? Con muốn hỏi ý kiến thầy về việc này một chút! Con là bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện đây ạ!
- Ồ!... Vâng…! Chú cứ nói đi…, tôi nghe!
- Dạ! Việc là như thế này. Có một người tình nguyện hiến cho thầy Quang – đệ tử của thầy hôm qua mới bị tai nạn ấy – một quả thận! Với tiến bộ của y học ngày nay thì dù có khó khăn, nhưng cắt và cấy ghép thận có tỉ lệ thành công rất cao. Và vậy là thầy Quang có thể hi vọng được cứu sống! Nhưng hội đồng y khoa chưa dám quyết định vì còn chờ ý kiến của thầy nữa! Vậy đó thầy!
- Vậy à!...
Thầy trụ trì vô cùng ngạc nhiên: Thực ra tôi cũng không ngờ tới trường hợp này nhưng tôi muốn hỏi.
- Vâng thầy cứ nói!
- Người đó là ai vậy chú? Tôi có thể gặp họ được không?
- Dạ! Có lẽ là được, họ đang chờ ở đây mà! Đó là một ông già!..
- Nhưng tại lý do gì…Ông có quen biết gì với thầy Quang à?
- Dạ! Ông không chịu nói. Nhưng bác sĩ đã tư vấn kỹ về khả năng sống của người được ghép, có thể được hai mươi đến ba mươi năm nếu thành công và hợp. Người trẻ mà cho thận đi thì cũng vậy! Còn ông già thì có thể khác…
- Vậy à!... Tôi có thể đi ngay bây giờ không?
- Dạ! Vì tình hình của thầy Quang rất xấu, nếu không có biện pháp kịp thời thì e là khó qua khỏi ngày mai…
- Vậy thì tôi tới bây giờ!
Thầy gác máy xuống.

***

Để cho người đệ tử dắt xe vào bãi gửi, thầy một mình đi thẳng lên khoa cấp cứu. Có một vài ca bị thương mới được chuyển tới bằng xe taxi, mùi khói xăng nồng ngạt…

***

Thầy gần như sững sờ không tin vào mắt mình…

Vì người mà bác sĩ chỉ cho thầy thấy, đang ngồi lặng lẽ, trầm ngâm bên cửa sổ trông xuống đường phố kia, đang suy tư đều gì đó mà không cả biết có người tới…

Chính là ông già say, vẫn thi thoảng đi khật khưỡng liêu xiêu qua trước cổng chùa mà thầy từng gặp rất nhiều lần…

Chính là đôi mắt mà thầy từng nhìn và nói đó là đôi mắt của người say nhưng không bao giờ đỏ…

***

Ca mổ cấy ghép không biết sẽ diễn ra trong bao lâu vì còn tùy thuận vào sự tiếp ứng hay phản kháng của cơ thể người nhận. Bác sĩ nói vậy dù qua sơ kiểm tra cho kết quả tốt…

Thầy ngồi một mình, nơi căn phòng làm việc của tiến sĩ trưởng khoa, tĩnh lặng, yên ả, có cửa sổ trông xuống con phố với hai hàng phượng và bằng lăng xanh um rợp bóng… Đẹp một vẻ bình yên, dịu dàng…

Một lúc lâu sau, vị bác sĩ phó khoa đi vào, cất giọng sang sảng:
- Thầy vẫn khỏe chứ ạ? Mọi việc có vẻ tiến triển tốt đẹp. Nhưng ông cụ cần phải truyền máu nhiều, do cách đây gần một tháng ông có hiến máu!...
- Hiến máu!... Già rồi mà… -Thầy không khỏi ngạc nhiên.
- Vâng thường xuyên nữa là khác thầy ơi!... Thôi thầy cứ nghỉ nhé, yên tâm thầy ạ! Con phải sang phòng mổ ngay!
- Vậy à?... - Thầy không nói gì nữa. Ông bác sĩ vội đi ra. Ông là người đang chỉ đạo chính ca mổ này.

Đôi mắt vị thầy già nua bỗng ánh lên một nỗi niềm mơ hồ xa thẳm…

Thầy chợt nhớ, chính thầy Quang đã kể cho cả chùa nghe chuyện bị ông già say giật điện thoại của mình, dặn mọi người cần phải cẩn thận, kẻo bị ổng giật tiếp thì hết cái dùng là thôi rồi!...

Bây giờ thì thầy Quang vẫn nằm đó, bất tỉnh.

***

Mỗi chiều, người ta lại vẫn thấy ông già say, liêu xiêu đi với bóng xế cuộc đời!

Khánh Bình
[Tập san Pháp Luân - số 51, tr.79, 2007]