Niên đại đản sanh của đức Phật

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đối với các nhà nghiên cứu và sử học ngày nay, việc tìm hiểu niên đại của đức Phật là một trong những yếu tố then chốt để xác định những giai đoạn lịch sử đầu tiên của Ấn Độ cổ đại. So với thời đại xâm lược của vương quốc Ba Tư tại các vùng Sindh và Gandhāra hay khi những đoàn viễn chinh của Alexander đặt chân đến lục địa Ấn Độ,

hai thời điểm quan trọng trong lịch sử của Tây Bắc Ấn thì niên đại đản sanh của đức Phật được xem là mốc thời gian cụ thể và có giá trị lịch sử hơn trong việc nghiên cứu niên đại của khu vực này. Khi tìm hiểu lịch sử các thời kỳ văn hóa Vệ Đà trước thời đại đức Phật, các nhà nghiên cứu đều có chung một nhận định rằng không có một cơ sở lịch sử nào để xác định các niên đại của Ấn Độ trong suốt thời kỳ này và vì thế niên đại lịch sử của mảnh đất văn hóa lâu đời ấy thường được xem là bắt đầu từ khi đức Phật xuất hiện. 

Trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy tại Tích Lan, niên đại của đức Phật được xác định dựa trên các bộ sử Phật giáo, đặc biệt là ba bộ Đảo Sử (khuyết danh), Đại Sử (của ngài Đại Danh - Mahānāma) và Thiện Kiến Luật Chú Tự (của ngài Phật Âm - Buddhaghosa) được biên soạn tại Tích Lan từ TK IV đến đầu TK VI TL. Từ việc so sánh các bộ sử với những văn bản Phật học khác, truyền thống Nguyên Thủy cho rằng đức Phật nhập diệt vào năm 544 Tr.CN và đây là mốc thời gian khởi đầu của kỷ nguyên Phật giáo.1 Vì đức Phật trụ thế tám mươi năm nên năm đản sanh của đức Phật là 624 Tr.CN. Niên đại này được 129 phái đoàn Phật giáo từ 26 nước thông qua trong kỳ đại hội lần thứ nhất của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới được tổ chức tại Tích Lan vào năm 1950. Đại hội này cũng thông qua một bản kiến nghị về việc phổ biến niên đại thống nhất này đến các hội đoàn và tổ chức Phật giáo khác trên thế giới. Sau kỳ đại hội lần thứ hai, một uỷ ban các chuyên gia được thành lập để thẩm định lại niên đại Phật giáo và một bản đúc kết đã được thông qua trong kỳ đại hội lần thứ ba vào năm 1954. Đến năm 1956, giới Phật giáo khắp nơi trên thế giới đều cùng nhau long trọng tổ chức ngày Phật Đản Phật lịch 2500 năm. Và như thế, niên đại này được xem là niên đại chung cho các truyền thống Phật giáo trên thế giới.

Riêng đối với các cộng đồng Phật giáo Đại thừa ở Đông Á, ngoài việc căn cứ vào các bộ sử được biên soạn tại Tích Lan, việc tìm hiểu niên đại của đức Phật còn được y cứ vào các tác phẩm Phật học Phạn ngữ và Hoa ngữ phổ biến khác như: A Dục Vương truyện, A Dục Vương kinh, Hiền Ngu kinh, Tạp Thí Dụ kinh, Chúng Kinh Tuyển Tạp Thí Dụ, Luật Tạng phái Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ… Trong khi các bộ sử Tích Lan cho rằng vua A Dục lên ngôi khoảng 218 năm sau khi đức Phật nhập diệt thì các văn bản này cho biết rằng thời gian vua A Dục lên ngôi chỉ khoảng từ 100 hay 110 năm sau khi đức Phật nhập diệt mà thôi. Như thế, nếu y cứ vào các văn bản này, thì thời gian mà đức Phật nhập diệt diễn ra vào năm 368 hay 378 Tr. CN. Trong các tác phẩm của mình, ngài Thế Hữu cho biết rằng vua A Dục sống vào khoảng hơn 100 năm2  hay 1163 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Những niên đại mà ngài Thế Hữu đề cập có phần tương hợp với niên đại trong các bản kinh luật được dịch sang Hoa ngữ. Một điều mà ta cấn chú ý là do tác động của các điều kiện văn hóa và lịch sử bản xứ, một số cộng đồng Phật giáo ở Ấn Độ, Trung và Đông Á có những quan điểm khác nhau về niên đại của đức Phật. Tác phẩm Đại Đường Tây Vức Ký của ngài Huyền Trang cho biết rằng đến TK VII TL các bộ phái đã có những quan điểm khác nhau về ngày đản sanh và nhập diệt của đức Phật.4  

Một trong những thuyết rất phổ biến khác ở Đông Á đề cập đến niên đại của đức Phật là thuyết Chúng Thánh Điểm Ký được ghi lại trong Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa do ngài Tăng-già Bạt-đà-la dịch sang Hoa ngữ tại Quảng Châu. Thuyết này cũng được ghi lại trong Đại Đường Nội Điển Lục của Ngài Đạo Tuyên, Xuất Tam Tạng Ký Tập của ngài Tăng Hựu và Lịch Đại Tam Bảo Kỷ5 của Phí Trường Phòng. Nội dung của thuyết này được ghi lại trong Lịch Đại Tam Bảo Kỷ  như sau: sau khi đức Phật diệt độ, tôn giả Ưu-ba-li lo việc kiết tập luật tạng. Vào ngày lễ tự tứ nhằm ngày rằm tháng bảy năm ấy, sau khi dâng cúng hương hoa xong, Tôn giả bèn chấm một điểm vào luật tạng. Kể từ đó trở đi tôn giả theo lệ này cứ mỗi năm chấm một điểm vào luật tạng. Truyền thống này được các thế hệ luật sư như Đà-tả-câu, Tu-na-câu, Tất-già-bà, Mục-kiền-liên-đế-tu… kế thừa tương tục cho đến khi ngài Tăng-già Bạt-đà-la nhận được bộ luật này từ thầy của mình vốn là một vị Tam Tạng pháp sư. Sau khi dịch xong bộ luật này vào năm Vĩnh Minh thứ sáu (488 TL) tại chùa Trúc Lâm ở Quảng Châu, vào ngày lễ tự tứ năm sau, ngài Tăng-già Bạt-đà-la dâng cúng hương hoa lên bộ luật và chấm thêm một điểm vào đó, và cho đến lúc đó (năm 489 TL), tổng số điểm được chấm trong bộ luật là 975 điểm. Như thế, theo thuyết này thì đức Phật nhập diệt vào năm 486 Trc CN.

Mặc dù niên đại của thuyết Chúng Thánh Điểm Ký có phần tương hợp với những kết quả khảo cứu của các học giả ngày nay, nhưng thuyết này xem ra không thuyết phục lắm vì những l‎ý do sau: thứ nhất, các bộ sử Pāli và Luật Thiện Kiến tuy có nói đến sự truyền thừa luật Tạng từ ngài Ưu-ba-li cho đến các thế hệ luật sư sau, nhưng không hề nói gì về việc chấm vào luật tạng. Thứ hai, trong thời gian đầu sau khi đức Phật diệt độ, kinh luật Phật giáo chỉ được truyền miệng chứ chưa được biên chép thành văn bản để truyền thừa. Thứ ba, khi viết lời tựa cho Luật Thiện Kiến6, ngài Phật Âm có nói đến bảy đời luật sư gồm các ngài Ưu-ba-li (Upāli), Đà-tả-câu (Dāsaka), Tu-na-câu (Sonaka), Tất-già-bà (Siggava), Mục-kiền-liên Đế-tu (Moggaliputta-Tissa), Ma-sẩn-đà (Mahinda), A-lật-tra (Arittha) và sự truyền thừa như thế cũng được bộ Đại Sử nói đến. Điều đáng chú ý là nếu như khi sang Tích Lan truyền đạo ngài Ma Sẩn Đà (Mahinda), tổ truyền luật thứ sáu ắt phải mang luật tạng theo để mỗi năm chấm vào một điểm cho đến cuối đời mình, và nếu điều này là sự thật thì bộ luật này cũng trở thành một quốc bảo như là cây Bồ-đề hay xá lợi răng Phật đã được mang từ Ấn Độ qua Tích Lan trong thời kỳ đầu của Phật giáo tại đảo quốc này. Song truyền thống Phật giáo nơi đây không hề nói gì về sự kiện như thế, ngay cả k‎ý sự của ngài Pháp Hiển cũng không nói gì về điều này khi Ngài đến Tích Lan vào đầu TK V. Thứ tư, các tư liệu Phật giáo Trung Hoa không nói gì nhiều về cuộc đời của ngài Tăng-già Bạt-đà-la. Chúng ta chỉ biết rằng Ngài là một Sa-môn ngoại quốc theo đường biển đến Quảng Châu và trú tại đó từ năm 488 đến năm 4927, sang năm 493 thì Ngài đi về Nam.8 Tác phẩm Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải của ngài Niệm Thường và Khai Nguyên Thích Giáo Lục của ngài Trí Thăng có nói thêm rằng ngài Tăng-già Bạt-đà-la là một sa-môn Ấn Độ.9 Việc tiểu sử của ngài Tăng-già Bạt-đà-la không được rõ ràng và việc chấm điểm liên tục vào một văn bản được xem là tồn tại gần ngàn năm, như thế thật khó đảm bảo mức độ xác thực của thuyết Chúng Thánh Điểm Ký. 

Tất cả những văn bản Phật học kể trên được xem là những nguồn tham khảo quan trọng của giới nghiên cứu hiện nay khi họ tìm hiểu về niên đại của đức Phật nói riêng và lịch sử cổ đại Ấn Độ nói chung. Kể từ khi những người phương Tây tiếp xúc với văn hóa Phật giáo, việc niên đại của đức Phật đã là điều mà họ quan tâm và càng về sau vấn đề này càng gây nên sự chú ý của nhiều giới khác nhau. Có lẽ niên đại đản sanh của đức Phật được giới trí thức phương Tây biết đến sớm nhất là niên đại được ghi lại trong một tác phẩm do Philippe Couplet xuất bản vào năm 1687 tại Paris10. Từ cuối TK XVII đến đầu TK XIX trở đi, niên đại đản sanh của đức Phật được tìm thấy trong các bản tường trình của các nhà truyền giáo, các ký sự của những đoàn thám hiểm và những tác phẩm nghiên cứu rời rạc của những người phương Tây tại Á Châu. Một điều mà ta dễ nhận ra là các niên đại được ghi lại trong giai đoạn này thì rất khác biệt, có khi cách nhau cả ngàn năm.

Từ giữa TK XIX  trở đi, khi C.F. Neumann công bố những khảo cứu các văn bản Phật học bằng Hoa ngữ liên hệ đến ngày đản sanh của đức Phật (1833), George Turnour cho ấn hành bản dịch bộ Đại Sử (1837), A. Cunningham phát hiện một bia ký quan trọng tại Bồ Đề Đạo Tràng (1861), J.G. Buhler dịch và ấn hành những sắc lệnh của vua A Dục (1877)… các nhà nghiên cứu bắt đầu dựa vào các tư liệu văn học và sử học Ấn Độ và các nước liên quan, các kết quả khảo cổ tại Ấn Độ cùng những tài liệu về những nhân vật lịch sử cổ đại để khảo sát về niên đại của đức Phật. Cho đến nữa đầu TK XX, thông qua việc khảo cứu từ những nguồn tư liệu khác nhau, rất nhiều học giả đã đề xuất những niên đại khác nhau về thời gian nhập diệt của đức Phật như 486 (P.H.L. Eggermont, Lamotte), 484 (Jacobi), 483 (J.F. Fleet, W. Geiger, F.R. Davids, C. Eliot ), 480 (H.Oldenberg, A. Bareau), 477 (Muller, A. Hillebrandt), 365 (G.C. Mendis, E.J. Thomas) v.v… Trong số những giả thuyết, đề xuất của J.F. Fleet, W.Geiger và F.R. Davids được giới nghiên cứu chấp nhận nhiều nhất. Căn cứ vào các sử liệu Tích Lan, các học giả này cho rằng vua A Dục lên ngôi vào năm 266 Tr.CN và theo truyền thống Nguyên thủy thì sự kiện này diễn ra sau khi đức Phật diệt độ khoảng 218 năm và do vậy thời điểm nhập diệt của đức Phật diễn ra vào năm 483 Tr.CN. 

Một trong những người đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu niên đại của đức Phật là giáo sư Heinz Bechert. Năm 1982, ông cho đăng bài “Xét Lại Niên Đại của đức Phật” trên tạp chí Indologica Taurinensia11 và đến tháng 4-1988 dưới sự bảo trợ của Viện Khoa Học Gottingen, ông đã tổ chức một hội thảo chuyên đề với chủ đề chính là vấn đề niên đại của đức Phật tại Hedemūnden. Kết quả của đại hội này là sự ra đời của hai tuyển tập quan trọng về niên đại của đức Phật: “Niên Đại đức Phật Lịch Sử” (hai tập) xuất bản tại Gottingen và “Đức Phật Sống Vào Thời Nào? Tranh Luận Về Niên Đại Đức Phật Lịch Sử” xuất bản tại Ấn Độ. Sau kỳ đại hội đó, ông đã viết nhiều bài khảo cứu về đề tài này cho các tạp chí nghiên cứu tại Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đến mùa hè năm 1991, ông lại trình bày đề tài này trong hội nghị của Hiệp Hội Phật Học Quốc Tế tổ chức tại Paris. Nhận định về kết quả của hội thảo tại Gottingen, Heinz Bechert cho biết niên đại 480 Tr.CN là niên đại được chấp nhận nhiều nhất, song phần lớn những người tham dự hội thảo đều cho rằng thời điểm nhập diệt của đức Phật phải xảy ra sau năm này nhưng họ vẫn chưa đưa ra một năm thống nhất.12 

Hakuju Ui, một học giả Phật giáo trứ danh của Nhật Bản không đồng ‎ thuận với thuyết 480 Tr.CN trên. Căn cứ vào một số văn bản Phật giáo Bắc truyền, đặc biệt là các tác phẩm của ngài Thế Hữu, Hakuju Ui cho rằng vua A Dục lên ngôi sau ngày đức Phật nhập diệt khoảng 116 năm và do đó năm nhập diệt của đức Phật là 386 Tr. CN. Hajime Nakamura, một học giả Nhật Bản nổi tiếng khác, cũng đồng thuận với giả thiết của H. Ui. Tuy nhiên, H. Nakamura cho rằng vua A Dục lên ngôi vào năm 268 Tr. CN. Nên, theo ông, năm đức Phật nhập diệt là 383 Tr.CN và năm đản sanh là 463 Tr.CN. Dù rằng những niên đại mà các nhà nghiên cứu đưa ra vẫn còn nhiều khác biệt, song tất cả những giả thuyết này đều được xem là nền tảng thiết yếu để phác họa lại bức tranh tôn giáo và lịch sử trong một giai đoạn quan trọng của lịch sử cổ đại Ấn Độ.

Ngoài vấn đề niên đại, chúng ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu về ngày và tháng đản sanh của đức Phật. Đối với các nước Phật giáo Nam truyền, ngày trăng tròn tháng Vesākha (hay Vesak) là ngày đức Phật đản sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni. Ngày này cũng gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng trong Phật giáo: ngày thành đạo và nhập diệt của đức Phật, ngày Bà-la-môn Thiện Huệ (tiền thân của đức Phật) được đức Phật Nhiên Đăng thọ ký sẽ thành Phật (theo Bổn Sanh Chú), ngày đức Phật thi thiết thần thông để nhiếp phục sự kiêu mạn của những người trong dòng tộc Thích-ca tại Ca-tỳ-la-vệ. Truyền thống Phật giáo Tích Lan còn cho rằng vào ngày trăng tròn tháng Vesākha năm thứ tám sau ngày thành đạo, đức Phật đã đến Tích Lan và sau đó lưu dấu chân tại Sri Pāda. Tương truyền đức Phật đã đến Tích Lan lấn thứ ba và lần cuối cũng vào ngày này. Năm 1954 trong kỳ đại hội lần thứ ba của Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới tổ chức tại Miến Điện, các đại biểu đã thống nhất lấy ngày trăng tròn tháng Vesākha làm ngày kỷ niệm đản sanh của đức Phật.    

Cộng đồng Phật giáo Bắc truyền cho rằng đức Phật đản sanh vào ngày mồng tám tháng tư. Quan điểm này có lẽ bắt nguồn từ những văn bản có đề cập đến ngày đản sanh của đức Phật như: Tu Hành Bổn Khởi kinh, Phật Thuyết Thái Tử Thụy Ứng Bổn Khởi kinh, Phật Sở Hành Tán13, v.v… Tuy nhiên, một số bản kinh khác trong Hán tạng như Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả kinh14, Du Hành kinh (Trường A Hàm)15 nói rằng đức Phật đản sinh vào ngày mồng tám tháng hai. Theo giáo sư H. Nakamura, sự khác biệt này bắt nguồn từ quan điểm và cách dịch khác nhau của các dịch giả đối với tháng Vesākha trong lịch truyền thống ở Ấn Độ.15

Để tìm hiểu tháng Vesākha trong truyền thống Nam Truyền hay tháng tư âm lịch trong truyền thống Bắc truyền, chúng ta cần y cứ vào truyền thống thiên văn và chiêm tinh cổ đại Ấn Độ. Theo cách tính thời xưa của người Ấn Độ, một năm được chia làm sáu mùa, mỗi mùa gồm hai tháng.17 Căn cứ vào khoa thiên văn Ấn Độ, từ năm 1400 Tr.CN về sau sự phân chia các mùa tương ứng với các tháng diễn ra như sau: 

1. Mùa Đông (Śiśira) gồm hai tháng Māgha (Quí Đông, từ 16/11 đến 15/12) và Phālguna (Mạnh Xuân, từ 16/12 đến 15/1).

2. Mùa Xuân (Vasanta) gồm hai tháng Caitra (Trọng Xuân, từ 16/1 đến 15/2) và Vaiśākha (Quí Xuân, từ 16/2 đến 15/3).

3. Mùa Hạ (Grīṣma) gồm hai tháng Jaiṣṭha (Mạnh Hạ, từ 16/3 đến 15/4) và Āṣāḍha (Trọng Hạ, từ 16/4 đến 15/5).

4. Mùa Mưa (Varṣā) gồm hai tháng Śrāvana (Quí Hạ, từ 16/5 đến 15/6) và Bhādra (Mạnh Thu, từ 16/6 đến 15/7).

5. Mùa Thu (Śarat) gồm hai tháng Āśvina (Trọng Thu, từ 16/7 đến 15/8) và Kārttika (Quí Thu, từ 16/8 đến 15/9).

6. Mùa Hemanta gồm hai tháng Agrahāyaṇa (Mạnh Đông, từ 16/9 đến 15/10) và Pauṣa (Trọng Đông, từ 16/10 đến 15/11).

Đối với sáu mùa trên, đôi khi người ta có thể tính hai mùa Śiśira và Hemanta là mùa Đông (Hemanta-Śiśira) và khi đó một năm sẽ gồm năm mùa mà thôi.18 Theo Bṛhatsaṃhitā, một tác phẩm lâu đời của chiêm tinh gia Varāhamihira, mỗi năm thường được bắt đầu từ mùa Đông, gồm hai tháng Māgha và Phālguna. Các mùa trong năm thường được tính bắt đầu từ ngày Uttarāyaṇa (Đông chí) - ngày đầu tiên khi mặt trời bắt đầu chu kỳ di chuyển về phương Bắc.19 Cũng theo Varāhamihira, ngày Uttarāyaṇa được bắt đầu khi mặt trời tiếp xúc với sao Dhaniṣṭhā (Hư Tinh), ngôi sao thứ hai mươi hai trong hai mươi tám tinh tú mà kinh Ma Đăng Già nói đến. Vì rằng sao Dhaniṣṭhā thuộc hai cung Makara (Ma Yết) và Kumbha (Bảo Bình) trong hoàng đạo nên khi mặt trời tiếp xúc với sao này tại cung Ma Yết thì sẽ bắt đầu một năm. Hiện tượng này chỉ xảy ra vào tháng đầu tiên là tháng Māgha.20 Cách tính này của Varāhamihira cũng hợp với ý tưởng của bộ Vedāṅga-jyotiṣa (được biên soạn vào khoảng năm 600 Tr. CN)21 khi bộ sách này cho rằng thời gian mỗi năm được bắt đầu từ tháng Māgha.22 Với những dữ liệu trên, chúng ta có thể nhận ra một điều rỏ ràng là tháng Vaiśākha là tháng thứ tư trong âm lịch của Ấn Độ vào TK VI Tr. CN. Như thế tháng Vesākha hay tháng tư âm lịch đều chỉ cho tháng Vaiśākha nói trên. 

Chú thích:

01. Điểm khác nhau trong lịch Phật giáo tại các nước Phật giáo Nguyên thủy là: cộng đồng Phật giáo tại Tích Lan, Miến Điện và Ấn Độ xem năm đức Phật nhập diệt là năm thứ nhất, trong khi đó cộng đồng Phật giáo tại Thái Lan, Lào và Cam Bốt cho rằng năm thứ nhất bắt đầu sau khi đức Phật nhập diệt một năm.

02. Dị Bộ Tông Luận, T49n2031, tr. 15a.

03. Thập Bát Bộ Luận, T49n2032, tr. 18a. Bộ Chấp Dị Luận, T49n2033, tr. 20a.

04. S. Beal, Si-yu-ki: Buddhist Records of the Western World, vol. 2, London: Trubner & Co, 1906, p. 33.

05. Lịch Đại Tam Bảo Kỷ, Quyển 11, T49n2034, tr. 95b-c.

06. Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa. Quyển 2, T24n1462, tr. 684b-c.

07. Lịch Đại Tam Bảo Kỷ, tr. 95b.

08. Xuất Tam Tạng K‎ý Tập Tự, Quyển 11, T55n2145, tr. 82a.

09. T49n2036, tr. 543c. T55n2154,tr. 535c.

10. S. Dietz, “The Dating of the Historical Buddha in the History of Western Scholarship up to 1980”, When Did The Buddha Live? The Controversy on the Dating of the Historical Buddha, H. Bechert (Ed.), Delhi: Sri Satguru, p. 40.

11. S. Ruegg, “A New Publication on the Date and Historiography of the Buddha’s Decease”, Bulletin of the School of Oriential and African Studies, University of London, Vol. 62, No. 1. 1999, p. 83.

12. H. Bechert, “Introductory Essay: The Dates of the Historical Buddha – a Controversial Issue”, xem H. Bechert (Ed.), Sđd, tr. 34.

13. Bản Phạn ngữ của Phật Sở Hành Tán không ghi lại ngày đản sanh. 

14. T3n189, tr. 625a.

15. T1n1, tr. 30a.

16. H. Nakamura, Gotama Buddha, Tokyo: Kosei, 2000, p. 72.

17. S. Gupta, “Astronomy in Ancient India”, The Cultural Heritage of India, P. Ray (Ed.), Calcutta: Institute of Culture, Vol. VI, pp. 56-59. 

18. B. Datta, “Vedic Mathematics”, P. Ray (Ed.), Sđd, p. 21.

19. S. Gupta, Sđd, tr. 56.

20. B. Mukherjee, “The Day of Buddha’s Conception and Birth”, Buddha and Early Buddhism, S.R. Bhatt (Ed.), Delhi: Originals, p. 4.

21. S.N. Sen, “India and The Ancient World: Transmission of Scientific Ideas”, P. Ray (Ed.), Sđd, tr. 237.

22. B. Mukherjee, Sđd.

[Tập san Pháp Luân - số 26, tr.26, 2006]