Danh hiệu của đức Phật Thích-ca Mâu-ni đọc theo âm Phạn và Pāli tên là Sakyamuni.
Danh hiệu và thân thế:
Danh hiệu của đức Phật Thích-ca Mâu-ni đọc theo âm Phạn và Pāli tên là Sakyamuni.
Hán phiên âm là Thích-ca Văn Phật và dịch Thích-ca là Năng nhân, Năng nhẫn, Năng tịch, Tịch mặc, Năng mãn, v.v…
Năng nhân là có khả năng thực hiện sự yêu thương; Năng nhẫn là có khả năng kham nhẫn; Năng tịch có khả năng thực hiện đời sống an tịnh; Tịch mặc là có khả năng yên tịnh từ trong ra ngoài; Năng mãn có khả năng thành tựu viên mãn các hạnh.
Mâu-ni dịch là Thánh nhân, Hiền nhân, Đạo sĩ, Ẩn sĩ, hay Tịch mặc… nghĩa là bậc Thánh nhân, bậc Hiền triết, bậc Minh triết, bậc Đạo sĩ, bậc Ẩn sĩ… có khả năng sống đời thanh tịnh và giải thoát.
Như vậy, Thích-ca Mâu-ni là đấng có đời sống an tịnh, đời sống có kham nhẫn, tràn đầy sự thương yêu, xuất thân từ họ Thích-ca (Sakya).
Và Thích-ca có nghĩa là dòng họ có đầy đủ khả năng tự lực và sáng tạo.
Tên của Ngài đọc theo âm Pāli là Siddhattha và Phạn là Sarvasiddhārtha.
Hán phiên âm là Tất-đạt-đa-la-tha, Tất-đạt-đa, Sĩ-đạt-ta, Tất-đạt… và dịch là Nhất Thế Nghĩa Thành, nghĩa là thành tựu tất cả chân nghĩa; hoặc dịch là Nhất Thế Sự Thành, nghĩa là thành tựu hết thảy sự nghiệp; hoặc dịch là Thành Lợi, nghĩa là thành tựu hết thảy lợi ích; hoặc dịch là Nghiêm Sự, nghĩa là chiêm nghiệm để thấy rõ nghĩa lý chân thật.
Thân phụ là Suddhodana, Hán dịch là Tịnh Phạn, nghĩa là vị có khả năng hiến tặng hạnh phúc cho đời; mẹ là Maha-Māya, Hán dịch là Đại Mộng, do trong chiêm bao thấy được mộng lành. Dòng họ Thích-ca thuộc giai cấp Sát-đế-lợi (Khattiya), kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu). Ngài xuất hiện vào thời kỳ tuổi thọ của nhân loại 100 tuổi.
Thị hiện đản sanh:
Hoàng hậu Māya năm 45 tuổi, một hôm nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà từ trên trời đi xuống và giữa không trung có những làn sóng nhạc vang lừng, quyện lại với những lời chúc tụng của chư thiên xa vọng không ngớt.
Voi trắng đi xuống càng lúc càng gần, da của voi trắng như tuyết, ngà của voi có quấn một đóa sen hồng. Voi đến gần và đưa đóa sen hồng chạm vào người bà. Trong giấc mộng, bà thấy thân tâm sảng khoái lạ kỳ.
Tỉnh dậy bà đem giấc mộng ấy kể lại cho vua Tịnh Phạn nghe. Ngay sáng hôm ấy, vua mời các nhà đoán mộng tại kinh đô Ca-tỳ-la-vệ đến để giải mộng.
Các nhà đoán mộng đều cho rằng: “Đây là một giấc mộng lành chắc chắn Hoàng hậu sẽ thụ thai, và sẽ sinh Hoàng tử xuất chúng”.
Nghe các nhà đoán mộng như thế, vua Tịnh Phạn hết sức vui mừng, vua hạ lệnh đem lương thực, tài sản trong kho ra chẩn phát cho dân nghèo và những người tật bệnh, ân xá lao tù. Nhân dân xứ Ca-tỳ-la-vệ đều thấm nhuần ơn mưa mốc.
Gần một năm kể từ ngày nằm mộng, hoàng hậu Māya về vương quốc Koliya quê hương của bà để sinh nở. Trên đường từ Ca-tỳ-la-vệ về Ramagama của vương quốc Koliya quê của bà để sinh nở, bà đã ghé nghỉ tại vườn Lâm-tì-ni (Lumbini).
Trong vườn, muôn hoa đang nở rộ, chim chóc đang hót ca. Một sáng mai đẹp trời, bà thấy hoa Vô ưu đang nở đầy cành, hương và sắc đẹp đẽ, liền bước tới đưa tay nắm lấy cành hoa, thì Thái tử cũng liền thị hiện ngay lúc đó.
Bấy giờ là ngày trăng tròn tháng Vesākha, năm 623 trước Tây lịch.
Khi ra đời Thái tử đứng thẳng nhìn vào hông phải của mẹ mà nói:
“Ngã thử thân hình
Tùng kim nhật hậu,
Bất phục cánh thọ
Ư mẫu hiếp trung
Bất nhập thai ngọa
Thử thị ư ngã
Tối vị hậu thân
Ngã đương tác Phật”.[1]
Nghĩa là:
Thân này của con
Từ nay về sau
Không còn trở lại
Vào nằm trong thai
Ở trong hông mẹ
Thân nầy của con
Là thân sau cùng
Con sẽ thành Phật.
Rồi, Thái tử nhìn bốn phương, mỗi phương đi bảy bước đều có hoa sen lớn xuất hiện để đỡ chân Ngài. Trước hết nhìn về phương Đông, Thái tử nói:
“Chánh ngữ chánh ngôn,
Thế gian chi trung
Ngã vi tối thắng,
Ngã tùng kim nhật
Sanh phần dĩ tận”.[2]
Nghĩa là:
Lời nói chính xác,
Ở trong thế gian,
Tôi là tối thắng,
Tôi từ hôm nay
Chấm dứt sinh tử.
Chi tiết nầy, lại được ghi chép cụ thể hơn trong Phương Quảng Đại Trang Nghiêm kinh, rằng:
“Khi sinh ra Ngài bước đi về phương Đông bảy bước có bảy hoa sen đỡ chân; lúc bấy giờ Ngài không có chút sợ hãi và nói mạch lạc như sau:
Ngã đắc nhất thiết thiện pháp
Đương vị chúng sanh thuyết chi”.
Nghĩa là: Tôi sẽ thành tựu hết thảy thiện pháp và sẽ vì chúng sanh mà nói.
-Ngài lại bước đi bảy bước về phương Nam, rồi lại nói:
“Ngã ư nhân thiên
Ứng thọ cúng dường”.
Nghĩa là: Tôi xứng đáng nhận sự cúng dường của chư Thiên và loài ngời.
-Ngài lại bước đi bảy bước về phương Tây và nói:
“Ngã ư chúng sanh
Tối tôn, tối thắng
Thử tắc thị ngã,
Tối hậu biên thân
Tận sanh lão bệnh tử”.
Nghĩa là:
Ở trong thế gian
Tôi là tối tôn
Tôi là tối thắng
Thân nầy của tôi
Là thân cuối cùng
Chấm dứt sinh tử.
Ngài lại bước đi bảy bước về phương Bắc và nói:
“Ngã đương ư nhất thiết chúng sanh trung, vi vô thượng thượng”.
Nghĩa là: Tôi sẽ ở nơi hết thảy chúng sanh, làm bậc Vô thượng thượng.
Ngài lại đi bảy bước nhìn xuống Hạ phương và nói:
“Ngã đương hàng phục
Nhất thiết ma quân
Hựu diệt địa ngục
Chi mãnh hỏa đảnh
Sở hữu khổ cụ
Thi đại pháp vân
Vũ đại pháp vũ
Đương linh chúng sanh
Tận thọ an lạc”.
Nghĩa là:
Tôi sẽ hàng phục
Hết thảy ma quân
Hủy diệt khổ cụ
Dập tắt lửa dữ
Ở nơi địa ngục
Giăng mây pháp lớn
Tuôn mưa pháp lớn
Khiến cho chúng sanh
Tận hưởng an lạc.
Ngài lại đi bảy bước nhìn lên Thượng phương và nói:
“Ngã đương vị nhất thiết chúng sanh, chi sở chiêm ngưỡng”.
Nghĩa là: Tôi sẽ vì hết thảy chúng sanh làm nơi chiêm ngưỡng.
Lúc Ngài nói vừa xong, âm thanh của Ngài vang khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới.[3]
Năm ngày sau, vua Tịnh Phạn làm lễ quán đảnh và đặt tên Thái tử là Tất-đạt-đa và mời đạo sĩ A-tư-đà (Asitakaladevala) đến đoán tướng. Đạo sĩ nói:
“Thái tử có 32 tướng tốt của bậc Đại nhân, nếu ở đời thì Thái tử sẽ là vị Chuyển Luân Thánh Vương, dùng đức hạnh để trị vì thiên hạ. Nếu xuất gia, thì Thái tử trở thành Bậc toàn giác đem lại sự hạnh phúc an lạc cho đời”.
Niềm tin, hiểu biết và sự cảm nhận:
Việc chuyển tải năng lượng từ một không gian nầy đến một không gian khác bằng tự thân của những năng lượng hay bằng những dụng cụ khoa học vật lý đối với trí thức của con người ngày nay không còn là điều bí hiểm.
Cũng vậy, việc đức Phật Thích-ca ra đời cách đây 26 thế kỷ, đi bảy bước trên bảy hoa sen và tuyên bố những câu như đã trích dẫn ở trên đã làm cho nhiều nhà trí thức tự đặt lại câu hỏi, những sự kiện ấy có thực sự xảy ra không hay chỉ là bịa đặt, huyền thoại và bí hiểm?
Kinh Hoa Nghiêm còn nói rằng, khi đức Thích-ca thị hiện xuống thế giới Ta-bà nầy, nằm ở trong thai mẫu, Ngài đã thuyết pháp cho vô số Bồ-tát khắp cả mười phương và vô số Bồ-tát vào ra ở trong thai mẫu của Ngài để nghe Ngài thuyết pháp, ấy lại là một điều khó tin khó hiểu đối với chúng ta nữa, lại càng huyền thoại và bí hiểm hơn nữa?
Và kinh Pháp Hoa lại nói, không phải đức Thích-ca mới thành Phật từ đời nầy, mà Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp về trước và đã từng giáo hóa vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh. Nên sự có mặt của Ngài cách đây hơn 26 thế kỷ, chỉ là sự tái diễn. Sự tái diễn liên tục của bản nguyện Từ bi. Và Ngài vẫn nghiễm nhiên còn đó mà mắt thường chúng ta không thể nào thấy được.
Những điều ấy, kinh điển đã ghi lại cho chúng ta đọc, làm cho ta như có vẻ khó hiểu và huyền thoại. Nhưng, chẳng khó hiểu và huyền thoại chút nào, khi ta có một chút tuệ giác và tâm nguyện.
Tại sao? Trước hết, ta nhìn nhận đức Phật là một con người như bất cứ con người nào ở trên trái đất nầy, nên những gì mà đời sống con người biểu hiện, thì đối với những loại vật thấp kém không thể nào hiểu nổi, và đối với thế giới loài vật, thì mọi biểu hiện của thế giới con người đối với chúng là không thể nghĩ bàn, là cực kỳ huyền thoại, bí hiểm. Nhưng những hành động biểu hiện giữa con người với con người, chẳng có gì là huyền thoại cả, chúng là một sự kiện biểu hiện tự nhiên.
Cũng vậy, đức Phật Thích-ca xuất hiện giữa thế giới con người với hình thức con người, nhưng lại khác người và siêu việt con người.
Tại sao? Vì con người xuất hiện trong thế giới con người bằng nghiệp lực và bằng quả báo làm người; nên sự xuất hiện ấy hoàn toàn thụ động, không có chủ quyền và tự do, bị trói buộc ở trong sanh, già, bệnh, chết.
Trái lại, đức Phật xuất hiện giữa thế giới loài người bằng hình tướng con người, nhưng không phải bằng nghiệp lực mà bằng nguyện lực, không phải bằng khát ái mà bằng đại từ bi, không phải bằng quả báo sinh tử mà bằng phước báo và với tư cách của một vị Giác ngộ, nên Ngài hoàn toàn có tự do và có chủ quyền khi nhập thai, trú thai và xuất thai.
Ngài nhập thai, trú thai và xuất thai đều là với tư cách của một vị Giác ngộ, không bị ràng buộc bởi những hệ lụy sinh tử, nên khi nhập thai Ngài có vô số Bồ-tát tiễn đưa, nhạc trời ngân lên ca ngợi; khi Ngài ở trong thai, có vô số Bồ-tát vào ra thai tạng để nghe Pháp và luận bàn Chánh pháp và khi Ngài xuất thai, thì có chư Thiên tung hoa và hoa sen đỡ chân, đi bảy bước và có những lời tuyên bố xác quyết tư cách giác ngộ của mình, như:
“Ở trong thế gian
Tôi là tối tôn,
Tôi là tối thắng
Thân nầy của tôi
Là thân cuối cùng
Không còn sinh tử”.
Lời tuyên bố như vậy và phong thái biểu hiện như vậy của Ngài, nếu ta nghe lời ấy bằng tâm Bồ-tát và bằng tâm Phật, thì chẳng có gì khó hiểu. Nếu ta đưa đôi mắt Bồ-tát hay Phật mà nhìn, thì chẳng có gì là khó tin, chẳng có gì là bịa đặt và huyền thoại; nhưng nếu ta đem tâm phàm phu mà nghe, lấy mắt thịt mà nhìn, thì ta chẳng nghe và chẳng thấy cái gì, nên tất cả đều là huyền thoại và bí hiểm.
Khoa học ngày nay đã khám phá ra những điều kỳ lạ, nên việc kinh Hoa Nghiêm nói, khi đức Phật Thích-ca đang ở trong thai mẹ, Ngài đã thuyết pháp cho vô số Bồ-tát khắp cả mười phương, và vô số Bồ-tát khắp cả mười phương đều đến nhập thai mỗi ngày để nghe đức Thích-ca thuyết pháp là điều mà ngày nay với cách nhìn khoa học, ta có thể tin và hiểu được bằng những phương pháp siêu âm, hay bằng những phương pháp sử dụng quang tuyến X, hay những làn sóng điện của truyền hình, truyền thanh, v.v…
Lại nữa, đức Thích-ca đến và nằm ở trong thai mẹ bằng năng lượng của tuệ giác và đại nguyện Từ bi, nên những gì ô nhiễm trong thai mẹ không làm chướng ngại và ô nhiễm được Ngài.
Nằm ở trong thai mẹ mà đức Thích-ca vẫn phóng ánh sáng của năng lượng tuệ giác và đại nguyện để tiếp xúc với năng lượng tuệ giác và đại nguyện từ bi của vô số Bồ-tát khắp cả mười phương. Đồng thời mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, vô số Bồ-tát khắp cả mười phương đều sử dụng ánh sáng bằng năng lượng tuệ giác và đại nguyện từ bi của mình để tiếp xúc với ánh sáng năng lượng tuệ giác và đại nguyện từ bi của đức Thích-ca đang có mặt và hoạt động ở trong mẫu thai là điều mà chúng ta có thể hiểu và thấy được bằng cái nghe và cái thấy, bằng tai mắt khoa học công nghệ ngày nay.
Do đó, việc nhập thai, trụ thai và xuất thai của đức Thích-ca với những hiện tượng kỳ lạ, khó hiểu, khó tin so với sự suy nghĩ và cách nhìn bằng con mắt của con người, lại là những sinh hoạt thực tế trong truyền thống văn hóa, đạo đức, tâm linh của thế giới bản nguyện; ấy là thế giới của những vị Bồ-tát chỉ còn một đời sau cùng thành Phật. Các Ngài đều đã, đang và sẽ nhập thai như vậy; đều đã, đang và sẽ trú thai như vậy và đã, đang và sẽ xuất thai như vậy.
Điều ấy đã, đang và sẽ diễn ra như vậy là như vậy, ta có cảm nhận được thì cảm nhận, ta có tin được thì cứ tin; nếu chưa cảm nhận được, chưa tin được thì để đó, đừng vội vàng bác bỏ, hay đừng vội vàng kết luận. Cũng chỉ là một sự kiện xảy ra, ta phải đứng từ nhiều góc độ để nhìn nhận, và cảm nhận để tin hiểu, ta mới có thể thẩm thấu được bản chất của vấn đề.
Nên, Phật Đản PL.2550 lại trở về với chúng ta, chúng ta lại thực tập hạnh không vội tin và không vội phỉ báng hay kết luận khi thấy những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh chúng ta.
Chúng ta phải thực sự sâu lắng và trầm tĩnh, để chúng ta dâng hiến đức tính ấy lên cúng dường ngày Đản Sanh đức Từ Phụ của chúng ta và muôn loài.
Chú thích:
1. Phật Bản Hạnh Tập Kinh 7, tr.687a, Đại Chánh 3.
2. Kinh đã dẫn, tr.687b
3. Phương Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh 3, tr.553ab, Đại Chánh 3.
TT. Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 26, tr.12, 2006]