Cách đây hơn 2600 năm, Thái Tử Tất- đạt-đa nửa đêm lặng lẽ giã từ cha già, mẹ yếu, vợ đẹp, con xinh, kinh thành Ca-tỳ-la-vệ và thần dân trăm họ để xuất gia tầm Đạo.
Sau khi vượt khỏi dòng sông Anoma rì rào sóng vỗ, Thái Tử tự cắt bỏ râu tóc và mặc y phục sa-môn. Đó là chiếc cà-sa đầu tiên trong Phật Giáo. Bồ-tát Tất- đạt-đa trong giai đoạn xuất gia tu tập đã lượm vải bô chằm vá để tạo thành áo cà-sa mặc che nắng che mưa:
Áo đã mặc nhiều năm rách rã
Lượm vải bô chằm, vá, khiếu, khâu
Khẽ khầm từng miếng kế đâu
Thành Y bá nạp ngõ hầu che thân.(1)
Chiếc cà-sa đó đánh dấu một sự thoát ly vĩ đại: Một Thái Tử tột bực cao sang có tất cả lại giã từ tất cả để đi tìm chơn lý. Đó là một sự thoát xác tận gốc rễ làm lay chuyển ý thức phân biệt giai cấp nặng nề của Ấn Độ - Một Thái Tử đã cởi bỏ hoàng bào của giai cấp Sát Đế Lợi khoác lên mình một mảnh cà-sa không giai cấp. Rồi từ đó, chiếc cà-sa ấy gắn liền với đời sống tu học của Bồ-tát trong 6 năm, chịu đựng bao nhiêu cào xước bởi gai góc của núi rừng khe lạch trên đoạn đường dài tầm thầy học Đạo, nhuốm đượm phong sương bởi thời tiết khắc nghiệt của Ấn Độ nơi đỉnh Tuyết Sơn qua bao ngày đêm miệt mài tu niệm. Chiếc cà-sa ấy đơn sơ nhưng cao quý vì nó che chở cho một hành giả quên thân vì Đạo Pháp, chứa đựng một tâm hồn cao thượng, một ý chí không thối chuyển, một trái tim trải yêu thương đến vạn loài, hun đúc cho Trí Tuệ rạng ngời. Rồi một đêm, đêm thứ 49 dưới gốc cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, chiếc cà-sa ấy đã trở thành huỳnh y rạng rỡ chói sáng bởi Ánh Đạo Vàng giác ngộ vừa phát minh, lung linh ngàn sắc hoa tươi thắm do chư Thiên cúng dường, cà-sa thay sắc màu và Bồ-tát Tất-đạt-đa lên ngôi: Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thành Phật Thích Ca Mâu Ni.
Theo Luật Tứ phần, sau khi Ðức Phật chuyển Pháp luân tại Lộc Uyển (Isipatana – Sarnath), độ năm anh em ông Kiều Trần Như trở thành năm vị đệ tử Tỳ-kheo đầu tiên. Bấy giờ năm tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: “Chúng con nên thọ trì loại y nào?” Đức Phật dạy: “Nên thọ trì y phấn tảo và mười loại y như: câu-xá, kiếp-bối, khâm-bạt-la, sô-ma, xoa-ma, xá-nâu, ma, sí-di-la, câu-nhiếp-la, thẩn-la-bát. Mười loại y như trên nhuộm thành màu sắc ca-sa để thọ trì.”(2)
Phấn tảo y (Pamsukùla) là y được chấp nối bằng những mảnh giẻ rách chủ yếu là do lượm được từ các đống rác, đống phân (midden) hoặc bãi tha ma, là loại “y thuộc một trong những loại sau: vải lấy từ nghĩa địa, từ cửa hàng, từ đường cái, từ hố phân, từ giường trẻ, vải tẩy uế, vải từ chỗ tắm, vải đi về nghĩa địa, vải bị cháy, bị gia súc ăn, bị kiến ăn, bị chuột ăn, vải rách ở biên, rách ở đầu, vải làm cờ, vải bỏ từ điện thờ, y của nhà khổ hạnh, vải từ cuộc lễ, vải do thần thông biến hoá, vải trên xa lộ, vải gió bay, vải do thiên thần bố thí, vải trôi giữa biển, lấy một trong những thứ vải này vị ấy nên xé bỏ những mảnh rách nát, giặt sạch những mảnh lành lặn để làm thành một cái y.”(3)
Nhuộm y thành màu ca sa là như thế nào? Cà-sa (kàsàya) là những loại vải đã không còn giữ được màu sắc chính, đã được nhuộm bằng nước do các vỏ cây giã ra, đặc biệt là từ gỗ và vỏ cây mít băm vụn và đun trong nồi. Những tấm vải này có màu vàng nâu nên được gọi là hạt sắc y hay hoại sắc y.
Câu chuyện về những kỳ tích của vị danh y Kỳ-bà (Jivaka), ngự y của vua Bình Sa Vương (Bimbisara) và sau này là bác sĩ riêng để chăm sóc đức Thế Tôn, đã cho chúng ta biết ai là người đầu tiên cúng dường Y đến Thế Tôn và Ngài bắt đầu cho phép Tỳ-kheo nhận vải và Y cúng dường từ lúc nào:
Khi vua Ba-la-thù-đề (Pajjota) của xứ Úy-thiền (Ujjeni) được danh y Kỳ-bà chữa khỏi một cơn bệnh ngặt nghèo, vua đền ơn vị danh y này với một tặng phẩm là một chiếc y vô cùng quý giá, trị giá bằng phân nửa nước Úy Thiền.
“Một hôm, Kỳ-bà Đồng tử mang chiếc y quý giá đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn:
“Con trị bệnh cho Quốc vương, trị bệnh cho Đại thần, hoặc được một quốc độ, hoặc được một tụ lạc. Cúi xin đức Thế Tôn cho một ước nguyện.”
Đức Phật dạy:
“Ta không hề cho ai ước nguyện mà vượt quá điều nguyện.”
Kỳ-bà Đồng tử lại thưa:
“Con xin một ước nguyện thanh tịnh.”
Đức Phật dạy:
“Nguyện thanh tịnh ấy là gì?”
Kỳ-bà Đồng tử thưa:
“Chiếc y quý giá này, con nhận được từ Vua Ba-la-thù-đề, giá trị bằng phân nửa nước. Cúi xin đức Thế Tôn ai mẫn, vì con nạp thọ. Từ nay về sau, nguyện đức Thế Tôn cho phép các tỳ-kheo nào muốn khoác y của đàn-việt cúng, hay y phấn tảo, thì tùy ý được mặc.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn chấp thuận bằng cách im lặng. Kỳ-bà Đồng tử được đức Thế Tôn chấp thuận, liền đem bình nước rửa bằng vàng rửa tay đức Phật, rồi đem chiếc y rất quý giá dâng lên Ngài. Đức Phật vì lòng từ mẫn nên vì ông mà nhận. Kỳ-bà Đồng tử đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì Kỳ-bà Đồng tử nói các bài pháp, khiến sanh hoan hỷ, rồi Kỳ-bà Đồng tử lễ Phật cáo lui.
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, vì các tỳ-kheo, mà tùy thuận nói pháp, ngài dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà, nhiếp trì oai nghi, thiểu dục tri túc, có trí tuệ, ưa nếp sống xuất ly. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Tất cả các loại y quý giá, y nầy là bậc nhất. Như bò cho ra sữa, trong sữa cho ra lạc, trong lạc cho ra tô, trong tô cho ra thục tô, trong thục tô cho ra đề hồ là tinh chất đệ nhất. Y nầy cũng như vậy, trong tất cả các loại y nó là đệ nhất. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo tùy ý khoác y của đàn-việt dâng cúng, hay y phấn tảo.”(4)
Sau này, mặc Phấn tảo y (pamsukùla) là hạnh đầu tiên trong 13 hạnh Đầu Đà (Dhutanga-niddesa) được tôn trọng gìn giữ một cách tự nguyện bởi một số vị Đại Đệ Tử của Đức Phật, đặc biệt là Tôn giả Ma-ha Ca-diếp (Mahà Kassapa), người duy nhất trong Pháp Hội Linh Sơn thấu đạt ý nghĩa “niêm hoa vi tiếu” và được Phật truyền tâm ấn, vị chủ xướng triệu tập và chủ tọa Kỳ Kiết Tập Kinh Điển lần thứ nhất tại hang Thất Diệp (Saptaparna), trong núi Tỳ-bà-la (Vebhara) gần thành Vương xá (Ràjagaha) ba tháng sau khi Thế Tôn nhập diệt, và là Tổ Sư đầu tiên trong số 28 vị Tổ Tây Thiên (Ấn Độ).
Hạnh phấn tảo y: được thọ trì bằng cách thốt lên một trong hai lời nguyện này: “Tôi từ chối những y do gia chủ cúng” hoặc “tôi nguyện giữ khổ hạnh phẩn tảo y”.
Quần chúng hay tin Đức Thế Tôn cho phép Tỳ-kheo được mặc y áo cúng dường rất đỗi vui mừng mang vải và y đến cúng dường rất nhiều đến nỗi có nhiều vị Tỳ-kheo mang y không xuể.
“Bấy giờ, đức Thế Tôn ở nơi tịnh xứ tư duy, tâm tự nghĩ: “Các tỳ-kheo trên đường đi quảy theo nhiều y. Có vị đội y trên đầu. Có vị vắt nơi vai. Hoặc có vị quấn nơi thắt lưng.” Sau khi thấy, suy nghĩ như vầy: “Ta hãy chế định cho các tỳ-kheo số lượng y nhiều ít thế nào, chứ không được chứa nhiều quá.”
Hôm đó, đức Thế Tôn ngồi nơi đất trống. Đầu đêm khoác một chiếc y, đến nửa đêm cảm thấy lạnh. Khoác chiếc y thứ hai, đến cuối đêm vẫn cảm thấy lạnh, mặc chiếc y thứ ba. Bấy giờ, đức Thế Tôn mới nghĩ như vầy: “Đời sau, người thiện nam không chịu đựng được sức lạnh, thì nên cho phép chứa đầy đủ ba y. Ta nên cho phép các tỳ-kheo chứa ba y, không được quá.”
Sáng hôm sau, đức Thế Tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo ra giới luật: “Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo chứa ba y, nếu quá, không được chứa.”(5)
Nhưng một khi Tỳ-kheo được nhận vải hoặc y từ các đàn việt cúng dường thì cần phải có một kiểu mẫu thống nhất cho Y Phục Tỳ-kheo vì Tăng chúng là thanh tịnh hòa hợp. Câu chuyện sau đây giới thiệu Tôn giả Anan là “nhà tạo mẫu” áo cà-sa theo sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn:
“Một lần nọ Đức Phật cùng tôn giả Anan đang đi trên đồi ngó xuống dưới chân đồi thấy có nhiều thửa ruộng, Đức Phật hỏi Tôn giả Anan rằng: “Này Anan, con có thể làm cà-sa hình như những thửa ruộng này không?”. Tôn giả Anan bạch Phật rằng: “Dạ, để con làm thử xem sao”. Cách vài hôm sau, Tôn giả Anan lấy vải cắt nối miếng vuông miếng dài may.
Nói đến Ðại đức Ananđa, chúng ta không thể bỏ qua đức tính thông minh và óc thẩm mỹ. Chính nhờ những nét độc đáo này mà Ðại đức đã trở thành một cộng sự viên đắc lực của Ðức Phật. Ðiển hình là việc sáng chế giáo phục. Câu chuyện như vầy:
Một lần nọ, Ðại đức theo Ðức Phật qua tỉnh Ðắc-khi-na-ghi-ri. Ðức Phật nhìn thấy thửa ruộng của nông dân xứ Magatha vuông dài, bốn cạnh bằng nhau, lại thêm có những đường nhỏ thông ngang dọc trông thật đẹp mắt, bèn hỏi Ðại đức Ananđa:
- Này Ananđa, ngươi có thể chế biến giáo phục cho chư Tăng theo hình thức thửa ruộng này được không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử sẽ cố gắng.
Sau đó, Ðại đức Ananđa đã cắt may được một mẫu y có hình thức như thửa ruộng đệ trình Ðức Phật. Ðức Từ Phụ hoan hỉ chấp thuận và chính thức ban hành giáo phục cho tăng già.
Nhơn tiện, Ðức Phật khen ngợi Ðại đức Ananđa giữa tăng chúng:
Này các tỳ kheo, Ananđa là người thông minh, có óc thẩm mỹ, trí lực bén nhạy, có khả năng hiểu biết toàn diện những điều Như Lai chỉ nói vắn tắt.”(6)
Từ đó mỗi vị Tăng sĩ có Tam Y: một là An Đà Hội, hai là Uất Đa La Tăng, ba là Tăng Già Lê.
Y An Đà Hội: Antarivāsaka (Pàli), Antaravāsaka (Sanskrit): Nội y, Y mặc bên trong. Y An Đà Hội chỉ có 5 điều, cả tấm y gồm mười miếng ráp, cứ một miếng dài, một miếng ngắn theo chiều ngang, đếm theo chiều dọc là năm miếng, theo chiều ngang là hai miếng.
Y Uất Đa La Tăng: Uttarāsaṇgha (Pàli), Uttarasaṃgha (Sanskrit): còn gọi là Tăng Y, y mặc ở giữa. Y này gồm 7 điều, chỉ mặc khi thực hành các việc như thọ trai, giảng kinh, lễ bái, tụng niệm... nên còn gọi là Nhập Chúng Y, hay Phú Tả Kiên Y (y che vai trái). Y này dùng vải cắt thành 21 miếng (2 miếng dài thì 1 miếng ngắn),ráp sao cho đếm theo chiều dọc của tấm y thì có bảy miếng, nên gọi là y bảy điều.
Y Tăng Già Lê: Saṅghāti (Pàli), Saṃghāti (Sanskrit): còn gọi là Đại y, áo cửu điều, y cửu điều, áo tăng già lê, y tăng già tri, y Già Chi. Đây là y đắp ngoài của chư tăng, là Cà-sa 9 đến 25 điều, được may bởi 9 mảnh vải hàng dài, mỗi hàng hai miếng dài một miếng ngắn. Y này chỉ được đắp khi đi đến chốn đông người, đi trì bình, nhập chúng thọ trai, khi lễ tháp, khi nghe kinh, khi lễ cao tăng.
Nạp y chỉ chung bộ gồm 3 Y, Y đắp ngoài là Y Tăng Già Lê, Y đắp gìữa là Y Uất Đa La Tăng và Y mặc trong là Y An Đà Hội.
Tùy theo công việc đang làm mà mỗi vị Tỳ-kheo đều phải mặc Y thích hợp, không nên lơ là sơ sót. Tỳ-kheo nên luôn tự ý thức để giữ gìn cho trọn vẹn cả đời. Điều này cũng không phải dễ dàng vì ngay một người có trí nhớ siêu tuyệt như Ngài Anan mà có lúc cũng đã quên mặc Y thích hợp. Chuyện kể rằng một hôm A-nan-đa đi khất thực quên mặc Y tăng Già Lê, được một đồng đạo nhắc khéo: “Phật đã phê chuẩn bậc xuất gia phải luôn luôn mặc đủ tam Y, khi đi vào làng xóm!” A-nan-đa liền vui vẻ cảm ơn vị đạo hữu ấy, và phân trần rằng: “Bần Tăng chỉ quên thôi, chứ không cố ý bất tuân phép Phật”. Rồi ông đi mặc Y Tăng Già Lê. Kể từ đó, những phép tắc về cách vận y phục cho trang nghiêm của một Tỳ khưu khi ra khỏi tịnh xá, do đức Phật phê chuẩn, đã được ông thi hành từng chi tiết.(7)
Vị “tạo mẫu” có óc thẩm mỹ ấy cũng là người thực hiện thiết kế tài tình. Một lần nọ, đức Bổn Sư ra lệnh cho A-nan-đa trông nom phân phối vải, và may y phục cho các hàng Tăng chúng, A-nan-đa đã thực hiện công việc này một cách tốt đẹp, nên được đức Phật khen ngợi trước Tăng chúng rằng: “A-nan-đa là người khéo léo, ngay cả trong lĩnh vực khâu vá! Một Sa môn đủ đức hạnh là người biết tự khâu vá mảnh y của mình, không để chỉ viềng bung ra, và không bao giờ bị chỉ trích là phí phạm vật dâng cúng của các hàng thiện nam tín nữ.”(8)
Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu tại sao đức Phật chọn mẫu y Phục cho hàng Tu Sĩ xuất gia Phật Giáo có hình thức như thửa ruộng? Thiển nghĩ, sự lựa chọn này có những ý nghĩa nổi bật sau đây:
Thứ nhất, theo cách này sẽ tận dụng và tiết kiệm vải rất nhiều vì có thể gộp các miếng nhỏ lắp ráp lại để thành Y và khi hư miếng nào có thể thay miếng nấy được. Mỗi Phật tử có thể tùy khả năng mà cúng dường những mảnh vải lớn nhỏ đều được lợi ích. Đó cũng là sự đúc kết kinh nghiệm của các hành giả tu lâu năm trong rừng sâu thanh tịnh và tự lo lượm vải chằm khâu may mặc cho mình.
Thứ hai, Tăng là những người xuất gia tu hành thanh tịnh, là Trưởng Tử của Như Lai, là Chúng Trung Tôn. Tăng thừa hành chánh pháp của Như Lai. Hầu hết các Phật tử biết đến Phật, biết đến Pháp cũng nhờ Tăng. Giả sử có những vị thiện tín Phật tử biết đến Pháp trước khi biết đến chùa và gặp Tăng tức là do đọc Kinh sách mà tỏ ngộ những lẽ mầu trong Đạo Pháp thì những sách ấy cũng do bao đời chư Tăng biên soạn, trước tác, gìn giữ, lưu truyền. Phật nhập diệt đã lâu bây giờ chỉ còn hình tượng, thời mạt pháp căn cơ chúng sanh phần nhiều bị lu mờ, nghiệp chướng buộc ràng mà giáo pháp lại cao siêu, huyền diệu, khó hiểu, khó ngộ, nếu không nhờ Tăng biết nương lối nào vào Đạo?
Thứ ba, Y có nhiều điều (nhiều mảnh) cũng như con đường tu tập hướng đến Đạo Quả Vô Thượng Bồ Đề có nhiều thứ lớp giai đoạn. Đức Phật đã trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp hành Bồ-tát Hạnh như chúng ta đã thấy trong Túc Sanh Truyện (Jataka). Mỗi hành giả phải liên tục tích lũy Phước đức, Công Đức, tương tục nhiếp niệm trong chánh pháp. Từ vô thỉ đến nay đã bao nhiêu kiếp rồi ai chẳng gây nhiều lỡ lầm tội lỗi cũng như mảnh đất tâm của chúng ta bỏ hoang vu đã lâu và ngập tràn cỏ dại thì mỗi người hãy liên tục nhổ cỏ và chăm sóc mảnh vườn tâm của mình và phải chờ đợi đủ thời tiết nhân duyên, đúng thời kỳ mới có thể thu hoạch được chứ không thể nôn nóng vội vàng đòi hỏi hưởng hoa thơm quả ngọt ngay được. Cũng vì thế các vị Thượng Tọa, Hòa Thượng thì mặc Đại Y đến 25 điều vì quý Ngài đã tích lũy được nhiều công đức còn những vị Tăng mới thọ giới thì mặc Đại Y 9 điều thôi. Nhìn vào Đại Y mặc trong lúc hành Lễ nơi chánh điện cũng có thể nhận biết được phẩm trật thứ lớp trong Phật Giáo.
Thứ tư, bậc xuất gia tu hành mặc áo nâu sồng hoại sắc cốt để che thân chứ không phải nghiêm sức và thường xuyên quán niệm nơi thân và Y áo đã cắt ái ly gia thoát tục của mình. Tỳ-kheo hoặc là mặc Y chắp vá được từ các mảnh vải rách ở đống rác, đống phân, bãi tha ma, hoặc là thọ nhận mọi loại vải dù là thô xấu cúng dường từ thiện tín rồi nhuộm đi để may mặc cốt sao có Y mặc mà thôi chứ không bận lòng phân biệt tốt xấu. Mỗi lần sờ lên đầu hay nhìn lại Y của mình mỗi vị Tỳ-kheo đều nhớ biết mình là người xuất gia mà lo tinh tấn với Đạo nghiệp nếu giãi đãi là uổng phí đời sống xuất gia, uổng phí của đàn na tín thí.
Thứ năm, mang bộ Y nhiều điều để nhớ nghĩ ơn sâu dày của đàn na tín thí, trong cuộc sống này ai cũng bận rộn lo toan xoay vần với cái ăn cái mặc. Tỳ-kheo được tứ sự cúng dường để thanh thản an tâm lo tu học đó là nhờ công lao khó nhọc biết bao người. Vậy mỗi Tỳ-kheo phải luôn niệm tưởng và làm sao cho xứng đáng với công ơn đó:
“Thân phi nhứt lũ, thường tư chức nữ chi lao, nhựt thực tam xan, mỗi niệm nông phu chi khổ”
(Thân mặc một chiếc áo thường nghĩ về sự cực nhọc của người đan sợi vải, ngày ăn ba bữa luôn nhớ đến nỗi khổ sở của người nông dân).
Y áo cà-sa có nhiều ý nghĩa cao quý như thế. Người mặc Y áo phải làm sao xứng đáng là một vị Tăng tiếp nối gia phong ba đời mười phương chư Phật. Y Bát là bảo vật truyền thừa trong thiền môn. Hình ảnh chư Tổ Sư, chư Tăng phụng hành chánh pháp Như Lai ba y một bát đơn sơ nhưng thanh thoát vân du tự tại hóa độ chúng sanh được mô tả bằng những vần thơ tuyệt đẹp:
“Nhứt bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du.
Kỳ vị sanh tử sự,
Thuyết pháp độ xuân thu.”
“Một bát cơm ngàn nhà,
Một thân vạn dặm xa.
Chỉ vì chuyện sanh tử,
Nói Pháp độ người qua.”
Thật là dung dị và cũng thật là tuyệt diệu! Một bình bát nhờ cơm ngàn nhà để sống, ba bộ Y che thân qua bao độ Xuân Thu, bước chân xuất thế đi qua khắp hang cùng ngõ hẻm cuộc sống, chỉ vì “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”, độ mọi người ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Vẻ đẹp bên ngoài phu du giả tạo như hoa sớm nở chiều tàn có gì bền chắc, hương thơm phấn sáp sẽ nhanh chóng tàn phai, chỉ có vẻ đẹp bên trong mới đáng quý, hương thơm đạo hạnh mới lan tỏa rộng xa và có sức ảnh hưởng tốt đẹp để mọi người hướng đến Chân, Thiện, Mỹ “Hương các loại hoa thơm, Không ngược bay chiều gió, Nhưng hương người đức hạnh, Ngược gió khắp tung bay.”(9)
Ngày nay, các vị Tỳ-kheo Nam Tông vẫn duy trì việc mặc Y tương thích trong mọi thời, mọi sinh hoạt, các Tỳ-kheo Bắc Tông thì tùy theo điều kiện thời tiết và để thuận tiện cho việc di chuyển đi lại sinh hoạt nên lúc ở trong chùa chủ yếu là mặc bồ đồ vạt hò, lúc đi ra đường hoặc đi sinh hoạt thì mặc áo nhật bình, áo thông y, chỉ đặc biệt những lúc tụng kinh, bố tát, thuyết Pháp, đảnh lễ chư Tôn Túc, Trưởng Lão, thọ Quá Đường, tác pháp Yết Ma,…nơi chánh điện tôn nghiêm, đàn tràng thì mới mặc áo tràng và Y mà thôi. Tất cả các loại Y phục Tăng sĩ nêu trên đều là hoại sắc, có màu vàng, đà, xám hay nâu, đều là đơn giản, trang nghiêm, thanh tịnh.
Riêng bản thân tôi Y áo Cà-sa lại gắn liền với kỷ niệm ân tình với Sư Phụ. Thuở sanh tiền Người thường lo may Y Phục cho tôi. Tôi còn nhớ trước khi tôi thọ giới tại Đại giới đàn Ấn Quang tôi đến đảnh lễ xin phép Người khi ấy Người đang đau dưỡng bệnh ở Chùa Giác Uyển chờ nhập vào Bệnh Viện Chợ Rẫy, Người tặng cho tôi mấy xấp vải vàng Người đã thọ nhận những lúc Trai Tăng ở Quá Đường để may y áo với lon sữa và dạy:
“Còn mấy ngày nữa là con sẽ thành Tỳ-kheo, thành Ông Thầy. Hãy làm một Ông Thầy nên thân nên thể. Luôn nhớ giới luật mà hành trì theo. Tui già yếu sống nay chết mai không biết thế nào. Con là người đầu tiên trong chúng điệu lớp sau này thọ giới, hãy tu học làm sao làm gương cho đàn em noi theo và không phụ của đàn na tín thí. Làm một Ông Thầy không nên dáng là hổ thẹn Tông Môn”
Khi tôi đảnh lễ xin ý kiến của Người về nguyện vọng đi du học Ấn Độ của tôi, Người dạy: “Học Tàu, học Ấn, học Tây học gì cũng tốt, ở Việt Nam ở Nga, ở Mỹ cũng được, miễn làm sao còn giữ chiếc áo đó là được rồi.”
Khi tôi ở Ấn Độ, Người vẫn tiếp tục gửi áo qua cho tôi mặc.
Thưa Sư Phụ ! Người đã về cõi Phật nhưng áo cà-sa may từ mảnh vải Người cho, những chiếc áo Thầy chùa do Người may nay con vẫn còn giữ với tất cả tâm tình Người nhắn gửi. Lời dạy bảo ân cần của Người vẫn còn văng vẳng bên tai: “Hãy làm một Ông Thầy nên thân nên thể. Luôn nhớ giới luật mà hành trì theo”, “… ở Việt Nam ở Nga, ở Mỹ cũng được, miễn làm sao còn giữ chiếc áo đó là được rồi” là sự bảo hộ của Người tiếp cho con thêm định lực vững bước trong dòng đời dù có nhiều biến thiên nghịch cảnh, con xin nối tiếp bước đi Phật Tổ, Chư Tôn Đức nối chí Tông Phong và trong hành trang vượt qua dòng sanh tử con luôn mang theo chiếc áo Cà-sa bên mình với tâm niệm:
“Thiện tai giải thoát phục, vô thượng phước điền y, phụng trì Như lai mạng, quảng độ chư chúng sanh” (Lành thay áo giải thoát, áo ruộng phước tối thượng, phụng hành lịnh Như lai, hóa độ cho tất cả)
Chú thích:
1. Nhớ ơn Phật, Nghi thức thọ trì, Hệ Phái Khất Sĩ
2. Tứ Phần Luật, Phần III, Chương VI, Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm, Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng, Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
3. Thanh Tịnh Đạo Luận, Chương II, Bhadantacariya Buddhaghosa, Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải
4. Tứ Phần Luật, sđd, có thể tham chiếu Buddha the Gospel, The Regulations, By Paul Carus, Chicago, The Open Court Publishing Company tại địa chỉ: http://www.buddhistinformation.com/buddha_the_gospel.htm
5. Tứ Phần Luật, Sđd
6. Tình đời, Ý đạo (Cuộc đời Thánh tăng Ananda), Hòa thượng Hộ Giác
7. Theo Mahàvagga 8, 23, Ðại Phẩm Tạng Luật số 8, 23
8. Theo Mahàvagga 8,12, Ðại Phẩm Tạng Luật 8, 12
9. Kinh Pháp Cú, Phẩm Hoa, Thi Kệ số 54
Thích Đồng Trí
[Tập san Pháp Luân - số 16, tr.17, 2005]
LTS. Thầy Đồng Trí là đệ tử của Cố Hòa thượng Thích Đồng Thiện, Vị Đệ Nhất Trụ Trì Tu Viện Nguyên Thiều – Bình Định, nguyên là tăng sinh khóa III của Học Viện Vạn Hạnh. Thầy đã du học Ấn độ hơn 7 năm (1997 – 2004) và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Phật học năm 2003. Đến năm 2004 Thầy được học bổng du học tại Hòa Kỳ. Thầy đang ở tại Chùa Lục Hòa, Boston, Massachusetts. Do vì Chùa cách trường Hạ quá xa mà Phật sự nơi đây lại nhiều, nên Thầy không được dự khóa an cư hàng năm, cũng không tùng Hạ, và ngay cả Bố-tát vào nửa tháng cũng không đi được, chỉ biết “tâm niệm” mà thôi!
Mùa An cư năm nay (PL.2549), Thầy nhìn chiếc y vàng, nhớ về quê hương, về Thầy Tổ… trầm tư về nguồn gốc, cách thức may và ý nghĩa mặc chiếc y… đã cảm xúc viết lên bài Tăng sĩ và chiếc áo Cà-sa để nhắc mình phải giữ bổn phận tu học không chỉ trong mùa An cư này mà cả cuộc đời xuất gia.
Vì dòng cảm xúc tuôn tràn, nên bài viết “Tăng sĩ và chiếc áo ca-sa” khá dài, không thể đăng hết trong khuôn khổ của Tập san có giới hạn. Vì vậy, BBT chỉ xin trích phần bài viết nói về ý nghĩa của Tăng phục giới thiệu đến độc giả. Đồng thời, chúng ta hãy chia sẻ cùng tác giả đang ở trong hoàn cảnh “nhất tăng nhất tự” tại đất khách quê người.
Nay đang mùa An Cư Kiết Hạ, mùa mà chư Tăng Ni thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức và kinh nghiệm nơi giới trường Tu Viện Nguyên Thiều và những giới trường miền Trung tôi đã thấy thì trong mùa hạ Chư Tăng Ni chuyên lo hành trì miên mật, tụng kinh bái sám liên tục đến nỗi “y áo không kịp khô”. Đây cũng là mùa để cho cư sĩ Phật tử có nhiều cơ duyên thân cận học hỏi, cúng dường chư Tăng và gieo nhiều giống lành cho ruộng phước điền. Trong phẩm vật cúng dường cư sĩ dâng cúng chư Tăng trong giờ Quá Đường thường có kèm theo những xấp vải vàng để chư Tăng may y áo. Vậy Y áo Cà sa có nguồn gốc và liên hệ với đời sống tu học và hành Đạo của người Tăng sĩ như thế nào? Nhân dịp này, chúng ta hãy thử tìm hiểu Ý Nghĩa Y Phục của Tăng Sĩ phật Giáo.