Ai đã từng quan tâm đến các nền văn hóa trên thế giới, hẳn sẽ không bỏ qua nền văn hóa Nhật Bản, một đất nước phát triển hiện đại nhưng vẫn giữ được nhiều di sản văn hóa truyền thống với những thắng tích, đình chùa, lễ hội, tín ngưỡng, tập quán, v.v… mang đậm bản sắc dân tộc, dù đã tiếp thu rất nhiều từ quá trình giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đến với văn hóa Nhật Bản, chúng ta không thể không biết Phật giáo. Vì ở đó, nếu tách Phật giáo ra khỏi văn hóa thì không thể có một nền văn hóa Nhật Bản nguyên vẹn được và ngược lại. Phật giáo truyền vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ VI với nhiều tông phái Phật giáo khác nhau, trong đó có thể nói muộn nhất là Thiền tông, thế nhưng tông phái này lại có ảnh hưởng lớn nhất và cho đến ngày nay vị trí đó vẫn còn nguyên vẹn. Với đặc tính ưu việt của văn hóa Nhật Bản, những gì tiếp thu được đều chuyển hóa thành của riêng mình và Thiền tông cũng không ngoại lệ. Một trong những cái đáng chú ý nhất đó là tín ngưỡng về búp bê Daruma – một biểu tượng của sự may mắn, là nhu cầu không thể thiếu của người Nhật trong mỗi dịp đầu năm mới. Nó nổi tiếng hơn cả ninja, kabuki, karate, judo, v.v…
Daruma (ダルマ) là phát âm của tiếng Nhật từ chữ Dharma tiếng Phạn; phiên âm tiếng Hán là Đạt-ma (達磨). Dharma được đề cập ở đây là gọi giản lược của từ Bodhidharma (Bồ-đề Đạt-ma), tên vị tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và sơ tổ Thiền tông Trung Hoa. Vào khoảng năm 520, ngài đến Quảng Châu được vua Lương Võ Đế mời vào cung Kim Lăng giảng đạo, nhưng không ai lãnh hội được. Sau 19 ngày thuyết pháp không thành, ngài rời cung Kim Lăng, vượt sông Dương Tử đến Lạc Dương, nước Ngụy, triều vua Hiếu Minh Đế, lên chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, quay mặt vào vách núi tọa thiền, im lặng không nói lời nào đến chín năm thì có người thừa kế.
Từ sự tích đó, sau khi Thiền tông trải qua giai đoạn phát triển cực thịnh tại Trung Hoa và nở hoa rực rỡ ở Nhật Bản đã được người đời tôn thờ và khắc họa với nhiều tư thế khác nhau.
Thiền tông được truyền đến Nhật Bản từ thế kỷ thứ XII, nhưng con búp bê có nguồn gốc Thiền tông này bắt đầu lịch sử từ chùa Daruma-ji (達磨寺), tại thành phố Takasaki do ngài Shinetsu khai sơn năm 1697. Cứ mỗi dịp Tết đến, ngài Shinetsu vẽ hình đức Đạt-ma tọa thiền và cho phổ biến. Người ta cho đó là sự khởi đầu của búp bê Daruma ở Taksaki. Đến cuối thế kỉ thứ 18, ngài Yamagata Goro đã làm búp bê đầu tiên dựa theo gợi ý từ ngài Togaku và sau đó phủ giấy bồi lên. Thời Minh Trị, khi nghề nuôi tằm thịnh hành, người ta dùng búp bê Daruma để cầu mong cho mùa thu hoạch được nhiều tơ lụa. Ngày nay, búp bê Daruma trở thành nhu cầu không thể thiếu để cầu mong thành công trong kinh doanh.
Búp bê Daruma có hình tròn, rỗng được làm bằng giấy bồi, đáy nặng. Tư thế ngồi kiết già hình hoa sen theo thế ngồi thiền, hai chân bắt chéo lên nhau, hai tay xếp sát vào thân thể và vì thế búp bê Daruma này làm theo dáng người ngồi tham thiền không có chân tay, chi tiết này còn biến tấu hơn cho đến hầu như chỉ còn lại hình đầu người. Mặc chiếc áo màu hoại sắc là màu áo của nhà sư, tức gần như màu đỏ. Một số búp bê ngày nay được sơn những màu khác như vàng cam hay vàng kim, kích thước và chi tiết trên búp bê cũng khác nhau. Trước bụng người ta viết chữ phước (福), cự phước (巨福), phước nhập (福入), v.v… bằng nhũ vàng với nhiều ý nghĩa mong ước khác nhau; mặt có mày, râu, ria, mũi, miệng và hai mắt to tròn trắng, và đặc biệt, những Daruma cầu may thì mắt chỉ toàn tròng trắng mà không vẽ con ngươi.
Qua tiểu sử và hành trạng của Tổ sư Đạt-ma, người ta đã tạo nên búp bê Daruma có hình dáng đặc trưng như thế, với đôi mắt tròn quắc lên, nhìn thẳng về phía trước thể hiện sự quyết tâm và lòng kiên định; thân tròn, đáy nặng tạo sức bật, luôn trở về vị trí đứng thẳng dù có xô ngã về hướng nào. Lấy ý nghĩa từ chín năm diện bích tọa thiền của Tổ sư, biểu trưng sức mạnh nội tại và ý chí mãnh liệt, không bao giờ chịu đầu hàng, ngay cả khi sa cơ thất thế họ vẫn có thể đứng dậy và vươn lên. Người Nhật đã sử dụng chi tiết này một cách linh hoạt và đúng ý nghĩa mặc dù vẫn rất đỗi đời thường.
Thường thì người ta mua búp bê với mục đích giải trí, dùng làm đồ chơi cho trẻ em, nhưng búp bê Daruma có mục đích đặc biệt và ý nghĩa thiêng liêng. Nó được xem như là lá bùa hộ mệnh và được rước về trong những ngày đầu năm mới với quan niệm mang lại may mắn và an lành cho thân chủ.
Mỗi năm một lần, Búp bê Daruma được bán vào dịp tết ở trong chùa hoặc các hội chợ gần chùa. Người ta mua cho cá nhân hoặc công sở với nhiều mục đích khác nhau như cầu thi cử đỗ đạt, đắc cử chức vụ hay làm ăn phát tài, v.v… Búp bê Daruma được bán chỉ có lòng mắt trắng, chưa vẽ con ngươi. Người mua về có thể viết nguyện vọng hay mơ ước của mình lên má và viết tên họ lên cằm; đến khi những mong muốn đã được xác định, hay bắt đầu có quyết định làm việc gì đó trong năm thì lấy bút lông vẽ con ngươi thứ nhất lên lòng trắng mắt của Daruma rồi đặt lên vị trí trang trọng trong công sở, hoặc ngang bàn thờ Phật trong nhà để cầu mong sự thành công. Khi điều ước của họ đã trở thành sự thật thì vẽ tiếp con ngươi thứ hai cho mắt còn lại. Đến cuối năm, nếu búp bê Daruma được mua ở chùa thì đem về chùa, tập trung lại làm nghi thức đốt để bày tỏ thành kính để thần linh biết người đó đã giữ trọn mong ước và đã trở thành hiện thực. Như vậy, một năm cũ chấm dứt và năm mới lại bắt đầu với những mơ ước mới với những búp bê Daruma mua ở lễ hội đầu năm.
Những ngày đầu tháng giêng, có nơi lấy ngày mùng 6 và mùng 7 như ngày truyền thống, thành phố đón xuân bằng hội chợ Daruma, các ngôi chùa Nhật Bản mà đặc biệt là chùa Daruma-ji (達磨寺) và những ngôi chùa khác tại thành phố Takasaki thuộc miền trung nước Nhật có tổ chức hội chợ thu hút người dân từ khắp nơi, cả cá nhân và tập thể đều đến chùa cầu may và mua búp bê Daruma mang về. Giá trung bình từ khoảng 500 yên cho búp bê nhỏ nhất (cao 5 cm) và 1 vạn yên cho búp bê lớn nhất (cao 60 cm).
Phần lớn Daruma được làm tại Takasaki ở tỉnh Gunma, nơi khai sinh búp bê hay nói đúng hơn là lá bùa đặc biệt của người dân xứ Hoa Anh Đào. Mặc dù đã bắt đầu mở cửa giao lưu với các nước phương Tây từ thời Minh Trị (1868-1912) nhưng đất nước này vẫn bảo tồn nguyên vẹn được nền văn hóa truyền thống của mình, nơi mà đi đâu, ở đâu, bạn cũng thấy được bàng bạc trong phong cách, trong sinh hoạt, trong văn hóa, trong ngôn từ… một màu sắc Phật giáo mà người dân xứ này đã hấp thụ được một cách nhuần nhuyễn phù hợp với dân tộc tính của họ được các thế hệ tiếp nối xưa đến nay.
Khải Tuệ
[Tập san Pháp Luân - số 47, tr.72, 2007]