Để hoàn thiện nhân cách sống, ngoài việc rèn luyện đạo đức, mỗi cá nhân còn phải biết thích ứng với những yếu tố xã hội bên ngoài, phải sống, làm việc, hành động theo những nguyên tắc phù hợp thích nghi với thời đại, biết ứng xử nhạy bén giải quyết mọi vấn đề. Như vậy mỗi cá nhân phải biết rèn luyện bản thân và đồng thời thể hiện một nếp sống phù hợp trong từng lĩnh vực khác nhau của đời sống. Được như vậy con đường dẫn đến bến đỗ tâm linh mới không quá xa vời.
Trong mỗi người chúng ta luôn được tiếp nhận hai phần: thể chất và tinh thần. Cha mẹ tạo nên thân ngũ uẩn nầy và ta có được gia đình huyết thống làm bến đỗ. Nhưng ngoài gia đình huyết thống ra, chúng ta sống không thể thiếu gia đình tâm linh. Gia đình tâm linh đây không phải ở đâu xa mà chính ngay nơi tự thân của mỗi người. Để mái nhà tâm linh nầy luôn được trang trí bởi những kỳ hoa, dị thảo, làm đẹp lòng mọi người thì nếp sống đạo đức không thể vắng mặt. Như Hòa thượng Thích Minh Châu đã viết: “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc cho con người, đề cao giá trị con người; một nếp sống trong sạch, thanh tịnh lành mạnh, loại bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp; một nếp sống đi đôi với lạc, không đi đôi với khổ, giải thoát các triền phược, các dục trưởng dưỡng; một nếp sống trong ấy trí tuệ đóng vai trò then chốt, sống hài hòa với thiên nhiên, với con người; một nếp sống vô ngã vị tha”.
Như vậy, một đời sống thánh thiện là một đời sống trong sạch, thanh tịnh, ở đó mọi việc làm đều hướng về chánh pháp, loại trừ những tâm bất thiện, nhiễm ô, không vương vấn các triền phược, hệ lụy… luôn sống tỉnh thức để từng sát-na sống dạt dào ý nghĩa. Và ta cần nuôi dưỡng gia đình tâm linh của mình bằng nếp sống đạo đức. Giá trị đạo đức là cái thiện, nhưng cái thiện thể hiện rất cụ thể dưới mọi hình thức trong một cộng đồng. Chúng ta cần tôn trọng cách con người thể hiện các giá trị đạo đức của họ, có như vậy tâm “bỉ, thử” hơn, thua, được, mất không có vị trí trong tâm thức của chúng ta, dẫn đến đời sống không tham, không sân, không si, tức là ta đã đến bến đỗ, cũng có thể gọi là “hải đảo tự thân”, khi đó tự ta nương tựa lấy ta một cách vững chãi và thảnh thơi.
Như vậy, những yếu tố trình bày trên sẽ đem lại hạnh phúc, an vui cho mỗi chúng ta. Muốn được vậy, hàng ngày cần phải siêng năng trau dồi phẩm hạnh đạo đức theo phương châm “không làm các điều ác, nên làm các việc thiện, tu tập tâm không cho điều ác phát sanh, điều thiện chưa sanh thì nên phát triển để tăng trưởng các thiện pháp.”
Cát Tử
[Tập san Pháp Luân - số 46, tr.50, 2007]